Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Giải phẫu xương mặt và thông tin về chấn thương có thể gặp ở xương mặt

Ngày 17/05/2024
Kích thước chữ

Xương mặt là tập hợp các xương nhỏ tạo nên phần trước và hai bên của hộp sọ. Hệ thống xương này bao gồm 14 xương. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết về giải phẫu xương mặt.

Khuôn mặt là nơi thể hiện những biểu cảm, cảm xúc và là điểm thu hút đầu tiên của mỗi con người. Để tạo nên sự hài hòa và cân đối cho khuôn mặt, hệ thống xương mặt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bài viết này sẽ đưa bạn đi khám phá cấu trúc giải phẫu chi tiết của xương mặt.

Giải phẫu xương mặt

Xương mặt là một phần của xương sọ mặt, thuộc xương trục. Xương trục bao gồm 80 xương từ đỉnh sọ xuống đến xương cụt. Xương sọ mặt bao gồm 22 xương, trong đó có 8 xương hộp sọ và 14 xương mặt.

Xương mặt bao gồm 14 xương:

1 xương hàm dưới - Mandibula

Xương hàm dưới gồm có 1 thân và 2 ngành hàm. Thân xương hàm dưới có hình dáng cong giống hình móng ngựa. Thân có một nền dày ở dưới và phần huyệt răng ở phía trên. Giữa mặt trước nền hàm dưới lồi ra, ở thành lồi cằm, mỗi bên có một lỗ cằm. Phần huyệt răng lại cong thành hình cung huyệt răng, mang lỗ huyệt chân răng hàm dưới. Ngành hàm sẽ chạy lên trên gần như vuông góc với thân hàm. 

Trong đó đầu trên của ngành hàm tách ra thành mỏm vẹt ở trước và mỏm cầu lồi ở sau. Giữa hai mỏm này là khuyết hàm dưới. Mỏm cầu lồi bao gồm 1 chỏm tiếp khớp với hố hàm dưới và củ khớp của xương thái dương. Mặt trong của ngành hàm dưới có 1 lỗ cho thần kinh huyệt răng dưới đi vào xương hàm, lỗ hàm dưới. Lỗ này là cửa của ống hàm dưới. Miệng lỗ được chắn bằng một mảnh xương được gọi là lưỡi hàm dưới.

2 xương hàm trên - Maxilla

2 xương hàm trên dính lại với nhau tạo thành hàm trên, đây là xương lớn nhất trong số 14 xương mặt, nằm ở vị trí chính giữa mặt. Xương hàm trên tạo nên một phần của thành bên, một phần của sàn ổ mắt, sàn ổ mũi và hầu hết khẩu cái cứng. Xương hàm trên có thân và các mỏm. Các mặt của thân hướng về ổ mũi, ổ mắt, hố dưới thái dương và phía trước. 

Thân xương chứa một xoang lớn mở vào ổ mũi và xoang hàm trên. Mỏm xương hàm trên là từ thân xương nhô ra bao gồm mỏm trán chạy lên tiếp khớp với xương trán, mỏm gò má thì tiếp khớp với gò má, mỏm huyệt răng là các cung mang các huyệt răng của các răng hàm trên, mỏm khẩu cái tạo nên ¾ trước khẩu cái cứng.

Giải phẫu xương trên khuôn mặt - xương mặt 1
Hình ảnh xương hàm trên và hàm dưới

1 xương lá mía - Vomer

Đây là một xương mỏng có hình tam giác tạo nên một phần của vách mũi. Nó tiếp khớp ở duois với các xương của khẩu cái cứng tại đường giữa và ở trên là mảnh thẳng đứng của xương sàng và xương bướm.

2 xương gò má - Zygomatic Bones

Đây là xương chính cấu trúc nên tầng giữa của mặt, giúp tạo nên hình dáng khuôn mặt. Xương dày, khỏe có 3 mặt, 4 bờ và 3 góc được tiếp khớp với 4 xương là xương trán, xương hàm trên, xương thái dương và cánh lớn xương bướm bằng 3 khớp là khớp xương trán gò má, khớp thái dương gò má và khớp  bướm gò má. Xương gò má là chỗ bám cho một số cơ mặt như cơ nâng môi trên, cơ cắn; đồng thời cũng góp phần tạo nên sàn cũng như thành ngoài ổ mắt, bất kỳ thay đổi nào về hình thể hay vị trí của xương gò má đều có thể có ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng của mắt. Ngoài ra, còn có sự liên quan chặt chẽ với các dây thần kinh như: Dây thần kinh mặt, dây thần kinh hàm,...

2 xương lệ - Lacrimal Bones

Hai xương này là những xương nhỏ nằm ở sau và ngoài các xương mũi góp phần tạo nên một phần thành trong ổ mắt. Xương lệ cùng với mỏm trán của xương hàm trên giới hạn nên hố lệ -  nơi mà túi lệ nằm.

2 xương khẩu cái - Palatine Bones

Bao gồm mảnh nằm ngang hợp với mảnh thẳng tạo thành hình chữ L. Mảnh nằm ngang hợp với mảnh nằm ngang của xương bên tạo thành phần sau của khẩu cái cứng. Còn mảnh thẳng đứng nhô lên trên tạo nên một phần của thành ngoài ổ mũi và một phần sàn ổ mắt.

2 xương xoăn mũi dưới - Inferior nasal concha

Nằm trong khoang mũi, có vai trò làm ấm và làm ẩm không khí khi hít vào. Xương này gồm một xương mỏng cuộn lại và nhô vào ổ mũi ở dưới xương xoăn mũi giữa.

2 xương mũi - Nasal Bones

Các xương mũi nằm trên sống mũi, nối xương trán với xương sụn mũi. Gồm hai phần là phần thân và cánh. Phần thân tạo thành sống mũi, phần cánh tạo thành đầu mũi.

Chức năng chính của những xương này là tạo hình dạng cho khuôn mặt con người và bảo vệ các cấu trúc bên trong. Ngoài ra, những xương này còn cung cấp các khe hở cho các cấu trúc mạch máu thần kinh đi qua và các đặc điểm của xương để gắn các cơ mặt.

Chấn thương thường gặp ở xương mặt: Gãy xương hàm mặt

Gãy xương hàm mặt là tình trạng xương hàm mặt bị gãy do tai nạn, va đập mạnh hoặc các nguyên nhân khác bao gồm gãy xương hàm trên và gãy xương hàm dưới. Đây là chấn thương khá phổ biến, đặc biệt là ở nam giới.

Dấu hiệu và triệu chứng của gãy xương hàm mặt

Nếu bạn bị gãy xương hàm mặt bạn có thể gặp một hay nhiều trong số những dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:

  • Đau: Đau dữ dội ở mặt, đặc biệt là khi cử động hàm.
  • Sưng: Sưng ở mặt, có thể lan rộng sang cổ.
  • Bầm tím: Da mặt bầm tím.
  • Chảy máu: Chảy máu từ miệng hoặc mũi.
  • Khó cử động hàm: Khó khăn khi há miệng, nhai hoặc nói.
  • Biến dạng khuôn mặt: Khuôn mặt có thể bị biến dạng do gãy xương.
  • Tê bì hoặc tê liệt: Tê bì hoặc tê liệt ở môi hoặc cằm do ảnh hưởng đến dây thần kinh.

Nguyên nhân gây gãy xương hàm mặt

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gãy xương hàm mặt điển hình như:

  • Tai nạn: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn thể thao.
  • Va đập mạnh: Bị đánh vào mặt, ngã từ trên cao.
  • Các nguyên nhân khác: Chấn thương do nha khoa, yếu xương do loãng xương, ung thư xương.
Giải phẫu xương trên khuôn mặt - xương mặt 2
Tai nạn có thể khiến bạn bị chấn thương ở xương mặt

Chẩn đoán gãy xương hàm mặt

Bác sĩ sẽ chẩn đoán gãy xương hàm dựa trên các triệu chứng và kết quả khám lâm sàng. Các xét nghiệm bổ sung như chụp X-quang, chụp CT hoặc chụp MRI có thể được thực hiện để xác định vị trí và mức độ nghiêm trọng của gãy xương.

Điều trị gãy xương hàm mặt

Điều trị gãy xương hàm mặt phụ thuộc vào vị trí, mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

  • Nắn chỉnh: Nắn chỉnh xương gãy về vị trí bình thường.
  • Cố định: Sử dụng nẹp, dây thép hoặc các thiết bị khác để cố định xương gãy.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật để đặt nẹp kim loại hoặc vít để cố định xương gãy.
  • Thuốc: Thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh.

Biến chứng của gãy xương hàm mặt

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, gãy xương hàm mặt có thể dẫn đến một số biến chứng như:

  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng xương hoặc mô mềm.
  • Malunion: Xương gãy lành lại không đúng vị trí, dẫn đến biến dạng khuôn mặt.
  • Tổn thương dây thần kinh: Tổn thương dây thần kinh có thể dẫn đến tê bì hoặc tê liệt ở môi hoặc cằm.
  • Khó khăn khi ăn uống và nói: Khó khăn khi ăn uống và nói do gãy xương.

Phòng ngừa gãy xương hàm mặt

Để phòng ngừa gãy xương hàm mặt, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Đeo mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông: Mũ bảo hiểm có thể giúp bảo vệ mặt khỏi chấn thương do tai nạn giao thông.
  • Tránh các hoạt động nguy hiểm: Tránh các hoạt động có nguy cơ cao bị chấn thương, chẳng hạn như thể thao mạo hiểm.
  • Cải thiện sức khỏe răng miệng: Chăm sóc răng miệng tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng răng miệng, có thể dẫn đến gãy xương hàm.
  • Điều trị loãng xương: Nếu bạn bị loãng xương, hãy điều trị để giảm nguy cơ gãy xương.

Gãy xương hàm mặt là một chấn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của gãy xương hàm mặt, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Giải phẫu xương trên khuôn mặt - xương mặt 3
Nên điều trị loãng xương để giảm nguy cơ gãy xương

Gãy xương hàm mặt gây nguy hiểm như thế nào?

Gãy xương hàm mặt không chỉ gây đau đớn mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Biến chứng cấp tính:

  • Ngạt thở: Dị vật từ gãy xương (mảng răng vỡ) hoặc dị vật bên ngoài xâm nhập vào đường thở có thể gây tắc nghẽn, dẫn đến ngạt thở.
  • Chảy máu: Gãy xương hàm mặt có thể gây chảy máu nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
  • Sốc choáng: Khi gãy xương phối hợp với các chấn thương khác, nguy cơ sốc choáng do mất máu và tổn thương cơ thể tăng cao.

Di chứng lâu dài:

  • Biến dạng khuôn mặt: Gãy xương hàm mặt nếu không được điều trị đúng cách có thể để lại di chứng biến dạng khuôn mặt nặng nề, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng.
  • Sụp mí mắt: Tổn thương do gãy xương có thể ảnh hưởng đến cấu trúc mí mắt, dẫn đến sụp mí.
  • Sai khớp cắn: Sai khớp cắn do di lệch xương hàm gây khó khăn khi nhai, nuốt và nói.
  • Giảm hoặc mất thị lực: Chấn thương sọ não đi kèm gãy xương hàm mặt có thể ảnh hưởng đến thị lực, thậm chí dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

Kết luận: Gãy xương hàm mặt là một tai nạn nguy hiểm cần được xử lý y tế kịp thời và chuyên nghiệp để hạn chế tối đa các biến chứng và di chứng lâu dài.

Giải phẫu xương trên khuôn mặt - xương mặt 4
Gãy xương hàm dưới có thể đi kèm chấn thương sọ não

Như vậy, bài viết về giải phẫu xương mặt cũng đã khép lại. Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, để có kiến thức chuyên sâu và đầy đủ về giải phẫu xương mặt, bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y khoa hoặc tìm hiểu thêm từ các tài liệu y khoa uy tín.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin