Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngủ mơ không dậy được là gì? Cách cải thiện tình trạng này

Ngày 29/03/2023
Kích thước chữ

Ngủ mơ không dậy được là tình trạng bạn thấy mình thức dậy, vệ sinh cá nhân và ăn sáng như thường lệ nhưng thật ra bạn còn ngủ trên giường. Vậy làm sao để cải thiện hiện tượng này?

Bạn có khi nào gặp tình trạng thấy mình thức dậy rời khỏi giường, sau đó vệ sinh cá nhân và bắt đầu một bữa sáng như thường lệ, nhưng rồi bạn lại phát hiện mình vẫn còn đang ngủ trên giường. Đây được gọi là hiện tượng ngủ mơ không dậy được. Vậy hiện tượng này là như thế nào và có cách nào cải thiện không?

Ngủ mơ không dậy được là như thế nào?

Khi hiện tượng ngủ mơ không dậy được xảy ra sẽ khiến chúng ta tin rằng mình vừa thức dậy nhưng thực tế là còn đang ngủ. Hiện tượng này xuất hiện trong giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM) là giai đoạn ngủ gắn chặt nhất với giấc mơ.

Hiện tượng ngủ mơ không dậy được.Hiện tượng ngủ mơ không dậy được

Dưới đây là những gì người mơ thường nhìn thấy khi gặp hiện tượng ngủ mơ không dậy được:

  • Thấy mình thức dậy và sinh hoạt như thường ngày.
  • Thấy mình thức dậy vào nửa đêm và đi vào phòng tắm, nhà bếp. Sau đó, thấy mình quay lại trở về giường.
  • Thấy mình đi khám phá một nơi mà mình luôn ao ước.
  • Thấy mình suy nghĩ về một giấc mơ mình vừa trải qua trước khi hiện tượng ngủ mơ không dậy được xảy ra bằng một niềm tin rằng bây giờ mình đã tỉnh ngủ.

Không giống với những giấc mơ thông thường, nội dung của giấc mơ trong hiện tượng ngủ mơ không thức dậy được thường rất sống động, chi tiết và chân thật. Tuy nhiên, bối cảnh trong giấc ngủ có thể có những chi tiết nhỏ khác biệt, ví dụ như có một bóng tối kỳ lạ, đèn không được bật,… Và phải mất đến một lúc sau đó, thì chúng ta mới nhận ra rằng mình thực chất đang mơ.

Các nhà nghiên cứu đã cho nhận xét rằng trong hiện tượng ngủ mơ không dậy này, người mơ vẫn giữ được ý thức ví dụ như họ vẫn ý thức được rằng mình vừa đang ở trong thực tế vừa ở trong giấc mơ. Họ cũng có thể có cảm giác khó chịu vì biết có điều gì đó không thật nhưng họ hoàn toàn không nhận thức được rằng mình đang mơ.

Nguyên nhân gây ngủ mơ không dậy được

Một số chuyên gia về giấc ngủ tin rằng hiện tượng ngủ mơ không dậy được này xuất hiện trong giai đoạn REM bị gián đoạn (đây là hiện tượng giấc ngủ bị cắt khúc hay giấc ngủ bị chia cắt). Khi giai đoạn REM bị gián đoạn, chúng ta có thể giữ tỉnh táo một phần nào đó ngay khi đang mơ. Nguyên nhân của hiện tượng này bao gồm:

Rối loạn giấc ngủ

Những rối loạn giấc ngủ thường thấy như mất ngủ, hội chứng ngưng thở khi ngủ và chứng ngủ rũ:

  • Mất ngủ là tình trạng khi chúng ta khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ được nhưng không sâu giấc. 
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng cơ thể ngưng thở khi ngủ kéo dài và liên tục lặp lại theo chu kỳ. 
  • Chứng ngủ rũ là khi cơ thể có nhu cầu ngủ quá mức, lý do là vì khả năng điều hòa giấc ngủ tại bộ não đang gặp trục trặc. Lúc này, cơ thể có thể rơi vào giấc ngủ bất kể lúc nào.
Rối loạn giấc ngủ là nguyên nhân dẫn đến ngủ mơ không dậy được.Rối loạn giấc ngủ là nguyên nhân dẫn đến ngủ mơ không dậy được

Tất cả những rối loạn giấc ngủ trên đều gây ảnh hưởng không ít đến chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, nó có thể gây ra những gián đoạn nhỏ đến giai đoạn REM và tạo điều kiện cho trạng thái ngủ mơ không thức dậy được.

Tác động của môi trường

Khi tiếng ồn, ánh đèn sáng hay những yếu tố khác gây ảnh hưởng đến bạn lúc bạn đang ngủ có thể sẽ không khiến bạn thức dậy hoàn toàn nhưng những điều này có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.

Rối loạn chuyển động chân tay định kỳ khi ngủ

Đây là hội chứng làm cho chân bị co giật, chuột rút một cách đột ngột, không chủ ý. Việc lặp đi lặp lại tình trạng này ở một người khi họ đang ngủ sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ một cách đáng kể.

Phân biệt ngủ mơ không dậy được với hội chứng liệt khi ngủ

Chứng tê liệt khi ngủ thường xuất hiện khi cơ thể chuyển từ trạng thái giấc ngủ cử động mắt nhanh (REM) sang trạng thái thức tỉnh. Lúc này, não của chúng ta đã thức dậy nhưng các cơ tạm thời vẫn không cử động được.

Sự khác biệt dễ thấy nhất giữa ngủ mơ không dậy được và chứng tê liệt khi ngủ là xảy ra hội chứng liệt khi ngủ thì bạn đã tỉnh, không hề mơ và cơ thể vẫn cảm nhận được môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, chứng liệt khi ngủ có thể kèm theo những ảo giác như là có ai đó ở trong phòng, hoặc đang giữ bạn ở chặt trên giường. Tuy vậy, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người gặp hiện tượng liệt khi ngủ cũng thường gặp tình trạng ngủ mơ không tỉnh giấc được và ngược lại.

Cách cải thiện tình trạng ngủ mơ không dậy được

Ngủ mơ không dậy được không gây ra bất kỳ bệnh lý nào quá nghiêm trọng. Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, bạn không cần quá lo ngại về nó.

Tuy nhiên, khi thấy hiện tượng này đi kèm với các triệu chứng như: Khó ngủ hoặc ngủ không sâu, cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, ngủ ngày, gặp ác mộng thường xuyên thì bạn nên đi khám để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị kịp thời.

Không nên dùng các thiết bị điện tử trước khi ngủ.Không nên dùng các thiết bị điện tử trước khi ngủ

Cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng là cách giúp giảm hiện tượng ngủ mơ không thức dậy được. Dưới đây là một số cách để bạn có một giấc ngủ ngon hơn:

  • Không dùng điện thoại và các thiết bị điện tử khác ít nhất 1 giờ trước khi chuẩn bị ngủ.
  • Ngủ đủ theo nhu cầu của cơ thể.
  • Dành thời gian để cơ thể thư giãn trước khi đi ngủ.

Hy vọng những thông tin trong bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng ngủ mơ không dậy được. Đây không phải là một hiện tượng bệnh lý, vì vậy, bạn không cần quá lo ngại về chúng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này đi kèm với các triệu chứng ảnh hưởng sức khỏe thì bạn hãy đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.

Xem ngay: Hiện tượng ngủ không dậy được là gì và cách khắc phục

Phương Nhi

Nguồn tham khảo: Youmed.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin