Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Một số người cho rằng mụn là do vi khuẩn gây ra, nhưng ít ai biết rằng nấm men cũng là nguyên nhân dẫn đến mụn. Mụn nấm men là gì, làm sao để phân biệt với các loại mụn khác và cách điều trị ra sao? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, hoạt động như một hàng rào vật lý chống lại các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài. Trên bề mặt da là một lớp hệ vi sinh đa dạng chủng loại vi khuẩn và nấm, chúng phát triển tạo thành miễn dịch chống lại mầm bệnh. Tuy nhiên, khi hệ vi sinh mất cân bằng thì các vấn đề về da sẽ xảy ra. Mụn nấm men là một trong các hậu quả của việc phát triển quá mức của nấm men.
Mụn nấm men là kết quả của viêm nang lông Malassezia - một bệnh do sự phát triển quá mức của nấm Malassezia trong nang lông. Loại nấm này thuộc chi Malassezia (trước đây gọi là Pityrosporum) là một phần của hệ vi sinh vật bình thường trên da. Chi Malassezia thuộc ngành Basidiomycota (lớp Malasseziomycetes ) và chi này hiện có khoảng 14 loài được công nhận. Đây là loại nấm phổ biến nhất đối với làn da khỏe mạnh, nhưng những loại nấm men này cũng có khả năng gây bệnh khi trong điều kiện thích hợp, chúng có thể xâm nhập vào lớp sừng, gây ra các bệnh về da như viêm da tiết bã, vảy phấn nhiều màu, viêm da đầu/cổ và mụn nấm men.
Malassezia xâm nhập vào da người ngay sau khi em bé chào đời và được hệ thống miễn dịch của con người dung nạp một cách tự nhiên. Chúng là loại nấm men ưa dầu và sống phụ thuộc vào lipid ngoại sinh vì chúng không có gen tổng hợp axit béo. Cho nên, Malassezia thường xuất hiện chủ yếu ở các vùng tiết bã nhờn. Điều này giải thích cho việc mụn nấm men thường tập trung trên các vùng da tiết bã nhờn như mặt, da đầu và ngực.
Trong điều kiện thích hợp, Malassezia sinh sôi nảy nở trong nang lông và tiết ra enzyme phân giải lipid để phân hủy chất béo trong nang lông thành axit béo tự do. Khi Malassezia tăng sinh quá mức, phá hủy hệ vi sinh và kích thích nang lông tạo ra quá nhiều axit béo gây chặn các lỗ thở, dẫn tích tụ bã nhờn và axit béo tự do, khiến các nang lông giãn nở, có thể tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập, kích hoạt phản ứng viêm tại chỗ, hình thành mụn. Khi mụn nấm men vỡ ra, khiến các chất trong nang lông được giải phóng đến các mô xung quanh gây lây lan nấm và tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
Các yếu tố rủi ro do sự phát triển của MF rất đa dạng, bao gồm:
Mụn nấm men có thể xuất hiện nhiều trên thân, chi trên, cổ và mặt với tổn thương da điển hình như viêm nang lông, sần hình bán cầu và mụn mủ đơn nhỏ, có kích thước từ 1 - 4mm, xung quanh có vết đỏ, khi nặn ra là chất bột trắng, thường có hàng chục đến hàng trăm nốt mẩn rải rác hoặc phân bố dày đặc. Mụn nấm men có thể có những mụn đầu đen ở giữa các mụn nấm. Đồng thời, triệu chứng ngứa sẽ xuất hiện kèm theo và thường có nhiều mức độ, ngứa ran hoặc cảm giác nóng rát khác nhau. Ngứa càng trở nên trầm trọng hơn khi đổ mồ hôi.
Mụn trứng cá do vi khuẩn kỵ khí gram dương Propionibacterium acnes gây ra. Đây cũng là một trong các thành viên quan trọng của hệ miễn dịch trên da, giúp duy trì và hỗ trợ sự cân bằng vi khuẩn tự nhiên của da. Nhưng chúng không phải lúc nào cũng có lợi và có thể gây bệnh nếu gặp điều kiện thích hợp.
Mụn trứng cá là những tổn thương trên da với mụn sần hình nón, mụn viêm có mủ nhỏ ở trên. Các triệu chứng có vẻ gần giống với mụn nấm men, để phân biệt có thể dựa vào các tổn thương sần viêm hình bán cầu với vết đỏ xung quanh trong mụn nấm men Malassezia.
Viêm nang lông là tình trạng viêm các túi nhỏ trên da nơi lông phát triển. Nguyên nhân phổ biến đến từ sự lây nhiễm của vi khuẩn Staphylococcus aureus. Viêm nang lông do vi khuẩn thường gây sưng đỏ, có hoặc không có mụn nước nhỏ chứa mủ, ngứa và đau nhẹ.
Để phân biệt viêm nang lông do vi khuẩn hay nấm men, có thể dùng kính hiển vi soi mẫu sinh thiết da, nếu thấy một số lượng lớn bào tử Malassezia thì là mụn nấm men và không thấy bào tử nấm là viêm nang lông do vi khuẩn.
Các bệnh về da do Malassezia gây ra thường được điều trị bằng liệu pháp chống nấm và nếu có tình trạng viêm da liên quan thì bổ sung liệu pháp chống viêm.
Trong trường hợp nhẹ, thuốc chống nấm tại chỗ như imidazole, triazole, ketoconazole,... được sử dụng chủ yếu. Đối với những bệnh nhân có tổn thương da lớn và nặng hay điều trị tại chỗ thất bại, bổ sung thuốc chống nấm toàn thân rất hữu ích. Itraconazole toàn thân 100 - 200mg mỗi ngày đã được sử dụng trong 1 - 4 tuần hoặc fluconazole 100 - 200mg mỗi ngày trong 1 - 4 tuần cho thấy hiệu quả đáng kể.
Tái phát mụn nấm men là phổ biến sau khi kết thúc điều trị và các liệu pháp duy trì như thuốc chống nấm bôi tại chỗ hàng tuần hoặc hàng tháng đã được sử dụng làm biện pháp phòng ngừa.
Thứ nhất, nếu bạn thuộc thể trạng đổ mồ hôi nhiều, da dầu hay đổ mồ hôi sau khi tập thể dục thì hãy nhanh chóng lau khô mồ hôi, sau đó đi tắm và lau sạch lưng. Tránh việc dầu mồ hôi làm tắc nghẽn lỗ chân lông, tạo điều kiện cho nấm men phát triển.
Thứ hai, không chà sát vị trí có mụn quá mạnh. Một số người nghĩ rằng việc chà sát mạnh có thể loại bỏ mụn và sạch sẽ hơn. Quan điểm này là sai lầm, chà sát quá mạnh có thể gây tổn thương da và dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
Thứ ba, sau khi tắm và lau khô cơ thể kịp thời, cần thay bộ quần áo khô và sạch, không mặc lại quần áo dơ để tránh da quá ướt, hay nhiễm lại mồ hôi, điều này có thể tạo cơ hội cho Malassezia sinh sản.
Thứ tư, tránh xa thói quen xấu (như hút thuốc và uống rượu), kiểm soát stress, ăn nhiều trái cây (ít ngọt), hạn chế thức ăn nhiều đường, nhiều dầu mỡ, không nên thức khuya.
Tóm lại, Malassezia là loại nấm phức tạp, vừa là một phần của hệ vi sinh vật bình thường trên da vừa có khả năng gây bệnh liên quan đến da như mụn nấm men, viêm da đầu và cổ, viêm da tiết bã, bệnh chàm dị ứng, vẩy nến hoặc nhiễm trùng da,... Biện pháp phòng ngừa nhiễm Malassezia tốt nhất là giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ và tăng cường sức đề kháng.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.