Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vẹo cột sống

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ

Việc chăm sóc và quan tâm đến tình trạng cột sống của trẻ sơ sinh là một phần quan trọng trong quá trình nuôi dưỡng, và phát triển toàn diện của bé. Ở bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vẹo cột sống, từ đó có cách phòng ngừa tốt tình trạng này cho bé.

Cột sống đóng vai trò chịu lực và hỗ trợ cho toàn bộ cơ thể. Đối với trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, nếu cột sống bị vẹo thì có thể dẫn đến các vấn đề về cấu trúc xương. Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc vận động, đứng hoặc ngồi, thậm chí là đi lại khi lớn lên. Vậy dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vẹo cột sống là gì? Có cách nào cải thiện tình trạng này ở trẻ không?

Nguyên nhân gây ra tình trạng vẹo cột sống ở trẻ sơ sinh

Theo ý kiến của các chuyên gia, hiện tại vẫn chưa có một nguyên nhân cụ thể và chính xác giải thích hoàn toàn tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả yếu tố bẩm sinh, yếu tố di truyền, và sự tác động của môi trường bên ngoài.

Vẹo cột sống bẩm sinh

Vẹo cột sống bẩm sinh xảy ra khi trẻ được sinh ra đã có khiếm khuyết ở cột sống. Tuy rằng tình trạng này không phổ biến, nhưng nó vẫn xảy ra ở một vài trẻ sơ sinh. Một trong những nguyên nhân chính gây vẹo cột sống bẩm sinh là do sự phát triển không đầy đủ, hoặc sự phân chia không hoàn chỉnh của các đốt sống trong giai đoạn phát triển ban đầu.

Gen di truyền

Khi cha hoặc mẹ, hay cả hai người có tiền sử về vẹo cột sống bẩm sinh, khả năng bé mắc phải tình trạng này là rất cao.

Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vẹo cột sống 1
Nếu cha mẹ có tiền sử bị vẹo cột sống thì khả năng cao trẻ sinh ra cũng sẽ bị

Bệnh lý về thần kinh

Một số bệnh lý thần kinh hoặc các hội chứng như: Bại nãobại liệt, yếu cơ,... cũng sẽ làm cho trẻ sơ sinh yếu ớt về khả năng vận động. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được can thiệp kịp thời, thì dễ tác động tiêu cực đến cấu trúc xương và cột sống của trẻ, gây ra vẹo cột sống.

Suy dinh dưỡng

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt là trong giai đoạn sơ sinh. Trẻ sơ sinh thiếu chất dinh dưỡng hoặc bị suy dinh dưỡng sẽ phát triển chậm so với tuổi, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ xương khớp và cột sống.

Sai tư thế khi bế trẻ

Cơ thể của trẻ sơ sinh còn yếu ớt và hệ xương chưa phát triển hoàn toàn. Vì vậy, các tác động nhỏ trong quá trình chăm sóc cũng có thể ảnh hưởng đến cột sống của bé. Nếu cha mẹ bế trẻ nhỏ sai tư thế, không giữ mông, lưng và đầu của bé ổn định, về lâu dài sẽ gây ra sự cong vẹo của cột sống.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vẹo cột sống

Thông thường, khi bị vẹo cột sống, trẻ sơ sinh sẽ không cảm thấy đau đớn hoặc bộc lộ bất kỳ triệu chứng gì trong giai đoạn đầu. Để phát hiện sớm tình trạng vẹo cột sống ở trẻ, cha mẹ cần thực hiện theo dõi kỹ lưỡng phần lưng của bé, đồng thời chú ý đến những dấu hiệu sau đây:

  • Hai bên vai không đều nhau: Hai vai của trẻ có thể nghiêng, không cân bằng và đều nhau. Nếu để ý kỹ thì bạn sẽ thấy một bên cao hơn, bên còn lại thấp hơn.
  • Xương sườn nổi rõ ở một bên: Xương sườn của trẻ có thể trông rõ hơn ở một bên so với bên còn lại.
  • Thắt lưng không đồng đều: Vị trí thắt lưng của bé không đều, dẫn đến sự bất thường trong hình dáng.
  • Gai đốt sống không thẳng hàng: Khi quan sát hoặc sờ vào các gai đốt sống của trẻ, cha mẹ có thể nhận ra chúng không nằm trong thẳng hàng.
  • Hông thấp, hông cao: Một bên hông của trẻ sẽ có xu hướng cao hơn so với bên kia.
  • Cơ thể bị nghiêng về một phía: Vóc dáng của bé có cảm giác nghiêng về một phía khi quan sát bằng mắt thường.
  • Xương bả vai bị nhô ra: Xương bả vai của trẻ có dấu hiệu bị nhô ra.
Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vẹo cột sống 2
Hai bên vai không đều là một trong các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vẹo cột sống

Tuy nhiên, tình trạng vẹo cột sống ở trẻ sơ sinh có thể được cải thiện trong trường hợp cha mẹ phát hiện sớm, và can thiệp kịp thời. Vì vậy, nếu bạn phát hiện một trong những dấu hiệu này ở con trẻ, thì đừng tự ý thử các biện pháp tại nhà, mà nên đưa bé đến các trung tâm y tế để xác định nguyên nhân, từ đó mới có phương pháp chữa trị phù hợp nhất.

Một số biến chứng trẻ sẽ gặp phải khi bị vẹo cột sống

Vẹo cột sống ở trẻ sơ sinh tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của bé trong tương lai. Vì vậy, như đã đề cập trước đó, việc quan sát và chăm sóc kỹ lưỡng cho trẻ là điều vô cùng quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc sau này. Dưới đây là một số biến chứng mà cha mẹ nên lưu ý:

Tổn thương phổi và tim

Bệnh vẹo cột sống ở trẻ sơ sinh có khả năng làm ảnh hưởng đến khung xương sườn của bé, khiến cho nó biến dạng, sau đó đè lên phổi và tim. Điều này dễ gây tổn thương nghiêm trọng cho tim và phổi, đồng thời dẫn đến các vấn đề như suy tim hoặc suy hô hấp.

Tổn thương tâm lý

Vẹo cột sống bẩm sinh khi không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến khung xương và hình dáng cơ thể của trẻ sau này. Khi trưởng thành, trẻ nhỏ dễ bị tự ti và mặc cảm, do đã nhận thức được về sự khác biệt của mình so với người khác. Từ đó gây tác động tâm lý lâu dài, ảnh hưởng đến tinh thần và tâm trạng của trẻ.

Nguyên nhân và dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vẹo cột sống 3
Trẻ bị vẹo cột sống dễ hình thành tâm lý tự ti, mặc cảm khi lớn

Dễ đau lưng và viêm khớp khi lớn

Những người trưởng thành mà từng bị vẹo cột sống khi còn trẻ có khả năng cao bị đau lưng và viêm khớp. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, gây khó khăn trong việc tham gia các hoạt động thể thao và sinh hoạt khác.

Tóm lại, việc theo dõi và đưa trẻ đi kiểm tra định kỳ, nhận tư vấn chữa trị vẹo cột sống kịp thời là rất quan trọng. Nó sẽ đảm bảo rằng trẻ có cơ hội phát triển bình thường, khỏe mạnh và tự tin hơn trong tương lai. Mong rằng qua các thông tin về dấu hiệu trẻ sơ sinh bị vẹo cột sống trên, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin