Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Thanh Hương
Mặc định
Lớn hơn
Mù màu hoàn toàn là dạng rối loạn thị giác hiếm gặp, khi người mắc không thể phân biệt bất kỳ màu sắc nào. Mọi thứ trong mắt họ chỉ tồn tại dưới dạng trắng - đen - xám. Vậy nguyên nhân gây mù màu hoàn toàn là gì và có cách nào hỗ trợ không?
Khi nhắc đến mù màu, hầu hết mọi người đều nghĩ đến tình trạng nhầm lẫn giữa một số màu sắc nhất định. Tuy nhiên, có một dạng mù màu hiếm gặp hơn rất nhiều - đó là mù màu hoàn toàn. Vậy những người mắc căn bệnh này nhìn thế giới dưới những gam màu nào? Trong bài viết này, bạn hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu chi tiết mù màu hoàn toàn là gì, nguyên nhân do đâu và các giải pháp nào hỗ trợ người bệnh hiệu quả.
Mù màu hoàn toàn là một rối loạn thị giác nghiêm trọng, trong đó người mắc không thể nhìn thấy bất kỳ màu sắc nào. Thế giới họ nhìn thấy chỉ gồm các sắc thái trắng, đen và xám. Không giống như mù màu một phần (như mù màu đỏ và xanh lục), người bị mù màu hoàn toàn mất hoàn toàn khả năng phân biệt màu sắc. Đây là một tình trạng hiếm gặp, ảnh hưởng chỉ khoảng 1/30.000 người trên thế giới (American Academy of Ophthalmology, 2023).
Có thể kể đến những nguyên nhân gây mù màu hoàn toàn như:
Hầu hết các trường hợp mù màu hoàn toàn do di truyền, xuất phát từ đột biến ở các gene CNGA3, CNGB3, GNAT2, PDE6C hoặc PDE6H. Các gene này kiểm soát hoạt động của tế bào nón trong võng mạc. Đây là những tế bào chịu trách nhiệm nhận diện màu sắc. Khi chúng bị lỗi, mắt không thể tiếp nhận hoặc xử lý màu sắc đúng cách.
Mù màu hoàn toàn cũng có thể liên quan đến các bệnh lý thoái hóa võng mạc, như bệnh loạn dưỡng tế bào nón. Những rối loạn này làm suy giảm hoặc phá hủy hoàn toàn chức năng của tế bào nón. Từ đó sẽ khiến mắt không thể nhận diện màu sắc.
Một số người mắc hội chứng Kearns-Sayre hoặc hội chứng Bardet-Biedl. Những hội chứng này thường đi kèm với bất thường trong cấu trúc và chức năng của võng mạc nên cũng dẫn đến mù màu toàn phần. Ngoài ra, người bệnh còn có thể đi kèm các vấn đề thị lực khác như: Nhạy cảm ánh sáng (photophobia) và suy giảm thị lực trung tâm.
Không chỉ do di truyền, mù màu hoàn toàn cũng có thể phát sinh sau chấn thương sọ não hoặc tổn thương vùng vỏ não thị giác. Đột quỵ hoặc thoái hóa thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình xử lý tín hiệu màu sắc trong não. Từ đó khiến người mắc mất hoàn toàn khả năng phân biệt màu sắc.
Người mù màu hoàn toàn nhìn mọi thứ chỉ có trắng, đen và xám. Các vật thể chỉ hiện lên với độ sáng và sắc thái xám khác nhau. Họ cũng gặp khó khăn trong nhận biết độ sáng, độ tương phản hay phân biệt chi tiết trên hình ảnh.
Do tế bào nón không hoạt động, mắt trở nên quá nhạy cảm với ánh sáng chói nên người bệnh gặp chứng sợ ánh sáng, quáng gà. Hơn 90% người mù màu hoàn toàn mắc cận thị hoặc loạn thị kèm theo (National Eye Institute, 2023). Họ gặp khó khăn khi đọc chữ nhỏ, lái xe hoặc xác định khoảng cách giữa các vật thể. Do không thể sử dụng màu sắc làm dấu hiệu nhận biết, người bệnh cũng gặp vấn đề trong việc xác định vị trí và nhận diện đường đi.
Để xác định tình trạng mù màu hoàn toàn, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp kiểm tra chuyên sâu nhằm đánh giá khả năng nhận diện màu sắc và tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Trước tiên, bệnh nhân sẽ được kiểm tra thị lực tổng quát để đánh giá khả năng nhìn xa, nhìn gần và độ nhạy sáng. Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiến hành các bài kiểm tra phân biệt màu sắc. Phổ biến nhất là bài kiểm tra mù màu Ishihara, giúp phát hiện khả năng nhận diện màu sắc cơ bản. Với bài kiểm tra này, bệnh nhân cần xác định số hoặc hình dạng trên các tấm bảng màu. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, Farnsworth D-15 Test sẽ được sử dụng để đánh giá mức độ rối loạn màu sắc và xác định loại mù màu cụ thể.
Nếu nghi ngờ nguyên nhân mù màu do di truyền, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm gene để kiểm tra các đột biến ở CNGA3, CNGB3, GNAT2. Ngoài ra, để xác định chính xác mức độ tổn thương võng mạc, bác sĩ có thể thực hiện đo điện cơ mắt (ERG). Phương pháp này giúp kiểm tra chức năng của tế bào nón, xác định xem võng mạc có phản ứng bình thường với ánh sáng hay không.
Mù màu hoàn toàn không chỉ khiến người bệnh mất khả năng phân biệt màu sắc mà còn ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, học tập và công việc. Một trong những giải pháp phổ biến dành cho họ là kính cho người mù màu. Loại kính này giúp tăng cường độ tương phản màu sắc, để người bệnh phân biệt màu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, kính không thể chữa khỏi mù màu mà chỉ hỗ trợ cải thiện khả năng nhận diện màu sắc trong một số trường hợp.
Ngoài ra, các ứng dụng di động mô tả màu sắc bằng âm thanh cũng mang lại nhiều tiện ích cho họ. Ví dụ như:
Mù màu hoàn toàn là một dạng rối loạn thị giác hiếm gặp và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người mắc. Hiện tại chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Nhưng nhờ sự phát triển của công nghệ và các công cụ hỗ trợ, người bệnh có thể cải thiện khả năng nhận biết môi trường xung quanh, tự tin hòa nhập và phát huy năng lực của bản thân.
Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.