Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Mẹ bầu mệt mỏi khi mang thai phải làm sao?

Ngày 16/12/2023
Kích thước chữ

Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều phải trải qua nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn tâm lý. Những thay đổi này sẽ khiến mẹ bầu không ít lần rơi vào trạng thái mệt mỏi. Vậy mệt mỏi khi mang thai phải làm sao để không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé?

Mệt mỏi là điều khó tránh khỏi trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai của mẹ. Có những thai phụ cảm thấy kiệt sức ngay cả khi không làm gì nặng nhọc. Một số phụ nữ mệt mỏi trong 3 tháng đầu, có những người gặp tình trạng này vào 3 tháng cuối. Cá biệt, có những thai phụ phải hứng chịu tình trạng khó chịu này trong suốt thai kỳ. Vậy mệt mỏi khi mang thai nguyên nhân do đâu? Cần phải làm gì để tình trạng này sớm chấm dứt?

Nguyên nhân gây mệt mỏi khi mang thai

Tình trạng mệt mỏi ở phụ nữ mang thai có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này như:

Thay đổi nội tiết tố

Khi có bầu, nang hoàng thể thai kỳ tăng tiết hormon progesterone để phôi thai tồn tại và phát triển. Nồng độ nội tiết tố progesterone trong cơ thể mẹ bầu tăng cao sẽ gây ra triệu chứng ốm nghén. Phôi thai cũng tác động lên hệ thần kinh giao cảm của người mẹ, gây rối loạn tiêu hóa

Vì vậy, các triệu chứng ốm nghén càng nặng hơn và người mẹ càng mệt hơn. Progesterone cũng làm giãn các cơ trơn ở ruột non, ruột già khiến mẹ bầu bị táo bón thậm chí bị trĩ do táo bón nặng.

Mẹ bầu mệt mỏi khi mang thai phải làm sao 1
Mệt mỏi khi mang thai có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Tim đập nhanh, thở nông và nhanh

Khi mang thai, hệ tuần hoàn của mẹ cũng có nhiều thay đổi. Khối lượng máu tăng lên, nhu cầu cung cấp máu đến khắp cơ thể mẹ và thai nhi tăng lên khiến tim phải làm việc chăm chỉ hơn. Đây là lý do nhịp tim tăng lên và mẹ bầu có cảm giác khó thở, thở nhanh, thở nông không mấy khó chịu.

Thiếu máu do thiếu sắt ở bà bầu

Một số mẹ bầu không thay đổi chế độ dinh dưỡng cho phù hợp với sự phát triển của thai nhi sẽ gặp tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Lúc này, mẹ bầu sẽ gặp các triệu chứng như: Cơ thể mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, tức ngực, da xanh xao, mất tập trung, giảm khả năng hoạt động thể chất,…

Thiếu dinh dưỡng

Thiếu dinh dưỡng cũng là tình trạng không ít mẹ bầu gặp phải. Thực tế, không phải phụ nữ nào cũng có điều kiện chăm sóc tốt. Thai nhi càng lớn, nhu cầu dinh dưỡng càng cao. Và mọi dưỡng chất thai nhi cần đều lấy từ cơ thể mẹ. Nếu mẹ không có chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể dẫn đến suy nhược cơ thể khi mang thai.

Mất ngủ khi mang thai

Phụ nữ có thể mất ngủ khi mang thai vì nhiều lý do như: Tiểu đêm, đau bụng, đau lưng, lo lắng,… Giấc ngủ rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. Nếu mẹ bầu bị mất ngủ thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần và mệt mỏi khi mang thai là điều khó tránh khỏi.

Thai nhi lớn dần chèn ép gây khó thở

Mẹ bầu cũng sẽ thấy khó thở hơn trong những tháng cuối thai kỳ. Lý do là vì thai nhi lớn dần sẽ chèn ép lên cơ hoành, làm ảnh hưởng đến cử động của cơ hoành và gây khó khăn khi hít thở.

Tiểu đường thai kỳ

Một số thai phụ bị tiểu đường thai kỳ. Các nội tiết tố được cơ thể sản xuất để giúp thai nhi phát triển vô tình lại tác động xấu đến hoạt động của insulin. Điều này ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa đường và khiến đường huyết tăng lên. Bệnh lý này khiến thai phụ thấy khát nước liên tục, khô miệng, mắt mờ, người mệt mỏi,…

Mẹ bầu mệt mỏi khi mang thai phải làm sao 2
Thông thường, càng những tháng cuối cảm giác mệt mỏi càng tăng

Mẹ bầu nên làm gì nếu mệt mỏi khi mang thai?

Mệt mỏi khi mang thai có thể giảm dần sau 3 tháng đầu thai kỳ cũng có thể tăng lên khi thai nhi lớn dần lên. Tùy cơ địa mỗi người, cảm giác mệt mỏi sẽ ở các mức độ khác nhau. Một số phương pháp dưới đây sẽ giúp mẹ giảm mệt mỏi, thêm năng lượng:

Ăn uống lành mạnh, đủ chất

Bà bầu cần được chăm sóc với một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Nếu ốm nghén, mẹ bầu có thể ăn mỗi bữa một lượng nhỏ và ăn nhiều bữa trong ngày. Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu cần bổ sung những dưỡng chất vừa tốt cho mẹ, vừa cần thiết cho sự phát triển của thai nhi như: Axit folic, protein, sắt, vitamin A, canxi, vitamin D,... 

Có bầu không nên ăn gì sẽ tùy từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Ba tháng đầu là giai đoạn nhạy cảm nhất, mẹ bầu cần tránh các loại thực phẩm có thể gây co thắt tử cung, dễ gây sảy thai.

Tập thể dục với mức độ phù hợp hàng ngày

Tập các bài tập nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày tốt cho quá trình lưu thông máu khắp cơ thể, tốt cho hệ tiêu hóa, giúp ngủ ngon và cải thiện tâm trạng mẹ bầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục giúp cơ thể tăng tiết hormon endorphin - một loại hormon có tác dụng giảm đau và gia tăng cảm giác hạnh phúc.

Mẹ bầu mệt mỏi khi mang thai phải làm sao 3
Bà bầu có thể chọn những môn thể dục nhẹ nhàng

Ngủ đủ giấc 8 - 9 tiếng mỗi ngày

Mệt mỏi khi mang thai cũng sẽ được cải thiện đáng kể khi mẹ bầu ngủ đủ giấc. Thời gian ngủ cần thiết cho mẹ bầu là 8 - 9 tiếng mỗi ngày. Nếu đêm mẹ khó ngủ, có thể bù lại bằng những giấc ngủ ngắn ban ngày. Mẹ bầu nên cố gắng đi ngủ sớm, trước khi ngủ tránh xa các thiết bị điện tử, hạn chế uống nhiều nước trước khi ngủ để tránh tiểu đêm. 

Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên bỏ thói quen uống trà hoặc cà phê nếu gặp tình trạng thiếu ngủ. Trong những tháng cuối khi thai nhi phát triển lớn, mẹ bầu sẽ khó khăn để tìm thấy một tư thế ngủ thoải mái. Cách giúp bà bầu dễ ngủ là tìm mua các loại gối ôm phù hợp để dễ ngủ hơn.

Thư giãn để giảm mệt mỏi khi mang thai

Mẹ bầu có thể chọn một hình thức thư giãn phù hợp với sở thích như nghe nhạc, vẽ tranh, trồng cây, làm bánh,… Thư giãn giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi giúp ngủ ngon hơn, tinh thần vui vẻ hơn. Khi sức khỏe tinh thần mẹ tốt cũng sẽ cải thiện nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của bà bầu. Massage nhẹ nhàng cũng là hình thức thư giãn nhiều mẹ bầu yêu thích.

Thật may mắn nếu mẹ bầu có cơ địa khỏe mạnh, không ốm nghén, không mệt mỏi. Nhưng với hầu hết mẹ bầu, mệt mỏi khi mang thai là điều khó tránh khỏi. Thay vì lo lắng, âu sầu, mẹ bầu nên vui vẻ đón nhận như một phần tất yếu của hành trình làm mẹ vĩ đại. Khi mệt mỏi xuất hiện cùng bất kỳ triệu chứng bất thường nào, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để tránh rủi ro ngoài ý muốn. 

Xem thêm: Những thay đổi khi mang thai chỉ bà bầu mới hiểu

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin