Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Một số bài tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi

Ngày 19/07/2024
Kích thước chữ

Các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi của ung thư phổi làm giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi góp phần hạn chế mức độ nguy hiểm của bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu một số bài tập cải thiện chức năng hô hấp và hỗ trợ phục hồi cho người bệnh trong bài dưới đây.

Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất, gây tỷ lệ tử vong cao trên toàn cầu. Bệnh nhân thường gặp khó khăn trong hô hấp, mệt mỏi và suy giảm thể lực. Tuy nhiên, tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi có thể cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Ung thư phổi có chữa được không?

Ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn cầu. Theo kết quả mô bệnh học, ung thư phổi được chia thành hai loại chính:

  • Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC): Đây là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 80 - 85% các trường hợp.
  • Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC): Ít phổ biến hơn, chiếm 10 - 15% các trường hợp, nhưng tiến triển nhanh và di căn sớm, khiến tiên lượng cho bệnh nhân rất xấu.

Giống như nhiều bệnh ung thư khác, chìa khóa để điều trị triệt căn ung thư phổi là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Ung thư phổi giai đoạn đầu có tiên lượng sốt sót tới 90%. Càng phát hiện muộn, bệnh càng nặng và việc điều trị càng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống và tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Một số bài tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi 1
Ung thư phổi giai đoạn đầu có tiên lượng sống sót tới 90%

Người mắc bệnh ung thư phổi có thể sống được bao lâu?

Tiên lượng khả năng sống sót qua từng giai đoạn của bệnh ung thư phổi theo bảng phân loại của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư phổi Quốc tế như sau:

  • Giai đoạn 0: Ung thư biểu mô tại chỗ, tỷ lệ sống sót từ 85 - 90%.
  • Giai đoạn I: Khối u có kích thước nhỏ (thường dưới 3cm), bao quanh bởi nhu mô và màng phổi tạng, không có dấu hiệu xâm lấn gần cuống phổi thùy trên nội soi phế quản, không di căn hạch vùng và không có di căn xa, tỷ lệ sống sót từ 70 - 80%.
  • Giai đoạn II: Khối u lớn hơn (trên 3cm nhưng dưới 5cm) hoặc có các đặc tính như xâm lấn màng phổi tạng, xâm lấn phế quản gốc cách carina trên 2cm, có thể có hạch quanh phế quản, hạch rốn phổi trong cùng phổi, kể cả do xâm lấn trực tiếp, tỷ lệ sống sót từ 55 - 65%.
  • Giai đoạn III: Khối u có kích thước lớn hoặc xâm lấn trực tiếp vào thành ngực, cơ hoành, thần kinh hoành, màng phổi trung thất, màng ngoài tim, thực quản, phế quản gốc cách carina dưới 2cm, có nốt di căn cùng thùy phổi, có thể có hạch trung thất cùng bên hoặc hạch dưới carina, chưa có di căn xa, tỷ lệ sống sót từ 12 - 40%.
  • Giai đoạn IV: Bệnh đã di căn sang thùy phổi đối bên, có nốt màng phổi, tràn dịch màng phổi hoặc có một hoặc nhiều ổ di căn ngoài lồng ngực, tỷ lệ sống sót giảm còn 10%.
Một số bài tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi 2
Tỉ lệ sống sót giảm khi kích thước khối u tăng dần

Các bài tập dành cho người mắc bệnh ung thư phổi

Bài tập thở

Bệnh nhân ung thư phổi thường gặp khó thở, dẫn đến mệt mỏi và khó khăn trong các hoạt động thường ngày. Người bệnh nên tập các bài giúp cải thiện nhịp thở, tăng sức bền và khả năng hoàn thành các hoạt động hàng ngày.

Một bài tập thở bằng cơ hoành ở giữa phổi và bụng sẽ cho phép nhiều không khí di chuyển vào và ra khỏi phổi mà không gây mệt mỏi cho các cơ này. Bài tập này cũng có thể giúp điều hòa nhịp thở nếu bạn bị hụt hơi khi hoạt động.

Thực hiện bài tập như sau:

  • Đặt một tay lên bụng khi đang ngồi hoặc đứng thẳng.
  • Hít vào bằng mũi và thả lỏng, đẩy bụng ra ngoài. Di chuyển tay từ bụng ra ngoài nhằm hạ thấp cơ hoành và làm tăng dung tích phổi.
  • Mím chặt môi, thở ra từ từ. Tay trên bụng nhẹ nhàng đẩy vào trong và lên trên để giúp tạo khoảng trống cho phổi.
  • Tiếp tục hít vào bằng mũi từ từ và lặp lại bài tập nhiều lần trong ngày.
Một số bài tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi 3
Bài tập thở giúp khí ra vào phổi mà không ảnh hưởng đến cơ hoành

Bài tập giãn cơ

Giãn cơ giúp tăng lưu lượng máu và oxy đến các cơ, cải thiện độ đàn hồi và hỗ trợ cơ thể tự phục hồi. Các bài tập tác động đến phần thân trên giúp mở rộng khuôn ngực và tăng dung tích phổi, từ đó giúp người bệnh thở sâu và dễ thở hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân sau khi xạ trị, vì xạ trị thường gây căng cơ. Căng cơ quá mức làm ảnh hưởng đến các mô sẹo sau phẫu thuật.

Bài kéo căng tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi cũng có thể giúp cải thiện tình trạng cong xương sống do ngồi lâu. Ngoài ra, kéo căng cơ cũng là một phương pháp để kiểm soát căng thẳng và lo lắng khi sống chung với bệnh ung thư phổi.

Điều quan trọng là phải căng cơ thường xuyên để dần cải thiện và duy trì phạm vi chuyển động cũng như tính linh hoạt của cơ thể.

Bài tập aerobic

Tập thể dục nhịp điệu hàng ngày là một cách tuyệt vời giúp người bệnh ung thư phổi nâng cao thể lực, sức khỏe tim mạch và cải thiện khả năng trao đổi oxy. Bạn có thể đi bộ, khiêu vũ hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động yêu thích nào để tăng nhịp tim.

Người bệnh ung thư phổi được khuyến nghị tập 150 phút mỗi tuần, bắt đầu từ mức độ nhẹ và dần nâng lên mức độ cao hơn. Bạn nên bắt đầu bằng các buổi tập ngắn, khoảng 10 phút mỗi buổi, ở bất cứ nơi nào thuận tiện mà không cần phải đến phòng tập.

Tập thể dục cường độ thấp như đi bộ là cách an toàn để bắt đầu. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đi bộ quanh một căn phòng trong nhà, nghỉ ngơi và sau đó tiếp tục đi bộ. Khi cảm thấy tự tin hơn, hãy cố gắng tăng khoảng cách từ từ. Điều này có thể được thực hiện nhiều lần trong ngày. Sử dụng máy đếm bước chân để đếm số bước của bạn, cũng như giúp thiết lập và đạt được mục tiêu. Sau đó, từ từ tăng cường độ tập luyện bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ, chẳng hạn như đi cầu thang và đỗ xe xa điểm đến hơn so với trước đây.

Một số bài tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi 4
Aerobic giúp nâng cao thể lực ở người bệnh ung thư phổi

Bài tập luyện sức mạnh

Trong quá trình điều trị, người bệnh ung thư có thể mất một khối lượng cơ đáng kể do hóa trị, xạ trị hoặc do phải nằm, ngồi trong thời gian dài vì mệt mỏi. Các bài tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi có thể giúp người bệnh tăng cường cơ bắp, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và giúp xương chắc khỏe hơn.

Tập luyện ở người mắc bệnh ung thư phổi không chỉ là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị mà còn là chìa khóa để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Các bài tập thể dục phù hợp có thể giúp cải thiện sức bền, tăng cường chức năng hô hấp và giảm cảm giác mệt mỏi. Bằng cách duy trì thói quen tập luyện đều đặn, người bệnh có thể trải qua quá trình điều trị một cách dễ dàng hơn và tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin