Phân độ suy tim theo NYHA (Hiệp hội Tim mạch New York) là một hệ thống phân chia các cấp độ suy tim dựa vào các triệu chứng và khả năng hoạt động gắng sức của bệnh nhân. Bên cạnh đó, Hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cũng đưa ra một hệ thống phân độ suy tim theo từng giai đoạn để bổ sung thêm cho hệ thống từ NYHA.
Cách phân độ suy tim theo NYHA
Phân độ suy tim từ Hội tim mạch New York (NYHA) là một cách phân loại suy tim đang được dùng phổ biến nhất hiện nay, được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Theo cách phân loại này, tình trạng suy tim của người bệnh được đánh giá dựa trên khả năng hoạt động thể lực và các triệu chứng cơ năng, cụ thể chia thành 4 mức độ như sau:
Cách phân loại suy tim theo NYH Suy tim độ 1
Suy tim độ 1 được xem là mức độ nhẹ nhất, còn gọi là suy tim tiềm tàng. Ở giai đoạn này, bệnh nhân vẫn có thể thực hiện các hoạt động thể lực và sinh hoạt bình thường mà không gặp khó khăn trong việc thở, không thấy mệt mỏi và cũng không hồi hộp trong khi thở. Rất khó để phát hiện bệnh ở phân độ suy tim này.
Suy tim độ 2
Đây là mức độ suy tim nhẹ. Ở giai đoạn này, bệnh nhân có những hạn chế nhất định trong các sinh hoạt hàng ngày và hoạt động thể lực. Cụ thể, họ thường thấy khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực khi hoạt động quá sức. Nhưng khi nghỉ ngơi hoặc không làm các việc nặng thì các triệu chứng kể trên sẽ không xuất hiện.
Suy tim độ 3
Còn được gọi là suy tim trung bình nặng. Ở mức độ này, bệnh nhân chỉ cần hoạt động nhẹ, người bệnh cũng có thể thấy khó thở, mệt mỏi và đánh trống ngực. Điều này gây rất nhiều hạn chế trong các hoạt động thể lực, sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân, khiến họ phải nhập viện điều trị thường xuyên hơn. Bệnh nhân suy tim khi chuyển sang cấp độ 3 thường rất lo lắng về bệnh tật.
Suy tim độ 4
Suy tim độ 4 là mức suy tim nặng nhất. Lúc này, bệnh nhân hầu như không thể thực hiện bất kỳ hoạt động thể lực nào mà không thấy khó chịu. Vì vậy mà sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng rất nhiều. Thậm chí, khó thở xuất hiện cả lúc nghỉ ngơi, khiến người bệnh chỉ có thể làm được những việc nhẹ.
Trong phân độ suy tim này, suy tim độ 1 và 2 là được đánh giá là giai đoạn nhẹ. Bệnh nhân gần như không có triệu chứng hoặc triệu chứng biểu hiện một cách không rõ ràng. Các trường hợp này thường bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh lý liên quan đường hô hấp.
Trong khi đó, suy tim độ 3 và 4 làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân với những triệu chứng trở nặng, đặc trưng như khó thở, mệt mỏi hay sưng phù. Ở giai đoạn này, suy tim dễ được chẩn đoán hơn nhưng quá trình điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.
Phân loại giai đoạn suy tim theo ACC/AHA
Theo Hội Tim mạch và Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ, suy tim sẽ tiến triển qua 4 giai đoạn được đặt tên theo A, B, C,D. Trong đó, A và B là giai đoạn có nguy cơ suy tim còn C và D là giai đoạn bệnh nhân đã mắc suy tim. Cụ thể các giai đoạn suy tim theo ACC/AHA như sau:
Phân loại giao đoạn suy tim ACC/AHA có 4 cấp: A,B,C,D
Giai đoạn A
Ở giai đoạn này, bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao như:
Ngoài ra, bệnh nhân không có các triệu chứng suy tim và không có bệnh tim thực tổn.
Giai đoạn B
Đây là giai đoạn bệnh nhân chưa có các dấu hiệu suy tim nhưng đã có bệnh tim thực tổn. Các bệnh lý sẽ gây ảnh hưởng tới cấu trúc tim mạch có thể kể đến như:
- Tiền sử nhồi máu cơ tim;
- Thiếu máu cơ tim cục bộ;
- Bệnh lý van tim;
- Rối loạn chức năng tâm thu thất trái.
Giai đoạn C
Ở giai đoạn C, bệnh nhân đồng thời bị các bệnh lý tim mạch và xuất hiện các triệu chứng của suy tim, như:
- Tim đập nhanh;
- Khó thở;
- Mệt mỏi;
- Ho nhiều, đặc biệt về đêm;
- Giảm khả năng gắng sức.
Giai đoạn D
Đây là giai đoạn bệnh nhân suy tim rất nặng, các triệu chứng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng sinh hoạt. Lúc này, bác sĩ thường sẽ chỉ định các biện pháp can thiệp, phẫu thuật hoặc hỗ trợ bằng máy móc để giúp tim có thể duy trì hoạt động.
Cách kiểm soát bệnh suy tim
Dù bệnh suy tim được phát hiện ở mức độ nào trong các cách phân độ suy tim khác nhau thì việc bệnh nhân tuân thủ tốt các chỉ định của bác sĩ và thay đổi lối sống đều có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa bệnh suy tim tiến triển nặng hơn.
Tuân thủ điều trị
Thông thường, người mắc bệnh suy tim sẽ phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau nhằm cải thiện tình trạng suy tim dựa trên các triệu chứng và các bệnh lý đi kèm. Các nhóm thuốc điều trị suy tim thường thấy gồm:
- Thuốc lợi tiểu;
- Thuốc giãn mạch;
- Digoxin.
Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ theo các chỉ định điều trị, bao gồm uống đúng thuốc điều trị suy tim và đủ liều, không được tự ý giảm hay tăng liều, thay đổi thời gian uống thuốc hoặc ngừng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.
Thay đổi lối sống
Các biện pháp hướng dẫn chăm sóc cho bệnh nhân suy tim giúp thay đổi lối sống cho bệnh nhân gồm:
- Xây dựng chế độ ăn khoa học, tốt cho tim như: Bổ sung nhiều rau xanh, chất béo tốt, giảm muối, hạn chế các thực phẩm giàu chất béo xấu,…
- Tăng cường thể lực bằng cách duy trì đều đặn mỗi ngày 30-60 phút với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe,…
- Loại bỏ những thói quen xấu, đặc biệt là hút thuốc lá và rượu bia. Không nên thường xuyên thức khuya.
Cách cách giúp kiểm soát bệnh suy tim
Tóm lại, bệnh suy tim có nhiều cấp độ khác nhau và các cách phân độ suy tim khác nhau. Ở mỗi mức độ suy tim, mỗi người bệnh sẽ có một phương án điều trị và khắc phục khác nhau. Để phát hiện sớm bệnh lý suy tim ngay từ giai đoạn sớm, các bạn cần chủ động thăm khám thường xuyên tại chuyên khoa tim mạch uy tín.
Xem thêm: Các biến chứng nguy hiểm của bệnh suy tim
Phương Nhi
Nguồn tham khảo: Tổng hợp