Cholesterol có chức năng gì? Cách kiểm soát để phát huy vai trò của cholesterol
Thị Thu
15/04/2025
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Cholesterol thường bị xem là “thủ phạm” gây ra nhiều bệnh lý tim mạch, nhưng thực tế, đây lại là một chất thiết yếu đối với cơ thể. Vậy cholesterol có chức năng gì và tại sao việc duy trì cân bằng cholesterol lại quan trọng đến vậy?
Trong cơ thể, cholesterol có chức năng gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi bắt đầu chú ý đến sức khỏe tim mạch. Cholesterol đóng vai trò cấu tạo nên màng tế bào, sản xuất hormone và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, khi lượng cholesterol mất cân bằng, đặc biệt là cholesterol xấu (LDL) tăng cao lại gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, việc hiểu đúng cholesterol có chức năng gì và tại sao cơ thể cần cholesterol sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe hiệu quả hơn.
Cholesterol có chức năng gì? Thành phần quan trọng của màng tế bào
Màng tế bào là lớp rào chắn mỏng manh, giúp ngăn cách môi trường bên trong tế bào với bên ngoài. Cấu trúc này được tạo thành từ các thành phần chính như phospholipid, protein, carbohydrate và cholesterol. Trong đó, phospholipid đóng vai trò là khung nền, protein hỗ trợ vận chuyển và truyền tín hiệu, còn carbohydrate giúp nhận diện và giao tiếp giữa các tế bào.
Cholesterol có chức năng gì? Cholesterol là thành phần quan trọng của màng tế bào
Riêng cholesterol góp phần điều chỉnh tính linh hoạt và ổn định của màng. Với vai trò này, nếu bạn đang thắc mắc cholesterol có chức năng gì, thì việc duy trì cấu trúc màng tế bào là một trong những vai trò của cholesterol.
Duy trì tính linh hoạt của màng tế bào
Cholesterol giúp màng tế bào duy trì độ linh hoạt và ổn định bằng cách điều chỉnh độ cứng mềm của lớp phospholipid, đặc biệt khi nhiệt độ thay đổi. Ở môi trường lạnh, nó ngăn màng bị đông cứng; còn khi nóng, nó giữ màng không trở nên quá lỏng lẻo.
Tăng tính ổn định của màng
Cholesterol giúp tăng độ bền cơ học của màng tế bào bằng cách lấp đầy các khoảng trống giữa các phân tử phospholipid, từ đó làm màng chắc chắn và dẻo dai hơn. Nhờ đó, màng có thể chống chịu tốt trước áp lực và duy trì hình dạng ổn định. Chức năng này đặc biệt quan trọng với các tế bào thường xuyên chịu tác động cơ học. Ngoài ra, cholesterol còn hỗ trợ bảo vệ màng trước sự thay đổi của môi trường như nhiệt độ hay áp suất, giúp tế bào duy trì hoạt động bình thường.
Điều chỉnh tính thấm của màng
Cholesterol nằm xen giữa các phân tử phospholipid, giúp giảm khoảng cách và hạn chế sự thấm của các phân tử nhỏ như nước hoặc ion. Nhờ đó, màng tế bào duy trì tính chọn lọc, kiểm soát hiệu quả sự ra vào của chất dinh dưỡng và chất thải, góp phần giữ ổn định môi trường bên trong tế bào.
Điều hòa hình thành và tái cấu trúc màng
Cholesterol giúp màng tế bào giữ được sự ổn định và linh hoạt cần thiết để tạo màng mới hoặc điều chỉnh cấu trúc màng khi có tổn thương. Nhờ đó, tế bào thích nghi tốt hơn với thay đổi môi trường hoặc áp lực cơ học.
Hình thành lipid rafts hỗ trợ truyền tín hiệu
Cholesterol kết hợp với sphingolipid tạo nên các vùng lipid rafts - khu vực có cấu trúc ổn định, ít biến động trong màng tế bào. Những mảng này đóng vai trò tập hợp các protein màng, giúp tối ưu hóa quá trình truyền tín hiệu và tương tác giữa các tế bào, đặc biệt quan trọng trong hệ thần kinh và miễn dịch.
Tiền chất để tạo ra các hormone
Cholesterol đóng vai trò nền tảng trong việc sản xuất các hormone steroid. Tại ty thể, cholesterol được chuyển thành pregnenolone, llà hợp chất khởi đầu cho chuỗi phản ứng tạo hormone. Tùy vào enzyme hiện diện trong từng loại tế bào, pregnenolone tiếp tục biến đổi thành các hormone sinh dục hoặc hormone của tuyến thượng thận.
Tổng hợp hormone tuyến thượng thận
Tại ty thể của tế bào vỏ tuyến thượng thận, cholesterol được chuyển hóa để tạo ra cortisol và aldosterone, là hai hormone quan trọng với cơ thể. Cortisol giúp cơ thể đối phó với stress bằng cách điều hòa chuyển hóa, kiểm soát viêm và hỗ trợ chức năng miễn dịch. Aldosterone duy trì cân bằng nước và điện giải, góp phần ổn định huyết áp. Thiếu cholesterol hoặc rối loạn tổng hợp có thể gây mất cân bằng nội môi, ảnh hưởng đến huyết áp và sức khỏe tổng thể.
Cholesterol giúp tổng hợp hormone ở tuyến thượng thận
Tổng hợp nên các hormone sinh dục
Cholesterol là nguyên liệu chính để cơ thể tạo ra các hormone steroid sinh dục như testosterone, estrogen và progesterone. Ở nam, cholesterol được chuyển hóa thành testosterone trong tinh hoàn - hormone giúp phát triển cơ bắp, giọng trầm và lông cơ thể. Ở nữ, cholesterol là tiền chất để tạo estrogen và progesterone tại buồng trứng, đóng vai trò trong chu kỳ kinh nguyệt và thai kỳ.
Việc thiếu hụt cholesterol hoặc rối loạn chuyển hóa có thể ảnh hưởng đến sản xuất hormone, gây rối loạn nội tiết và suy giảm khả năng sinh sản. Vì vậy, cholesterol giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe sinh lý và nội tiết tố ở cả nam và nữ.
Hỗ trợ quá trình tiêu hóa thực phẩm
Cholesterol đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tạo muối mật tại gan. Tại đây, cholesterol được chuyển hóa thành axit mật, sau đó kết hợp với ion để hình thành muối mật.
Muối mật được lưu trữ trong túi mật và tiết vào ruột non khi cơ thể cần tiêu hóa chất béo. Chúng giúp nhũ tương hóa lipid, hỗ trợ enzyme phân giải chất béo thành các phân tử nhỏ dễ hấp thu.
Nếu quá trình tổng hợp muối mật bị gián đoạn, việc tiêu hóa và hấp thụ chất béo sẽ gặp khó khăn, dễ gây thiếu hụt các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K.
Hỗ trợ tổng hợp vitamin D - vai trò của cholesterol trong cơ thể
Cholesterol là tiền chất thiết yếu trong quá trình tổng hợp vitamin D - dưỡng chất quan trọng cho hệ xương và miễn dịch. Quá trình này bắt đầu tại da, nơi cholesterol được chuyển hóa thành tiền vitamin D dưới tác động của ánh nắng mặt trời. Sau đó, hợp chất này tiếp tục được biến đổi thành dạng hoạt động trong gan và thận.
Vitamin D hỗ trợ hấp thu canxi và phốt pho từ ruột non, giúp xương và răng chắc khỏe. Nếu thiếu cholesterol, quá trình này bị ảnh hưởng, làm tăng nguy cơ loãng xương, còi xương, đặc biệt ở người lớn tuổi. Vì vậy, cholesterol giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương và cân bằng nội môi.
Cholesterol là tiền chất thiết yếu trong quá trình tổng hợp vitamin D
Cách kiểm soát để phát huy vai trò của cholesterol
Việc theo dõi sức khỏe định kỳ và kiểm tra chỉ số cholesterol trong máu là cần thiết để duy trì mức cholesterol ổn định và ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch.
Với người mắc xơ vữa động mạch hoặc có nguy cơ tim mạch cao, bác sĩ thường khuyến cáo giữ LDL dưới 70 mg/dL. Ở người khỏe mạnh, mức LDL nên dưới 100 mg/dL. Đặc biệt, người trong độ tuổi 40-75 bị tiểu đường và có LDL từ 70 mg/dL trở lên có thể được chỉ định dùng thuốc để kiểm soát hiệu quả.
Bạn có thể cải thiện mức cholesterol bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và lối sống lành mạnh. Một số gợi ý bao gồm:
Hạn chế thực phẩm chứa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa như nội tạng, da động vật, món chiên đi chiên lại, đồ ăn nhanh, bánh công nghiệp. Thay vào đó, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, cá, các loại đậu và sản phẩm từ sữa ít béo.
Ngưng hút thuốc để tránh làm giảm HDL (cholesterol tốt) và tăng LDL (cholesterol xấu).
Duy trì hoạt động thể chất đều đặn, ít nhất 30 phút/ngày. Tăng cường độ tập nếu có thể.
Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng ổn định để hỗ trợ kiểm soát cholesterol.
Nếu thay đổi lối sống chưa đủ hiệu quả, bác sĩ có thể kê thuốc, phổ biến nhất là nhóm statin như atorvastatin hoặc rosuvastatin. Một số trường hợp có thể cần thêm thuốc như ezetimibe hoặc thuốc ức chế PCSK9. Ở người có rối loạn lipid máu do di truyền, nguy cơ cao, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp lọc LDL ra khỏi máu bằng thiết bị chuyên dụng để kiểm soát tình trạng.
Duy trì lối sống lành mạnh để phát huy vai trò của cholesterol
Cholesterol là một thành phần thiết yếu đối với cơ thể, tham gia vào nhiều quá trình sinh học quan trọng như cấu trúc màng tế bào, tổng hợp hormone, vitamin D và muối mật. Việc hiểu rõ cholesterol có chức năng gì sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong việc kiểm soát sức khỏe tim mạch và duy trì cân bằng nội môi một cách hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.