Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

HDL cholesterol là gì và những cảnh báo sức khoẻ khi chỉ số HDL cholesterol giảm

Ngày 27/07/2022
Kích thước chữ

HDL cholesterol là gì và có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tim mạch là thắc mắc của rất nhiều người. Lời giải đáp cho thắc mắc trên sẽ có trong bài viết dưới đây.

Tình trạng rối loạn lipid máu nhất là cholesterol máu là bệnh lý thường gặp hiện nay. Khi bị tình trạng này dẫn đến nhiều bệnh lý nặng nề cho tim mạch như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Khi chỉ số HDL cholesterol giảm sâu là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng rối loạn cholesterol. Vậy chỉ số HDL cholesterol là gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

HDL cholesterol là gì? 

Đây là cụm từ viết tắt của High Density Lipoprotein Cholesterol. Điều này có nghĩa là lượng cholesterol lipoprotein đang chiếm tỷ trọng cao. Đây cũng chính là một trong những loại lipoprotein được tổng hợp ở gan và có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol trong máu.

HDL cholesterol có chức năng quan trọng khi vận chuyển các cholesterol dư thừa ở mô, mạch máu, các cơ quan khác về gan để xử lý. Tại đây chúng sẽ được chuyển hoá rồi đào thải ra khỏi cơ thể. HDL cholesterol làm giảm tích tụ cholesterol ở máu và các mô. Vì vậy nó còn được gọi là mỡ tốt. 

HDL cholesterol là gì và những cảnh báo sức khỏe khi chỉ số HDL cholesterol giảm 1

Chỉ số HDL cholesterol là gì được rất nhiều người quan tâm tìm hiểu 

 Chỉ số HDL cholesterol cao phản ánh điều gì?

Hiện nay các chỉ số HDL cholesterol được đo bằng miligam trên decilit hoặc lít máu. Chỉ số này cao bao nhiêu là chấp nhận được phụ thuộc vào giới tính của mỗi người. Đối với nam thì 40ml/dL trở lên là tốt, cao trên 60mg/dL là bị cao và dưới mức 40mg/dL là thấp đáng báo động. Đối với nữ chỉ số HDL cholesterol khoảng 50mg/dL hoặc hơn là tốt, nếu bằng hoặc trên 60mg/dL là bị cao và dưới 50mg/dL là bị thấp. 

Khi chỉ số HDL cholesterol cao trong máu tốt cho sức khoẻ, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cơ thể sẽ được loại bỏ cholesterol xấu không cho tích tụ ở niêm mạc động mạch. Vì sự tích tụ nhiều có thể dẫn đến đau tim hay đột quỵ. Tóm lại khi chỉ số HDL cholesterol dưới 40mg/dL sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. 

HDL cholesterol là gì và những cảnh báo sức khỏe khi chỉ số HDL cholesterol giảm 2

Khi chỉ số HDL cholesterol cao trong máu tốt cho sức khoẻ, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Nguyên nhân khiến HDL cholesterol thấp

Chỉ số HDL cholesterol thấp do nhiều nguyên nhân gây ra. Nhưng chủ yếu là do lối sống và chế độ ăn uống gây nên. Ngoài ra có thể do liên quan đến một số vấn đề sức khỏe khác. Một số nguyên nhân phổ biến khiến chỉ số HDL cholesterol thấp là do: 

  • Tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Chế độ ăn thừa nhiều carbohydrate và chất béo.
  • Do hậu quả của hút thuốc lá.
  • Lối sống ít vận động, chây lỳ.
  • Tác dụng phụ của bệnh đái tháo đường mất kiểm soát.
  • Các bệnh lý về gan hoặc thận.
  • Do di truyền từ người thân mắc bệnh tim mạch trong gia đình.
  • HDL cholesterol bị giảm ở các bệnh nhân sử dụng thuốc chẹn kênh beta, lợi tiểu thiazid, testosterone tổng hợp,… 

Để có thể xác định chính xác nguyên nhân thiếu hụt HDL cholesterol, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán đầy đủ.

HDL cholesterol là gì và những cảnh báo sức khỏe khi chỉ số HDL cholesterol giảm 3

Chỉ số HDL cholesterol thấp do lối sống và chế độ ăn uống gây nên

Cách cải thiện chỉ số HDL cholesterol

Để tăng chỉ số HDL cholesterol, bạn nên áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày lành mạnh. Từ đó cải thiện và giữ các chỉ số ở mức bình thường giúp cơ thể phòng tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch: 

Giảm cân

Cân năng chính là nguyên nhân hàng đầu khiến chỉ số HDL cholesterol trong cơ thể giảm. Do đó hãy xem xét lại thói quen ăn uống và sinh hoạt của bản thân. Từ đó tìm phương pháp giảm cân phù hợp để tăng nồng độ HDL cholesterol lên dần dần. 

