Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường là như thế nào?

Ngày 22/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tầm soát ung thư cổ tử cung là biện pháp hiệu quả giúp nữ giới phát hiện những thay đổi đáng lo ngại về sức khỏe hoặc bệnh ung thư ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên nhiều chị em khi đi thăm khám lo lắng không biết kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường là như thế nào và cần làm gì trong trường hợp này.

Có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến nhất được sử dụng hiện nay là Pap và HPV. Trong đó, các chuyên gia khuyến cáo nên tiến hành xét nghiệm HPV kết hợp với xét nghiệm PAP- Smear để sàng lọc ung thư cổ tử cung có hiệu quả cao nhất.

Tầm soát ung thư cổ tử cung quan trọng thế nào?

Trước khi tìm hiểu kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường là như thế nào, bạn cần biết tầm quan trọng của việc kiểm tra và sàng lọc này. Tầm soát ung thư cổ tử cung đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh. Thống kê cho thấy mỗi năm có hơn 5.100 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung mới tại Việt Nam và khoảng 2.400 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này. Tình hình này đang có xu hướng gia tăng từng năm. Ung thư cổ tử cung hiện đang là nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai ở nữ giới, chỉ sau ung thư vú.

Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường là như thế nào?
Ung thư cổ tử cung là ung thư có tỉ lệ tử vong đứng thứ 2 ở phụ nữ sau ung thư vú

Mặc dù ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng thời gian hình thành và phát triển của tế bào ung thư lại khá dài (từ 3-7 năm). Điều này đặt ra cơ hội để phát hiện sớm thông qua các biện pháp tầm soát. Nếu được tầm soát, phát hiện kịp thời, các biện pháp điều trị có thể được áp dụng hiệu quả, giúp giảm gánh nặng cho gia đình cũng như tỷ lệ tử vong cho người bệnh.

Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường là như thế nào?

Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường có thể được biểu hiện qua:

Kết quả xét nghiệm HPV bất thường

Khi có kết quả xét nghiệm HPV dương tính chứng tỏ bệnh nhân đang mang một loại HPV nguy cơ cao có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người bệnh mắc ung thư cổ tử cung tại thời điểm kiểm tra. Thay vào đó, đây chính là một cảnh báo về nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung trong tương lai.

Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường là như thế nào? 1
Kết quả xét nghiệm HPV bất thường chứng tỏ bệnh nhân đang mang một loại HPV có thể dẫn đến ung thư

Kết quả xét nghiệm Pap Smear bất thường

Kết quả Pap Smear bất thường cho biết có sự biến đổi ở một số tế bào của cổ tử cung. Tuy nhiên, tương tự như xét nghiệm HPV, điều này không chứng tỏ rằng bệnh nhân đang mắc ung thư cổ tử cung tại thời điểm đó mà chỉ là tín hiệu về nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Dưới đây là một số thuật ngữ mà các chuyên gia sử dụng để mô tả kết quả bất thường:

  • Tế bào biểu mô tuyến không điển hình (AGC): Đây là sự biến đổi ở tế bào biểu mô tuyến, có thể liên quan đến giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư.
  • Tế bào vảy không điển hình có ý nghĩa chưa xác định (ASCUS): Ở trạng thái bình thường, khỏe mạnh, cổ tử cung sẽ có các tế bào vảy mỏng và phẳng. Trong trường hợp ASCUS, kết quả xét nghiệm Pap Smear cho thấy các tế bào vảy có biểu hiệu bất thường, nhưng chưa rõ liệu có tồn tại tế bào ung thư cổ tử cung không.
  • Tổn thương nội biểu mô độ thấp (LSIL): Đây là tình trạng tế bào cổ tử cung cho thấy sự biến đổi nhẹ, không có xu hướng phát triển thành ung thư. Thường thì LSIL là dấu hiệu của nhiễm khuẩn HPV có thể tự khỏi.
  • Tổn thương nội biểu mô độ cao (HSIL): Các phát hiện bất thường dễ có khuynh hướng và nguy cơ cao phát triển thành ung thư nên cần hết sức lưu ý.

Khi gặp phải các kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường kể trên, người bệnh cần lưu ý rằng chúng chỉ là dấu hiệu nghi ngờ và không thể chẩn đoán chính xác ung thư cổ tử cung. Để xác định rõ hơn, cần thực hiện các kiểm tra bổ sung như: Sinh thiết cổ tử cung, nội soi cổ tử cung...

Bên cạnh dấu hiệu bệnh, cũng có một số trường hợp xuất hiện kết quả bất thường do sai sót trong kỹ thuật lấy mẫu tế bào, khó khăn trong việc xét nghiệm hay những sai sót khi đọc kết quả do thiếu chuyên môn… Do vậy, không phải cứ có kết quả bất thường là khẳng định người kiểm tra bị ung thư cổ tử cung.

Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường là như thế nào? 2
Tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường chưa chắc là mắc ung thư cổ tử cung, cần thực hiện thêm nhiều xét nghiệm

Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung cho biết điều gì?

Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm 2 trường hợp:

Kết quả tầm soát ung thư âm tính

Khi nhận được kết quả tầm soát ung thư âm tính thì bạn có thể yên tâm. Điều này cho thấy tại thời điểm thực hiện kiểm tra các tế bào ở cổ tử cung chưa có sự biến đổi bất thường. Tuy nhiên, bạn vẫn nên tiếp tục thực hiện tầm soát ung thư 1-3 năm một lần theo khuyến cáo của bác sĩ. Nếu kết quả vẫn âm tính đến năm 65 tuổi, bạn có thể ngưng tầm soát.

Kết quả tầm soát ung thư dương tính

Trong trường hợp kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường và dương tính, bạn cũng không nên quá lo lắng vì chưa thể xác định chắc chắn là bạn đang mắc bệnh. Lúc này, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện các kiểm tra bổ sung như: Soi cổ tử cung kết hợp với sinh thiết để đưa ra kết luận chính xác tình trạng bệnh lý.

  • Nếu có kết quả sinh thiết bình thường, người bệnh sẽ được điều trị các vấn đề viêm nhiễm hoặc tổn thương tại cổ tử cung (nếu có). Sau đó, tiếp tục thực hiện xét nghiệm tầm soát lại ung thư cổ tử cung theo khuyến nghị của bác sĩ để theo dõi tình trạng.
  • Khi không may có kết quả sinh thiết cổ tử cung bất thường, việc điều trị sẽ được tiến hành ngay tùy theo giai đoạn bệnh, độ tuổi và điều kiện của từng bệnh nhân.
Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường là như thế nào? 3
Nếu kết quả sinh thiết cổ tử cung bất thường bác sĩ sẽ dựa trên giai đoạn bệnh đưa ra phác đồ điều trị thích hợp

Cần làm gì khi có kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường?

Trong trường hợp nhận được kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường bạn cần lưu ý:

  • Giữ bình tĩnh và không nên quá lo lắng.
  • Liên hệ với bác sĩ để được thảo luận về kết quả và nhận tư vấn về các bước tiếp theo.
  • Thực hiện thêm một số xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của bác sĩ như: Soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung hay sinh thiết nội mạc tử cung… để đánh giá và xác định chính xác tình trạng của bạn.
  • Tuân thủ mọi chỉ đạo và khuyến nghị từ bác sĩ. Điều này có thể bao gồm lịch trình kiểm tra và điều trị tiếp theo.
  • Trong quá trình chờ đợi các bước tiếp theo, hãy chăm sóc bản thân bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng cân đối, tập thể dục đều đặn và quản lý căng thẳng.
  • Nếu gặp tình trạng chảy máu âm đạo quá nhiều hoặc dai dẳng sau khi tầm soát, cần báo ngay cho các bác sĩ để được tư vấn và xử lý sớm nhất.

Hiện nay, tầm soát ung thư cổ tử cung đang là phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung có độ chính xác cao và được áp dụng phổ biến. Phát hiện ung thư sớm và can thiệp điều trị kịp thời không chỉ tăng cơ hội khỏi bệnh mà còn có thể không gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Nếu nhận được kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ ngay để đảm bảo nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ cần thiết bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm