Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi có chữa được không?

Ngày 10/09/2023
Kích thước chữ

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là một bệnh nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng và rất khó để phát hiện trong giai đoạn đầu. Vậy cụ thể căn bệnh này có chữa được không? Nó ảnh hưởng ra sao đến sức khoẻ? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề này.

Sức khỏe xương khớp được nhiều người quan tâm và bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là một trong những căn bệnh rất đáng lo ngại. Những ai mắc bệnh thường gặp khó khăn trong di chuyển và gặp nhiều biến chứng nặng nề. Vậy cụ thể cách điều trị và phòng bệnh này ra sao? Bài viết sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là bệnh gì?

Trong hệ cơ xương khớp, khớp háng là một trong những khớp quan trọng nhất, tiếp nối giữa xương chậu và xương đùi. Cấu tạo của khớp háng bao gồm chỏm xương đùi, ổ cối xương chậu, mạch máu nuôi chỏm xương đùi và sụn viền. Khi lượng máu vận chuyển đến nuôi phần trên chỏm xương đùi không đủ trong thời gian dài sẽ khiến cho tế bào xương và tủy xương bị hoại tử. Tình trạng này chính là hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, hay còn được gọi là hoại tử vô mạch chỏm xương đùi.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi: Căn bệnh rất nguy hiểm 1
Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là tình trạng máu nuôi vùng xương này không đủ gây hoại tử

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi thường gặp ở người có độ tuổi trung niên. Tỷ lệ mắc bệnh này ở nam giới cao hơn nữ giới. Có một số nguyên nhân dẫn đến hoại tử vô khuẩn ở chỏm xương đùi phải kể đến như:

  • Chấn thương: Các chấn thương như trật khớp, gãy cổ xương đùi, gãy vỡ ổ khớp làm đứt các động mạch đến nuôi xương. Từ các chấn thương âm ỉ, không được điều trị dứt điểm sẽ khiến bạn có thể bị hoại tử xương sau khoảng 2 năm.
  • Tắc nghẽn tĩnh mạch, lòng mao mạch: Nếu bạn đang bị viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến thì sẽ có nguy cơ cao bị hoại tử chỏm xương đùi. Đặc biệt nếu bản thân bị bệnh hồng cầu hình lưỡi liềm sẽ gây tắc nghẽn khi di chuyển trong các mạch máu nhỏ, dẫn đến xương không được cung cấp máu đủ.

Ngoài các nguyên nhân này, nhóm đối tượng là nam giới cao tuổi, hay những ai thường lạm dụng rượu bia hoặc mắc một số bệnh mãn tính như lupus ban đỏ, thiếu máu, hạ huyết áp hoặc ung thư sẽ đối diện với nguy cơ bị hoại tử xương rất cao.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi có chữa được không?

Những trường hợp bị hoại tử vô khuẩn ở chỏm xương đùi thường không có dấu hiệu gì đặc biệt ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển hơn, tình trạng đau khớp háng sẽ diễn ra. Các cơn đau thường từ mặt trong vùng bẹn lan xuống mặt ngoài của đùi, thậm chí cơn đau sẽ lan dần tới mông. Ngoài ra nếu bạn thường xuyên phải vận động, đứng lâu, hay ngồi xổm, đi bộ thì các cơn đau nhói ở một bên hoặc cả hai khớp háng sẽ rất rõ rệt.

Biến chứng nặng nề nhất của bệnh hoại tử vô khuẩn khớp háng là gây xẹp xương, khiến xương mất hình dạng trơn nhẵn, có thể dẫn đến viêm khớp nặng thậm chí bị tàn phế. Vậy hoại tử xương có chữa được không? Câu trả lời là có nhưng bệnh rất khó để khôi phục hoàn toàn. Ngay cả khi bạn phát hiện bệnh sớm đi nữa thì tỷ lệ được chữa trị để lành hoàn toàn là không cao bởi hoại tử xương là bệnh vô cùng phức tạp và khó chẩn đoán.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi 0
Đau khớp háng là dấu hiệu của hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

Điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi thế nào?

Như đã đề cập, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là một bệnh lý rất nguy hiểm và có thể để lại nhiều di chứng nguy hại, gây khó khăn trong việc di chuyển hằng ngày. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp:

Dùng thuốc

Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ được chỉ định dùng một số loại thuốc như thuốc kháng viêm không steroid để thuyên giảm cơn đau. Ngoài ra bệnh nhân còn được dùng một số loại thuốc trị loãng xương để làm chậm quá trình phát triển bệnh, thuốc giảm cholesterol để phòng tình trạng tắc nghẽn mạch máu, thuốc giãn mạch hay chống đông máu với những ai bị rối loạn đông máu và làm tăng lưu lượng máu tới xương.

Một khi đã phát hiện mắc bệnh, bạn cần tuân thủ uống thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Sau một thời gian uống thuốc, bác sĩ sẽ chẩn đoán xem bệnh có được kìm hãm tốt hay không để tiếp tục đưa ra giải pháp điều trị thích hợp khác.

Vật lý trị liệu

Bên cạnh dùng thuốc, điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi cần phối hợp với vật lý trị liệu. Bệnh nhân phải nghỉ ngơi hoàn toàn trong giai đoạn đầu chữa trị, hạn chế các hoạt động thể chất, có thể sử dụng nạng trong vài tháng để giảm trọng lượng cơ thể lên khớp và hạn chế quá trình tổn thương lên xương. Một số bài tập chuyên dành cho người bệnh được bác sĩ khuyến khích cho bệnh nhân tập luyện. Ngoài ra biện pháp kích thích điện có thể phát triển xương mới, thay thế xương bị tổn thương.

Phẫu thuật

Phần lớn, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân can thiệp phẫu thuật khi bệnh bị tiến triển nặng. Một số loại phẫu thuật để điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi phải kể đến như:

  • Phẫu thuật giải nén lõi: Bác sĩ loại bỏ một phần lớp xương bên trong để giảm đau, tạo không gian bên trong để kích hoạt sản sinh mô xương khỏe mạnh.
  • Ghép xương: Phương pháp này có thể củng cố vùng xương bị ảnh hưởng và ghép phần xương khỏe mạnh được lấy từ một phần khác của cơ thể.
  • Cắt xương: Cắt xương là biện pháp hoãn việc thay khớp, giảm căng thẳng lên vùng xương bị tổn thương.
  • Thay khớp: Nếu xương đang bị kẹp hoặc đã không còn biện pháp hữu hiệu nào thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thay thế phần xương khớp bị ảnh hưởng bằng khớp nhân tạo.
Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi 3
Một số loại phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu bệnh diễn tiến nặng

Hơn 50% bệnh nhân hoại tử xương phải phẫu thuật trong khoảng 3 năm kể từ khi được chẩn đoán. Tuy nhiên nếu bệnh đã ở giai đoạn nặng, người bệnh lớn hơn 50 tuổi, đã có hơn ⅓ khu vực chịu trọng lượng của xương đã bị hoại tử thì rất khó để khôi phục.

Phòng bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi thế nào?

Chúng ta có thể phòng được bệnh từ những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày. Một số biện pháp như:

  • Hạn chế dùng rượu bia: Nếu thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn, nó sẽ khiến tình trạng tắc nghẽn mạch máu diễn ra nhanh hơn và từ đó gây hoại tử xương. Vậy nên không được lạm dụng rượu bia, tốt nhất hãy uống nước lọc để không gây ảnh hưởng gì cho sức khỏe.
  • Kiểm soát cholesterol trong máu: Việc gia tăng lipid máu có thể làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ, giảm lưu lượng máu tới nuôi xương. Vậy nên bạn cần phải biết kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu bằng cách sử dụng thực phẩm bổ trợ, hạn chế ăn nội tạng động vật, hạn chế sử dụng thực phẩm giàu đường, nhiều dầu mỡ.
  • Sử dụng thuốc cẩn trọng: Nếu chẳng may bạn mắc phải một số bệnh lý và phải điều trị bằng thuốc kháng sinh thì phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Hạn chế sử dụng steroid liều cao để ít gây tổn thương cho xương.
  • Tập luyện thể thao: Không phải cứ lo sợ mắc bệnh về xương là hạn chế vận động. Bản chất của bệnh hoại tử xương là do máu không được cung cấp đủ đến nuôi xương. Tập luyện thể thao vừa sức chính là cách giúp tăng cường tuần hoàn máu và để xương thêm dẻo dai. Ngoài ra đừng quên bổ sung các chất tốt cho xương khớp như hải sản, thực phẩm chức năng, sữa.

Trên đây là những chia sẻ về hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết bạn có thể hiểu hơn về bệnh và có cho bản thân những kiến thức để chăm sóc sức khỏe hệ cơ xương khớp.

Xem thêm: Hoại tử chỏm xương đùi là gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm