Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hướng dẫn cách ngồi thiền giảm stress đúng phương pháp

Ngày 13/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thiền định được xem là liệu pháp tâm lý an toàn nhưng lại rất hữu hiệu trong việc giảm căng thẳng, kiểm soát tốt cảm xúc và giảm lo âu. Hơn nữa, phương pháp này có thể áp dụng cho hầu hết mọi đối tượng. Vậy như thế nào là ngồi thiền giảm stress đúng phương pháp?

Thiền định là giải pháp hiệu quả để giải tỏa stress, căng thẳng và mang đến nhiều lợi ích sức khỏe. Việc luyện tập thói quen thiền định sẽ giúp bạn từng bước phục hồi sức khỏe tinh thần, kiểm soát tốt cảm xúc và duy trì lối sống sống lành mạnh. Nếu đang có ý định tập thiền giảm stress và nâng cao khả năng tập trung thì bạn có thể tham khảo bài viết hướng dẫn cách ngồi thiền đúng phương pháp dưới đây nhé!

Lợi ích của việc tập thiền đúng cách mỗi ngày

Thiền định là phương pháp thư giãn bằng các kỹ thuật đơn giản để tạo cảm giác thoải mái và cân bằng tốt trạng thái tâm lý. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, tập thiền giảm stress đúng cách còn mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe về cả tinh thần lẫn thể chất.

Cải thiện chứng trầm cảm

Nghiên cứu cho thấy, tập thiền đúng cách sẽ giúp giảm căng thẳng, xoa dịu cảm giác lo lắng bất an, buồn bã và khắc phục các triệu chứng của trầm cảm. Không chỉ là một giải pháp an toàn mà nó còn hỗ trợ tốt cho sức khỏe của những người mắc phải trầm cảm và các rối loạn tâm thần. Hơn nữa, việc thực hành thiền đúng cách giúp điều chỉnh tâm trí, thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực và nâng cao sức khỏe tổng thể mà không cần sử dụng thuốc.

Hướng dẫn cách ngồi thiền giảm stress đúng phương pháp 3
Tập ngồi thiền mỗi ngày sẽ giúp cải thiện chứng trầm cảm

Ngồi thiền đúng cách giúp hỗ trợ giảm đau

Các nhà khoa học cho biết, trong não bộ có chứa opioid - một chất có tác dụng giảm đau tự nhiên. Cơ chế hoạt động của hầu hết các loại thuốc giảm đau cũng là kích thích sản sinh chất này bên trong bộ não để làm giảm chứng đau nhức, mệt mỏi. Tuy nhiên, những loại thuốc này lại có nguy cơ gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Trong khi đó, liệu pháp thiền định sẽ giúp não bộ giải phóng chất giảm đau tự nhiên hiệu quả và an toàn mà không gây tác dụng phụ.

Kiểm soát huyết áp ổn định

Tập ngồi thiền là một giải pháp an toàn và đơn giản trong việc kiểm soát huyết áp và nâng cao sức khỏe tổng thể. Ngồi thiền đúng cách kết hợp với kỹ thuật hít thở sâu sẽ giúp cải thiện huyết áp luôn được kiểm soát ở mức ổn định, giúp ngăn ngừa nguy cơ biến chứng bệnh tim mạchđột quỵ.

Cải thiện chất lượng cuộc sống

Theo chia sẻ của các chuyên gia, thực hành thiền định đúng cách sẽ có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Khi tập thiền giảm stress, bạn sẽ có cảm giác rơi vào một khoảng không rộng lớn, tĩnh lặng hơn và không áp lực như thế giới hiện tại. Từ đó giúp bạn cảm giác nhẹ nhàng và bình yên hơn, suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng, việc duy trì thói quen thiền định mỗi ngày sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hướng dẫn cách ngồi thiền giảm stress đúng phương pháp

Liệu pháp ngồi thiền giảm stress khá đơn giản mà hầu hết mọi người có thể thực hiện. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả tốt nhất thì cần phải biết tập ngồi thiền đúng cách. Theo đó, bạn có thể thực hiện theo các hướng dẫn sau đây:

Những việc cần chuẩn bị trước khi tập thiền

Không cần chuẩn bị quá nhiều thiết bị và vật dụng cầu kỳ, trước khi tập thiền bạn cần chú ý một số điều sau để quá trình ngồi thiền thuận lợi và mang lại hiệu quả cao:

  • Chọn không gian yên tĩnh: Một yếu tố quan trọng mỗi khi tập thiền, đặc biệt là những người mới tập. Tốt nhất là chọn nơi có không gian yên tĩnh, ít ánh sáng như phòng ngủ để tránh bị tiếng ồn làm mất tập trung. Hãy tắt hết các thiết bị điện tử và vật chiếu sáng để đảm bảo tập trung tối đa. Có thể bố trí thêm tinh dầu hoặc nến thơm để tạo cảm giác thư thái.
  • Thời gian: Có thể ngồi thiền bất cứ lúc nào trong ngày như khi rảnh hay khi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng hoặc mất tập trung. Hãy dành khoảng 10 - 15 phút vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc trước khi đi ngủ để cân bằng tâm trạng, kiểm soát cảm xúc, giúp ngủ ngon và tạo năng lượng tích cực.
  • Đệm ngồi: Thông thường, thời gian ngồi thiền có thể kéo dài từ 10 - 30 phút, vì vậy, để thoải mái hơn và hạn chế việc ê mông, ảnh hưởng đến cột sống, bạn nên sử dụng một tấm đệm lót.
Hướng dẫn cách ngồi thiền giảm stress đúng phương pháp 2
Chọn không gian yên tĩnh để tránh bị tiếng ồn làm mất tập trung

Cách ngồi thiền giảm căng thẳng hiệu quả

Sau khi bạn đã chuẩn bị sẵn sàng, bạn có thể bắt đầu ngồi thiền theo các bước sau:

  • Bắt đầu bằng việc trải một tấm nệm xuống sàn và ngồi thoải mái. Hãy giữ cho lưng thẳng với mặt sàn và đặt 2 chân chéo nhau như tư thế hoa sen.
  • Đặt hai tay lên đầu gối, để thả lỏng và thư giãn cơ thể.
  • Cằm hơi cúi nhẹ xuống, có thể nhắm hoặc mở mắt tùy ý. Đặc biệt, nếu bạn mới bắt đầu, hãy nhắm mắt để tập trung tốt hơn.
  • Tập trung vào hơi thở của bạn và bắt đầu hít vào thở ra đều bằng mũi, hít vào khoảng 1 - 10 giây rồi chậm rãi thở ra trong khoảng 10 tiếng đếm.
  • Trong lúc thiền, hãy chỉ tập trung vào hơi thở và loại bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực hoặc áp lực trong cuộc sống của bạn. Đồng thời, hãy chú ý đến phản ứng của cơ thể, nếu cảm thấy áp lực ở bất kỳ bộ phận nào, hãy tạm ngừng và thư giãn.
  • Hãy kiên trì và duy trì thói quen ngồi thiền khoảng 15 - 30 phút mỗi ngày. Bạn sẽ thấy căng thẳng giảm đi đáng kể và cuộc sống của bạn trở nên cân bằng hơn.
Hướng dẫn cách ngồi thiền giảm stress đúng phương pháp 5
Khi thiền hãy chỉ tập trung vào hơi thở và loại bỏ mọi suy nghĩ tiêu cực

Một số bài tập ngồi thiền giảm stress đúng cách

Đối với những ai mong muốn tập thiền giảm stress, cân bằng tâm trạng và tăng khả năng tập trung thì có thể áp dụng thử các bài tập dưới đây:

Thiền thở

Thiền thở được xem là bài tập ngồi thiền định căn bản và phù hợp cho người mới bắt đầu. Bài tập này sẽ giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng và tạo nguồn năng lượng tích cực. Để thực hiện nó, bạn cần tập trung vào hơi thở của mình. Cách thực hiện như sau:

  • Ngồi ở tư thế thoải mái, bắt chéo 2 chân và tay đặt nhẹ lên đầu gối;
  • Bắt đầu hít thở ra bằng mũi và cảm nhận từng hơi thở khi nó di chuyển đến chân và các bộ phận khác của cơ thể;
  • Nếu thấy tâm trí bắt đồng dao động, hãy nhẹ nhàng điều chỉnh và tập trung trở lại hơi thở;
  • Tập trung luồng hơi thở vào từng vùng của cơ thể và cố gắng đưa luồng thở vào bên trong;
  • Sau khi thiền xong, hãy lắc nhẹ tay chân và từ từ thả lỏng cơ thể.
Hướng dẫn cách ngồi thiền giảm stress đúng phương pháp 4
Thiền thở là bài tập ngồi thiền căn bản phù hợp cho người mới bắt đầu

Thiền tỉnh thức

Bài tập thiền tỉnh thức chú trọng vào việc luyện tập ý thức bản thân, giúp người tập luyện nhận thức rõ về những hiện tượng xung quanh. Từ đó, sẽ giúp giảm căng thẳng, tăng khả năng tập trung và nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn. Cách thực hiện như sau:

  • Bạn có thể ngồi thiền trên ghế hoặc sàn nhà;
  • Bắt đầu lắng nghe âm thanh xung quanh trong lúc thư giãn và thả lỏng;
  • Hít vào nhẹ nhàng và sâu, sau đó thở ra từ từ;
  • Tập trung vào từng nhịp thở và cố gắng giữ tâm trí không bị ảnh hưởng;
  • Không suy nghĩ đến những lo lắng, băn khoăn, sự bất mãn hay khó chịu từ cuộc sống mà cảm nhận những âm thanh kì diệu xung quanh, cảm nhận sự tồn tại của bản thân, nhận thức từng khoảnh khắc đã xảy ra khi nó xảy ra. 
  • Duy trì tình trạng này cho đến khi kết thúc buổi tập, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.

Những cảm xúc băn khoăn, lo lắng vẫn luôn thường trực trong mỗi người, nó có thể nhảy ra bất cứ lúc nào để "trêu trọc" khi bạn đang thiền tỉnh thức. Vì thế, bài thực hành cần thường xuyên được áp dụng mỗi khi bạn thấy có nhu cầu.

Hướng dẫn cách ngồi thiền giảm stress đúng phương pháp 1
Hít thở và cảm nhận sự tĩnh lặng trong tâm thức

Tuy nhiên, mỗi loại thiền giảm stress đều có những lợi thế riêng và bạn có thể lựa chọn bài tập phù hợp nhất với bạn để giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Hy vọng những chia sẻ từ trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về lợi ích của thiền định cũng như cách ngồi thiền đúng phương pháp nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm