Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc có gây biến chứng nguy hiểm không? 

Ngày 25/03/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tăng huyết áp là một trong những bệnh tim mạch phổ biến, khi chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương vượt trội so với mức bình thường. Tuy nhiên, tình trạng này còn có thể xuất hiện dưới dạng tăng huyết áp tâm thu đơn độc, khi chỉ có chỉ số huyết áp tâm thu tăng cao hơn so với mức bình thường. 

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về tăng huyết áp tâm thu đơn độc, triệu chứng và cách để điều trị bệnh.

Thế nào là tăng huyết áp tâm thu đơn độc?

Huyết áp là chỉ số biểu thị áp lực của dòng máu trong động mạch, được tạo ra bởi lực co bóp của tim và sức cản của động mạch. Thông thường, khi đo huyết áp với máy điện tử, chúng ta sẽ thu được hai chỉ số là huyết áp tâm thu (tối đa) và huyết áp tâm trương (tối thiểu). Theo chuẩn đoán của bác sĩ, tình trạng tăng huyết áp sẽ được xác định khi chỉ số huyết áp tâm thu đạt mức trên 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương đạt mức trên 90 mmHg.

Trong số bệnh nhân tăng huyết áp, một số bệnh nhân chỉ có huyết áp tâm thu cao, vượt quá 140 mmHg, trong khi huyết áp tâm trương bình thường. Trạng thái này được gọi là tăng huyết áp tâm thu đơn độc, và cũng được xem là một dạng của bệnh lý tăng huyết áp chung.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc và những điều cần lưu ý 1

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc và chỉ số huyết áp cần biết

Nguyên nhân của tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Trong phần lớn trường hợp của người cao tuổi, nguyên nhân tăng huyết áp tâm thu đơn độc xuất phát từ việc hệ thống động mạch mất tính đàn hồi. Quá trình lão hóa tự nhiên dẫn đến vôi hóa sợi elastin và làm tăng độ cứng của cơ trơn trong các động mạch. Điều này gây rối loạn chức năng nội mô, phóng thích chất tiền viêm và làm cho động mạch mất tính nhạy cảm với các chất giãn mạch do cơ thể tiết ra. 

Kết quả, thành mạch trở nên xơ cứng và dày hơn, làm giảm kích thước của các mạch nhỏ, gây áp lực dòng máu tăng lên khi dòng máu chảy qua các động mạch lớn của cơ thể. Việc này dẫn đến tăng huyết áp tâm thu trong khi huyết áp tâm trương không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những thay đổi này chủ yếu xảy ra ở động mạch chủ và các động mạch lớn trong cơ thể.

Ngoài ra, tăng huyết áp tâm thu đơn độc có thể là hậu quả của các bệnh lý sau:

  • Bệnh lý tuyến giáp, tuyến cận giáp.
  • Các bệnh lý về thận, u tủy thượng thận.
  • Chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Tình trạng nhiễm độc thai nghén.
  • Bệnh viêm động mạch Takayasu.
  • Hoặc có thể do sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng viêm non-steroid, corticoid, tránh thai, hoạt chất giống giao cảm...

Lưu ý: Khi tăng huyết áp tâm thu đơn độc xuất hiện thứ phát ở những người trẻ (dưới 30 tuổi), hoặc trong tình trạng tăng huyết áp kháng trị, tiến triển hoặc ác tính, việc xác định nguyên nhân gốc rễ rất quan trọng để có phương pháp điều trị thích hợp.

Biến chứng của tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc là một bệnh lý tăng huyết áp mà không có triệu chứng rõ ràng. Nếu huyết áp tăng cao và tăng nhanh liên tục, sẽ gây tổn thương cho cơ quan đích, đặc biệt là xơ vữa động mạch. Hậu quả của tăng huyết áp có thể rất nghiêm trọng bao gồm:

  • Xuất huyết não, làm giảm chức năng não và gây ra bệnh liệt, nói khó hay mất trí nhớ. 
  • Nếu bệnh nhân đã từng có phình bóc tách động mạch chủ, tăng huyết áp đột ngột có thể gây vỡ động mạch chủ và dẫn đến tử vong. 
  • Áp lực dòng máu lớn cũng có thể gây tắc nghẽn máu đến các cơ quan khác, dẫn đến nhồi máu não, nhồi máu cơ tim và các biến chứng khác. 
  • Nếu tình trạng tăng huyết áp không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến suy tim mạn, suy thận mạn, xơ vữa mạch máu và các tổn thương khác trên cơ thể. 

Lưu ý: Bệnh tăng huyết áp luôn được cảnh báo với tên gọi “kẻ giết người thầm lặng”.

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc và những điều cần lưu ý 2
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc có thể dẫn đến xuất huyết não

Điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc

Điều trị bệnh tăng huyết áp tâm thu cao đơn độc có tiến trình phức tạp hơn so với tăng huyết áp và yêu cầu kiểm soát chặt chẽ để tránh nguy cơ huyết áp tâm trương hạ xuống quá thấp.

Ngoài việc sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị, thay đổi thói quen sống lành mạnh cũng rất quan trọng để giúp kiểm soát tốt huyết áp tâm thu. Các biện pháp thay đổi thói quen sống bao gồm:

  • Giảm cân (đối với người thừa cân): Mỗi 1kg giảm cân tương đương với giảm huyết áp tâm thu 1 mmHg.
  • Thực hiện chế độ ăn DASH: Giúp giảm huyết áp tâm thu từ 8 - 14 mmHg.
  • Người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, quả chín và gạo lứt. Thay vì ép trái cây để lấy nước uống, nên ăn cả trái để tăng cường lượng chất xơ. Nên ăn các loại thực phẩm giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá thu...
  • Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn: Mỗi ngày chỉ nên sử dụng 6g muối để giúp giảm huyết áp tâm thu từ 2 - 8 mmHg.
  • Tập luyện thể dục: Tập thể dục đều đặn trong ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp giảm huyết áp tâm thu từ 4 - 9 mmHg.

Trong quá trình điều trị tăng huyết áp tâm thu đơn độc, việc không ảnh hưởng đến hoặc làm giảm quá thấp huyết áp tâm trương là rất quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm. Các loại thuốc kiểm soát huyết áp được bác sĩ chỉ định tùy thuộc vào mức độ tăng huyết áp, nguy cơ mắc các biến chứng, và tình trạng tổn thương cơ quan đích của bệnh nhân.

Một số thuốc trị tăng huyết áp thường được dùng như thuốc lợi tiểu giống thiazid và thuốc chẹn canxi, thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II…

Tăng huyết áp tâm thu đơn độc và những điều cần lưu ý 3Giảm cân là cách để kiểm soát huyết áp hiệu quả

Bệnh nhân cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và thay đổi thói quen sống lành mạnh, bao gồm ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ và tự theo dõi huyết áp tại nhà cũng rất cần thiết để đảm bảo điều trị đang phát huy hiệu quả và bệnh nhân có thể nắm bắt tình trạng sức khỏe của mình tốt hơn.

Bài viết trên hy vọng đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan và các cách kiểm soát tăng huyết áp tâm thu đơn độc. Hãy tuân thủ phác đồ điều trị đồng thời thay đổi lối sống để tránh các biến chứng của căn bệnh này nhé!

Xem thêm: Hỏi đáp về huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương

Ngọc Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm