Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Hô hàm dưới: Nguyên nhân, tác hại và phương hướng khắc phục

Ngày 25/12/2023
Kích thước chữ

Hô hàm dưới thường được biết đến là hàm móm hoặc khớp cắn ngược. Đây là tình trạng mà răng hàm dưới nhô ra ngoài so với răng hàm trên khi hai hàm răng cắn chặt hay ở trạng thái bình thường. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến cả thẩm mỹ và chức năng của hàm răng. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về đặc điểm của tình trạng này và các phương pháp điều trị phù hợp.

Răng hô hàm dưới không chỉ gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của khuôn mặt mà còn tạo ra những thách thức trong việc ăn nhai, đồng thời có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe răng miệng. Tình trạng này đặt ra một nhu cầu cấp thiết về việc điều trị và chỉnh sửa hàm dưới.

Hô hàm dưới là gì? Dấu hiệu nhận biết

Hô hàm dưới hay răng móm là một tình trạng khớp cắn có cấu tạo bất thường do bị ngược, dẫn đến sự mất cân bằng giữa vòm hàm trên và vòm hàm dưới. Đồng thời, cằm có thể lệch sang phải hoặc trái tùy thuộc vào hướng hàm bị hô.

Răng hô hàm dưới có những đặc điểm dễ dàng nhận biết mà bạn có thể tự phát hiện mà không cần đến nha sĩ. Một trong những đặc điểm nổi bật là vòm hàm dưới che phủ lên vòm hàm trên khi bạn khép miệng. Quan sát từ góc nghiêng, bạn sẽ thấy má bị hóp lại, môi và cằm bị chìa ra phía trước một cách đáng kể. Tình trạng này kéo dài có thể làm mất đi sự hài hòa tự nhiên của khuôn mặt. Người bệnh thường không thể đóng kín hai hàm dù đã cố gắng thả lỏng môi. Điều này gây ra những khó khăn trong việc nhai, nuốt và ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của họ.

Răng hô hàm dưới có những dấu hiệu nhận biết đặc trưng, bao gồm:

  • Hai hàm không đạt tương quan chuẩn, trong đó hàm trên nằm bên trong và bị hàm dưới phủ hoàn toàn.
  • Nhóm răng phía trong có thể tiếp xúc với mặt nhai chuẩn nếu vòm họng trên quá nhỏ so với hàm dưới.
  • Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ, hàm trên và hàm dưới có thể tiếp xúc nhau hoặc không. Trong các trường hợp nặng, khoảng cách giữa hai hàm càng xa khi ở trạng thái bình thường.
  • Phần cằm, mũi, trán không tương quan chuẩn và có thể lệch, gãy ở giữa khuôn mặt. Khi nhìn nghiêng, mũi có thể gãy và cằm nhô ra như mặt lưỡi cày.
  • Đường nối giữa trán, mũi và nằm gãy khúc, có thể không thẳng và bị lệch trái hoặc phải.
Hô hàm dưới: Nguyên nhân, tác hại và phương hướng khắc phục 2
Hô hàm dưới gây mất cân đối cho khuôn mặt

Nguyên nhân dẫn đến hô hàm dưới

Hàm dưới bị hô thường xuất phát từ các nguyên nhân sau.

Nguyên nhân di truyền

Hàm dưới nhô ra thường xuất hiện chủ yếu do yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình của bạn có người đã gặp tình trạng này như ông bà, bố mẹ thì khả năng cao bạn cũng sẽ thừa hưởng di truyền này.

Thói quen xấu

Thói quen như mút tay, ngậm ti giả, đặt lưỡi không đúng vị trí thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và có thể dẫn đến hàm dưới nhô ra. Những thói quen này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xương hàm và hướng mọc của răng, tạo ra sự sai lệch ở khớp cắn. Bên cạnh đó vô tình đưa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, bụi bẩn,... vào miệng, gây ra các bệnh như tay chân miệng, thủy đậu, nhiễm giun sán, đau bụng, tiêu chảy,...

Hô hàm dưới: Nguyên nhân, tác hại và phương hướng khắc phục 3
Mút tay ở trẻ khiến răng hàm dưới bị lệch

Mất răng sớm

Mất răng do yếu tố bẩm sinh hoặc tác động mạnh từ ngoại lực, khi không được khôi phục kịp thời cũng là một nguyên nhân gây hàm dưới nhô ra, phát triển quá mức. Khi mất răng ở hàm trên, diện tích hàm bị thu hẹp, tạo điều kiện cho răng còn lại xô vào nhau, gây ra hiện tượng móm. Tình trạng này càng thể hiện rõ khi mất răng ở hàm trên càng nhiều.

Những hậu quả do hô hàm dưới

Răng hô hàm dưới không chỉ tạo ra ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ và sự mất cân đối của khuôn mặt mà còn gây ra những vấn đề về khả năng ăn nhai và vệ sinh răng miệng. Dưới đây là một số tác động tiêu biểu của tình trạng này:

  • Ảnh hưởng đến thẩm mỹ, cân đối khuôn mặt: Răng hàm dưới chìa ra ngoài trong khi hàm trên nghiêng vào trong, tạo nên sự mất cân đối rõ ràng. Góc cạnh của khuôn mặt trở nên lệch lạc, đặc biệt hiện rõ khi nhìn từ tư thế nghiêng.
  • Ảnh hưởng tới khả năng ăn, nhai: Tình trạng này làm giảm lực tác động của hàm nhai lên thức ăn, khiến hàm phải hoạt động nhiều hơn, gây nhức mỏi. Ngoài ra, khả năng xử lý thức ăn trở nên kém, dẫn đến việc dạ dày phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa. Người bệnh có thể mắc các vấn đề về tiêu hóa như lâu tiêu, đầy bụng khó tiêu,...
  • Ảnh hưởng tới hoạt động vệ sinh răng miệng: Răng mọc không đúng vị trí làm cho việc chải răng trở nên khó khăn, có nhiều khu vực khó làm sạch. Đây môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây sâu răng, hôi miệng, viêm lợi, viêm nha chu và các vấn đề vệ sinh răng miệng khác.

Các phương pháp điều trị khi hàm dưới bị hô

Tùy thuộc vào nguyên nhân của tình trạng hô hàm dưới, có thể là do răng, xương hoặc do cả răng và xương mà bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị sau đây.

Phẫu thuật hô hàm dưới

Trong trường hợp răng vẩu hàm dưới do vấn đề xương, phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật. Quy trình phẫu thuật diễn ra như sau:

  • Bác sĩ sẽ rạch một đường vào lợi ngay sau xương hàm ở cả hai bên của hàm dưới.
  • Cắt một phần của xương hàm dưới và di chuyển nó về phía sau để đảm bảo sự cân đối trong việc khớp cắn giữa hai hàm.
  • Cố định xương hàm ở vị trí chuẩn bằng cách sử dụng đĩa hoặc vít.
  • Cuối cùng, bác sĩ sẽ khâu kín vết thương.
  • Sau khi hoàn thành quá trình điều trị, bạn nên thực hiện tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Điều này giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng của hai hàm sau phẫu thuật và thực hiện biện pháp xử lý kịp thời nếu cần thiết.

Phẫu thuật hô hàm dưới mang lại hiệu quả nhanh chóng, chỉ sau một lần điều trị bạn đã khắc phục hoàn toàn tình trạng trên và có được gương mặt cân đối, hài hòa. Tuy nhiên, để tránh rủi ro trong quá trình phẫu thuật, quan trọng là bạn nên lựa chọn các nha khoa uy tín và tuân thủ đúng lịch trình khám định kỳ.

Hô hàm dưới: Nguyên nhân, tác hại và phương hướng khắc phục 4
Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất khi hô hàm trên do sự phát triển của xương

Dán sứ khắc phục hô hàm dưới

Phương pháp khắc phục tình trạng hô hàm dưới thông qua việc dán sứ đã trở thành lựa chọn phổ biến được nhiều người ưa thích. Quy trình này sử dụng một lớp sứ mỏng có độ dày khoảng 0.2 - 0.5mm được dán cố định bằng keo dán chuyên dụng lên bề mặt sau của răng sau khi chúng đã được mài theo tỷ lệ. Việc sử dụng kỹ thuật này giúp cân bằng hàm, đảm bảo khớp cắn chuẩn và cải thiện hiệu quả khuyết điểm về thẩm mỹ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phương pháp dán sứ chỉ thích hợp với những tình trạng hô hàm dưới ở mức độ nhẹ. Phương pháp này chủ yếu tập trung vào việc điều chỉnh hình dạng và màu sắc của răng, không thể chuyển đổi toàn bộ thân chân răng về vị trí chính xác trên cung hàm. Do đó, đối với những trường hợp phức tạp hơn, cần xem xét và lựa chọn các phương pháp khác phù hợp hơn để đạt được kết quả mong muốn.

Hô hàm dưới: Nguyên nhân, tác hại và phương hướng khắc phục 5
Dán sứ thay đổi diện mạo cho hàm dưới bị hô

Niềng răng hô hàm dưới

Phương pháp niềng răng sẽ sử dụng dây cung, mắc cài, dây thun,... để tạo lực tác động, giúp đưa răng về vị trí mong muốn. Không chỉ cải thiện răng thưa, khấp khểnh mà phương pháp chỉnh nha này còn có thể cải thiện tình trạng hô hàm dưới hiệu quả. Có nhiều loại niềng răng khác nhau như niềng răng mắc cài kim loại, mắc cài sứ, niềng răng mặt trong hay niềng răng trong suốt sẽ phụ thuộc vào tình trạng khớp cắn, nhu cầu và tài chính của từng bệnh nhân.

Hô hàm dưới: Nguyên nhân, tác hại và phương hướng khắc phục 6
Niềng răng là phương pháp phổ biến cho hô hàm dưới

Bài viết trên đây đã chia sẻ về thông tin hô hàm dưới cũng như những hậu quả và phương pháp điều trị cho tình trạng này. Mỗi phương pháp điều trị đều mang lại những ưu và nhược điểm khác nhau, phù hợp với nhu cầu và tình trạng cụ thể của từng người. Để có sự tư vấn chi tiết, hãy liên hệ nha khoa chất lượng và uy tín.

Xem thêm: Bị mất răng toàn hàm phải làm thế nào để khắc phục?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin