Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hướng dẫn lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan

Ngày 22/03/2023
Kích thước chữ

Để chăm sóc bệnh nhân xơ gan cần lưu ý những gì? Bài viết sau đây giúp bạn hiểu rõ hơn về chế độ dinh dưỡng và những tình huống y tế khẩn cấp của bệnh nhân xơ gan, để từ đó nâng cao hiệu quả chăm sóc người bệnh.

Xơ gan là một bệnh lý mà các tế bào gan bị tổn thương và thay thế mô sẹo không còn chức năng hoạt động. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bệnh nhân. Vì vậy, việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan là rất quan trọng để đảm bảo rằng bệnh nhân được điều trị đúng cách và có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh.

Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan 

Bệnh xơ gan cho đến nay vẫn chưa có cách chữa trị hoàn toàn. Các biện pháp điều trị hiện nay đều nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, ngăn chặn bệnh phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Cụ thể các hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân xơ gan bao gồm các nguyên tắc sau: 

  • Chế độ dinh dưỡng được xây dựng riêng cho người bệnh, tăng cường chức năng gan.
  • Thực hiện các phương pháp làm giảm phù và cổ trướng.
  • Theo dõi và phát hiện biến chứng xuất huyết tiêu hoá.
  • Theo dõi đề phòng hôn mê gan.
  • Giáo dục sức khoẻ, nâng cao nhận thức của người bệnh. 
chăm sóc bệnh nhân xơ gan 1Xơ gan không thể chữa khỏi nhưng dựa vào kế hoạch chăm sóc y tế đúng cách có thể giúp kéo dài tuổi thọ

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan chi tiết 

Dưới đây là kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan được cụ thể hoá:

Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân xơ gan

Ở bệnh nhân xơ gan giai đoạn đầu gan còn chức năng hoạt động thì cần đảm bảo ăn uống đầy đủ, để tránh tình trạng suy dinh dưỡng. Trong giai đoạn này, người bệnh chỉ cần lưu ý chọn lựa thực phẩm sao cho phù hợp, cụ thể như sau: 

  • Đối với protein, nên chọn các loại protein nạc từ thịt gà, thịt lợn, hay cá, trứng, sữa, bơ và các loại đậu. 
  • Đối với chất béo nên hạn chế dùng mỡ động vật mà thay vào đó nên dùng dầu thực vật và không nên dùng để chiên, rán ở nhiệt độ cao. 
  • Đối với glucid (hay chất đường bột) nên chọn các loại thực phẩm hấp thụ cao như cơm, khoai củ hay các loại trái cây ngọt, mật ong. Không nên ăn quá nhiều kẹo, bánh mứt. 
  • Đối với chất xơ, bạn nên đảm bảo ăn đủ 300 - 400g rau xanh cùng với 200g trái cây tươi mỗi ngày. Trong đó ưu tiên các loại rau củ quả như rau muống, rau dền, cà rốt, bí đỏ, cam, quýt, đu đủ chín,...
  • Đảm bảo uống đủ 1,5 - 2 lít nước/ngày.

Trường hợp bệnh nhân xơ gan đã xuất hiện cổ trướng, chế độ dinh dưỡng cần đặc biệt lưu ý: 

  • Giảm lượng đạm và tăng đạm quý (có chứa acid amin mạch nhánh - BCAAs) như thịt nạc bò, cá hồi, sữa đậu nành và trứng.
  • Giảm muối (dưới 2g/ngày). 
  • Tăng cường chất xơ trong rau xanh trái cây, nhất là các loại chất xơ không hòa tan để tránh tình trạng táo bón, đảm bảo để bệnh nhân đi ngoài 2 - 3 lần/ngày.
  • Uống nước từ 1-1,2L/ngày. Bên cạnh nước lọc có thể dùng các loại đồ uống có tính lợi mật, tốt cho gan như lá trà xanh, lá cây nhọ nồi, atiso, nhân trần,... 

Chăm sóc giảm nhẹ phù và cổ trướng 

Phù và cổ trướng là một trong những triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân xơ gan, nhất là xơ gan mất bù. Khi xuất hiện những tình trạng này, bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân nằm viện để theo dõi và xử trí chọc hút bớt dịch cổ trướng. Dưới đây là một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân xơ gan nhằm giảm phù và cổ trướng: 

  • Nếu có phù và cổ trướng, người bệnh nên được nghỉ ngơi tuyệt đối và kê cao chân (cao hơn tim).
  •  Hạn chế muối hoặc ăn nhạt hoàn toàn khi cổ trướng nhiều.
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu phối hợp furosemid và aldactone theo chỉ định của bác sĩ.
  • Theo dõi các chỉ số của cơ thể người bệnh sát sao trước, trong và sau chọc dịch cổ trướng.
  • Phối hợp thực hiện chọc hút dịch cổ trướng khi cần thiết. 
chăm sóc bệnh nhân xơ gan 2Phù và cổ trướng là một trong những triệu chứng cần chăm sóc đặc biệt ở bệnh nhân xơ gan 

Theo dõi và xử trí những biến chứng xuất huyết tiêu hoá 

Một số dấu hiệu để nhận biết xuất huyết tiêu hoá ở bệnh nhân xơ gan: 

  • Nôn mửa;
  • Đau bụng, đau dạ dày;
  • Xuất huyết đường tiêu hóa dưới: Phân có màu đen, màu đỏ tươi hoặc màu nâu đỏ;
  • Các triệu chứng của hội chứng nhiễm trùng, bao gồm sốt, đau đầu, ê buốt, mệt mỏi và sưng tấy.

Trường hợp xuất hiện xuất huyết đường tiêu hoá, bệnh nhân cần tạm ngừng cho ăn bằng đường miệng và truyền dịch, truyền máu khẩn trương theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiến hành đặt catheter và theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm. 

Ở những trường hợp này, bệnh nhân cần được nằm nghỉ tuyệt đối, nằm đầu thấp và ủ ấm đồng thời theo dõi chỉ số huyết áp, mạch đập. Ngoài ra, để loại trừ nhanh chóng máu trong đường tiêu hoá cần rửa dạ dày bằng nước lạnh và thụt tháo phân. 

Lưu ý rằng việc xử trí xuất huyết tiêu hoá cần được thực hiện bởi bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế có chuyên môn. Vì vậy khi nghi ngờ xuất huyết tiêu hoá, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra.

Theo dõi và đề phòng hôn mê gan 

Một số triệu chứng của hôn mê gan có thể bao gồm rối loạn trí nhớ, người bệnh mất phương hướng về không gian và thời gian, mất khả năng tập trung tư tưởng. Ngoài ra ở một số bệnh nhân cũng xuất hiện triệu chứng bàn tay run do rối loạn trương lực cơ. Khi phát hiện ra những triệu chứng này, người nhà nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp xử trí phù hợp. 

chăm sóc bệnh nhân xơ gan 3Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan bao gồm dinh dưỡng và kế hoạch đề phòng những biến chứng nguy hiểm 

Giáo dục nâng cao nhận thức sức khoẻ cho bệnh nhân 

Xơ gan có thể tiến triển nhanh chóng gây suy giảm hoàn toàn chức năng gan nếu bệnh nhân không ý thức được tầm quan trọng của một chế độ sinh hoạt lành mạnh. Để bảo vệ gan, bạn cần lưu ý: 

  • Hạn chế uống rượu bia và sử dụng chất kích thích. 
  • Tránh ăn nhiều thực phẩm giàu béo. Tăng lượng đạm và vitamin, chất xơ trong khẩu phần ăn. 
  • Duy trì cân nặng hợp lý. 
  • Tránh lao động nặng và nghỉ ngơi hoàn toàn khi xuất hiện triệu chứng phù. 
  • Hạn chế thêm muối khi nấu ăn, ăn nhạt hoàn toàn khi có dịch cổ trướng. 
  • Thường xuyên theo dõi sức khỏe tại các tuyến y tế cơ sở. 

Người bệnh xơ gan khi được chăm sóc đúng cách sẽ ăn ngon miệng hơn, không sút cân, không xảy ra các biến chứng khác và cải thiện được các triệu chứng của bệnh. Vậy nên hãy liên hệ với bác sĩ để lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xơ gan phù hợp, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh nhé!

Xem thêm:

Quỳnh Vi 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin