Khi nào nên khám răng cho bé? Các tình trạng nha khoa hay gặp khi bé ở độ tuổi thay răng
Ngày 14/04/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Khám răng cho bé là việc cần thiết để các nha sĩ chăm sóc, theo dõi và điều trị các vấn đề về sức khỏe răng miệng kịp thời. Các bậc phụ huynh nên tìm kiếm nha khoa uy tín để thực hiện việc này. Bởi một nha khoa chất lượng cao sẽ đảm bảo rằng trẻ em được trải nghiệm một quy trình chăm sóc răng miệng thoải mái, an toàn và hiệu quả.
Sức khỏe răng miệng của trẻ luôn là một trong những vấn đề quan trọng mà các bậc phụ huynh quan tâm. Để phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về răng miệng, cha mẹ cần nhớ các thời điểm khám răng của trẻ và đưa trẻ đến thăm nha sĩ đúng định kỳ. Vậy khi nào nên khám răng cho bé?
Khi nào nên khám răng cho bé?
Các chuyên gia khuyên rằng việc đi khám răng trẻ em trong khoảng 6 tháng kể từ khi chiếc răng đầu tiên mọc, hoặc muộn nhất là vào khoảng 12 tháng tuổi. Lúc này, nha sĩ có thể cung cấp thông tin về tình trạng sâu răng, hướng dẫn cách cho bé ăn và làm sạch răng miệng, cũng như cách xử lý khi trẻ mọc răng hoặc có thói quen sử dụng núm vú giả và mút ngón tay. Giai đoạn khám răng cho bé đầu tiên cũng giúp bé làm quen với ghế nha sĩ và xây dựng sự thoải mái với việc điều trị.
Khám răng cho bé trong độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi cũng rất quan trọng để phòng tránh các vấn đề về răng miệng khi thay răng sữa bằng răng vĩnh viễn. Nha sĩ sẽ đề xuất trám răng để ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào các rãnh của răng nếu các bé bị sâu răng. Khi trẻ đạt khoảng 7 tuổi, nha sĩ có thể đề xuất kiểm tra chỉnh nha. Mặc dù hầu hết trẻ em sẽ chờ đến tuổi thiếu niên để niềng răng nhưng việc điều chỉnh sự phát triển của hàm sớm giúp đảm bảo nụ cười đẹp sau này.
Các tình trạng nha khoa hay gặp khi bé ở độ tuổi thay răng
Dưới đây là những tình trạng về răng miệng hay gặp ở trẻ nhỏ mà phụ huynh cần quan tâm:
Sâu răng: Khi răng trẻ xuất hiện sâu, việc điều trị sớm cùng với vệ sinh răng kỹ lưỡng là rất quan trọng để bảo vệ và duy trì sức khỏe răng của trẻ.
Trình tự thay răng: Quá trình thay răng có thể gặp nhiều vấn đề như sự thiếu mầm răng vĩnh viễn, răng mọc ở vị trí không đúng. Việc kiểm tra và theo dõi quá trình thay răng sẽ giúp đảm bảo rằng các răng mới mọc đúng vị trí.
Móm, hô, răng chen chúc lệch lạc: Các vấn đề như móm xương, hô xương, răng chen chúc lệch lạc có thể gây ra khó khăn trong việc ăn nhai, phát âm và ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ.
Răng sữa rụng lâu mà răng vĩnh viễn chưa mọc: Nếu răng sữa rụng lâu mà răng vĩnh viễn vẫn chưa mọc, có thể do trẻ thiếu mầm răng hoặc có răng dư mọc ngầm cản trở quá trình mọc của răng vĩnh viễn.
Răng khôn mọc sớm: Một số trẻ có thể xuất hiện mầm răng khôn sớm, đặc biệt là từ 10 đến 12 tuổi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của răng hàm.
Nguyên nhân gây ra các vấn đề trên thường là do di truyền hoặc một số thói quen xấu trong thời kỳ răng sữa như mút ngón tay, đẩy lưỡi, bú bình hoặc thói quen thở bằng miệng trong thời gian dài. Những vấn đề này cần được khắc phục càng sớm càng tốt và việc điều trị nên bắt đầu trong giai đoạn thay răng khi trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 12 tuổi. Do đó, ba mẹ nên tự chủ động đưa con đến phòng khám nha khoa trẻ em để thăm khám định kỳ và nhận sự tư vấn cần thiết.
Hướng dẫn cách bảo vệ răng miệng cho trẻ tại nhà
Ba mẹ nên tìm hiểu cách để bảo vệ răng cho bé tại nhà để giúp bé có một hàm răng khỏe và đẹp, bao gồm:
Làm sạch nướu trước khi răng mọc: Trước khi răng của bé bắt đầu mọc, thường xuyên làm sạch nướu của bé bằng một khăn ẩm và sạch để loại bỏ vi khuẩn và tạp chất.
Chải răng đúng cách: Bắt đầu chải răng của bé bằng một bàn chải nhỏ, lông mềm và một lượng kem đánh răng rất nhỏ (khoảng cỡ hạt gạo) khi răng đầu tiên của trẻ bắt đầu xuất hiện. Khi bé đủ 3 tuổi, hãy sử dụng một lượng kem đánh răng có chứa fluor nhưng chỉ cần một lượng nhỏ (khoảng cỡ hạt đậu).
Ngừa sâu răng từ việc bú bình: Hạn chế việc bé bú bình đúng trước khi đi ngủ hoặc khi ngủ trưa và đảm bảo bé uống cạn bình sau khoảng 5 đến 6 phút hoặc ít hơn.
Khuyến khích bé tự chải răng: Giúp bé tự chải răng của mình khi bé ở độ tuổi từ 7 hoặc 8 tuổi. Hãy cho bé quan sát bạn chải răng và thực hiện theo cách bạn làm để giảm thiểu các điểm sai sót.
Hạn chế các thức ăn và thức uống gây sâu răng: Hạn chế cho bé tiêu thụ các thức ăn và thức uống gây sâu răng như kẹo cứng hoặc dẻo, nước ngọt và nước trái cây. Thay vì uống nước trái cây, khuyến khích bé ăn trái cây vì chất xơ trong trái cây có thể giúp làm sạch răng.
Các phương pháp điều trị nha khoa ở trẻ
Theo các số liệu thống kê có hơn 90% trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề về răng miệng. Trong đó, hơn 85% trẻ từ 6 đến 8 tuổi bị sâu răng, khoảng 80-90% trẻ mắc các bệnh về viêm lợi và 75% gặp tình trạng về răng lệch lạc và sai khớp cắn. Các phương pháp điều trị nha khoa cho bé bao gồm:
Trám răng sâu: Việc trám răng sâu cho bé thường được sử dụng vật liệu GIC có chứa fluor giúp tái tạo lại răng bị sâu. Vật liệu GIC cũng có khả năng bám dính tốt trên mô răng sữa, giúp tiến hành trám răng nhanh chóng, đặc biệt là với trẻ em khó hợp tác. Ngoài ra, vật liệu sealant cũng có thể được sử dụng để trám phòng ngừa sâu răng ở mặt nhai của các răng phía trong.
Tiểu phẫu nhổ răng: Nhổ răng sữa trong giai đoạn trẻ thay răng là tiểu phẫu nha khoa hay được thực hiện ở phòng khám. Tiểu phẫu cũng có thể được thực hiện khi trẻ đã mọc răng vĩnh viễn nhưng răng sữa vẫn còn. Việc nhổ bỏ răng sữa giúp tạo khoảng trống cho răng vĩnh viễn mọc lên một cách thuận lợi.
Chỉnh nha: Đối với các trường hợp sai lệch liên quan đến xương hàm và khớp cắn như móm, hô, răng chen chúc lệch lạc,... bác sĩ có thể thực hiện chỉnh nha hoặc niềng răng để đưa về khớp cắn đúng. Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả để cải thiện sự đồng đều và sắp xếp đúng vị trí của răng cho trẻ em.
Khám răng cho bé luôn là một trong những vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm hàng đầu. Để đảm bảo rằng bé sẽ có một hàm răng khỏe mạnh, việc đưa trẻ đi khám răng định kỳ thường xuyên là rất quan trọng. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc răng miệng mà nha sĩ cung cấp để phòng ngừa sâu răng và bệnh về lợi cho con nhé!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.