Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Mẹ nên ăn gì và kiêng gì khi trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy?

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ

Khi trẻ bú mẹ, chế độ ăn uống của mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bé. Vậy khi trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy, mẹ nên ăn những gì và kiêng gì để giúp bé nhanh hồi phục?

Trong giai đoạn đầu đời của trẻ, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu và có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên trẻ sơ sinh dễ bị tiêu chảymất nước. Khi trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy thì mẹ nên ăn uống thế nào để con nhanh khỏi là thắc mắc của rất nhiều bà mẹ. Mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để có ngay đáp án nhé!

Tại sao trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy?

Trẻ sơ sinh bú mẹ bị đi ngoài phân lỏng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, cha mẹ cần phải nắm rõ kiến thức liên quan đến vấn đề này để có biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe cho con.

Nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy

Tình trạng trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy thường xảy ra do những nguyên nhân chính sau đây:

  • Nhiễm trùng đường ruột: Do sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn yếu nên bé dễ bị virus, ký sinh trùng hoặc vi khuẩn tấn công và gây ra tình trạng nhiễm trùng. Khi ruột bị nhiễm trùng, trẻ sẽ bị tiêu chảy. Đôi khi, tiêu chảy do nhiễm trùng đường ruột ở trẻ có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
  • Dị ứng với protein từ sữa: Protein từ sữa mẹ hoặc sữa công thức đều có thể khiến bé bị dị ứng. Trong trường hợp này, trẻ có nguy cơ bị tiêu chảy.
  • Khả năng dung nạp thức ăn không tốt: Một số trẻ sơ sinh gặp vấn đề về tiêu hóa khi phải dung nạp một số loại thực phẩm. Khi đó, những dưỡng chất có trong thức ăn bị ở lại ruột, không thể đi vào máu để nuôi cơ thể. Tình trạng này không chỉ khiến cơ thể bị thiếu chất mà còn làm cho dạ dày khó tiêu hóa, gây ra đau bụng và tiêu chảy.
  • Rối loạn tiêu hóa: Tiêu chảy là hiện tượng điển hình của rối loạn tiêu hóa. Do hệ tiêu hóa và đường ruột của trẻ vẫn còn non nớt nên rất nhạy cảm, dễ gặp phải hiện tượng trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy.
tre-so-sinh-bu-me-bi-tieu-chay-2.jpg
Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện nên dễ bị tiêu chảy

Dấu hiệu nhận biết khi trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy

Cha mẹ cần quan sát các dấu hiệu sau đây để kiểm tra xem trẻ có bị tiêu chảy hay không:

  • Trẻ đi ngoài phân lỏng, ra nhiều nước hoặc có bọt, có chất nhầy, có máu và mùi thối tanh trong phân;
  • Đi ngoài nhiều lần trong ngày;
  • Trẻ bị nôn, sốt;
  • Trẻ bị khô mắt, môi, khóc không ra nước mắt,...

Mẹ nên ăn gì khi trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy?

Giai đoạn sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ. Do đó, chế độ ăn uống của mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu hóa của trẻ. Nếu trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy, mẹ hãy thay đổi chế độ ăn uống, chú ý bổ sung đủ nước, chất xơ, vitamin và khoáng chất để vừa đảm bảo chất lượng sữa, vừa giúp tăng sức đề kháng và hỗ trợ hệ tiêu hóa của bé.

Áp dụng chế độ ăn BRAT khi trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy

BRAT là viết tắt của chế độ ăn với 4 loại thực phẩm chính là chuối, gạo, táo, bánh mì nướng: Bananas - Rice - Apples - Toast. Chế độ ăn này được đánh giá là phù hợp người bị tiêu chảy. Do đó, khi em bé bị tiêu chảy, các mẹ có thể áp dụng chế độ này.

Các loại thực phẩm trong chế độ BRAT chứa rất ít chất béo, chất đạm nhưng giàu chất xơ và dễ tiêu hóa:

tre-so-sinh-bu-me-bi-tieu-chay-3.jpg
Gạo và bánh mì nướng trong chế độ ăn BRAT giúp trẻ dễ hấp thu
  • Chuối: Hàm lượng Kali dồi dào từ chuối giúp bù đắp chất điện giải. Lượng chất xơ hòa tan pectin trong loại quả này sẽ hấp thụ bớt lượng chất lỏng thừa ở dạ dày, giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và ngăn ngừa tiêu chảy. Hơn nữa, chuối có cấu trúc mềm, vị ngọt, giúp bổ sung đường và xoa dịu đường ruột.
  • Táo: Tương tự như chuối, táo cũng chứa nhiều pectin - chất xơ hòa tan, dễ tiêu hóa. Táo cũng có vị ngọt nên giúp cơ thể bổ sung đường tự nhiên một cách nhanh chóng.
  • Gạo và bánh mì nướng: Đây là nhóm thực phẩm giàu tinh bột, ít chất xơ nên hệ tiêu hóa không cần lầm việc nhiều vẫn hấp thụ được. Ngoài ra, những thực phẩm này có khả năng hấp thu chất lỏng trong đường ruột, thích hợp để dùng khi bị tiêu chảy.

Bổ sung sữa chua khi bé bị tiêu chảy

Sữa chua là món ăn rất có lợi cho nguồn sữa mẹ. Đây cũng là loại thực phẩm chứa nhiều men vi sinh và lợi khuẩn với đường ruột, đặc biệt là sữa chua không đường.

Khi trẻ bị tiêu chảy, lượng lớn vi khuẩn có lợi trong đường ruột bị mất đi. Do đó, mẹ cần bổ sung sữa chua vào mỗi bữa ăn để bù đắp lượng lợi khuẩn đã mất đi, đồng thời bảo vệ đường ruột của trẻ. Từ đó, việc tiêu hóa ở trẻ sẽ diễn ra thuận lợi và giúp ngăn ngừa tình trạng tiêu chảy ở trẻ.

Uống nhiều nước và ăn nhiều loại rau củ

Tình trạng tiêu chảy khiến trẻ dễ bị mất nước và suy nhược. Do đó, việc uống nhiều nước và ăn nhiều rau củ có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này vừa giúp nâng cao chất lượng sữa mẹ, vừa giúp bổ sung nước và các loại vitamin. Từ đó, trẻ sẽ được tăng sức đề kháng để chống lại virus, vi khuẩn.

tre-so-sinh-bu-me-bi-tieu-chay-4.jpg
Mẹ ăn đa dạng rau củ sẽ có lợi cho trẻ bị tiêu chảy

Mẹ nên tránh ăn gì và cần lưu ý gì khi trẻ bị tiêu chảy?

Bên cạnh những món nên ăn, mẹ cũng cần biết những thực phẩm nên hạn chế sử dụng trong giai đoạn trẻ đang bị tiêu chảy. Ngoài ra, việc chăm sóc trẻ trong thời điểm này cũng có một số điểm đặc biệt cần lưu ý.

Đồ ăn mẹ nên tránh khi trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy

Để kiểm soát và khắc phục triệt để tình trạng trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy, mẹ cũng cần tránh những thực phẩm sau để tình trạng tiêu chảy không trở nên nghiêm trọng:

  • Các loại thực phẩm tái, ăn sống, thực phẩm chưa được chế biến kỹ lưỡng.
  • Các loại đồ ăn dễ gây dị ứng cho đường ruột như tôm, cua,...
  • Thực phẩm chế biến sẵn, không đảm bảo vệ sinh.
  • Đồ chiên, xào, đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng.
  • Thực phẩm không rõ nguồn gốc.
tre-so-sinh-bu-me-bi-tieu-chay-5.jpg
Tôm cua có thể gây dị ứng đường ruột

Một số lưu ý khi chăm sóc bé bị tiêu chảy

Bên cạnh việc chú ý đến chế độ ăn uống, mẹ cũng nên lưu ý những điều sau khi chăm sóc bé:

  • Mẹ hãy cố gắng cho bé bú nhiều hơn để bổ sung nước và dưỡng chất cho con.
  • Mẹ có thể bổ sung thêm men vi sinh để trẻ nhanh khỏi bệnh. Mẹ có thể lựa chọn các loại men vi sinh có nguồn gốc từ những chủng lợi khuẩn như Lactobacillus rhamnosus, Lactobacillus reuteri, S. boulardii,...
  • Nếu tình hình tiêu chảy của trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm, mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời. Gia đình tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.

Trên đây là những nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết khi trẻ sơ sinh bú mẹ bị tiêu chảy. Bài viết cũng đã gợi ý những loại thực phẩm mà mẹ nên ăn và nên tránh trong trường hợp này. Ngoài ra, một số điều cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cũng đã được Nhà thuốc Long Châu bật mí cho các bậc phụ huynh. Việc duy trì cho bé bú, đảm bảo nguồn dinh dưỡng và sự tư vấn từ bác sĩ là những điểm quan trọng giúp bé nhanh khỏi bệnh.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin