Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhiễm Mycoplasma Genitalium là gì? Có nguy hiểm không?

Ngày 25/04/2024
Kích thước chữ

Mycoplasma Genitalium là một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng qua đường tình dục. Dù được ít người biết đến nhưng tỷ lệ nhiễm vi khuẩn này không hề thấp và nó cũng để lại những biến chứng sức khỏe nặng nề. Muốn biết nhiễm Mycoplasma Genitalium có nguy hiểm không, đừng bỏ qua bài viết này bạn nhé!

Nhóm vi khuẩn Mycoplasma có nhiều loại vi khuẩn khác nhau, trong đó không thể không kể đến Mycoplasma Genitalium - một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng qua đường tình dục. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng Mycoplasma Genitalium, triệu chứng, mức độ nguy hiểm và cách điều trị.

Nhiễm Mycoplasma Genitalium là gì?

Mycoplasma genitalium (viết tắt là MG) - một loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng qua đường tình dục - được xác định lần đầu tiên từ năm 1981. Theo các chuyên gia, MG đến nay vẫn chưa được theo dõi đầy đủ nên có thể lây lan trong cộng đồng mà không bị phát hiện. Các thử nghiệm liên quan đến vi khuẩn này chỉ chính thức được FDA thực hiện vào năm 2019. Hầu hết mọi người không được kiểm tra định kỳ với căn bệnh này.

Nhiễm Mycoplasma Genitalium là gì? Có nguy hiểm không 1
Hình ảnh vi khuẩn Mycoplasma Genitalium dưới kính hiển vi

Theo ước tính, có khoảng 20% phụ nữ và 17% nam giới trong số những người có quan hệ tình dục có thể bị nhiễm Mycoplasma Genitalium mà họ không biết. Có thể kể đến những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm Mycoplasma Genitalium STD như:

  • Nữ giới có nguy cơ nhiễm MG cao hơn nam giới.
  • Người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không lành mạnh dễ nhiễm loại vi khuẩn này hơn.
  • Người có quan hệ tình dục với người đã hoặc đang có các triệu chứng nhiễm MG.
  • Có từ 10 - 30% phụ nữ bị viêm cổ tử cung có biểu hiện lâm sàng được phát hiện có vi khuẩn M. genitalium.
  • Phụ nữ mắc bệnh viêm vùng chậu (PID) cũng thường có MG được tìm thấy trong cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung.
  • Nam giới trẻ tuổi và giao hợp lần đầu tiên cũng có nguy cơ nhiễm Mycoplasma Genitalium.

Nhiễm Mycoplasma Genitalium có nguy hiểm không?

Có một thực tế là ngay cả khi không xảy ra quan hệ tình dục trực tiếp, vi khuẩn MG vẫn có thể lây nhiễm qua chạm và cọ xát. Ngoài việc lây lan âm thầm và khá dễ dàng, vi khuẩn này còn gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Cả nam và nữ sau khi bị nhiễm MG đều có thể bị viêm niệu đạo với triệu chứng niệu đạo sưng và ngứa. Thậm chí có nhiều trường hợp viêm niệu đạo không biểu hiện triệu chứng, lại có những trường hợp viêm niệu đạo kéo dài dai dẳng hoặc tái phát thường xuyên.
  • Nữ giới nhiễm khuẩn M. genitalium có nguy cơ viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu.
  • Phụ nữ bị nhiễm MG có nguy cơ vô sinh, sảy thai, sinh con nhẹ cân hoặc sinh non cao gấp đôi những phụ nữ khác.
  • 3% phụ nữ và 1 - 26% nam giới có quan hệ đồng tính đã được báo cáo cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng trực tràng do M. genitalium,
  • Biến chứng khiến nam giới khó thụ thai với nữ giới cũng được đặt giả thuyết nhưng chưa có bằng chứng chắc chắn.
Nhiễm Mycoplasma Genitalium là gì? Có nguy hiểm không 2
Nữ giới có nguy cơ nhiễm MG cao hơn nam giới

Triệu chứng nhiễm Mycoplasma Genitalium

Nhiễm Mycoplasma Genitalium không phải lúc nào cũng biểu hiện thành triệu chứng. Ở nam giới, một số triệu chứng có thể gặp phải như: Nóng rát khi đi tiểu, đau hoặc châm chích khi đi tiểu, có dịch chảy ra từ dương vật. Nữ giới nhiễm vi khuẩn này biểu hiện nhiều triệu chứng hơn, cụ thể là:

  • Có dịch bất thường chảy ra từ âm đạo phụ nữ.
  • Họ cảm thấy đau, thậm chí chảy máu trong hoặc sau mỗi lần quan hệ tình dục.
  • Chảy máu âm đạo bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt không rõ nguyên nhân.
  • Cảm giác đau ở vùng xương chậu cũng là một dấu hiệu cảnh báo nữ giới nhiễm khuẩn MG.

Nếu như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có thử nghiệm giúp chẩn đoán bệnh chính xác thì nhiễm MG không có. Nếu bác sĩ nghi ngờ ai đó mắc bệnh, họ có thể chỉ định người bệnh làm xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT) bằng mẫu nước tiểu.

Nhiễm Mycoplasma Genitalium là gì? Có nguy hiểm không 3
Nữ giới khi nhiễm MG thường có biểu hiện rõ ràng hơn nam giới

Điều trị khi bị nhiễm Mycoplasma Genitalium

Nhiễm Mycoplasma Genitalium được đánh giá là khó điều trị. Nguyên nhân đến từ việc các kháng sinh phổ biến sẽ phá hủy thành tế bào của vi khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn. Nhưng MG lại không có thành tế bào nên các loại kháng sinh phổ biến không có tác dụng.

Phác đồ điều trị Mycoplasma khuyến khích sử dụng liệu pháp hướng dẫn phòng kháng thuốc với tỷ lệ điều trị thành công trên 90% nhưng cần làm kháng sinh đồ.

Phác đồ điều trị M. genitalium có kháng sinh đồ

Nếu bệnh nhân nhạy cảm với macrolid, bác sĩ chỉ định uống Doxycycline 100mg mỗi ngày 2 lần và uống liên tiếp trong 7 ngày. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục uống Azithromycin 1g liều đầu tiên. 3 ngày tiếp theo uống Azithromycin 500 mg (tổng liều Azithromycin là 2.5g).

Nếu bệnh nhân đề kháng với macrolid, bác sĩ sẽ chỉ định Doxycycline 100 mg uống mỗi ngày 2 lần và uống liên tiếp trong vòng 7 ngày. Sau đó bệnh nhân uống Moxifloxacin 4000mg 1 lần/ngày trong 7 ngày.

Nhiễm Mycoplasma Genitalium là gì? Có nguy hiểm không 4
Điều trị nhiễm MG theo kháng sinh đồ

Phác đồ điều trị M. genitalium không có kháng sinh đồ

Nếu bệnh nhân phát hiện nhiễm MG thông qua xét nghiệm NAAT, bác sĩ sẽ chỉ định dùng Doxycycline 100mg đường uống 2 lần/ngày và dùng liên tục trong 7 ngày. Sau đó, bệnh nhân uống moxifloxacin 400mg mỗi ngày 1 lần và uống trong 7 ngày.

Điều trị bệnh lý kèm theo

Như đã nói ở trên, nhiễm Mycoplasma Genitalium có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm cổ tử cung, viêm niệu đạo, viêm vùng chậu. Nếu xuất hiện các bệnh lý này kèm theo, bệnh nhân cũng cần được điều trị dứt điểm.

Người bệnh cần tránh quan hệ tình dục trong 7 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị bệnh. Bạn tình của họ cũng cần được thăm khám và điều trị để tránh lây lại cho họ hoặc cho người khác.

Phòng tránh những bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn MG. Một số phương pháp tự bảo vệ bản thân mà mỗi người nên áp dụng như: Duy trì chế độ 1 vợ 1 chồng chung thủy, chọn bạn tình an toàn, quan hệ tình dục an toàn, dùng bao cao su, vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục sau mỗi lần quan hệ…

Nhiễm Mycoplasma Genitalium là gì? Có nguy hiểm không 5
Quan hệ tình dục an toàn để phòng ngừa nhiễm khuẩn MG

Vi khuẩn Mycoplasma Genitalium dễ lây nhiễm, dễ tấn công và gây bệnh lại ngay cả ở người đã điều trị khỏi bệnh. Vì vậy, nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm bệnh nào, bạn cần đi khám chuyên khoa sản phụ khoa hoặc nam khoa càng sớm càng tốt.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin