Bỏng đã và đang dần trở nên phổ biến, theo những con số thống kê cho thấy bỏng đang là hiện tượng đứng đầu mà mọi người đều gặp phải ít nhất là một lần trong đó phổ biến hơn cả là bỏng da gây nên sự mất thẩm mỹ thậm chí là làm chết những mô tế bào trên da gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người bệnh nếu không sơ cứu đúng cách và đúng kỹ thuật. Vậy sơ cứu khi bị bỏng da như thế nào? Mời bạn hãy đồng hành cùng nhà thuốc Long Châu để tìm hiểu ngay qua bài viết này nhé.
Nguyên nhân gây bỏng da là gì?
Bỏng da do sự tiếp xúc trực tiếp với hoá chất
Bỏng da có thể hiểu là những vết bỏng xuất hiện trên da. Đây là những chấn thương với da do sự tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây nên bỏng như nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, hóa chất, điện, ma sát hay bức xạ gây nên. Cụ thể như sau:
-
Bỏng do nhiệt: Đây là hiện tượng bỏng do nhiệt độ cao từ lửa, hơi nước hay các vật nóng như bàn ủi, bô và động cơ xe sau khi chạy đường dài, hoặc là do các chất lỏng nóng gây ra khi bạn tiếp xúc với chúng qua da.
-
Bỏng lạnh: Hiện tượng này có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc với những điều kiện ướt, gió lạnh hoặc đá khô mà không có dụng cụ bảo vệ.
-
Bỏng do điện: khi bạn tiếp xúc với nguồn điện hoặc bị sét đánh các tia lửa điện sẽ làm các tế bào trên da của bạn cháy ngay lập tức và gây ra bỏng.
-
Bỏng do hóa chất: Sự tiếp xúc với các hóa chất ở nhà hoặc hóa chất công nghiệp mà không có đồ dùng bảo hộ an toàn có thể gây ra cảm giác bỏng. Có thể kể đến như bỏng axit, bỏng kiềm, bỏng đá khô,...
-
Bỏng do bức xạ: Loại bỏng này chủ yếu được gây ra bởi tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời hoặc là những tia X hay xạ trị trong điều trị ung thư.
-
Bỏng do lực ma sát: Loại bỏng này được sinh ra khi bạn tiếp xúc với các vật dụng, bề mặt cứng lâu thông thường ở những phòng tập gym sẽ có nhiều người bị bỏng do ma sát.
Làm thế nào để có thể phân biệt mức độ nặng nhẹ của bỏng da?
Bỏng da được phân làm ba mức độ 1,2,3 tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của nó lên người bệnh.
Bỏng da mức độ 1
Bỏng nắng là một loại bỏng da thuộc mức độ bỏng 1
Đây là mức độ nhẹ nhất của bỏng trên da. Bỏng da mức độ 1 hay viêm da cấp vô khuẩn chỉ xảy ra trên bề mặt da mà không ăn sâu vào các mô tế bào nên chỉ đem lại cảm giác đau rát nhẹ cho người bệnh khi tiếp xúc vào vết bỏng. Chúng ta có thể kể đến như bỏng nắng.
Bỏng da mức độ 2
Đây là cấp độ mà các vết bỏng đã có thể làm tổn thương trên lớp biểu bì và một phần nhỏ của lớp chân bì của da. Biểu hiện cụ thể rõ ràng nhất khi bị bỏng ở mức độ này là bắt đầu có sự tấy đỏ trên vùng da bị bỏng gây nên đau rát và xuất hiện các mụn bọc nước hay mủ trên da.
Bỏng da mức độ 3
Đây là mức độ bỏng da nặng nề nhất và nó hoàn toàn gây nên những tổn thương đáng sợ cho cơ thể người bệnh. Khi bị bỏng da ở mức độ này các mô tế bào trên vùng da bỏng đều chết hoàn toàn, ngoài ra các dây thần kinh có thể tổn thương và đứt, các tuyến mồ hôi, huyết quản, nang lông đều sẽ bị phá huỷ mất hoàn toàn khả năng phục hồi.
Bỏng thật sự rất nguy hiểm vậy nên tốt nhất bạn nên chú ý cẩn thận để tránh được những rủi ro dù lớn dù nhỏ có thể xảy ra. Tuy nhiên nếu nó đã xảy ra thì bạn cũng cần nên biết làm sao có thể sơ cứu để giảm đi mức độ tàn phá mà nó có thể mang lại cho cơ thể người bệnh. Hãy tiếp tục theo dõi bài viết nhé!
Sơ cứu khi bị bỏng da
Dưới đây là những cách sơ cứu bỏng da tuỳ theo những mức độ bỏng mà bạn cần nên biết.
Sơ cứu bỏng da ở mức độ 1
Nếu bị bỏng da ở cấp độ một bạn cần phải vệ sinh sạch sẽ những vùng da đã bị tổn thương và chăm sóc bằng các loại kem dưỡng da phù hợp với loại da của bản thân đồng thời che chắn kĩ khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đồng thời bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên gia để chon kem dưỡng da phù hợp với làn da của bản thân tránh nguy cơ gây ung thư da.
Sơ cứu bỏng da ở mức độ 2
Sơ cứu khi bị bỏng da bằng cách trực tiếp xối nước sạch, mát lên vết bỏng để giảm thiểu ảnh hưởng của vết bỏng lên da
-
Khi bị bỏng việc đầu tiên bạn cần phải làm đó là tách các tác nhân gây bỏng ra khỏi cơ thể người bệnh nhằm rút ngắn tối đa thời gian tiếp xúc từ đó hạn chế được tối đa ảnh hưởng mà bỏng da đem lại.
-
Sau đó bạn cần làm hạ nhiệt vết bỏng bằng cách trực tiếp xối nước sạch và mát lên vùng da bị bỏng trong khoảng 15 phút. Đồng thời hãy cắt bỏ quần áo che chắn vùng da đó đi do quần áo có thể giữ nhiệt và cọ sát làm cho vết thương trở nên nặng hơn, khó giải quyết hơn.
-
Tiếp theo bạn cần rửa sạch vùng da bị bỏng và băng bó nhẹ nhàng bằng các băng gạc mỏng. Hạn chế những tác động vào vết bỏng đồng thời nên vệ sinh đều đặn hằng ngày bằng nước muối sinh lý 0.9%.
Tuyệt đối không sử dụng các loại kem đánh răng, mỡ trăn hay các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc bôi lên vết bỏng để tránh những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Sơ cứu bỏng da ở mức độ 3
Ở mức độ này sau khi tách bệnh nhân khỏi tác nhân gây bỏng và hạ nhiệt, cắt bỏ quần áo bệnh nhân thì cần phải gấp rút đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu theo đường dây nóng 115 để kịp thời xử lý.
Trên đây là những chia sẻ của nhà thuốc Long Châu về các vấn đề bỏng da và sơ cứu khi bị bỏng da. Chúng tôi mong rằng bạn sẽ có thêm những kiến thức để có thể xử lý thật đúng cách và hạn chế tối đa những ảnh hưởng mà bỏng có thể đem lại. Chúc bạn luôn mạnh khoẻ.
Minh Thúy
Nguồn tham khảo: Tổng hợp