Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Làm sao để bé hết bú lắt nhắt? Làm thế nào để đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cho bé?

Ngày 23/07/2024
Kích thước chữ

Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng quý giá đối với trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên, có một số trẻ thường xuyên lười bú, bú lắt nhắt khiến trẻ chậm tăng cân, từ đó gây lo lắng cho cha mẹ. Vậy làm thế nào để bé hết bú lắt nhắt?

Bú lắt nhắt là một tình trạng không ít trẻ gặp phải. Tình trạng này xảy ra khi trẻ chỉ bú vài phút, có thể là 5 - 10 phút ở trẻ sơ sinh hoặc 2 - 3 phút ở trẻ lớn hơn. Mặc dù chưa bú no nhưng trẻ không chịu bú tiếp, một lúc sau lại quấy khóc đòi bú. Vậy làm sao để bé hết bú lắt nhắt?

Nguyên nhân nào khiến trẻ bú lắt nhắt?

Trước khi tìm câu trả lời cho vấn đề “làm sao để bé hết bú lắt nhắt?”, bạn cần nắm được nguyên nhân khiến trẻ lười bú, bú lắt nhắt. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ lười bú, bú lắt nhắt, cụ thể là:

Do cấu tạo dạ dày của trẻ

Tình trạng trẻ bú sữa mẹ lắt nhắt thường xảy ra ở những trẻ đang trong giai đoạn dưới 12 tuần tuổi. Thời điểm này, dạ dày của trẻ còn nhỏ nên bé thường no nhanh khi chỉ mới bú. Với lượng sữa bú được này, chỉ cần 1 - 2 lần đi tiểu là trẻ lại đói, cáu kỉnh và đòi bú.

Mẹ không có đủ sữa cho trẻ bú

Điều này có thể dễ dàng nhận nếu xuất hiện một số dấu hiệu như sau:

  • Trẻ không đạt các chỉ số trong biểu đồ tăng trưởng;
  • Số lượng nước tiểu của bé ít;
  • Ngực của người mẹ không căng tức, thậm chí là có cảm giác “lỏng lẻo”.

Khi mẹ không có đủ sữa cho trẻ bú, con sẽ không được ăn no, ngủ không sâu giấc và dễ bị giật mình, quấy khóc.

Làm sao để bé hết bú lắt nhắt? Làm thế nào để đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cho bé? 1
Mẹ không đủ sữa cho trẻ bú cũng là nguyên nhân khiến trẻ bú lắt nhắt

Do mẹ tạo “thói quen” bú lắt nhắt cho trẻ

Có nhiều bà mẹ cứ thấy trẻ quấy khóc thì lại cho con bú, bởi đây được xem là một cách dỗ trẻ nhanh nhất. Tình trạng này kéo dài sẽ dần tạo thành thói quen xấu cho bé, khiến con luôn muốn ngậm ti mẹ cho dù không thật sự đói.

Do trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt

Theo thông tin được in trên tạp chí của Anh cho biết, khi đang trong giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt thì trẻ thường đói rất nhanh vì cơ thể cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng để phát triển. Do đó, trẻ có thể đòi bú từ 18 - 32 lần/giờ. Giai đoạn này thường xảy ra khi bé được 3 tuần tuổi, 6 tuần tuổi, 3 tháng tuổi và 6 tháng tuổi. Khi qua giai đoạn này, trẻ sẽ bú trở lại với tần suất bình thường.

Một số dấu hiệu nhận biết trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt như:

  • Trẻ sơ sinh đòi bú nhiều lần và bú lâu;
  • Trẻ thường thức giấc nhiều hơn vào ban đêm để đòi bú mẹ;
  • Trẻ thường xuyên quấy khóc, cáu gắt hơn bình thường.

Tình trạng trẻ bú lắt nhắt gây ảnh hưởng không chỉ đến cân nặng và giờ giấc sinh hoạt của trẻ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người mẹ. Vậy làm sao để bé hết bú lắt nhắt?

Làm sao để bé hết bú lắt nhắt?

Làm sao để bé hết bú lắt nhắt đang là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các mẹ bỉm. Để khắc phục tình trạng bú lắt nhắt, lười bú ở trẻ, mẹ có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây, cụ thể như sau:

Tận dụng tiếp xúc da của mẹ và bé

Tiếp xúc da trực tiếp là một biện pháp rất hay mà các mẹ nên áp dụng trong trường hợp bé lười bú, bú lắt nhắt. Mẹ hãy đặt bé lên trên ngực khi cho con bú và thường xuyên ôm trẻ càng nhiều càng tốt, ngay cả khi không cho bú.

Biện pháp tiếp xúc da sẽ giúp tăng dần lượng sữa được tiết ra, tăng mối liên kết tình cảm và sự gắn bó giữa hai mẹ con, từ đó kích thích trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn.

Hạn chế quấn tã cho trẻ trong những ngày đầu

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những trẻ thường xuyên được quấn tã sẽ có xu hướng bú mẹ ít hơn. Do đó, trong những ngày đầu tiên trong đời, mẹ nên tránh quấn tã cho trẻ khi cho bú để cơ thể trẻ được thoải mái, tự do hơn. Từ đó kích thích trẻ bú nhiều hơn, lâu hơn và giúp sữa mẹ về nhiều hơn.

Giữ cho bé luôn được mát mẻ

Làm thế nào để bé hết bú lắt nhắt? Mẹ hãy lựa chọn quần áo phù hợp cho bé dựa trên thời tiết để tránh tình trạng quấn bọc quá nhiều lớp quần áo cho trẻ. Từ đó khiến trẻ cảm thấy buồn ngủ hơn và không có hứng thú muốn thức giấc đòi bú khi đói hoặc bú lắt nhắt.

Mặt khác, nếu để trẻ nóng quá và ra nhiều mồ hôi cũng khiến trẻ tiêu tốn nhiều năng lượng không cần thiết. Điều này cũng khiến trẻ không cảm thấy hào hứng đối với việc bú sữa mẹ.

Chế độ dinh dưỡng của mẹ

Trong trường hợp trẻ bú lắt nhắt do mẹ bị thiếu sữa thì mẹ cần phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng và uống nhiều nước để tăng cường nguồn sữa cho bé. Đồng thời, mẹ cũng cần chú ý luôn giữ tinh thần được thoải mái, nghỉ ngơi hợp lý để tránh gây ảnh xấu đến quá trình tiết sữa.

Làm sao để bé hết bú lắt nhắt? Làm thế nào để đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cho bé? 2
Mẹ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường nguồn sữa cho trẻ

Cho trẻ bú đúng cách

Nếu mẹ cho bú không đúng tư thế và không đúng cách cũng gây ảnh hưởng đến đến việc bú sữa của trẻ. Do đó, mẹ cần điều chỉnh lại tư thế bú sao cho đúng để trẻ cảm thấy thoải mái và bú được nhiều sữa hơn. Đặc biệt, mẹ cần đặc biệt chú ý đến khớp ngậm đầu ti của trẻ. Trẻ bú đúng cách là khi miệng ngậm đầy bầu vú mẹ, môi trên và môi dưới mở rộng, đồng thời mẹ không thấy bị đau khi trẻ bú.

Cho trẻ bú đúng cữ

Nếu trẻ quấy khóc, mẹ nên tìm cách dỗ dành trẻ thay vì cho con bú. Đồng thời, mẹ cần đảm bảo kéo dài đúng thời gian giữa các cữ bú để cho trẻ đói thật sự. Khi đó, trẻ sẽ bú mạnh hơn, bú được nhiều hơn và kích thích sữa tiết ra nhiều hơn.

Ngoài ra, trẻ từ giai đoạn 2 - 3 tháng tuổi đã bắt đầu tò mò với thế giới xung quanh và dễ dẫn đến xao nhãng khi bú. Do đó, mẹ nên cho trẻ bú ở phòng tối, tránh tiếng ồn để con tập trung bú mẹ hơn.

Trong trường hợp trẻ bú lắt nhắt kéo dài kèm theo chỉ số chiều cao và cân nặng bị chậm tăng trưởng thì cha mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ để kiểm tra cũng như có hướng điều trị hợp lý. Đặc biệt, mẹ cũng cần đảm bảo nguồn sữa dồi dào để cho bé bú đến khoảng 2 tuổi.

Làm sao để bé hết bú lắt nhắt? Làm thế nào để đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cho bé? 3
Làm sao để bé hết bú lắt nhắt?

Làm thế nào để đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cho bé?

Dưới đây là lời khuyên của các chuyên khoa cho mẹ để đảm bảo nguồn sữa dồi dào cho bé, bao gồm:

  • Cho bé bú ngay sau khi sinh: Các chuyên gia khuyến nghị mẹ nên cho bé bú sớm nhất có thể sau sinh, tốt nhất là trong 1 giờ đầu tiên sau khi bé chào đời.
  • Cho bé bú thường xuyên: Việc cho bé bú thường xuyên sẽ kích thích cơ thể mẹ tăng tiết nhiều sữa hơn.
  • Cho bé bú đều 2 bên ngực: Việc cho trẻ bú đều 2 bên ngực sẽ kích thích cả 2 bầu ngực tăng sản xuất sữa.
  • Cho bé ngậm bắt ti đúng cách: Trẻ ngậm bắt ti đúng cách sẽ giúp con bú mạnh hơn, từ đó kích thích tuyến sữa tăng tiết ra nhiều sữa hơn.
  • Mẹ nên uống sữa ấm trước khi cho con bú: Việc uống một ly sữa ấm trước khi cho trẻ bú khoảng 20 phút vừa có tác dụng bổ sung dưỡng chất cho mẹ, vừa hỗ trợ kích thích tăng tạo tiết sữa. Đồng thời thúc đẩy sữa mẹ về nhanh hơn, sữa cũng đều, đậm đặc và thơm ngon hơn.
  • Làm trống bầu sữa sau khi trẻ bú xong: Thường xuyên hút hoặc vắt sạch sữa sau mỗi cữ bú của trẻ là một trong những cách làm tăng lượng sữa mẹ hiệu quả.
  • Mẹ nên nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc: Việc mẹ thức khuya thường xuyên và ngủ không đủ giấc sẽ dẫn đến nguy cơ mất sữa. Do đó, mẹ nên có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế ngủ muộn, thực hiện nguyên tắc mẹ ngủ - con ngủ để đảm bảo giấc ngủ đầy đủ cho cả hai mẹ con.
  • Hạn chế căng thẳng, stress: Nếu mẹ thường xuyên cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hoặc stress trong quá trình chăm sóc con sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tạo sữa và bài tiết sữa. Do đó, mẹ nên cố gắng duy trì tình thần thoải mái, người thân cần trò chuyện và chia sẻ việc chăm sóc con với người mẹ.
  • Tránh sử dụng bia rượu, chất kích thích: Bia rượu và các chất kích thích có thể làm giảm chất lượng và số lượng sữa mẹ. Do đó, mẹ cần tránh dùng bia rượu và các chất kích thích trong quá trình mang thai cũng như khi cho con bú.
  • Uống đủ nước: Trong sữa mẹ có khoảng 90% là nước. Vì thế, mẹ cần uống đủ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày để bổ sung cho cơ thể.
  • Ăn uống khoa học và đầy đủ dinh dưỡng: Phụ nữ đang cho con bú cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất như đạm, chất béo, chất xơ, đường, vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn uống. Đồng thời, tránh tiêu thụ những loại thực phẩm gây mất sữa hoặc mùi khó chịu cho sữa.
Làm sao để bé hết bú lắt nhắt? Làm thế nào để đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cho bé? 4
Mẹ cần nghỉ ngơi hợp lý và tránh căng thẳng để đảm bảo nguồn sữa tốt nhất cho trẻ

Trên đây là những thông tin về nguyên nhân khiến trẻ bú lắt nhắt và giải đáp thắc mắc “ làm sao để bé hết bú lắt nhắt?”. Mẹ có thể khắc phục tình trạng trẻ bú lắt nhắt bằng các biện pháp được nêu trong bài viết, đồng thời cải thiện nguồn sữa mẹ để bé tích cực bú hơn.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin