Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi​ mà cha mẹ cần lưu ý

Ngày 15/10/2024
Kích thước chữ

Vắc xin được coi là thành tựu quan trọng trong lĩnh vực y tế, giúp bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn sự lây lan của nhiều bệnh truyền nhiễm. Việc tiêm vắc xin cho trẻ em không chỉ giúp củng cố hệ miễn dịch mà còn ngăn ngừa hiệu quả các bệnh nguy hiểm. Vậy các bậc phụ huynh đã nắm rõ lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi chưa?

Việc tiêm vắc xin đúng lịch và đầy đủ số mũi là vô cùng quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong bài viết này, cùng tìm hiểu lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi ngay nhé!

Vai trò của việc tiêm phòng cho trẻ dưới 12 tuổi

Trẻ em, đặc biệt trong giai đoạn từ 0-12 tuổi sẽ dễ mắc bệnh và gặp các biến chứng nguy hiểm do hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa phát triển hoàn thiện. Điều này khiến cơ thể trẻ dễ bị tổn thương và dễ chịu những di chứng nghiêm trọng hơn so với người lớn. Dù đã được điều trị kịp thời, nhiều trường hợp vẫn để lại những di chứng nặng nề và kéo dài suốt đời như đoạn chi, mù, liệt, điếc, chậm phát triển trí tuệ và thể chất.

Tuy nhiên, hầu hết các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ vào việc tiêm vắc xin. Vắc xin là chế phẩm sinh học chứa kháng nguyên đã bị làm yếu hoặc bất hoạt của các tác nhân gây bệnh, khi được tiêm vào cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể giúp trẻ có khả năng chống lại bệnh tật. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), việc tiêm vắc xin đầy đủ có thể bảo vệ trẻ em trước nhiều loại bệnh nguy hiểm, với 95% trẻ được tiêm chủng sẽ phát triển một hệ miễn dịch vững chắc.

Lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi​ mà cha mẹ cần lưu ý 1
Hầu hết các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã có thể được phòng ngừa nhờ tiêm vắc xin

Tiêm chủng vắc xin được coi là một biện pháp phòng bệnh đơn giản, hiệu quả và bền vững nhất. Mỗi một đồng đầu tư vào tiêm chủng có thể tiết kiệm được 16 đồng cho chi phí y tế và điều trị bệnh lý. Trẻ có thể tiêm nhiều loại vắc xin cùng lúc theo chỉ định của bác sĩ mà vẫn đảm bảo an toàn, không gây quá tải cho hệ miễn dịch. Đầu tư vào việc tiêm chủng chính là một bước đầu tư hợp lý cho sức khỏe và tương lai của trẻ. 

Khi trẻ được tiêm đầy đủ, khả năng mắc bệnh nặng và tử vong giảm đáng kể, giúp các em học tập và phát triển khỏe mạnh. Gia đình cũng tránh được gánh nặng tài chính và tiết kiệm thời gian chăm sóc con ốm, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và tinh thần. Việc nắm vững lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi giúp cha mẹ quản lý chặt chẽ, không bỏ sót các mũi tiêm quan trọng, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho con.

Lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi​

Dưới đây là thông tin về lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi theo từng mốc thời gian cụ thể.

Giai đoạn sơ sinh

Ngay sau khi chào đời, trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc xin ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu để ngăn ngừa căn bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho gan. Viêm gan B có khả năng dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, thậm chí là ung thư gan và tử vong. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm gan B. Khi mắc bệnh, người bệnh hầu như phải sống chung với viêm gan B suốt đời. Theo các chuyên gia, viêm gan B là nguyên nhân chính gây ung thư gan ở trẻ em.

Lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi​ mà cha mẹ cần lưu ý 2
Trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc xin ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh

Trường hợp mẹ mắc viêm gan B, nguy cơ truyền virus cho con trong quá trình sinh rất cao do bệnh có thể lây qua máu. Vì vậy, ngoài vắc xin viêm gan B, trẻ còn cần được tiêm huyết thanh kháng viêm gan B càng sớm càng tốt trong vòng 7 ngày sau sinh để ngăn ngừa virus hiệu quả vì tác dụng của huyết thanh giảm dần theo thời gian. Nếu trẻ được tiêm sau 7 ngày, hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm đáng kể.

Đối với trẻ sơ sinh nhẹ cân (dưới 2kg) hoặc mắc bệnh tim bẩm sinh, mũi tiêm vắc xin viêm gan B sẽ được hoãn lại cho đến khi sức khỏe của trẻ ổn định hơn.

Ngoài ra, trẻ sơ sinh còn cần tiêm vắc xin ngừa bệnh lao cũng trong vòng 24 giờ đầu. Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis gây ra, là một trong những bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm ở trẻ. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến phổi và hệ hô hấp, nhưng vi khuẩn lao có thể lây lan qua máu và tấn công các cơ quan khác như xương, gan, thận, gây tổn thương nghiêm trọng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lao có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như ho ra máu, suy hô hấp và xơ phổi.

Các loại vắc xin cần tiêm cho trẻ sơ sinh:

  • Vắc xin viêm gan B: Gene HB vax (Việt Nam), Heberbiovac HB (Cuba), Engerix B (Bỉ).
  • Vắc xin lao: BCG (Việt Nam).

Giai đoạn từ 1 tháng tuổi

Trong tháng đầu tiên sau sinh, trẻ có thể được tiêm mũi thứ hai của vắc xin viêm gan B dạng đơn liều. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, phụ huynh nên đợi đến khi trẻ được 6 tuần tuổi để tiêm các loại vắc xin phối hợp có chứa thành phần viêm gan B nhằm tối ưu hóa khả năng bảo vệ.

Lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi​ mà cha mẹ cần lưu ý 3
Trong tháng đầu tiên sau sinh, trẻ có thể được tiêm mũi thứ hai của vắc xin viêm gan B dạng đơn liều

Giai đoạn 6 tuần tuổi

Khi trẻ được 6 tuần tuổi, cơ thể đã đủ khả năng để tiếp nhận nhiều loại vắc xin quan trọng giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Những loại vắc xin cần thiết bao gồm:

  • Vắc xin phối hợp 6 trong 1: Infanrix Hexa (Bỉ) hay Hexaxim (Pháp), giúp phòng 6 bệnh gồm là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt và các bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae type B (HiB).
  • Vắc xin phối hợp 5 trong 1: Pentaxim (Pháp), phòng 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, các bệnh do HiB. Với loại vắc xin này, cần bổ sung thêm một liều vắc xin viêm gan B đơn để đảm bảo đủ kháng thể phòng ngừa bệnh viêm gan B.
  • Vắc xin phòng phế cầu khuẩn: Prevenar 13 (Bỉ), Synflorix (Bỉ).
  • Vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus: Rotarix (Bỉ), Rotavin (Việt Nam), Rotateq (Mỹ).

Giai đoạn từ 2 tháng tuổi

Nếu trẻ chưa được tiêm các loại vắc xin như vắc xin 6 trong 1, vắc xin phòng phế cầu hay vắc xin ngừa Rotavirus vào lúc 6 tuần tuổi, ba mẹ có thể bắt đầu đưa trẻ đi tiêm trong giai đoạn từ 2 tháng tuổi. Ngoài các vắc xin đã nêu, trẻ cũng có thể bắt đầu tiêm vắc xin ngừa bệnh viêm màng não do não mô cầu khuẩn nhóm B.

Giai đoạn từ 3 tháng tuổi

Dựa theo lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi, các loại vắc xin trong giai đoạn 3 tháng tuổi có tác dụng bổ sung và tăng cường hiệu quả từ các mũi tiêm trước. Bao gồm mũi thứ 2 của vắc xin 6 trong 1, vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn và liều uống thứ 2 của vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus.

Giai đoạn từ 4 tháng tuổi

Ở giai đoạn từ 4 tháng tuổi, đây là thời điểm lý tưởng để tiêm mũi thứ 3 của vắc xin 6 trong 1, vắc xin ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn, uống liều thứ 3 của vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus và tiêm mũi thứ 2 của vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm B.

Lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi​ mà cha mẹ cần lưu ý 4
Lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi

Giai đoạn từ 6-9 tháng tuổi

Từ 6-9 tháng tuổi là giai đoạn quan trọng để tiếp tục lịch tiêm chủng cho trẻ nhằm củng cố hệ miễn dịch đang phát triển. Trong thời gian này, trẻ cần tiêm các loại vắc xin như sau:

  • Từ 6 tháng tuổi: Trẻ sẽ tiêm mũi đầu tiên của vắc xin ngừa cúm tứ giá, mũi 1 vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu nhóm B, C. Đây là thời điểm trẻ không còn kháng thể thụ động từ mẹ, nên các mũi tiêm này đặc biệt quan trọng.
  • Từ 7 tháng tuổi: Trẻ cần tiêm mũi thứ 2 của vắc xin ngừa cúm để củng cố kháng thể chống lại virus cúm, giúp trẻ được bảo vệ toàn diện hơn trong năm đầu đời.
  • Từ 8 tháng tuổi: Trẻ cần tiêm mũi thứ 2 của vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm B, C, giúp hoàn thành phác đồ tiêm chủng và đảm bảo hệ miễn dịch được bảo vệ tối ưu.
  • Từ 9 tháng tuổi: Đây là thời điểm để bắt đầu các loại vắc xin mới, bao gồm vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, vắc xin ngừa sởi - quai bị - rubella, vắc xin ngừa thủy đậu và vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135.

Giai đoạn từ 12 tháng tuổi

Một số vắc xin cần được tiêm trong giai đoạn này bao gồm:

  • Vắc xin ngừa viêm gan A.
  • Vắc xin phối hợp ngừa viêm gan A và B.
  • Vắc xin ngừa thủy đậu (nếu trẻ chưa tiêm mũi trước đó).
  • Vắc xin viêm não Nhật Bản (nếu chưa tiêm trước đó).
  • Vắc xin ngừa sởi - quai bị - rubella (nếu chưa tiêm trước đó).

Từ 1 đến 2 tuổi, khi trẻ bắt đầu tiếp xúc với nhiều người hơn, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao. Trong giai đoạn này, lịch tiêm chủng khuyến cáo ba mẹ đưa trẻ tiêm vắc xin phòng viêm gan A, vắc xin viêm não Nhật Bản (vắc xin bất hoạt) và vắc xin 3 trong 1 phòng sởi - quai bị - rubella. Trẻ cũng cần được tiêm nhắc lại một số mũi như:

  • Mũi 2 của vắc xin viêm não Nhật Bản (nếu đã tiêm vắc xin sống từ 9 tháng tuổi).
  • Mũi 2 của vắc xin ngừa thủy đậu.
  • Mũi 2 của vắc xin ngừa viêm màng não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135.

Đồng thời, bố mẹ cần nhớ tiêm nhắc lại mũi vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu nhóm B khi trẻ đủ 12 tháng tuổi để tăng cường hiệu quả bảo vệ.

Lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi​ mà cha mẹ cần lưu ý 5
Cần nhớ tiêm nhắc lại mũi vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu nhóm B khi trẻ đủ 12 tháng tuổi

Giai đoạn 15-24 tháng

Giai đoạn 15-24 tháng là lúc trẻ cần được tiêm nhắc mũi thứ 4 của vắc xin 6 trong 1 và mũi 2 của vắc xin ngừa viêm gan B. Việc tiêm nhắc lại ở giai đoạn này là rất quan trọng vì theo thời gian, nồng độ kháng thể trong cơ thể sẽ suy giảm. Kháng thể bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm chỉ đạt mức tối ưu khi trẻ được tiêm đầy đủ theo đúng lịch trình do nhà sản xuất và chuyên gia y tế khuyến cáo. Nếu trẻ chưa hoàn thành lịch tiêm chủng, nguy cơ mắc bệnh vẫn tồn tại ngay cả sau mũi tiêm đầu tiên.

Giai đoạn từ 2-3 tuổi

Sau 2 năm đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ đã phát triển để đối phó với nhiều loại virus gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do đó số lượng mũi tiêm sẽ giảm dần. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần được tiêm nhắc một số loại vắc xin quan trọng như mũi 3 của vắc xin phòng viêm não Nhật Bản (nếu sử dụng vắc xin bất hoạt). Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ bắt đầu tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh thương hàn và sau đó sẽ tiêm nhắc lại mỗi 3 năm. Trẻ cũng cần uống 2 liều vắc xin ngừa bệnh tả với khoảng cách giữa các liều là 2 tuần.

Giai đoạn 3-12 tuổi

Trong giai đoạn từ 3-12 tuổi, trẻ cần tiêm một loạt vắc xin quan trọng để bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đối với trẻ từ 4-6 tuổi, các vắc xin cần thiết bao gồm:

  • Vắc xin ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván và bại liệt.
  • Vắc xin ngừa các bệnh nhiễm trùng do phế cầu.
  • Vắc xin ngừa cúm.
  • Vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản.
  • Vắc xin ngừa viêm màng não do não mô cầu nhóm ACYW.
  • Vắc xin ngừa thủy đậu.
  • Vắc xin ngừa sởi - quai bị - rubella.
  • Vắc xin phối hợp ngừa viêm gan A và B.
  • Vắc xin ngừa thương hàn.
  • Vắc xin ngừa bệnh tả.

Ở giai đoạn từ 3-12 tuổi, trẻ có nguy cơ cao mắc phải nhiều bệnh truyền nhiễm do tiếp xúc với môi trường học đường. Đặc biệt, trẻ từ 4-6 tuổi cần hoàn thành các mũi tiêm nhắc như mũi 5 của vắc xin 6 trong 1 và mũi 2 vắc xin ngừa sởi - quai bị - rubella.

Lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi​ mà cha mẹ cần lưu ý 6
Từ 3-12 tuổi, trẻ có nguy cơ cao mắc phải nhiều bệnh truyền nhiễm

Ngoài ra, từ 7-12 tuổi, trẻ cần tiêm thêm các loại vắc xin như:

  • Vắc xin ngừa HPV (Gardasil, Mỹ) cho bé gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi, giúp phòng ngừa 4 tuýp HPV (6, 11, 16, 18).
  • Vắc xin ngừa HPV Gardasil 9 (Mỹ) cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi, cung cấp khả năng phòng ngừa 9 tuýp HPV nguy hiểm.
  • Vắc xin phối hợp ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván (Adacel, Canada / Boostrix, Bỉ).
  • Vắc xin ngừa uốn ván đơn (VAT, Việt Nam).

Đến khi trẻ đủ 7 tuổi, trẻ cần tiếp tục tiêm nhắc vắc xin ngừa bạch hầu - ho gà - uốn ván và cứ mỗi 10 năm, trẻ sẽ cần tiêm nhắc lại để duy trì mức kháng thể suốt đời.

Đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên, đặc biệt là các bé gái, việc tiêm vắc xin ngừa HPV là rất quan trọng để phòng tránh ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn và các bệnh lây qua đường tình dục do HPV gây ra. Vắc xin HPV thường tiêm từ 2-3 mũi tùy loại và độ tuổi, trong đó giai đoạn 9-14 tuổi là thời điểm tốt nhất để cơ thể trẻ đáp ứng miễn dịch tối ưu.

Khi nào không nên tiêm vắc xin cho trẻ?

Một số trường hợp trẻ không nên tiêm một số loại vắc xin nhất định hoặc cần phải tiêm sau thời gian so với lịch tiêm thông thường. Dưới đây là một số trường hợp đặc biệt mà ba mẹ cần lưu ý:

  • Trẻ có tiền sử dị ứng hoặc phản ứng nặng với vắc xin: Mặc dù tỷ lệ phản ứng sốc phản vệ với vắc xin rất thấp (khoảng 1,31/1.000.000 liều) nhưng nếu trẻ có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc một thành phần nào đó trong vắc xin, ba mẹ cần trao đổi với bác sĩ trước khi tiêm. Một số tác dụng phụ nhẹ có thể xảy ra như phát ban, nôn ói, sốt, sưng đau tại chỗ tiêm hoặc đau đầu. Trong các trường hợp này, bác sĩ có thể điều chỉnh hoặc thay đổi lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi.
  • Trẻ đang sốt cao: Nếu trẻ đang sốt trên 38 độ C, việc tiêm chủng nên được hoãn lại. Sốt cao có thể khiến các tác dụng phụ của vắc xin trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, cần phải kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ kỹ lưỡng trước khi quyết định tiêm.
  • Trẻ mắc hen suyễn hoặc các vấn đề về phổi: Trẻ dưới 2 tuổi hoặc trẻ từ 2-4 tuổi có tiền sử hen suyễn hoặc có triệu chứng thở khò khè trong vòng 12 tháng qua cần tránh sử dụng vắc xin cúm dạng xịt mũi. Vắc xin này được chế tạo từ virus cúm sống, có thể làm nặng thêm các cơn hen suyễn.
  • Trẻ sử dụng steroid liều cao: Sử dụng steroid liều cao có thể làm giảm khả năng miễn dịch chống lại virus. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị hoãn tiêm các mũi vắc xin có virus sống như vắc xin MMR, thủy đậu và đậu mùa ít nhất vài tuần sau khi trẻ đã ngừng dùng steroid liều cao.
  • Trẻ đang điều trị ức chế miễn dịch: Trẻ đang điều trị bằng các phương pháp ức chế miễn dịch, chẳng hạn như hóa trị hoặc điều trị bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, cần tránh tiêm các loại vắc xin chứa virus sống. Các vắc xin như vắc xin cúm bất hoạt (không có virus sống) vẫn có thể tiêm để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ có thể không bằng so với trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
  • Các chống chỉ định khác: Mỗi loại vắc xin có thể có các điều kiện chống chỉ định riêng, do đó ba mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc đọc kỹ các hướng dẫn từ nhà sản xuất vắc xin để đảm bảo sự an toàn cho trẻ.
Lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi​ mà cha mẹ cần lưu ý 7
Nếu trẻ đang sốt trên 38 độ C, việc tiêm chủng nên được hoãn lại

Lưu ý khi tiêm chủng cho trẻ

Để quá trình tiêm chủng của trẻ diễn ra một cách thuận lợi và đảm bảo an toàn, ba mẹ cần lưu ý những điểm sau để có thể theo dõi và xử lý kịp thời nếu có tình huống bất thường xảy ra:

  • Giữ bình tĩnh và trấn an tinh thần cho trẻ: Trẻ em thường sợ hãi khi đối diện với kim tiêm và cảm giác đau đớn. Vì vậy, việc trấn an tinh thần cho trẻ trước khi tiêm là vô cùng quan trọng. Ba mẹ cần nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu rằng việc tiêm ngừa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của mình. Động viên và khuyến khích trẻ hợp tác với nhân viên y tế, giúp giảm thiểu sự lo lắng và căng thẳng.
  • Kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng trước khi tiêm: Trước khi tiêm, trẻ cần được kiểm tra sức khỏe thông qua việc khám sàng lọc. Ba mẹ nên thông báo đầy đủ cho bác sĩ về lịch sử bệnh tật, các vấn đề sức khỏe hiện tại, loại thuốc đang sử dụng và các liệu pháp điều trị mà trẻ có thể đang trải qua. Điều này giúp bác sĩ quyết định xem trẻ có đủ điều kiện để tiêm chủng hay không.
  • Hợp tác trong quá trình tiêm chủng: Khi đến cơ sở tiêm chủng, ba mẹ cần kiểm tra thông tin chi tiết về vắc xin như tên, hạn sử dụng, liều dùng và đường tiêm, đối chiếu với phiếu chỉ định tiêm của bác sĩ. Đồng thời, ba mẹ nên hỗ trợ điều dưỡng giữ trẻ ở tư thế đúng để quá trình tiêm diễn ra nhanh chóng, suôn sẻ và hiệu quả nhất.
  • Theo dõi và chăm sóc trẻ sau khi tiêm: Sau khi tiêm, trẻ cần ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe, nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường như buồn nôn, thở gấp hoặc nổi mẩn đỏ. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào, ba mẹ nên thông báo ngay cho nhân viên y tế. Khi về nhà, ba mẹ tiếp tục theo dõi trẻ trong 48-72 giờ sau tiêm, quan sát các biểu hiện như nhịp thở, tình trạng ăn uống, ngủ nghỉ và các dấu hiệu tại vết tiêm.
Lịch tiêm chủng cho trẻ em từ 0-12 tuổi​ mà cha mẹ cần lưu ý 7
Trước khi tiêm, trẻ cần được kiểm tra sức khỏe thông qua việc khám sàng lọc

Trung tâm Tiêm chủng Long Châu với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, đảm bảo mang đến quy trình tiêm chủng diễn ra một cách an toàn và hiệu quả. Hiện nay, Long Châu cung cấp đầy đủ các loại vắc xin được nhập khẩu từ các nhà sản xuất uy tín trên thế giới, cam kết mang lại dịch vụ tiêm chủng chất lượng và an toàn. Đến với Trung tâm Tiêm chủng Long Châu, bạn sẽ tìm thấy sự tin tưởng và an tâm trong việc tiêm phòng để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm. Long Châu qua Hotline 1800 6928 để được tư vấn, hẹn lịch miễn phí hoặc đặt lịch online tại đây.

Trên đây là lịch tiêm chủng dành cho trẻ em từ 0-12 tuổi. Hy vọng rằng qua bài viết này, các bậc cha mẹ sẽ nắm rõ lịch tiêm phòng theo từng giai đoạn phát triển của trẻ và chủ động đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho con em mình.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin