Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Khoai sọ bao nhiêu calo? Ăn khoai sọ có tốt cho sức khoẻ không?

Ngày 12/03/2023
Kích thước chữ

Khoai sọ là một loại thực phẩm giàu tinh bột, quen thuộc với bữa ăn của người Việt. Vậy khoai sọ bao nhiêu calo? Hãy cùng tìm hiểu để biết thêm về thông tin dinh dưỡng của loại khoai này nhé!

Cùng với khoai lang hay khoai môn, khoai sọ là một trong những loại củ giàu tinh bột phổ biến ở Việt Nam. Nhiều người thích ăn khoai sọ không chỉ vì ngon miệng mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tuy vậy nhiều người vẫn băn khoăn rằng khoai sọ bao nhiêu calo và khi giảm cân có ăn khoai sọ được không? Trong bài viết này, hãy để Nhà thuốc Long Châu giải đáp giúp bạn nhé! 

Thành phần dinh dưỡng của khoai sọ

Trước khi giải đáp câu hỏi khoai sọ bao nhiêu calo thì chúng ta cùng tìm hiểu về thành phần dinh dưỡng của khoai sọ nhé!

Khoai sọ thuộc họ Ráy và là loại củ chứa nhiều tinh bột, phổ biến ở Việt Nam. Một quả khoai sọ có trọng lượng 100 gram chứa khoảng 1.1 gram protein, 0.2 gram chất béo và 19 gram carbohydrate, cùng với canxi, photpho, magie, natri, kali, sắt, kẽm, đồng, vitamin C, thiamine, riboflavin và niacin. Mỗi loại vitamin và khoáng chất đó đều có vai trò riêng biệt trong cơ thể, và việc bổ sung đầy đủ chúng giúp cơ thể hoạt động tốt hơn.

Ngoài ra, khoai sọ còn chứa nhiều chất xơ và nước, giúp tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón. Chất xơ trong khoai sọ còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư đường ruột.

khoai sọ bao nhiêu calo 1

Khoai sọ là một loại củ giàu tinh bột, chất xơ và các loại vitamin, khoáng chất khác

Ăn khoai sọ có tác dụng gì?

Nhờ vào thành phần dinh dưỡng kể trên, thêm khoai sọ vào chế độ ăn uống hằng ngày mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ như:

Tốt cho tim mạch

Trong khoai sọ chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe như kali, kẽm, đồng, sắt, mangan và magie. Trong đó, kali là một thành phần đóng vai trò trong việc điều hòa nhịp tim. Ngoài ra, kali còn có tác dụng ổn định và làm giảm huyết áp đối với người bệnh tăng huyết áp.

Hỗ trợ tiêu hóa

Với 4.1g chất xơ trong mỗi 100g khoai sọ, tương đương 11% nhu cầu chất xơ của cơ thể hằng ngày, khoai sọ giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hoá. Ngoài ra, trong khoai sọ còn có carbohydrate phức hợp, giúp chậm quá trình tiêu hóa. Nhờ đó có tác dụng nhuận tràng và phòng ngừa táo bón hiệu quả.

khoai sọ bao nhiêu calo 2

Khoai sọ hỗ trợ tăng cường hoạt động tiêu hoá, từ đó nâng cao sức khoẻ tổng thể

Tăng cường hệ thống miễn dịch

Nhờ vào thành phần giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa khác, khoai sọ giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể và phòng chống nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Hỗ trợ điều trị viêm thận

Khoai sọ giàu vitamin và photpho, tốt cho người bị viêm thận. Những người mắc bệnh này có thể thêm khoai sọ vào chế độ dinh dưỡng của mình nhưng lưu ý nên nêm gia vị nhạt hơn so với bình thường. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể nấu cháo khoai sọ với một chút đường để hỗ trợ điều trị bệnh viêm thận mãn tính.

Phòng ngừa suy nhược cơ thể

Thành phần gluxit dồi dào trong khoai sọ cung cấp nhiều năng lượng để nuôi dưỡng tế bào thần kinh và chống lại suy nhược cơ thể. Vì thế, những người mới ốm dậy, người gầy yếu hay cơ thể suy nhược nên ăn canh khoai sọ nấu với thịt hay móng giò để cơ thể mau chóng phục hồi.

Khoai sọ bao nhiêu calo? Ăn khoai sọ có béo không?

Nếu bạn quan tâm khoai sọ bao nhiêu calo thì trung bình trong 100g khoai sọ có thể cung cấp 115 - 118 calo. Trong nhu cầu năng lượng của một người trưởng thành là 2000 calo/ngày. Điều này có nghĩa là khoai sọ là một loại thực phẩm có lượng calo khá thấp, thích hợp cho những người đang giảm cân hoặc ăn kiêng. Ngoài ra, chất xơ trong khoai sọ làm giảm cảm giác đói và giúp duy trì cảm giác no lâu hơn, từ đó giúp kiểm soát lượng thức ăn và giảm cân hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, khi chế biến khoai sọ thành các món ăn như khoai sọ chiên hay bánh khoai sọ, lượng calo sẽ tăng lên đáng kể do quá trình chế biến. Vì vậy, bạn nên ăn khoai sọ một cách hợp lý và cân nhắc lượng calo khi chế biến thành các món ăn khác.

khoai sọ bao nhiêu calo 3

Trung bình khoảng 30 calo/củ, nhưng có thể thay đổi tuỳ theo cách chế biến

Một số món ăn làm từ khoai sọ 

Nếu bạn muốn tận dụng khoai sọ một cách tối đa trong chế độ ăn uống, hãy tham khảo thêm các công thức dưới đây:

  • Khoai sọ xào thịt bò: Khoai sọ được xào cùng với thịt bò thái nhỏ, hành tím, tỏi và gia vị như nước tương, đường, tiêu và dầu ăn. Món ăn này rất giàu protein và dinh dưỡng.
  • Khoai sọ hầm thịt gà: Khoai sọ được hầm chung với thịt gà, nấm và các loại rau củ khác để tạo ra một món canh hầm thơm ngon và bổ dưỡng.
  • Khoai sọ nấu cháo: Khoai sọ sau khi luộc chín có thể được nấu cháo cùng với thịt gà hoặc thịt heo, giúp tăng thêm hương vị và dinh dưỡng cho món cháo.
  • Khoai sọ nấu súp: Khoai sọ sau khi cắt thành những miếng nhỏ có thể được nấu trong nước dùng với thịt, rau củ và các loại gia vị để tạo ra một món súp thơm ngon và đầy dinh dưỡng.

Khoai sọ có thể được sử dụng để chế biến nhiều món ăn khác nhau, tùy vào sở thích và khẩu vị của mỗi người.

Những lưu ý khi ăn khoai sọ

Khoai sọ là một nguồn dinh dưỡng tốt cho cơ thể và quá trình giảm cân, nhưng khi ăn khoai sọ bên cạnh quan tâm đến việc khoai sọ có bao nhiêu calo, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Không nên ăn quá nhiều khoai sọ một lần, vì nó có thể gây khó tiêu hoặc khó chịu cho dạ dày.
  • Khoai sọ nên được chế biến đúng cách để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng. Nên nấu khoai sọ thay vì chiên, để giảm lượng calo và tăng hàm lượng chất xơ.
  • Khoai sọ cũng chứa oxalate, một hợp chất có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe nếu ăn quá nhiều. Nếu bạn có tiền sử bệnh sỏi thận, nên hạn chế ăn khoai sọ hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Ngoài ra, khi mua khoai sọ, bạn nên chọn những củ còn tươi, không bị dập nát hoặc có dấu hiệu của sự hư hỏng. Khoai sọ nên được bảo quản trong môi trường khô ráo và thoáng mát để tránh sự phát triển của vi khuẩn và nấm.

Trong bài viết này, câu hỏi khoai sọ bao nhiêu calo đã được Nhà thuốc Long Châu giải đáp giúp bạn. Khoai sọ là một loại củ tuy giàu tinh bột nhưng ít calo và chứa nhiều loại dưỡng chất khác. Vì vậy bạn nên bổ sung khoai sọ vào chế độ ăn uống hằng ngày, ngay cả khi đang ăn kiêng giảm cân. Tuy nhiên nên ăn khoai sọ một cách hợp lý, cân nhắc lượng calo khi chế biến thành các món ăn khác nhé!

Xem thêm: 

Quỳnh Vi 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Dinh dưỡngCalo