Ăn các thực phẩm tốt cho tim mạch

Một trong những cách giúp giảm lượng cholesterol xấu chính là chế độ ăn uống lành mạnh giàu chất xơ. Hãy sử dụng các chất béo lành mạnh và không đưa vào cơ thể quá 10% calo một ngày chất béo bão hoà. Vì điều đó sẽ làm tăng lượng cholesterol LDL - chất béo xấu không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó hãy nạp chất béo từ đậu phộng, dầu hạt cải, ô liu, hạnh nhân hoặc quả óc chó. Đây là chất béo không bão hoà được một lựa chọn lành mạnh và tốt cho tim mạch. 

Lưu ý tránh xa chất béo từ bơ thực vật, bánh quy hoặc snack. Vì chúng không chỉ làm tăng lượng cholesterol LDL mà còn hạ thấp HDL cholesterol. Bạn cũng không nên nạp quá 300 mg cholesterol một ngày. Nếu đang mắc bệnh lý tim mạch thì nên hạn chế ít hơn 200 mg.

Danh sách thực phẩm giàu cholesterol gồm: Thịt nội tạng, sữa nguyên chất, lòng đỏ trứng,… Do vậy cần xem xét lượng cholesterol cân nhắc kỹ khi sử dụng những thực phẩm đó. Bạn có thể thay thế chúng bằng thịt nạc, sữa tách kem. 

Các chất dinh dưỡng trong ngũ cốc giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Bao gồm bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, mì ống, bột mì, bột và cám yến mạch,… Hãy gia tăng chúng trong khẩu phần ăn của gia đình. 

Trái cây và rau quả giàu chất xơ cũng có hiệu quả rất tốt trong việc giảm cholesterol. Bạn cũng có thể đa dạng việc chế biến chúng với các món hầm, súp, xào,… Các loại cá như cá tuyết, cá ngừ, cá bơn, cá hồi, cá thu, cá trích là những loại cá rất tốt cho tim mạch vì giàu omega - 3, bạn nên sử dụng nhiều hơn. 

HDL cholesterol là gì và những cảnh báo sức khỏe khi chỉ số HDL cholesterol giảm 4

Một số thực phẩm giúp giúp giảm lượng cholesterol xấu

Sử dụng rượu bia có chừng mực

Bạn không nghe nhầm đâu, không nhất định phải tránh xa rượu bia 100%. Việc sử dụng chúng ở một mức hợp lý có thể giúp làm tăng mức HDL cholesterol. Nhưng lưu ý là sử dụng có chừng mực, tránh lạm dụng.

Đối với phụ nữ bạn không nên uống quá 1 ly rượu một ngày. Đối với nam giới cũng không nên quá 2 ly trên ngày. Nhưng sử dụng rượu bia không phải là một biện pháp cải thiện chỉ số HDL cholesterol được bác sĩ khuyến khích sử dụng. 

Tập thể dục thường xuyên

Việc tập thể dục thường xuyên cũng có thể cải thiện nồng độ cholesterol trong máu. Hãy đi bộ mỗi ngày kết hợp đạp xe, bơi lội và giữ tinh thần sảng khoái. Đây chính là những bài tập có hiệu quả cao trong việc gia tăng lượng cholesterol HDL trong máu.

Tránh hút thuốc

Dừng lại thói quen hút thuốc lá có thể cải thiện chỉ số cholesterol HDL trong máu. Vì khi không hút thuốc nữa sẽ làm giảm áp suất máu. Từ đó giảm dần nguy cơ các cơn đau tim và bệnh lý tim mạch khác. 

Sử dụng thuốc tăng HDL cholesterol

Hiện nay, y học đã nghiên cứu ra một số loại thuốc có khả năng cải thiện nồng độ HDL cholesterol. Trong đó gồm 2 loại chính sau đây: 

  • Statin: Thuốc này có khả năng giảm LDL và tăng HDL. Tùy vào nhu cầu từng người bác sĩ sẽ kê đơn liều cao, trung bình hoặc thấp cho phù hợp. 
  • Ezetimibe: Có tác dụng ức chế hấp thụ cholesterol nên giảm một lượng không nhỏ cholesterol LDL và tăng lượng HDL. 

Hi vọng thông qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về HDL cholesterol là gì? Từ đó biết được những lợi ích của HDL cholesterol với cơ thể. Đồng thời biết cách làm tăng nồng độ chất này lên để bảo vệ cơ thể. 

Nguyễn Khuyên

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm