Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thông liên thất phần màng 4mm là gì? Có nguy hiểm không?

Ngày 11/08/2024
Kích thước chữ

Thông liên thất phần màng là bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp. Đặc biệt, tình trạng thông liên phần màng 4mm khá phổ biến khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Vậy tình trạng thông liên thất phần màng 4mm là gì? Bệnh này có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp thông tin về thông liên thất giúp bạn giải đáp câu hỏi này.

Bệnh tim bẩm sinh là những khuyết tật tim đã có ngay từ khi trẻ vừa mới chào đời. Những khuyết tật này có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của tim ở nhiều mức độ khác nhau, một số trường hợp có thể đe dọa tính mạng nếu bị khuyết tật nặng cấu trúc tim.

Các bệnh tim bẩm sinh thường gặp gồm thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp eo động mạch chủ, tứ chứng Fallot, dị tật còn ống động mạch, hẹp động mạch phổi,... Trong đó, thông liên thất là bệnh phổ biến chiếm 30% số trẻ bị tim bẩm sinh. Đặc biệt, có tới 80% tổng số trẻ bị thông liên thất thuộc dạng thông liên thất quanh màng. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về thông liên thất phần màng 4mm, các triệu chứng và những nguy cơ trẻ có thể gặp phải khi mắc bệnh lý này.

Tổng quan về thông liên thất

Trong cấu tạo tim của con người thường gồm tầng nhĩ và tầng thất, mỗi tầng lại được chia thành 2 ngăn. Theo đó, vách ngăn giữa tâm thất trái và tâm thất phải được gọi là vách liên thất.

Thông liên thất là một trong những dị tật tim bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Thông liên thất xảy ra khi vách liên thất xuất hiện một hoặc nhiều lỗ khiến máu giàu oxy đổ từ tâm thất trái sang tâm thất phải và lên thẳng động mạch phổi. Tình trạng này làm tăng thể tích cũng như áp lực trong hệ tuần hoàn phổi, tăng lượng máu về tim trái. Điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn, lâu dần sẽ gây ra giãn tim.

Thông liên thất phần màng 4mm là gì? Có nguy hiểm không? 1
Hình ảnh trái tim bình thường và trái tim bị thông liên thất

Bệnh thông liên thất có thể chẩn đoán sớm ngay từ khi thai nhi trong bụng mẹ bằng phương pháp siêu âm. Ngoài ra, bệnh cũng có thể phát hiện thông qua các triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và các biến chứng sớm của bệnh.

Để đánh giá mức độ thông liên thất lớn hay nhỏ cần so sánh kích thước lỗ thông với vòng van động mạch chủ. Lỗ thông liên thất lớn nếu lớn hơn 3/4 đường kính vòng van, lỗ thông liên thất nhỏ nếu nhỏ hơn hoặc bằng 1/4 đường kính vòng van, lỗ thông liên thất trung bình nếu nằm trong khoảng từ 1/4 đến 3/4 đường kính vòng van.

Bệnh thông liên thất được chia làm 4 loại chính gồm:

  • Thông liên thất phần quanh màng: Đây là loại thông liên thất phổ biến nhất. Ở dạng thông liên thất này, vị trí của lỗ thông nằm tại phần trên của vách ngăn giữa tâm thất. Có tới 75% trường hợp thông liên phần màng kích thước nhỏ có thể tự đóng lại. Riêng các trường hợp thông liên thất trung bình và lớn sẽ cần can thiệp điều trị chuyên sâu hơn, trong đó thông liên thất phần màng 4mm trở lên là trường hợp điển hình.
  • Thông liên thất phần cơ: Ở dạng này, vị trí lỗ thông liên thất nằm trong vách ngăn phần cơ, thường gặp ở gần mỏm tim, giữa vách hoặc phần nhận của vách liên thất. Thông liên thất phần cơ chiếm tới 20% tổng số các trường hợp.
  • Thông liên thất phần nhận: Vị trí lỗ thông liên thất ở dạng này nằm ngay đường vào van ba lá và van hai lá. Số trẻ bị thông liên thất phần nhận chỉ chiếm khoảng 8% và thường xuất hiện kèm theo tổn thương van nhĩ thất hoặc hội chứng Down ở một số trường hợp.
  • Thông liên thất phần phễu: Lỗ thông liên thất này nối 2 buồng với nhau và nằm ngay dưới lỗ van động mạch phổi và trước van động mạch chủ tâm thất trái.
Thông liên thất phần màng 4mm là gì? Có nguy hiểm không? 2
Thông liên thất là nguyên nhân khiến trẻ xanh xao, chậm tăng cân

Thông liên thất phần màng 4mm có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của bệnh thông liên thất sẽ tùy thuộc vào kích thước lỗ thông liên thất. Vậy mức độ thông liên thất phần màng 4mm có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia, lỗ thông liên thất nhỏ có đường kính dưới 3mm thường không gây ra triệu chứng và có thể đóng lại khi trẻ lớn.

Trường hợp lỗ thông liên thất có kích thước từ trung bình (từ 3 đến 5mm) như thông liên thất phần màng 4mm và lớn (từ 6 đến 10mm) thường không thể đóng tự nhiên và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, tăng áp động mạch phổi, nhịp tim không đều, viêm nội tâm mạc,... Ở trường hợp này, tim phải làm việc nhiều hơn khiến trẻ gặp một số triệu chứng như thở nhanh, khó thở, có tiếng thổi ở tim, da xanh xao, mệt mỏi, chậm tăng cân, thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp,...

Phương pháp điều trị bệnh thông liên thất phần màng 4mm

Tùy thuộc vào kích thước lỗ thông liên thất, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định điều trị phù hợp nhất. Thông thường, các lỗ thông liên thất nhỏ dưới 3mm, không nằm ở vị trí dưới đại động mạch, không gây quá tải thất trái hoặc tăng áp động mạch phổi, đồng thời trẻ không có tiền sử viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn thì có thể theo dõi mà không cần can thiệp phẫu thuật.

Thông liên thất phần màng 4mm là gì? Có nguy hiểm không? 3
Phẫu thuật vá thông liên thất thường được chỉ định trong các trường hợp lỗ thông lớn

Trường hợp thông liên thất phần màng 4mm có thể điều trị bằng 2 phương pháp gồm phẫu thuật vá thông liên thất hoặc can thiệp bít thông liên thất bằng dù nhằm tránh biến chứng, tạo điều kiện cho trẻ phát triển bình thường. Trong đó, bít thông liên thất chỉ áp dụng đối với 2 trường hợp thông liên thất quanh màng hoặc thông liên thất phần cơ. Đây là phương pháp được áp dụng rộng rãi với ưu điểm ít nguy cơ biến chứng hơn so với phẫu thuật. Với các trường hợp thông liên thất lớn có xuất hiệu triệu chứng suy tim ngay trong giai đoạn sơ sinh mà không kiểm soát được bằng thuốc thì phẫu thuật vá thông liên thất cần thực hiện trong vòng 6 tháng đầu đời.

Tóm lại, thông liên thất phần màng 4mm là một trong những dạng bệnh lý tim bẩm sinh. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thông liên thất cũng như các phương pháp điều trị bệnh lý này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin