Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân HDL cholesterol thấp là gì? Những điều cần biết

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ

HDL cholesterol có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ thể mỗi chúng ta. HDL cholesterol thấp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Sự thiếu hụt HDL cholesterol có thể thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển mảng xơ vữa trong lòng mạch gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vậy nguyên nhân HDL cholesterol thấp là gì?

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguyên nhân HDL cholesterol thấp cũng như vai trò của HDL cholesterol và những ảnh hưởng đối với cơ thể khi chỉ số này giảm. Đồng thời, đưa ra lời khuyên hữu ích giúp bạn gia tăng chỉ số HDL cholesterol. Nếu quan tâm, hãy cùng chúng tôi khám phá ngay vấn đề này trong bài viết “Nguyên nhân HDL cholesterol thấp” bạn nhé!

Tổng quan về chỉ số HDL cholesterol

HDL cholesterol là gì?

Cholesterol, còn được biết đến là mỡ máu, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Nó tham gia vào các quá trình hoạt động của màng tế bào sợi thần kinh và sản xuất một số hormone cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, cholesterol cũng cần được duy trì ở mức độ nhất định vì nó không thể thiếu trong cơ thể. 

Khi mức cholesterol tăng quá cao, gây ra hiện tượng được gọi là "Tăng mỡ máu", có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ vữa động mạch hoặc các bệnh liên quan đến tim mạch khác. 

nguyen-nhan-hdl-cholesterol-thap-la-gi-nhung-dieu-can-biet 1
Cholesterol tăng quá cao gây ra các vấn đề sức khỏe liên quan đến tim mạch

Do cholesterol không hòa tan trong máu, nó cần được bao bọc bởi một lớp áo protein hay còn gọi là lipoprotein, để di chuyển trong hệ thống tuần hoàn máu.

Cholesterol được phân thành nhiều loại. Trong đó, cần phân biệt hai loại sau:

  • LDL cholesterol thường được coi là "xấu" vì khi được vận chuyển trong cơ thể, nó có thể gây ra sự tích tụ mỡ tại thành động mạch, góp phần hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch.
  • HDL cholesterol được xem là "tốt" vì nó giúp loại bỏ cholesterol khỏi máu và đưa về gan, ngăn chặn sự lắng đọng cholesterol trong thành động mạch. HDL cholesterol hoạt động như một "thợ sửa" để khắc phục những tổn thương mà LDL cholesterol gây ra.

Việc theo dõi chỉ số cholesterol trong máu là quan trọng để đánh giá lượng mỡ trong máu và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch hoặc tắc động mạch do sự tích tụ mảng bám nhằm phòng tránh các biến chứng tiềm ẩn.

Chỉ số HDL cholesterol bình thường là bao nhiêu?

Thường thì chỉ số HDL cholesterol sẽ khác nhau giữa nam và nữ, cụ thể như sau:

  • Mức bình thường: > 40 mg/dL (nam) và > 50 mg/dL (nữ).
  • Mức tối ưu: ≥ 60 mg/dL.

Do đó, có thể nói rằng chỉ số HDL cholesterol lý tưởng là khi nó vượt qua ngưỡng bình thường.

Trong thực tế, các bác sĩ thường sử dụng tỷ lệ Cholesterol toàn phần để đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn một cách chính xác. Mức tỷ lệ này được coi là bình thường khi nằm trong khoảng 3,6 - 5,2 mmol/L, và tối ưu khi dưới 4 mmol/L. Mức tỷ lệ này càng thấp, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cũng sẽ càng giảm đi.

nguyen-nhan-hdl-cholesterol-thap-la-gi-nhung-dieu-can-biet 2
Chỉ số HDL cholesterol có thể khác nhau giữa nam và nữ

Nguyên nhân HDL cholesterol thấp

Các nguyên nhân dẫn đến HDL cholesterol thấp

Có nhiều nguyên nhân khiến cho chỉ số HDL cholesterol thấp, chủ yếu là do lối sống, chế độ ăn uống hoặc đôi khi có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác. Các nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Lối sống ít vận động, thừa cân, béo phì.
  • Chế độ ăn uống giàu carbohydrate và chất béo.
  • Hút thuốc lá.
  • Bệnh đái tháo đường không kiểm soát.
  • Các bệnh lý về gan, thận.
  • Yếu tố di truyền: Một số trường hợp mức HDL cholesterol thấp có thể do các bệnh di truyền hiếm như bệnh Tangier hoặc bệnh thiếu hụt protein.

Ngoài ra, mức HDL cholesterol cũng có thể bị giảm ở những bệnh nhân sử dụng liên tục một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc chẹn kênh beta, testosterone tổng hợp (steroid đồng hóa),... Để xác định chính xác nguyên nhân, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được khám và chẩn đoán một cách đầy đủ.

HDL cholesterol thấp tác động như thế nào đến sức khoẻ

Khi HDL cholesterol thấp, điều này có nghĩa là LDL cholesterol dư thừa có khả năng tăng cao và tích tụ, dẫn đến sự hình thành của các mảng xơ vữa trong lòng động mạch có thể gây các biến chứng nguy hiểm như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, hoặc đột quỵ.

Sự giảm chỉ số HDL cholesterol là điều không mong muốn vì đây là một dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, duy trì HDL cholesterol ở mức cao để giữ cơ thể luôn khỏe mạnh, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và áp dụng biện pháp khắc phục kịp thời.

nguyen-nhan-hdl-cholesterol-thap-la-gi-nhung-dieu-can-biet 3
HDL cholesterol thấp làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch

Những biện pháp giúp cải thiện chỉ số HDL cholesterol

Biết được nguyên nhân HDL cholesterol thấp, có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả. Chỉ số HDL cholesterol thấp có thể được cải thiện thông qua sử dụng thuốc, áp dụng chế độ ăn uống khoa học hoặc thay đổi lối sống lành mạnh. Quyết định áp dụng biện pháp nào phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng cụ thể của từng người.

Đối với hầu hết những người mắc hội chứng chuyển hóa (bao gồm béo phì, tăng huyết áp và lượng đường trong máu cao), mức HDL cholesterol thường thấp hơn bình thường. Do đó, việc ăn kiêng và giảm cân có thể mang lại lợi ích lớn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức HDL cholesterol có thể tăng đáng kể khi trọng lượng cơ thể giảm từ 1 - 3%. Ngoài ra, kiểm soát cân nặng cũng có thể giảm lượng đường trong máu.

Bên cạnh đó, việc tăng cường hoạt động thể chất là biện pháp quan trọng để hỗ trợ giảm cân và tăng cường sức khỏe toàn diện. Duy trì một lịch trình tập luyện thể dục đều đặn giúp tăng mức HDL cholesterol và giảm lượng triglyceride.

Một chế độ ăn giàu carbohydrate, chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa có thể dẫn đến tăng mức LDL cholesterol và giảm mức HDL cholesterol. Do đó, cần hạn chế tiêu thụ quá nhiều tinh bột, đường, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn và các loại thịt, trứng, sữa. Thay vào đó, nên ưu tiên thực phẩm có khả năng làm tăng HDL cholesterol như cá giàu omega-3 (như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá trích), dầu dừa, dầu olive và các loại rau củ có màu tím như cà tím, quả việt quất, dâu đen, bắp cải đỏ, quả mâm xôi đen.

nguyen-nhan-hdl-cholesterol-thap-la-gi-nhung-dieu-can-biet 4
Bổ sung các thực phẩm giàu Omega-3 giúp cải thiện chỉ số HDL cholesterol

Uống rượu ở mức độ vừa phải có thể làm tăng mức HDL cholesterol. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều rượu có thể dẫn đến tăng cân, tăng huyết áp và tăng triglyceride. Do đó, nếu bạn chưa bao giờ uống rượu, không nên bắt đầu uống rượu để cải thiện mức HDL cholesterol.

Ngoài ra, việc bỏ hút thuốc lá, đặc biệt là ở phụ nữ có thể làm tăng mức HDL cholesterol. Các loại thuốc kê đơn như fibrat, statin, niacin được sử dụng để giảm mức LDL và triglyceride cũng có thể làm tăng chỉ số HDL cholesterol. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Hy vọng rằng bạn đã có thông tin hữu ích về nguyên nhân HDL cholesterol thấp. Việc duy trì HDL cholesterol ở mức lý tưởng giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và tổng thể. Từ những nguyên nhân HDL cholesterol thấp, chúng ta có thể cải thiện chỉ số này một cách hiệu quả thông qua thay đổi lối sống, áp dụng chế độ ăn uống khoa học và tăng cường hoạt động thể chất, hạn chế rượu bia, thuốc lá. Ngoài ra, việc khám định kỳ để theo dõi mức cholesterol trong máu và nhận sự tư vấn từ bác sĩ là quan trọng để chăm sóc sức khỏe tim mạch và tổng thể.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin