Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mycobacterium Tuberculosis và những điều bạn cần biết

Ngày 04/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mycobacterium Tuberculosis hay trực khuẩn lao, là tác nhân gây ra bệnh lao. Với khả năng lan truyền rộng rãi cùng biến chứng nguy hiểm, lao trở thành một trong các bệnh lý đáng lo ngại nhất hiện nay.

Lao phổi, một trong những bệnh truyền nhiễm đáng lo ngại nhất trên toàn thế giới, đang gây ra tỷ lệ tử vong cao. Bệnh này xuất phát từ vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis. Khả năng lan truyền rộng rãi cùng những biến chứng nguy hiểm làm cho lao là bệnh lý đáng lo ngại.

Vậy cơ chế gây bệnh của vi khuẩn lao là gì và phương pháp nào được sử dụng để phát hiện? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhé!

Mycobacterium Tuberculosis là gì?

Mycobacterium Tuberculosis hay còn gọi là vi khuẩn lao, là một loại vi khuẩn dạng trực khuẩn có chiều dài khoảng từ 3 đến 5 μm, với hai đầu tròn và không có lông. Đặc điểm của nó là kháng cồn và kháng acid, nghĩa là nó không bị mất màu đỏ khi tiếp xúc với cồn hoặc acid như thuốc nhuộm Fuchsin. Vi khuẩn này có khả năng tồn tại trong tự nhiên trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tháng.

Ở nhiệt độ 42oC, vi khuẩn lao có thể ngừng phát triển, và ở 100oC, chúng sẽ bị tiêu diệt sau khoảng 10 phút. Ngoài ra, chúng cũng bị tiêu diệt bởi cồn ở nhiệt độ 90 độ.

Mycobacterium Tuberculosis và những điều bạn cần biết 1
Mycobacterium Tuberculosis là vi khuẩn gây ra bệnh lao

Mycobacterium Tuberculosis là nguyên nhân gây ra bệnh lao phổi. Để chẩn đoán bệnh này một cách chính xác, các xét nghiệm phát hiện vi khuẩn lao trong mẫu đờm hoặc dịch rửa phế quản được coi là phương pháp hiệu quả nhất.

Khả năng gây bệnh của vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis

Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp, và người lành có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc với người bệnh thông qua các hành động như ho, hắt hơi, khạc nhổ nước bọt, đờm, và dịch tiết. Do đó, khả năng lây nhiễm bệnh trong cộng đồng là rất cao.

Việc mắc bệnh và mức độ nặng nhẹ của bệnh còn phụ thuộc vào độc tính của vi khuẩn cũng như hệ miễn dịch của người mắc. Thông thường, bệnh lao phát triển qua hai giai đoạn:

Giai đoạn sơ nhiễm

Đây là giai đoạn mà vi khuẩn lao lần đầu tiên xâm nhập vào cơ thể. Sau khoảng 2 - 4 tuần, các tổn thương dạng hạt và hạt lao điển hình bắt đầu hình thành. Vi khuẩn sau đó lan qua mạch máu và các cơ quan trong cơ thể.

Mycobacterium Tuberculosis và những điều bạn cần biết 2
Lao có thể lây lan rộng rãi và gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Giai đoạn bệnh

Những ổ bệnh từ giai đoạn sơ nhiễm có thể tái phát và gây ra bệnh lao ở người. Vi khuẩn lao lan rộng và gây ra các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Người mắc bệnh lao thường có các triệu chứng lâm sàng đặc trưng như ho khan kéo dài, ho kèm đờm, ho ra máu, khó thở, vã mồ hôi vào ban đêm, cảm giác mệt mỏi, chán ăn và giảm cân.

Cách phát hiện ra trực khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis

Hiện nay, có nhiều phương pháp xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis, trong đó một số phương pháp phổ biến và đáng tin cậy bao gồm:

Xét nghiệm nhuộm soi để tìm AFB (acid-fast bacilli)

Trong phương pháp này, mẫu đờm sẽ được nhuộm bằng một chất nhuộm như Ziehl-Neelsen để phát hiện các trực khuẩn kháng cồn và kháng acid (AFB), dựa trên đặc tính của lớp vách tế bào dày của Mycobacterium Tuberculosis. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những ưu và nhược điểm như sau:

Ưu điểm:

  • Đơn giản;
  • Dễ thực hiện;
  • Chi phí thấp.

Nhược điểm:

  • Phương pháp này chỉ phát hiện AFB mà không đảm bảo chắc chắn là vi khuẩn lao. Do đó, độ nhạy và độ đặc hiệu của phương pháp này không cao.
  • Đôi khi phương pháp xét nghiệm nhuộm soi có thể xảy ra sai sót do lấy mẫu không đúng hoặc quá trình nhuộm không chính xác, phụ thuộc vào khả năng quan sát của kỹ thuật viên.
Mycobacterium Tuberculosis và những điều bạn cần biết 3
Xét nghiệm nhuộm soi có thể phát hiện được trực khuẩn lao

Ngoài ra, có thể sử dụng phương pháp nhuộm soi với kỹ thuật huỳnh quang, có độ nhạy cao hơn và tăng khả năng phát hiện vi khuẩn so với phương pháp nhuộm Ziehl-Neelsen.

Xét nghiệm nuôi cấy lao MGIT

Phương pháp nuôi cấy giúp xác định chính xác vi khuẩn lao. Bệnh phẩm đờm sẽ được đặt trong môi trường dinh dưỡng phù hợp để kích thích sự phát triển của vi khuẩn lao, nếu có. Sau đó, vi khuẩn sẽ được phân lập và định danh, cũng như tiến hành kiểm tra độ nhạy với kháng sinh.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là thời gian chờ đợi kết quả khá lâu và kỹ thuật yêu cầu sự tỉ mỉ và vô trùng.

Xét nghiệm sinh học phân tử

Các phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện vi khuẩn lao có thể bao gồm:

Kỹ thuật PCR lao

Phương pháp này sử dụng để phát hiện một đoạn gen của vi khuẩn lao có trong bệnh phẩm.

Ưu điểm của kỹ thuật này là có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao, có thể áp dụng cho nhiều loại mẫu bệnh phẩm khác nhau như đờm, dịch rửa phế quản, và dịch màng phổi.

Nhược điểm: Xét nghiệm này đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt.

Mycobacterium Tuberculosis và những điều bạn cần biết 4
PCR lao là một trong các xét nghiệm có độ nhạy và đặc hiệu cao

Kỹ thuật MTB TRC Ready

Đây là phương pháp dựa vào phản ứng phiên mã ngược và phiên mã để phát hiện và khuếch đại trình tự gen của vi khuẩn lao, cũng được coi là một phương pháp rất hiệu quả trong việc chẩn đoán bệnh lao.

Phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, có khả năng phát hiện vi khuẩn ngay cả trong mẫu bệnh phẩm có mật độ vi khuẩn thấp. Quy trình xét nghiệm được thực hiện một cách cẩn thận, tránh được sự lây nhiễm từ bên ngoài.

Kỹ thuật MTBC/NTM Real Time PCR

Phương pháp này nguyên lý cơ bản tương tự như PCR lao, nhưng có những ưu điểm vượt trội như:

  • Sử dụng kỹ thuật đa mồi để tăng độ nhạy phát hiện vi khuẩn lao.
  • Có khả năng phân biệt giữa vi khuẩn lao và các loại Mycobacteria không phải lao.

Xét nghiệm lao tiềm ẩn IGRA - Quantiferon

Xét nghiệm này thực hiện trên mẫu máu để đo mức độ phản ứng của hệ miễn dịch với vi khuẩn gây lao. Phương pháp này ưu tiên cho trẻ em hoặc người không thể lấy được mẫu đờm.

Xét nghiệm này có ý nghĩa trong việc sàng lọc và chẩn đoán bệnh lao, giúp phân biệt lao phổi và các loại bệnh khác như ung thư phổi, lao màng não, lao màng bụng,... Tuy nhiên, một số trường hợp có kết quả dương tính nhưng chưa bị bệnh do vi khuẩn có thể ở trạng thái ngủ.

Xét nghiệm phản ứng Tuberculin

Kỹ thuật này sử dụng kháng nguyên dạng tuberculin để tiêm vào da nhằm kiểm tra sự mẫn cảm của tế bào lympho với trực khuẩn lao. Phương pháp thường được sử dụng phổ biến nhất là tiêm trong da của Mantoux.

Tuy nhiên, hiện nay, kỹ thuật này không còn được áp dụng rộng rãi trong việc chẩn đoán bệnh lao do các phương pháp xét nghiệm khác có độ chính xác và hiệu quả hơn.

Ngoài các phương pháp đã đề cập, để chẩn đoán một cách chính xác việc có mắc bệnh lao hay không, các bác sĩ thường kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Một trong số đó là chụp X-quang phổi, giúp đưa ra kết quả nhanh chóng và có giá trị chẩn đoán cao.

Nhà thuốc Long Châu hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Mycobacterium Tuberculosis. Hiện nay có nhiều phương pháp chẩn đoán xác định lao. Từ đó, đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm