Mỡ máu cao có nguy hiểm không? Cách phòng ngừa bệnh mỡ máu
Ngày 06/08/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Mỡ máu cao là một căn bệnh nguy hiểm. Tình trạng này có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, gan và thận. Nếu không được kiểm soát, mỡ máu cao có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Cùng giải đáp thắc mắc mỡ máu cao có nguy hiểm không trong bài viết dưới đây.
Một trong những vấn đề sức khỏe đang được xã hội quan tâm là mỡ máu cao bởi những tác hại nghiêm trọng mà căn bệnh này gây ra. Vậy mỡ máu cao có nguy hiểm không? Cách phòng tránh mỡ máu cao sẽ như thế nào?
Mỡ máu cao là gì?
Mỡ máu cao là tình trạng khi một hoặc nhiều chỉ số lipid trong máu, chẳng hạn như cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol và triglyceride tăng cao bất thường. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ gia tăng của các chỉ số này, triệu chứng của bệnh có thể biểu hiện từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Mỡ máu cao thường liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày. Thêm vào đó, rối loạn lipid máu cũng có thể do yếu tố di truyền hoặc là biến chứng của các bệnh lý khác như tiểu đường, suy gan, suy thận, nhiễm trùng hoặc suy giảm miễn dịch,... Trong một số trường hợp, việc sử dụng thuốc như thuốc tránh thai hoặc thuốc lợi tiểu cũng có thể góp phần làm tăng mỡ trong máu.
Bị mỡ máu cao có nguy hiểm không?
Nhiều người thắc mắc rằng bị mỡ máu cao có nguy hiểm không? Hiện nay, mỡ máu cao là một căn bệnh phổ biến và thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu. Mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ được bác sĩ chuyên khoa đánh giá dựa trên tình trạng nặng nhẹ và thời điểm phát hiện. Tuy nhiên, nếu tình trạng rối loạn lipid máu kéo dài và không được điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.
Tim mạch
Một trong những hệ lụy đáng lo ngại của bệnh mỡ máu cao là các vấn đề về tim mạch. Khi hàm lượng lipid trong máu tăng cao, cholesterol có thể tích tụ tại thành mạch, gây xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Điều này có thể dẫn đến các tai biến nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, hoặc tai biến mạch máu não.
Ngoài ra, sự lắng đọng cholesterol có thể làm hẹp lòng mạch, cản trở lưu thông máu về tim, gây suy tim. Chính vì vậy, đáp án cho câu hỏi mỡ máu cao có nguy hiểm không là có.
Tiểu đường
Rối loạn lipid máu có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường. Chỉ số triglyceride cao làm giảm hoạt tính của hormone insulin, khiến insulin không thể điều hòa đường huyết hiệu quả. Do đó, người bị mỡ máu cao có thể dễ mắc bệnh đái tháo đường.
Bệnh gan
Mỡ máu cao cũng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng tại gan. Ở người bình thường, mỡ từ bên ngoài khi đưa vào cơ thể được chuyển hóa tại gan trong vòng 12 giờ. Tuy nhiên, ở những người có mỡ máu cao, mỡ sẽ lắng đọng lại trong gan. Khi lượng mỡ trong gan vượt quá 5% trọng lượng cơ thể, hiện tượng gan nhiễm mỡ sẽ xảy ra. Nếu không được điều trị kịp thời, gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn như xơ gan, suy gan và ung thư gan.
Viêm tụy
Chỉ số triglyceride tăng quá mức, vượt ngưỡng 11,3 mmol/L có thể gây tổn thương tuyến tụy, một trong những biến chứng nguy hiểm của mỡ máu cao. Người bị viêm tụy thường xuất hiện các triệu chứng như đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều, sốt, thở gấp và tim đập nhanh.
Suy giảm trí nhớ
Mỡ máu cao có thể cản trở quá trình tuần hoàn máu đến não, dẫn đến sự hình thành protein amyloid, một hợp chất độc hại. Protein này làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer).
Suy giảm chức năng sinh lý
Hiện nay, tình trạng mỡ máu cao đang có xu hướng trẻ hóa và gây ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống tình dục ở cả nam và nữ. Ở nam giới, mỡ máu cao có thể gây rối loạn cương dương. Trong khi ở nữ giới, nó có thể làm giảm ham muốn. Những biểu hiện này thường xuất hiện sớm hơn so với các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân rối loạn lipid máu.
Cách phòng ngừa bệnh mỡ máu
Để phòng ngừa bệnh mỡ máu, việc duy trì chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh là rất quan trọng. Bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, thịt đỏ, da động vật, thuốc lá, rượu bia. Thay vào đó, sử dụng dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu oliu và ăn cá thay vì các loại thịt đỏ. Tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây để cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt và đào thải độc tố.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, việc tập luyện thể dục cũng rất quan trọng. Hàng ngày, bạn nên duy trì thói quen tập thể dục đều đặn hoặc tham gia các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chơi cầu lông, tập yoga hoặc tham gia các câu lạc bộ sinh hoạt.
Cuối cùng, những người mắc bệnh mỡ máu cần tái khám sức khỏe định kỳ để thực hiện các xét nghiệm. Điều này giúp bác sĩ đưa ra các tư vấn, thăm khám và điều trị phù hợp, giảm thiểu nguy cơ biến chứng do mỡ máu cao gây ra.
Bài viết trên đã giải đáp mỡ máu cao có nguy hiểm không. Đây là một tình trạng sức khỏe nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Việc duy trì lối sống lành mạnh và thăm khám định kỳ là rất cần thiết để kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng có hại.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.