Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Ngủ trưa bị khó thở là do đâu? Biện pháp khắc phục hiệu quả

Ngày 26/07/2023
Kích thước chữ

Ngủ trưa bị khó thở là tình trạng khiến bạn phải gắng sức hơn bình thường để thở, triệu chứng này khiến bạn khó ngủ. Nhiều người cho rằng khó thở khi ngủ là do "bóng đè". Tuy nhiên, khoa học khẳng định rằng những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý.

Ngủ trưa bị khó thở kéo dài khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi nhưng không phải ai cũng biết nguyên nhân tại sao. Đặc biệt, đây có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, nếu chủ quan, không chữa trị kịp thời có thể để lại những hậu quả khó lường. Vậy ngủ trưa bị khó thở là do đâu? Có cách khắc phục không?

Nguyên nhân ngủ trưa bị khó thở

Hít thở là sự phối hợp của các cơ quan hô hấp như phổi, miệng và mũi. Không khí hít vào đi vào phổi qua miệng và mũi và đến phế nang. Khó thở là khi bạn phải gắng sức để hít thở. Điều này có thể là do nồng độ oxy trong máu thấp, lượng không khí hít vào khi ngủ không đủ hoặc các vấn đề về đường hô hấp do bệnh lý. Các nguyên nhân phổ biến khi ngủ trưa bị khó thở là:

  • Mệt mỏi, căng thẳng kéo dài: Khó thở đột ngột khi ngủ là hậu quả của tình trạng mệt mỏi, căng thẳng thường xuyên. Những người hay gặp ác mộng cũng gặp hiện tượng này.
  • Ngưng thở: Ngưng thở khi ngủ là một nguyên nhân phổ biến gây khó thở ở nhiều người. Hiện tượng này xảy ra vì tắc nghẽn đường thở đột ngột.
  • Bệnh suy tim: Bệnh nhân suy tim có các triệu chứng khó thở khi ngủ, sức vận động yếu.
  • Hen suyễn: Trong cơn hen suyễn, niêm mạc đường thở chít hẹp, hạn chế không khí lưu thông. Điều này khiến người bệnh bị khó thở khi ngủ, thở dốc, tức ngực,…
  • Phù phổi: Phù phổi khiến chất lỏng dư thừa tích tụ trong các túi khí, gây khó thở khi các túi khí bị chèn ép khi nằm. Do đó nhiều người bị khó thở trong khi ngủ.
  • Viêm xoang, viêm mũi dị ứng: Những người mắc bệnh này thường có các triệu chứng như sổ mũi và khó thở. Điều này được giải thích là do bạn nằm ngửa khi ngủ, các chất dịch từ mũi sẽ chảy xuống cổ họng, làm tắc nghẽn đường thở và ngăn không cho oxy đến phổi và hệ thần kinh trung ương.
  • Tắc nghẽn phổi mạn tính: Đây là bệnh hạn chế không khí lưu thông, làm tăng lượng khí tồn dư trong phổi khiến người bệnh khó thở. Khó thở có thể xảy ra bất cứ lúc nào kèm theo triệu chứng khác như thở khò khè, ho và có dịch nhầy trong cổ họng.
Ngủ trưa bị khó thở là do đâu? Biện pháp khắc phục hiệu quả 1
Khó thở khi ngủ đòi hỏi phải gắng sức để hít thở

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khó thở không phải lúc nào cũng do bệnh lý nghiêm trọng gây ra. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.

Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe để chẩn đoán nguyên nhân của khó thở. Bạn cần cung cấp cho bác sĩ thông tin đầy đủ về các triệu chứng, tiền sử bệnh và loại thuốc đang dùng. Một số loại thuốc giảm đau, cứng cơ hoặc chứng lo âu có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Khi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ xem xét kỹ hơn về tim và phổi của bạn. Tùy thuộc vào tình trạng của bạn mà bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm như:

  • Chụp X-quang ngực để kiểm tra tim và phổi.
  • Siêu âm tim để chẩn đoán các vấn đề về chức năng tim.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG) để kiểm tra hoạt động tim.
  • Kiểm tra chức năng phổi.
  • Biện pháp khắc phục ngủ trưa bị khó thở.

Không phải tất cả trường hợp ngủ trưa bị khó thở đều nguy hiểm nhưng có những nguyên nhân bệnh lý gây ra tình trạng này. Vì vậy không nên chủ quan, nếu hiện tượng này kéo dài và không có xu hướng cải thiện thì tốt nhất nên đi khám.

Biện pháp khắc phục

Cách điều trị ngủ trưa bị khó thở cần dựa trên nguyên nhân của từng người bệnh:

  • Khó thở do căng thẳng: Cần điều chỉnh lối sống, thời gian nghỉ ngơi và chế độ ăn uống khoa học kết hợp tập luyện nhẹ nhàng, không gắng sức.
  • Các vấn đề về phổi: Tùy vào trường hợp cụ thể mà có cách giải quyết khác nhau như uống thuốc giãn phế quản làm mở rộng đường thở, ăn uống điều độ và tập thể dục để phục hồi chức năng phổi hoặc liệu pháp oxy.
  • Bệnh đường hô hấp: Uống thuốc kháng sinh để chấm dứt tình trạng nhiễm trùng. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý để thông thoáng đường thở và dùng thuốc giảm viêm.
  • Suy tim hoặc ung thư phổi: Dùng thuốc và các biện pháp hỗ trợ để giảm căng thẳng giúp tim bơm máu và vận chuyển oxy. Loại bỏ khối u bằng liệu pháp miễn dịch, phẫu thuật hoặc hóa trị.
Ngủ trưa bị khó thở là do đâu? Biện pháp khắc phục hiệu quả 2
Tuỳ vào tình trạng bệnh mà có biện pháp khắc phục khó thở khi ngủ khác nhau

Hướng dẫn chăm sóc người ngủ trưa bị khó thở tại nhà

Ngoài các phương pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người ngủ trưa bị khó thở nên thực hiện những biện pháp sau để cải thiện tình trạng bệnh:

  • Ăn uống: Khó thở khi ngủ khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi, suy nhược. Do đó, một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng rất quan trọng. Muốn vậy, hãy bổ sung cho cơ thể các vitamin và khoáng chất từ thực phẩm lành mạnh giúp cung cấp năng lượng, giảm tích tụ CO2 trong máu, giảm các gốc tự do. Chất kích thích làm trầm trọng thêm rối loạn giấc ngủ nên được hạn chế.
  • Tập thể dục: Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để làm giảm tình trạng khó thở, giúp bạn ngủ ngon hơn. Khi đi bộ kết hợp hít thở đúng cách.
  • Tránh căng thẳng: Căng thẳng và mệt mỏi có thể gây khó thở và ngủ không ngon giấc. Do đó, hãy cố gắng duy trì tinh thần thoải mái, từ đó đi vào giấc ngủ dễ dàng và sâu hơn.
  • Tư thế thoải mái: Khó thở khi ngủ khiến người bệnh thường xuyên phải thức giấc, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Do đó, cần tìm một tư thế thoải mái giúp cải thiện hơi thở của bạn. Các tư thế sau đây được cho là có hiệu quả trong việc giảm áp lực đường thở như nằm nghiêng, kê một chiếc gối giữa hai chân, giữ thẳng lưng và kê cao đầu khi ngủ.
Ngủ trưa bị khó thở là do đâu? Biện pháp khắc phục hiệu quả 3
Ngoài điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn cần theo dõi và chăm sóc đúng cách tại nhà

Mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của tình trạng ngủ trưa bị khó thở khác nhau ở từng người. Do đó, cần đi khám để được kiểm tra và xác định nguyên nhân chính xác. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị và chăm sóc tại nhà cụ thể, phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin