Ho gió là gì? Biểu hiện, phòng ngừa và cách điều trị
Ngày 21/07/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Bệnh ho gió có nhiều tính chất tương tự như các loại ho khác và gây ra nhiều phiền toái khó chịu cho người bệnh như ngứa cổ, buồn nôn, khàn tiếng,… Bệnh ban đầu không nguy hiểm nhưng nếu để lâu không chữa trị sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nên điều trị sớm có thể ngăn ngừa các bệnh viêm đường hô hấp.
Một trong những loại ho thường mắc phải khi thời tiết thay đổi chính là ho gió. Nhưng ho gió là gì, cách nhận biết và điều trị như thế nào thì không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu ho gió là gì để phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Ho gió là gì?
Ho là phản xạ tống dị vật ra ngoài đường thở, có thể kèm theo đờm và chất nhầy nhưng đôi khi ho gió kéo dài mà không có đờm. Tùy theo dấu hiệu khi ho mà tình trạng ho được phân chia thành ho khan, ho gió, ho có đờm,...
Trên thực tế, ho gió không có một định nghĩa cụ thể mà chỉ là tình trạng ho dai dẳng không có đờm hoặc có đờm. Bệnh thường xảy ra khi trời lạnh hoặc thời tiết thay đổi thất thường.
Ho gió không phải là bệnh mà do ảnh hưởng của môi trường, khí hậu bên ngoài. Tuy nhiên, nếu ho lâu ngày không khỏi và không được điều trị ngay sẽ khiến đường hô hấp bị tổn thương, làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là phổi.
Ho gió nếu không được điều trị kịp thời vẫn có thể dẫn đến những biến chứng phức tạp như:
Đau tức ngực, ho dai dẳng, chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu.
Nếu có các triệu chứng dưới đây, người bệnh cần đi đến gặp bác sĩ để thăm khám sớm để có các phương pháp điều trị kịp thời:
Ho kéo dài không dứt, hơn 4 tuần.
Ho khan kèm theo đau ngực, khó thở, mệt mỏi.
Chóng mặt, nhức đầu thường xuyên.
Ho ra máu.
Biện pháp phòng ngừa và điều trị ho gió
Biện pháp bảo vệ từ bên ngoài
Sử dụng các biện pháp tự bảo vệ cơ thể bằng cách tạo lá chắn bảo vệ:
Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ, họng, mũi vào mùa lạnh.
Tắm nước ấm khi trời trở lạnh.
Uống nước ấm và hạn chế ăn, uống thực phẩm lạnh.
Đánh răng, súc miệng, giữ họng sạch sẽ.
Hạn chế đồ ăn dầu mỡ, cay nóng.
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, bổ sung đủ vitamin C từ rau củ quả, trái cây.
Luyện tập thể dục, tập hít thở sâu, không hút thuốc lá, không uống rượu bia để bảo vệ phổi.
Hạn chế tiếp xúc với những người bị ho hoặc cảm lạnh. Trong trường hợp tiếp xúc, hãy đeo khẩu trang và rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc.
Điều trị
Ho rất dễ điều trị nếu được phát hiện từ sớm. Ngày nay có rất nhiều loại thuốc ho phổ biến. Tùy theo độ tuổi và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Các loại thuốc Tây y trị ho chủ yếu là thuốc giảm ho, kháng sinh, kháng khuẩn, tiêu viêm.
Thuốc ho: Có tác dụng ức chế trung tâm ho. Trẻ em, phụ nữ có thai, người bị suy hô hấp, hen suyễn cần hỏi ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.
Thuốc kháng histamin: Được sử dụng cho trường hợp ho dị ứng và có tác dụng làm dịu, chống ho và an thần. Thuốc này không dùng cho người lái xe, phi công, vận hành máy móc và người làm công việc đòi hỏi sự tập trung vì tác dụng phụ gây buồn ngủ.
Thuốc gây tê cục bộ để giảm ho: Gây tê đối với các đầu dây thần kinh kích hoạt phản xạ ho.
Lưu ý: Nên sử dụng thuốc ho theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chẩn đoán và kết luận của bác sĩ chuyên khoa. Để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, không được tự ý tăng, giảm liều lượng của thuốc.
Phòng ngừa và giảm ho gió theo biện pháp dân gian
Nếu chỉ bị ho nhẹ hoặc xuất hiện các dấu hiệu ở giai đoạn đầu, bạn có thể sử dụng các biện pháp dân gian tại nhà như gừng, nghệ, mật ong,… để giảm ho hiệu quả, nhanh chóng và an toàn.
Mật ong ngâm quất: Trẻ em ngậm hoặc pha mật ong ngâm quất với 500ml nước ấm, ngày dùng 3 - 4/lần. Người lớn ngày dùng 3 - 4/lần, nhưng mỗi lần pha với 70ml nước ấm. Tuy nhiên công thức này chống chỉ định với những người bị đau dạ dày, đầy bụng, khó tiêu.
Mật ong và tỏi: Nghiền nát tỏi và trộn với mật ong theo tỷ lệ 1:2. Chưng cách thủy trong 15 - 20 phút với lửa nhỏ. Sau đó chắt lấy nước và để uống dần trong 2 ngày. Uống 3 lần/ngày, mỗi ngày 2 muỗng cà phê.
Lá húng chanh: Chuẩn bị 1 nắm lá húng chanh, rửa sạch rồi cho vào máy xay cùng 5 quả quất (tắc). Sau đó thêm chút đường phèn và hấp cách thủy 20 phút. Ngày dùng 2 lần cho đến khi hết ho thì ngưng.
Lá hẹ: Chuẩn bị 1 nắm lá hẹ tươi, rửa sạch, thái nhỏ, thêm chút đường phèn, hấp cách thủy 20 phút. Ngày dùng 1 lần, liên tục 3 - 5 ngày để cơn ho gió giảm dần.
Lưu ý: Chỉ áp dụng các phương pháp dân gian cho trường hợp ho gió do dị ứng thời tiết, ho mới khởi phát. Nếu ho kéo dài hơn 4 tuần, cần đến bác sĩ để điều trị nhằm tránh làm tổn thương phổi và phế quản.
Hy vọng những kiến thức trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh ho gió là gì và tầm quan trọng của việc điều trị dứt điểm căn bệnh này. Cũng giống như bất kỳ căn bệnh nào, nếu không điều trị dứt điểm hoặc bệnh kéo dài quá lâu có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, bạn cần nắm rõ thông tin về bệnh để chuẩn bị tâm lý, nhận biết sớm các dấu hiệu và đi khám càng sớm càng tốt.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.