Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mất ngôn ngữ có chữa được không? Nguyên nhân dẫn đến mất ngôn ngữ

Ngày 02/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chứng mất ngôn ngữ là một rối loạn ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp. Nó có thể tác động đến lời nói, cũng như cách viết và khả năng hiểu ngôn ngữ nói và viết. Vậy có những nguyên nhân nào dẫn đến mất ngôn ngữ? Mất ngôn ngữ có chữa được không?

Chứng mất ngôn ngữ thường xảy ra đột ngột sau đột quỵ hoặc chấn thương vùng đầu. Tuy nhiên nó cũng có thể xuất hiện dần dần do một khối u não phát triển chậm hoặc một căn bệnh gây tổn thương tiến triển. Mức độ nghiêm trọng của chứng mất ngôn ngữ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm nguyên nhân và mức độ tổn thương não. Do đó, mất ngôn ngữ có chữa được không là vấn đề rất nhiều người bệnh quan tâm.

Mất ngôn ngữ là như thế nào?

Chứng mất ngôn ngữ (hay còn gọi là thất ngôn) là triệu chứng của một số tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như đột quỵ hoặc khối u não. Một người mắc chứng mất ngôn ngữ có thể có những biểu hiện sau:

  • Nói những câu ngắn, không đầy đủ;
  • Nói những câu vô nghĩa;
  • Nói những từ hoặc âm thanh khác thay thế do không diễn đạt được ý muốn;
  • Nói những từ khiến người nghe không thể hiểu được;
  • Gặp khó khăn trong việc tìm từ mô tả;
  • Không hiểu cuộc trò chuyện của người khác;
  • Không hiểu người khác đang đọc gì;
  • Viết những câu vô nghĩa.
Mất ngôn ngữ có chữa được không? Nguyên nhân dẫn đến mất ngôn ngữ 1
Rối loạn ngôn ngữ xảy ra do đột quỵ hoặc khối u não

Rối loạn mất ngôn ngữ được phân thành nhiều loại khác nhau. Mỗi loại này có đặc điểm riêng biệt, tùy thuộc vào vị trí tổn thương của não. Sự khác biệt của các loại thất ngôn nằm ở chỗ người bệnh có thể hiểu được những gì người khác nói hay không, hay người bệnh có dễ dàng mô tả lại lời nói của người khác hay không. Những loại thất ngôn này bao gồm:

  • Rối loạn ngôn ngữ Broca;
  • Rối loạn ngôn ngữ Wernicke;
  • Rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ;
  • Rối loạn ngôn ngữ dẫn truyền;
  • Rối loạn ngôn ngữ hỗn hợp;
  • Rối loạn ngôn ngữ toàn thể.

Rối loạn ngôn ngữ có thể phát triển chậm theo thời gian và được phân loại như dưới đây:

  • Mất ngôn ngữ logic;
  • Mất ngôn ngữ ngữ nghĩa;
  • Mất ngôn ngữ ngữ pháp.

Nhiều người mắc chứng mất ngôn ngữ có thể có những biểu hiện không phù hợp với những phân loại trên. Do đó, việc đánh giá tình trạng mất ngôn ngữ của người bệnh theo những điểm có thể hoặc không thể thực hiện sẽ hữu ích hơn thay vì cố gắng áp đặt cho một loại chứng mất ngôn ngữ cụ thể. Chứng mất ngôn ngữ làm người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, do đó rất nhiều người bệnh quan tâm rằng liệu mất ngôn ngữ có chữa được không.

Nguyên nhân của mất ngôn ngữ

Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất ngôn ngữ là tổn thương não do đột quỵ, căn nguyên gây ra bởi tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu trong não. Hậu quả của tình trạng này là giảm và mất máu lên não dẫn đến chết tế bào não hoặc tổn thương các vùng kiểm soát ngôn ngữ.

Tổn thương não do chấn thương đầu nghiêm trọng, khối u, nhiễm trùng hoặc quá trình thoái hóa cũng có thể gây ra chứng mất ngôn ngữ. Trong những trường hợp này, chứng mất ngôn ngữ thường xảy ra cùng với một loạt các loại vấn đề về nhận thức khác, chẳng hạn như vấn đề về trí nhớ hoặc nhầm lẫn.

Chứng mất ngôn ngữ tiến triển nguyên phát là thuật ngữ dùng để chỉ những rối loạn về ngôn ngữ phát triển dần dần. Điều này gây ra bởi sự thoái hóa từ từ của các tế bào não nằm trong khu vực kiểm soát ngôn ngữ. Đôi khi loại chứng mất ngôn ngữ này sẽ tiến triển thành chứng mất trí nhớ.

Mất ngôn ngữ có chữa được không? Nguyên nhân dẫn đến mất ngôn ngữ 2
Mất ngôn ngữ có thể đi kèm các triệu chứng về rối loạn nhận thức

Đôi khi có thể xảy ra các đợt mất ngôn ngữ tạm thời. Đây có thể là do chứng đau nửa đầu, co giật hoặc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua xảy ra khi lưu lượng máu tạm thời bị chặn đến một vùng não. Những người đã trải qua một lần cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn trong tương lai.

Mất ngôn ngữ có chữa được không?

Rối loạn ngôn ngữ đem lại rất nhiều cản trở trong giao tiếp của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ bệnh và căn nguyên gây tổn thương vùng ngôn ngữ ở não mà tiên lượng cũng khác nhau và việc điều trị có thể có sự khác biệt. Do đó mất ngôn ngữ có chữa được không hay việc điều trị có thể phục hồi toàn bộ khả năng ngôn ngữ hay không là vấn đề mà nhiều người bệnh quan tâm.

Mất ngôn ngữ có chữa được không? Nguyên nhân dẫn đến mất ngôn ngữ 3
Mất ngôn ngữ có chữa được không?

Nếu tổn thương não ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể phục hồi các kỹ năng ngôn ngữ mà không cần điều trị. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều trải qua liệu pháp trị liệu ngôn ngữ để phục hồi kỹ năng ngôn ngữ và bổ sung thêm phương thức giao tiếp của họ.

Phương pháp điều trị mất ngôn ngữ

Phương pháp điều trị chứng mất ngôn ngữ bao gồm điều trị tình trạng gây ra chứng mất ngôn ngữ cũng như liệu pháp trị liệu ngôn ngữ. Người mắc chứng mất ngôn ngữ sẽ học và thực hành lại các kỹ năng ngôn ngữ cũng như học cách sử dụng các phương thức khác để giao tiếp. Việc điều trị cần có sự hỗ trợ từ các thành viên trong gia đình.

Phục hồi kỹ năng ngôn ngữ thường là một quá trình chậm. Mặc dù hầu hết người bệnh đều đạt được tiến bộ đáng kể nhưng rất ít người lấy lại được hoàn toàn mức độ giao tiếp như trước khi bị tổn thương. Trị liệu ngôn ngữ nhằm mục đích cải thiện khả năng giao tiếp. Liệu pháp này giúp khôi phục càng nhiều ngôn ngữ càng tốt, dạy bệnh nhân cách bổ sung các kỹ năng ngôn ngữ bị mất và tìm kiếm các phương pháp giao tiếp khác. Việc trị liệu nên được bắt đầu sớm. Một số nghiên cứu cho thấy liệu pháp điều trị có hiệu quả nhất khi bắt đầu ngay sau chấn thương sọ não.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc cũng đang được nghiên cứu để điều trị chứng mất ngôn ngữ. Chúng bao gồm các loại thuốc có thể cải thiện lưu lượng máu đến não, tăng cường khả năng phục hồi của não hoặc thay thế các chất dẫn truyền thần kinh đã cạn kiệt trong não. Một số loại thuốc, chẳng hạn như memantine, donepezil, galantamine và piracetam đã cho thấy nhiều hứa hẹn tuy nhiên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu cẩn thận về tác dụng của chúng.

Một số phương pháp điều trị khác cũng có thể được cân nhắc. Kích thích não đang được nghiên cứu để điều trị chứng mất ngôn ngữ và có thể giúp cải thiện khả năng gọi tên các vật. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu dài hạn nào được thực hiện. Một phương pháp điều trị khác được gọi là kích thích từ trường xuyên sọ và kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ. Những phương pháp điều trị này đều không xâm lấn, nhằm mục đích kích thích các tế bào não bị tổn thương, từ đó có thể hồi phục khả năng ngôn ngữ của người bệnh.

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc nguyên nhân gây ra mất ngôn ngữ và giải đáp câu hỏi mất ngôn ngữ có chữa được không. Nếu bạn có biểu hiện của mất ngôn ngữ, hãy tới chuyên khoa thần kinh tại cơ sở y tế để được lên kế hoạch điều trị sớm và tối ưu.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm