Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Người mắc bệnh cơ tim phì đại sống được bao lâu?

Ngày 21/08/2024
Kích thước chữ

Bệnh cơ tim phì đại là một rối loạn tim mạch phổ biến, trong đó cơ tim dày lên bất thường, gây cản trở dòng máu lưu thông và làm tăng nguy cơ các vấn đề về tim. Đây là một bệnh có tính di truyền cao và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Một trong những câu hỏi mà nhiều người quan tâm là “cơ tim phì đại sống được bao lâu?”. Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét nhiều yếu tố như mức độ nghiêm trọng của bệnh, phương pháp điều trị, cũng như lối sống của người bệnh.

Bệnh cơ tim phì đại là một rối loạn tim mạch phổ biến, trong đó cơ tim dày lên bất thường, gây cản trở dòng máu lưu thông và làm tăng nguy cơ các vấn đề về tim. Đây là một bệnh có tính di truyền cao và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Một trong những câu hỏi mà nhiều người quan tâm là bệnh cơ tim phì đại sống được bao lâu. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu một số thông tin để trả lời câu hỏi này.

Triệu chứng thường gặp của bệnh cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic Cardiomyopathy - HCM) là một tình trạng ảnh hưởng đến tâm thất, đặc trưng bởi sự dày lên của cơ tim. Việc cơ tim dày lên khiến máu khó lưu thông ra khỏi tim, buộc tim phải làm việc vất vả hơn để bơm đủ máu nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Triệu chứng của cơ tim phì đại thường không rõ ràng và người bệnh chỉ phát hiện ra khi đi khám vì các bệnh lý khác. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đánh trống ngực: Là triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân cơ tim phì đại, xuất phát từ rối loạn nhịp tim.
  • Đau thắt ngực điển hình: Sự phì đại của cơ tim dẫn đến thiếu máu cơ tim, đặc biệt khi gắng sức.
  • Triệu chứng suy tim: Cơ tim phì đại nặng làm giảm khả năng giãn nở của tâm thất, dẫn đến tăng áp lực cuối tâm trương của thất trái, gây ra các dấu hiệu suy tim như khó thở khi gắng sức, khó thở về đêm và mệt mỏi.
  • Chóng mặt: Có thể do sự chênh lệch áp suất giữa thất trái và động mạch chủ, do đứng dậy quá nhanh, do tác động của thuốc, hoặc do rối loạn nhịp tim dẫn đến giảm tưới máu não.
  • Ngất xỉu: Xảy ra khi cung lượng tim thấp làm giảm tưới máu não, thường do rối loạn nhịp tim hoặc gắng sức. Ở trẻ em và thanh thiếu niên, tình trạng ngất hoặc gần ngất làm tăng nguy cơ đột tử và cần được điều trị kịp thời.
Người mắc bệnh cơ tim phì đại sống được bao lâu? 1
Đánh trống ngực biểu hiện ở người bị cơ tim phì đại

Những đối tượng có nguy cơ mắc cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại sống được bao lâu? Đây là bệnh lý có tính di truyền, vì vậy việc quản lý không chỉ giới hạn ở từng bệnh nhân mà còn mở rộng đến cả gia đình của họ. Mục tiêu của sàng lọc gia đình là đánh giá tình trạng tim mạch kịp thời và khởi đầu điều trị sớm, giúp giảm thiểu các biến chứng, đặc biệt là nguy cơ tử vong đột ngột và suy tim có triệu chứng.

Bước đầu tiên là thu thập lịch sử gia đình qua nhiều thế hệ, lý tưởng nhất là dưới dạng phả hệ, nhằm nắm bắt cấu trúc gia đình, các chẩn đoán y tế, các sự kiện sức khỏe quan trọng cũng như độ tuổi và nguyên nhân tử vong. Quá trình này giúp xác định có tồn tại bệnh lý di truyền trong gia đình hay không, từ đó thiết lập mô hình di truyền và nhận diện những thành viên có nguy cơ mắc bệnh.

Nếu bệnh lý di truyền trong gia đình được xác nhận hoặc không thể loại trừ, sàng lọc lâm sàng sẽ được tiến hành để xác định các thành viên bị ảnh hưởng và theo dõi những người hiện chưa có triệu chứng nhưng có nguy cơ phát triển bệnh.

Quá trình đánh giá có hệ thống những thành viên có nguy cơ mắc bệnh di truyền được gọi là xét nghiệm theo tầng, kết hợp giữa sàng lọc lâm sàng và xét nghiệm di truyền. Trong trường hợp chưa xác định được nguyên nhân di truyền hoặc các thành viên không muốn thực hiện xét nghiệm di truyền, việc đánh giá gia đình sẽ dựa vào sàng lọc lâm sàng.

Người mắc bệnh cơ tim phì đại sống được bao lâu? 2
Cơ tim phì đại có thể do yếu tố di truyền

Bệnh cơ tim phì đại sống được bao lâu?

Tử vong liên quan đến bệnh cơ tim phì đại có thể chia thành ba loại chính: Đột tử do tim, tử vong do suy tim và tử vong do tắc mạch. Một nghiên cứu năm 2000 tại Bệnh viện Trường Y Kochi trên 102 bệnh nhân mắc bệnh cơ tim phì đại đã theo dõi trong 20 năm, cho thấy có 5 trường hợp đột tử do tim, 11 trường hợp tử vong do suy tim và 4 trường hợp tử vong do tắc mạch. Tỷ lệ tử vong hàng năm liên quan đến bệnh là 1,1%, và tỷ lệ sống sót sau 20 năm là 81%.

Phân tích nhóm trong nghiên cứu này cho giúp các nhà nghiên cứu xác định bệnh cơ tim phì đại sống được bao lâu. Có thể thấy độ tuổi trung bình của các trường hợp tử vong do bệnh cơ tim phì đại nằm trong khoảng 49 - 84 tuổi. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn.

Nghiên cứu năm 2022 cũng cho thấy phần lớn người mắc bệnh cơ tim phì đại qua đời vì các nguyên nhân không liên quan đến bệnh, chẳng hạn như ung thư. Vì bệnh có tính di truyền, nên khi cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh, con cái trong gia đình sẽ có nguy cơ cao hơn so với những trẻ khác.

Hầu hết bệnh nhân bị cơ tim phì đại có thể sống một cuộc sống bình thường nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, một số ít có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như suy tim, ngừng tim hoặc các vấn đề khác.

Người mắc bệnh cơ tim phì đại sống được bao lâu? 3
Người bệnh cơ tim phì đại có thể có tuổi thọ như người bình thường

Biện pháp tăng tuổi thọ của người bệnh cơ tim phì đại

Bệnh cơ tim phì đại sống được bao lâu còn phụ thuộc vào các biện pháp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh như:

  • Điều trị bằng thuốc: Thuốc chẹn beta hoặc chẹn kênh canxi thường được sử dụng để kiểm soát triệu chứng, giảm nhịp tim và giảm gánh nặng cho tim. Thuốc chống loạn nhịp cũng có thể được kê đơn nếu bệnh nhân có nguy cơ loạn nhịp.
  • Theo dõi và kiểm tra định kỳ: Việc khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự tiến triển của bệnh là rất quan trọng. Siêu âm tim và điện tâm đồ giúp đánh giá chức năng tim, phát hiện sớm biến chứng để điều trị kịp thời.
  • Can thiệp xâm lấn và phẫu thuật: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, các phương pháp như cắt bỏ cơ tim (myectomy), tiêm cồn vào vách liên thất hoặc đặt máy khử rung tim (ICD) có thể được thực hiện để giảm triệu chứng và phòng ngừa đột tử.
  • Thay đổi lối sống: Người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế các hoạt động thể lực cường độ cao có thể gây căng thẳng cho tim. Việc kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống lành mạnh, giảm muối và hạn chế rượu bia cũng quan trọng.
Người mắc bệnh cơ tim phì đại sống được bao lâu? 4
Khám tim mạch định kỳ là biện pháp cần thiết

Bệnh cơ tim phì đại sống được bao lâu phụ thuộc vào việc quản lý bệnh hiệu quả thông qua điều trị, lối sống lành mạnh và sự theo dõi y tế chặt chẽ. Điều quan trọng là bệnh nhân cần hiểu rõ về bệnh, tuân thủ điều trị và chủ động kiểm soát các yếu tố nguy cơ để có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin