Hen suyễn có di truyền không? Phương pháp điều trị hen suyễn hiện nay
Ngày 31/07/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Thường có những lý do hoặc yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ mắc bệnh hen suyễn và các vấn đề về hô hấp. Hen suyễn có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng ít có khả năng xảy ra hơn nếu không có yếu tố nguy cơ nào. Hãy cùng tìm hiểu xem hen suyễn có di truyền không qua bài viết sau.
Hen suyễn là một tình trạng ảnh hưởng đến đường hô hấp mãn tính, có thể xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi. Trong một số trường hợp, các cơn hen suyễn có thể nhẹ nhàng và được kiểm soát tốt bằng thuốc. Đối với những trường hợp khác, các triệu chứng nghiêm trọng hơn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và công việc. Vậy hen suyễn có di truyền không?
Hen suyễn có di truyền không?
Hen suyễn là một căn bệnh phức tạp và mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả yếu tố môi trường và di truyền đều có liên quan. Trẻ em có cha mẹ bị hen suyễn có nguy cơ cao cũng bị hen suyễn. Nếu một trong hai cha hoặc mẹ bị hen suyễn, thì có 25% khả năng con của họ cũng bị hen suyễn. Nếu cả cha và mẹ bạn đều bị hen suyễn, thì nguy cơ này tăng lên 50%.
Ảnh hưởng của gen được làm nổi bật trong nghiên cứu về các cặp song sinh, trong đó phát hiện ra rằng hen suyễn khả năng xảy ra cao hơn ở những người có quan hệ gần về mặt di truyền. Đối với cặp song sinh giống hệt nhau, khả năng cả hai cặp song sinh đều mắc bệnh hen suyễn cao hơn so với cặp song sinh không giống hệt nhau. Nhưng khả năng này là 75% chứ không phải 100% được đảm bảo, điều này nhấn mạnh rằng các yếu tố môi trường cũng đóng một phần vai trò.
Nghiên cứu di truyền đã xác định được nhiều gen hen suyễn hoặc phức hợp gen đóng vai trò quan trọng, bao gồm DPP10, GRPA và SPINK5.
Trong khi hen suyễn là bệnh di truyền, các yếu tố môi trường cũng đóng một vai trò gây nên bệnh. Nghiên cứu về bộ gen đang được tiến hành và cung cấp cái nhìn sâu sắc có giá trị về sự phức tạp của bệnh hen suyễn và các yếu tố liên quan đến sự phát triển của bệnh khác nhau. Những yếu tố môi trường ngoài trời và trong nhà làm tăng khả năng mắc bệnh hen suyễn. Ví dụ, chất lượng không khí kém, ô nhiễm, tiếp xúc với khói thuốc lá, nhiệt độ lạnh và độ ẩm cao đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Nghiên cứu cũng cho thấy sự phối hợp của một số gen với nhau và với môi trường có thể làm tăng khả năng mắc bệnh hen suyễn.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn
Một số yếu tố có thể làm cho bạn có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn, bao gồm :
Người hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc lá thường xuyên.
Thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm không khí, khí và khói hóa chất.
Thay đổi nội tiết tố nữ ở người trong giai đoạn mãn kinh.
Tiền căn gia đình: Trên thực tế, người ta cho rằng 3/5 các trường hợp hen suyễn là do di truyền. Theo báo cáo của CDC, nếu một người có cha mẹ bị hen suyễn, họ có khả năng mắc bệnh hen suyễn cao hơn từ ba đến sáu lần so với không có cha mẹ bị hen suyễn.
Giới tính: Hen suyễn ở trẻ em thường xảy ra ở bé trai nhiều hơn bé gái. Vào khoảng 20 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn giữa nam và nữ là như nhau. Ở độ tuổi 40, phụ nữ mắc bệnh hen suyễn nhiều hơn nam giới.
Phương pháp điều trị hen suyễn hiện nay
Sau khi tìm hiểu hen suyễn có di truyền không, chắc hẳn nhiều người không khỏi thắc mắc rằng hen suyễn có chữa được không? Không có dạng hen suyễn nào, dù là hen suyễn di truyền hay hen suyễn nghề nghiệp do tiếp xúc với khói, bụi hoặc các chất khác thông qua công việc có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, có một số loại thuốc hiệu quả và các biện pháp thay đổi lối sống có thể được sử dụng để kiểm soát và điều trị thành công các triệu chứng của hen suyễn.
Các phương pháp điều trị hen suyễn chủ yếu tập trung vào việc cố gắng làm giảm các triệu chứng và ngăn chặn xảy ra đợt cấp. Thuốc xịt hen suyễn thường được bác sĩ chỉ định nhằm mục đích này. Thuốc xịt cắt cơn được kê đơn để làm điều trị các triệu chứng hen suyễn (cơn hen), trong khi đó thuốc xịt phòng ngừa được sử dụng để ngăn ngừa các triệu chứng xuất hiện. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc xịt phối hợp cả hai tác dụng, được gọi là thuốc xịt kết hợp.
Bác sĩ sẽ tư vấn về cách và thời điểm sử dụng bình xịt và đôi khi thuốc viên được kê đơn, đặc biệt là nếu thuốc xịt không thể giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của bạn.
Ngoài ra, còn có những bước thay đổi lối sống thiết thực mà bạn có thể thực hiện kết hợp với việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, bao gồm:
Tập thể dục thường xuyên.
Ăn uống lành mạnh.
Không hút thuốc.
Giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn
Không thể ngăn ngừa tất cả các trường hợp hen suyễn, tuy nhiên, bạn có thể giúp kiểm soát nguy cơ mắc bệnh mãn tính này trong tương lai bằng cách:
Tránh tiếp xúc với người hút thuốc hoặc bỏ thuốc lá.
Tránh các mối nguy hiểm nghề nghiệp khiến bạn tiếp xúc với hóa chất và khói trong không khí.
Kiểm soát căng thẳng.
Giảm cân, thường xuyên tập thể dục.
Giữ nhà cửa sạch sẽ, môi trường trong sạch.
Tránh các chất gây dị ứng và các tác nhân gây bệnh khác.
Tóm lại, hen suyễn có di truyền không? Hen suyễn có thể di truyền, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Những gen được di truyền là là một yếu tố thúc đẩy, phát triển thành hen suyễn cao hơn khi tương tác với môi trường hay điều kiện thích hợp. Nếu một hoặc cả hai cha mẹ bị hen suyễn, khả năng trẻ mắc hen suyễn sẽ cao hơn, nhưng không đảm bảo rằng trẻ sẽ mắc bệnh.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.