Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Gợi ý một số cách giải tỏa cơn giận và làm chủ bản thân

Ngày 31/08/2024
Kích thước chữ

Cơn giận dữ có thể làm bạn mất kiểm soát cả về hành động và lời nói, gây tổn hại đến bản thân và những người xung quanh. Nếu bạn muốn duy trì các mối quan hệ lành mạnh và cải thiện tâm trạng và chất lượng sống, hãy tìm hiểu về một số cách giải toả cơn giận trong bài viết dưới đây!

Mỗi người sẽ có những cách xử lý và lựa chọn khác nhau khi đối mặt với cơn nóng giận. Một số người có khả năng kiểm soát tốt khi gặp điều không hài lòng, trong khi đó, nhiều người lại dễ phản ứng tiêu cực và bị chi phối bởi cảm xúc. Vậy để tránh rơi vào tình trạng cơn giận kiểm soát lý trí, hãy để bài viết sau đây giới thiệu cho bạn các cách giải toả cơn giận.

Tìm hiểu một số thông tin về cơn giận

Vì sao có cảm xúc giận dữ? Tức giận là một trạng thái cảm xúc mạnh mẽ, thường xuất hiện khi một người cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương, hay thất vọng. Nó có thể là phản ứng tự nhiên trước những tình huống gây stress, áp lực, hoặc bất công. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát, cơn tức giận có thể dẫn đến những hành động, lời nói, và quyết định mà sau này người ta có thể hối hận.

tuc-gian-anh-huong-den-ly-tri-goi-y-cho-ban-mot-vai-cach-giai-toa-con-gian 1.jpg
Đừng để cơn giận kiểm soát lý trí của bạn

Việc đánh giá sự tức giận là tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cách chúng ta biểu hiện và xử lý nó. Khi tức giận được thể hiện đúng cách, chúng ta không chỉ giải tỏa được những cảm xúc tiêu cực mà còn có thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Đó là lý do vì sao chúng ta cần một "cẩm nang xử lý cơn giận" để có thể ổn định được cảm xúc bản thân hiệu quả.

Các nhà tâm lý học xã hội và chuyên gia sức khỏe tâm thần nhận thấy rằng tức giận cũng có những khía cạnh tích cực, chẳng hạn như thúc đẩy sự phát triển cá nhân và giúp chúng ta đạt được mục tiêu. Khi cơn giận được trải nghiệm và chấp nhận ở mức độ nhẹ đến trung bình, nó có thể trở thành động lực để chúng ta tiến về phía trước một cách tích cực.

Ảnh hưởng tiêu cực của cơn giận đến cơ thể và tinh thần

Tức giận không chỉ là một cảm xúc tức thời mà còn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tổng thể và tinh thần.

Tác động đến tim mạch: Khi cơn tức giận kéo dài, tim mạch là cơ quan chịu nhiều tổn hại nhất. Nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đau tim và đột quỵ tăng cao đáng kể khi chúng ta tức giận thường xuyên. Theo một nghiên cứu của Harvard, trong vòng hai giờ sau khi cơn giận bùng nổ, khả năng nhồi máu cơ tim và đột quỵ tăng lên nhiều lần so với bình thường.

tuc-gian-anh-huong-den-ly-tri-goi-y-cho-ban-mot-vai-cach-giai-toa-con-gian 2.jpg
Cơn giận có thể tác động tiêu cực đến sức khoẻ con người

Gây hại cho gan: Cơn giận khiến cơ thể tiết ra catecholamine, một chất làm tăng đường huyết và huyết áp. Lúc này, gan phải làm việc nhiều hơn để xử lý các chất hóa học và chất độc trong máu. Sự gia tăng này có thể dẫn đến tình trạng quá tải cho gan, làm tăng nguy cơ tổn thương và suy giảm chức năng gan.

Ảnh hưởng đến não bộ: Khi tức giận, não bộ phải chịu áp lực lớn, lượng máu và oxy đến não bị giảm sút, dẫn đến nguy cơ lão hóa não sớm và tăng khả năng đột quỵ.

Tác động xấu đến dạ dày: Khi bạn tức giận, cơ thể tiết ra các hormon căng thẳng như adrenaline và cortisol. Những hormon này kích thích dạ dày sản xuất nhiều axit hơn bình thường. Đồng thời, trong lúc tức giận, cơ thể tập trung máu và năng lượng để chuẩn bị cho phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy", nên lưu lượng máu đến dạ dày và các cơ quan tiêu hóa bị giảm đi. Vì vậy, nếu việc giận dữ xảy ra thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến dạ dày.

Ảnh hưởng đến phổi: Khi giận dữ, phổi phải hoạt động quá sức do nhịp thở nhanh và mạnh, việc này kéo dài có thể làm giảm chức năng hô hấp và gây ra các vấn đề liên quan đến phổi.

Suy giảm hệ miễn dịch: Khi bạn tức giận, cơ thể sẽ tiết ra các hormon căng thẳng như cortisol và adrenaline. Cortisol, mặc dù cần thiết trong các tình huống ngắn hạn, nhưng khi được sản xuất liên tục hoặc ở mức độ cao, có thể ức chế hoạt động của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch bị suy yếu, cơ thể dễ dàng bị tấn công bởi các loại bệnh tật, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể.

Ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần: Tức giận thường xuyên làm tinh thần trở nên bất ổn, dễ dẫn đến xung đột và sứt mẻ các mối quan hệ. Điều này không chỉ gây mất ngủ mà còn có thể dẫn đến cảm giác kiệt quệ và khó chịu dai dẳng. Hậu quả là cơ thể và tinh thần dễ dàng bị lão hóa sớm, làm tăng tốc độ lão hóa chung của cơ thể.

Gợi ý cho bạn một số cách giải toả cơn giận

Hít thở sâu trong 10 giây

Khi tức giận, bạn thường có xu hướng thở nhanh và dồn dập hơn bình thường. Điều này có thể dẫn đến những hành động bốc đồng mà không có thời gian suy xét, gây ra hậu quả khó lường.

Một trong những cách đơn giản nhất để xử lý tình huống này là khi bạn cảm thấy tức giận, hãy hít một hơi thật sâu một cách chậm rãi và giữ hơi trong khoảng 4 giây, sau đó thở mạnh ra trong 6 giây. Việc thực hiện bài tập thở này là một phương pháp hiệu quả để giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh.

Suy trước khi nói

Tức giận có thể khiến bạn khó kiểm soát lời nói và hành động của mình. Do đó, cách giải tỏa cơn giận đó là giữ im lặng, không phản ứng và bạn có thể bỏ đi để giúp bạn thấy bình tĩnh hơn.

Đi dạo và vận động

Vận động cơ thể không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe mà còn giúp làm dịu thần kinh và giảm bớt cơn tức giận. Việc đi bộ, đạp xe, hoặc tham gia vào những hoạt động yêu thích có thể giúp bạn suy nghĩ rõ ràng hơn, tạo thời gian để bình tĩnh lại, suy nghĩ và tìm giải pháp xử lý vấn đề một cách tối ưu hơn.

tuc-gian-anh-huong-den-ly-tri-goi-y-cho-ban-mot-vai-cach-giai-toa-con-gian 3.jpg
Đi dạo có thể giúp bạn giải toả cơn giận

Tập đếm số

Đếm số không chỉ dành cho trẻ em mà còn là một cách hiệu quả để kiềm chế cảm xúc nóng giận. Khi cảm thấy giận dữ, hãy dành một chút thời gian để đếm ngược từ 10 đến 1 và sau đó đếm từ 1 đến 10. Việc này giúp bạn tập trung tâm trí, làm chậm nhịp tim, và từ đó làm giảm dần cảm giác giận dữ.

Uống nước

Một trong những phương pháp đơn giản nhất để tự kiểm soát khi cảm thấy tức giận là uống nước. Một cốc nước không chỉ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn mà còn có thể làm giảm những lý do khiến bạn bực bội. Nhờ đó, bạn sẽ bình tĩnh hơn và có khả năng giải quyết vấn đề một cách hòa nhã hơn.

Thiền

Thiền là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để giải tỏa cơn giận và cân bằng cảm xúc. Bằng cách tập trung vào hơi thở hoặc một ý nghĩ tích cực, thiền làm dịu hệ thần kinh, giảm nhịp tim và huyết áp, giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh. Thực hành thiền không chỉ giúp bạn quản lý cơn giận trong khoảnh khắc mà còn xây dựng sự kiên nhẫn và bình tĩnh dài hạn. Điều này làm cho bạn dễ dàng đối phó với những tình huống căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.

Thay đổi lối tư duy và tìm kiếm lời khuyên từ bên ngoài

Chúng ta nên luôn nỗ lực duy trì một quan điểm tích cực và lạc quan về mọi tình huống. Thay vì chú trọng vào những yếu tố gây giận dữ, hãy chuyển sự chú ý của mình sang những điều tích cực và cố gắng nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơn giận thường xuyên, hãy cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ từ một chuyên gia tâm lý hoặc tham gia các buổi hội thảo và khóa học về cách quản lý cảm xúc.

Bài viết trên gợi ý cho bạn một vài cách giải toả cơn giận đơn giản và dễ thực hiện. Trong việc giải tỏa cơn giận, việc áp dụng những phương pháp hiệu quả không chỉ giúp bạn duy trì sự bình tĩnh mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin