Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hơi thở có mùi hôi từ dạ dày: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày 15/09/2023
Kích thước chữ

Tình trạng hôi miệng không chỉ là do vệ sinh răng miệng kém mà còn có thể từ dạ dày của bạn. Việc nắm rõ nguyên nhân có thể giúp bạn tìm cách khắc phục tình trạng hơi thở có mùi hôi từ dạ dày phù hợp.

Hơi thở có mùi hôi từ dạ dày là tình trạng phổ biến gây ra nhiều bất tiện, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy nguyên nhân gây ra hiện tượng này là gì và cách khắc phục ra sao? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây để tìm lời giải đáp xoay quanh vấn đề hôi miệng từ dạ dày này nhé!

Tình trạng hôi miệng từ dạ dày là gì?

Hơi thở có mùi hôi từ dạ dày là tình trạng hôi miệng bắt nguồn từ các vấn đề có liên quan đến dạ dày. Chẳng hạn như khi bị trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày hoặc hở van dạ dày… sẽ khiến mùi thức ăn đang tiêu hóa trong dạ dày sẽ bốc lên khoang miệng. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng hôi miệng dạ dày khó chịu.

Hơi thở có mùi hôi từ dạ dày: Nguyên nhân và cách khắc phục 1
Hơi thở có mùi hôi từ dạ dày có thể gây mất tự tin trong giao tiếp

Tình trạng hôi miệng từ dạ dày không gây nguy hiểm, nhưng đôi khi lại là khởi nguồn của những rắc rối và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Điển hình là gây mất tự tin khi giao tiếp, làm việc. Ngoài ra, tình trạng hôi miệng này cũng sẽ tác động xấu đến quá trình ăn uống, khiến người bệnh ăn uống không ngon miệng làm chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng đáng kể.

Nguyên nhân khiến hơi thở có mùi hôi từ dạ dày

Có nhiều lý do gây ra tình trạng hơi thở có mùi hôi từ dạ dày khác nhau. Chẳng hạn như do thói quen sinh hoạt hàng ngày hoặc do các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Một số nguyên nhân phổ biến như:

Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng từ dạ dày. Khi bị bệnh này, người bệnh sẽ có thể gặp tình trạng ợ hơi, ợ chua và trào ngược khi ăn phải những thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn, vi sinh vật. Hiện tượng này sẽ làm cho vi sinh vật và vi khuẩn lên khoang miệng, tạo ra mùi khó chịu.

Hơi thở có mùi hôi từ dạ dày: Nguyên nhân và cách khắc phục 2
Trào ngược dạ dày thực quản khiến hơi thở có mùi hôi

Người bị trào ngược dạ dày có thể khiến axit từ dịch vị dạ dày lên khoang miệng trong quá trình tiêu hóa. Điều này không chỉ khiến khoang miệng có mùi hôi khó chịu mà còn khiến men răng dễ bị tổn thương do axit.

Tắc nghẽn đường ruột

Hội chứng tắc đường ruột sẽ ngăn cản sự di chuyển bình thường của các thực phẩm tiêu hóa, khiến chúng bị tích tụ lại và gây bít tắc, không thể đào thải ra ngoài. Bên cạnh đó, do phần lớn những thức ăn khi được tiêu sẽ chuyển sang dạng phân và chất thải. Vì vậy, khi chúng bị tắc nghẽn trong ruột sẽ gây mùi hôi khó chịu và lưu lại trong hơi thở của người bệnh.

Nôn ói quá nhiều

Một nguyên nhân khác gây ra hôi miệng có thể do nôn ói quá nhiều, đặc biệt là đối với trường hợp thai nghén và ngộ độc thực phẩm. Khi nôn ói, lượng thức ăn thừa cùng với axit và dịch vị dạ dày sẽ thoát ra ngoài thông qua đường họng. Tuy nhiên, những chất này sẽ không được đào thải hoàn toàn mà vẫn sẽ đọng lại trong cuống họng, miệng... gây ra mùi hôi khó chịu.

Chế độ ăn uống kém lành mạnh

Hôi miệng dạ dày cũng có thể do chế độ ăn uống không lành mạnh. Việc tiêu thụ những loại thức ăn có chứa nhiều gia vị, cay nóng, trái cây chua, đồ uống quá ngọt và có ga... sẽ khiến dạ dày bị kích thích và tạo ra mùi khó chịu trong hơi thở.

Hơi thở có mùi hôi từ dạ dày: Nguyên nhân và cách khắc phục 4
Chế độ ăn uống kém lành mạnh có thể gây hôi miệng từ dạ dày

Cách điều trị tình trạng hôi miệng từ dạ dày

Tình trạng hơi thở có mùi có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và cần được điều trị sớm. Đối với hiện tượng hôi miệng từ dạ dày, người bệnh có thể điều trị nha khoa kết hợp với việc chăm sóc tại nhà:

Điều trị với bác sĩ

Để khắc phục triệt để tình trạng hôi miệng từ dạ dày an toàn, người bệnh cần xác định rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này để có hướng điều trị phù hợp. Nhìn chung, các nhóm thuốc thường được chỉ định như:

  • Thuốc bảo vệ niêm mạc: Những loại thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc tránh khỏi ảnh hưởng của axit và dịch vị dạ dày khi bị trào ngược. Tuy nhiên, thuốc chỉ được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ.
  • Thuốc điều hòa nhu động ruột: Được dùng để thúc đẩy môn vị dạ dày và tăng cường hoạt động đường ruột. Đồng thời, thuốc còn giúp làm giảm triệu chứng của trào ngược dạ dày và các vấn đề về dạ dày khác.

Chăm sóc tại nhà

Trường hợp người bệnh chưa thể đến nha khoa để điều trị hoặc kết hợp điều trị để mang đến hiệu quả tốt nhất. Người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian sau:

  • Dùng gừng tươi: Gừng có tác dụng sát khuẩn, kháng viêm cho răng hiệu quả. Việc sử dụng gừng sẽ có tác dụng giảm chứng hôi miệng và phòng tránh các vấn đề răng miệng khác như viêm nha chu, viêm lợi... 
  • Dùng vỏ chanh: Trong vỏ chanh có chứa vitamin C, giúp hỗ trợ diệt khuẩn và lấn át mùi hôi trong miệng. Người bệnh có thể nhai trực tiếp vỏ chanh hoặc pha nước cốt chanh với muối để làm nước súc miệng.
  • Dùng lá bạc hà: Lá bạc hà chứa tinh dầu, có tác dụng hỗ trợ làm giảm mùi cơ thể. Ngoài ra, lá bạc hà cũng có khả năng kháng khuẩn và làm sạch khoang miệng.
Hơi thở có mùi hôi từ dạ dày: Nguyên nhân và cách khắc phục 6
Có thể sử dụng gừng tươi sát khuẩn, kháng viêm cho răng hiệu quả

Cách phòng ngừa tình trạng hơi thở có mùi hôi từ dạ dày

Ngoài việc sử dụng thuốc và mẹo dân gian điều trị, người bệnh cần phải kết hợp với việc thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống để phòng ngừa bệnh tái phát như:

  • Bổ sung thêm các sản phẩm có chứa lợi khuẩn, giúp hỗ trợ phục hồi sự cân bằng axit trong đường tiêu hóa và phòng ngừa tình trạng đau dạ dày.
  • Tránh ăn những thức ăn cay nóng khiến dạ dày bị kích thích, đồng thời hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga...
  • Không nên cúi người về phía trước sau khi ăn và có chế độ vận động phù hợp.
  • Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày, không nên nằm ngay sau khi ăn và không ăn trước khi đi ngủ 2 tiếng.
  • Uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày để giúp cơ thể duy trì cơ chế kích thích tiết nước bọt trong khoang miệng, điều này sẽ giúp hạn chế mùi hôi khó chịu trong miệng.
  • Chải răng 2 lần/ngày kết hợp với nước súc miệng để giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây hôi miệng.

Trên đây là bài viết tổng hợp những chia sẻ về vấn đề hơi thở có mùi hôi từ dạ dày. Hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích và hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách điều trị cũng như cách khắc phục tình trạng hôi miệng này nhé!

Xem thêm: Mách bạn: Các mẹo vặt chữa hôi miệng hiệu quả

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin