Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hoại tử xương có chữa được không?

Ngày 15/09/2023
Kích thước chữ

Hoại tử xương có thể xảy ra với bất kỳ loại xương nào trên cơ thể. Dù vị trí hoại tử xương ở đâu, nó cũng gây đau đớn, giảm khả năng vận động của xương khớp, phá hủy và làm biến dạng xương khớp. Vậy hoại tử xương có chữa được không?

Trên cơ thể mỗi người trưởng thành ước tính có khoảng 206 xương, chiếm 15% tổng trọng lượng cơ thể. Bộ xương có chức năng nâng đỡ cơ thể, đảm bảo hoạt động của từng bộ phận của cơ thể. Mỗi loại xương như một “mắt xích” giúp “cỗ máy” cơ thể có thể vận động linh hoạt và nhịp nhàng. Bất xương nào bị hoại tử cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, hoạt động sống của con người. Điều mà nhiều người muốn biết chính là hoại tử xương có chữa được không?

Hoại tử xương là bệnh gì?

Hoại tử xương hay hoại tử vô mạch là tình trạng nguồn cung cấp máu nuôi đến xương bị mất tạm thời hoặc vĩnh viễn, khiến các tế bào mô xương chết dần. Vì thế, cấu trúc xương thiếu chắc chắn, yếu hơn và dễ gãy từ bên trong. 

Tình trạng hoại tử xảy ra phổ biến nhất ở xương hàm, xương đùi, xương cánh tay, xương khớp hông, xương vai, xương mắt cá chân, xương đầu gối. Người bệnh có thể bị hoại tử một xương hoặc nhiều xương cùng một lúc. Có người lại bị hoại tử nhiều xương ở các thời điểm khác nhau trong đời.

Bệnh hoại tử xương nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể tiến triển nặng. Hậu quả là xương bị suy yếu dễ gãy, đau đớn, mất xương và gây tàn tật suốt đời. Thời gian để hoại tử xương dẫn đến mất xương có thể từ vài tháng đến vài năm. Với các trường hợp được chữa trị, hoại tử xương có thể khiến bề mặt đầu xương bị dẹt, lâu ngày làm biến dạng khớp, thoái hóa khớp.

hoai-tu-xuong-co-chua-duoc-khong-1.jpg
Hậu quả của hoại tử xương vô cùng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời

Dấu hiệu nhận biết hoại tử xương

Trước khi giải đáp thắc mắc hoại tử xương có chữa được không, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu các triệu chứng của tình trạng xương bị hoại tử:

  • Trong vài tuần đến vài tháng sau khi các mạch máu bị tổn thương, tình trạng hoại tử xương không có triệu chứng rõ ràng.
  • Các cơn đau cấp tính có thể ập đến bất ngờ và hầu hết cảm giác đau đều tăng dần theo thời gian.
  • Khi khớp càng xẹp, người bệnh càng đau nhất là khi xương khớp phải chịu lực hay khi vận động. Cảm giác đau có thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi.

Ngoài ra, khi hoại tử các loại xương khác nhau, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau như:

  • Hoại tử chỏm xương đùi người bệnh sẽ thấy đau vùng háng, đau khớp háng. Cảm giác đau lan xuống đùi và lan ra sau mông. Khả năng vận động của khớp bị ảnh hưởng khiến người bệnh gặp khó khăn khi đi lại.
  • Hoại tử xương khớp gối gây đau khớp gối đột ngột mà không có chấn thương trước đó. Cảm giác đau sẽ xuất hiện trước tiên ở mặt trong lồi cầu đùi và mâm chày. Mỗi khi chạm vào, khi vận động hay khi tràn dịch khớp cơn đau sẽ xuất hiện. Người bệnh khó khăn trong việc đi lại.
  • Hoại tử chỏm xương cánh tay bệnh nhân cũng có cảm giác đau nhưng đau nhẹ hơn hoại tử khớp gối và khớp háng. Trường hợp này cũng ít gây tàn tật hơn.
hoai-tu-xuong-co-chua-duoc-khong-2.jpg
Người bệnh muốn biết hoại tử xương có chữa được không?

Nguyên nhân hoại tử xương

Như trên đã nói, tình trạng hoại tử xương xảy ra khi lưu lượng máu đến xương bị giảm hay gián đoạn tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nguồn cung cấp máu bị giảm hoặc gián đoạn do những nguyên nhân như:

  • Chấn thương xương khớp gây trật xương khớp làm ảnh hưởng đến các mạch máu xung quanh.
  • Điều trị ung thư bằng xạ trị cũng có thể gây hại cho mạch máu và làm suy yếu xương.
  • Rối loạn lipid máu làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ và làm giảm lưu lượng máu nuôi đến xương.
  • Sử dụng corticosteroid liều cao cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hoại tử xương vì thuốc này làm tăng lipid máu dẫn đến tắc nghẽn mạch máu.
  • Thói quen uống quá nhiều rượu bia trong thời gian dài cũng có thể làm tắc nghẽn mạch máu và làm tăng nguy cơ hoại tử xương.
  • Sử dụng thuốc tăng mật độ xương như Bisphosphonate trong thời gian dài cũng dẫn đến biến chứng hoại tử xương. Biến chứng này thường gặp ở các bệnh nhân dùng loại thuốc này liều cao để điều trị ung thư vú di căn hay đa u tủy.
  • Người bệnh thực hiện phẫu thuật ghép tạng, nhất là phẫu thuật ghép thận cũng có nguy cơ hoại tử xương cao hơn những người khác.
  • Một số bệnh lý nghiêm trọng khác cũng có thể dẫn đến biến chứng hoại tử xương như: Lupus ban đỏ hệ thống, ung thư, hồng cầu lưỡi liềm, bệnh giảm áp, viêm tụy,…

Hoại tử xương có chữa được không?

Quay trở lại với vấn đề nhiều bệnh nhân quan tâm: Hoại tử xương có chữa được không? Theo các bác sĩ, câu trả lời còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Thời điểm phát hiện và điều trị bệnh, vị trí và mức độ hoại tử, phương pháp điều trị bệnh, sức đề kháng của người bệnh,… Với bệnh hoại tử xương, các bác sĩ có thể chỉ định các hướng điều trị như:

Chữa hoại tử xương bằng phẫu thuật

Hoại tử xương ở các vị trí nguy hiểm như chỏm xương đùi cần điều trị bằng phẫu thuật mới có hiệu quả. Phương pháp giải chèn ép lõi được áp dụng phổ biến vì vừa giúp vùng tổn thương liền lại, vừa không gây phá hủy khớp. Kỹ thuật này chú trong vào khả năng tự sửa chữa là lành xương nên ít gây biến chứng. Các phẫu thuật khác phức tạp hơn là cắt đầu gần xương đùi, ghép xương, thay khớp háng,…

Ngoài ra, phương pháp dùng tủy tự thân để tiêm vào vùng hoại tử cũng là một cách điều trị hoại tử xương khớp nhiều hứa hẹn.

hoai-tu-xuong-co-chua-duoc-khong-4.jpg
Phẫu thuật chữa hoại tử xương mức độ nghiêm trọng

Chữa hoại tử xương không cần phẫu thuật

Trong trường hợp hoại tử xương xảy ra ở phạm vi nhỏ, mức độ nhẹ, không triệu chứng hoặc hoại tử xương xảy ra ở khớp gối, người bệnh có thể chữa trị mà không cần phẫu thuật. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng các loại thuốc giảm đau, thuốc chữa loãng xương hoặc vật lý trị liệu bằng sóng âm hay trường điện từ. Cùng với đó là chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp người bệnh phục hồi dần.

Có đến 80% trường hợp tổn thương nhỏ, không gây triệu chứng có thể tự lành nếu phát hiện sớm. Ngược lại, các tổn thương lớn do hoại tử xương dù có triệu chứng hay không nếu không được điều trị sẽ có tiên lượng xấu. Vì vậy, hoại tử xương cần được thăm khám sớm, điều trị kịp thời để bảo tồn được xương, khớp và ngăn không cho bệnh tiến triển.

Hệ xương khớp đóng một vai trò vô cùng quan trọng, vừa nâng đỡ cơ thể, vừa đảm bảo chức năng vận động, vừa bảo vệ các cơ quan bên trong. Hoại tử xương nhẹ có thể chữa lành nhưng hoại tử xương ở mức độ nghiêm trọng có thể gây tàn phế suốt đời. Hoại tử xương có chữa được không phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hiện và điều trị bệnh. Vì thế, ngay khi có những triệu chứng đầu tiên, người bệnh nên đi khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin