Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Giang mai thời kỳ 2: Triệu chứng, các phương pháp chẩn đoán và hướng điều trị

Ngày 24/10/2024
Kích thước chữ

Giang mai là bệnh lý nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn Treponema pallidum. Trong đó, giang mai thời kỳ 2 là một giai đoạn của bệnh, xảy ra khi vi khuẩn đã bắt đầu xâm nhập và làm tổn thương đa cơ quan. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, giang mai giai đoạn 2 có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vậy bạn hiểu gì về thời kỳ 2 của bệnh giang mai? Giang mai thời kỳ 2 có thực sự nguy hiểm? Theo dõi ngay bài viết sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu để có được lời giải đáp chi tiết bạn nhé.

Giang mai thời kỳ 2 là gì?

Giang mai thời kỳ 2 là một giai đoạn trong tiến trình phát triển bệnh giang mai. Khi giang mai thời kỳ 1 không được điều trị sẽ nhanh chóng chuyển sang thời kỳ 2.

Thời kỳ 2 của bệnh giang mai thường diễn ra sau khoảng 6 - 12 ngày kể từ thời điểm xuất hiện các săng giang mai. Lúc này, vi khuẩn lan rộng trong cơ thể, gây ra một loạt các triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau.

Tương tự như giang mai thời kỳ 1 hay giai đoạn giang mai nguyên phát, những triệu chứng của bệnh ở thời kỳ này có thể thuyên giảm dần theo thời gian mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể tồn tại trong vài tuần hoặc liên tục tái phát trong khoảng 1 năm.

Giang mai thời kỳ 2: Triệu chứng, các phương pháp chẩn đoán và hướng điều trị 1
Giang mai thời kỳ 2 là gì?

Triệu chứng của giang mai thời kỳ 2

Các triệu chứng điển hình của giang mai thời kỳ 2 có thể kể đến như:

Đào ban

Đào ban hay còn được gọi là phát ban giang mai. Các nốt ban này xuất hiện rải rác khắp người, nhất là ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Tương tự như các săng ở thời kỳ 1, đào ban không gây đau ngứa hoặc khó chịu cho người bệnh.

Các vết ban này có màu đỏ hồng, hình dạng giống như đồng xu. Trong nhiều trường hợp, các nốt ban này xuất hiện mờ nhạt và rất khó để nhận biết rõ ràng. Các nốt ban có thể xuất hiện với nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như:

  • Những nốt nhỏ màu đỏ hồng trên da hoặc có dạng tròn lõm vào.
  • Mụn nước nhỏ có chứa mủ.
  • Miệng xuất hiện những màng nhầy hoặc mảng trắng.
  • Ngoài ra, các nốt ban giang mai cũng có thể xuất hiện dưới dạng vết loét. Vị trí xuất hiện thường là trên niêm mạc miệng, âm đạo hoặc hậu môn của người bệnh.
Giang mai thời kỳ 2: Triệu chứng, các phương pháp chẩn đoán và hướng điều trị 2
Nổi đào ban là một trong những triệu chứng điển hình của giang mai thời kỳ 2

Viêm hạch lan tỏa

Sưng hạch bạch huyết là triệu chứng điển hình của giang mai thời kỳ 2. Khi nhiễm giang mai, cơ thể người bệnh sẽ sản sinh tế bào miễn dịch để chống lại xoắn khuẩn. Sự tăng lên quá mức của các tế bào miễn dịch sẽ dẫn đến tình trạng hạch bạch huyết sưng to.

Hạch thường xuất hiện ở những vị trí như nách, cổ và khuỷu tay của người bệnh giang mai. Các hạch này có thể khiến người bệnh bị đau hoặc không đau. Khi bệnh tiến triển nặng, hạch sưng nhiều hơn ở các vị trí khác nhau dẫn đến tình trạng viêm hạch lan tỏa.

Giang mai thời kỳ 2: Triệu chứng, các phương pháp chẩn đoán và hướng điều trị 3
Người bệnh giang mai thời kỳ 2 sẽ phải đối mặt với tình trạng viêm hạch lan tỏa

Một số triệu chứng khác

Bên cạnh 2 triệu chứng điển hình là nổi đào ban và viêm hạch lan tỏa, người bệnh giang mai thời kỳ 2 còn có thể bị mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, đau nhức đầu, đau cơ và khớp. Chưa kể, người bệnh giang mai thời kỳ này còn có thể cảm thấy chán ăn, sụt cân và rụng tóc từng mảng…

Chẩn đoán và điều trị giang mai thời kỳ 2

Theo các chuyên gia, bệnh giang mai cần được điều trị càng sớm càng tốt. Đây là cách tốt nhất để phòng ngừa giang mai thời kỳ 2 tiến triển sang các thời kỳ tiếp theo. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ bệnh giang mai, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để thăm khám.

Về chẩn đoán

Để chẩn đoán giang mai thời kỳ 2, bên cạnh việc thăm khám các triệu chứng trên lâm sàng và khai thác tiền sử mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng để khẳng định chẩn đoán, chẳng hạn như:

  • Soi tìm xoắn khuẩn giang mai trên kính hiển vi nền đen: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm từ những vết loét giang mai nếu có sau đó mang đi soi dưới kính hiển vi để tìm kiếm tác nhân gây bệnh giang mai.
  • Xét nghiệm huyết thanh học bao gồm xét nghiệm tìm kháng thể giang mai không đặc hiệu bao gồm VDRL và RPR, xét nghiệm tìm kháng thể giang mai đặc hiệu bao gồm TPHA/TPPA, FTA-abs, Syphilis test nhanh và Syphilis TP.

Về điều trị

Giang mai thời kỳ 2 nếu được điều trị đúng hướng, bệnh có thể được chữa khỏi và các triệu chứng của bệnh cũng sẽ giảm dần theo thời gian.

Các chuyên gia cho biết, việc điều trị giang mai thời kỳ 2 chủ yếu là sử dụng kháng sinh Penicillin. Trong trường hợp dị ứng với Penicillin, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng loại kháng sinh khác để thay thế, chẳng hạn như Tetracycline hoặc Doxycycline.

Trong quá trình điều trị với kháng sinh Penicillin, người bệnh giang mai có thể gặp phải phản ứng Jarisch-herxheimer. Đây là phản ứng sốt cấp tính, xảy ra trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm sử dụng liều đầu tiên. Phản ứng này thường đi kèm với các triệu chứng như đau đầu, đau mỏi cơ, sốt, ớn lạnh, phát ban, nhịp tim nhanh, buồn nôn…

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể giúp loại bỏ xoắn khuẩn giang mai và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh song các tổn thương do giang mai gây ra trước đó như tổn thương nội tạng hoặc sẹo có thể không hồi phục được hoàn toàn. Chính vì thế, việc phát hiện bệnh và điều trị bệnh sớm là vô cùng quan trọng nhằm giảm thiểu tổn thương lâu dài.

Giang mai thời kỳ 2: Triệu chứng, các phương pháp chẩn đoán và hướng điều trị 4
Điều trị giang mai thời kỳ 2 chủ yếu là điều trị bằng thuốc kháng sinh Penicillin

Khi điều trị bệnh giang mai, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Tuân thủ theo đúng y lệnh của bác sĩ về việc sử dụng thuốc cụ thể về loại thuốc, liều lượng sử dụng, đường dùng và thời gian sử dụng thuốc. Tuyệt đối không tự ý dừng thuốc hoặc tăng giảm liều thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
  • Tránh quan hệ tình dục trong suốt thời gian điều trị, tránh cả những hoạt động tình dục đường miệng.
  • Để tránh tình trạng vi khuẩn từ dịch tiết bám vào da và những vật dụng sinh hoạt, người bệnh nên ưu tiên điều trị nội trú.
  • Thông báo cho người thân và bạn tình về tình trạng bệnh để họ có thể kịp thời làm xét nghiệm giang mai và điều trị sớm. Nguyên nhân là do bệnh giang mai không chỉ lây qua đường tình dục mà còn có nguy cơ lây qua tiếp xúc vật lý.
  • Thông báo cho bác sĩ về những dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị để bác sĩ nắm được từ đó điều chỉnh phác đồ điều trị sao cho phù hợp và hiệu quả hơn.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh giang mai thời kỳ 2 mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, với những chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ có cái nhìn rõ hơn về bệnh giang mai ở thời kỳ này đồng thời nắm được các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán cũng như hướng điều trị bệnh giang mai thời kỳ 2. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến chủ đề hôm nay, hãy để lại bình luận phía dưới để được chuyên gia giải đáp bạn nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin