Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tim mạch mà bạn nên biết
Ngày 29/04/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Bệnh tim mạch là nhóm bệnh lý thường gặp, bao gồm bệnh mạch vành, cao huyết áp hay xơ vữa động mạch. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Hẳn nhiều người thắc mắc rằng nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tim mạch gồm những gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về bệnh lý tim mạch trong bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tim mạch là gì? Nguyên nhân cũng như biểu hiện của bệnh lý tim mạch rất đa dạng, tùy thuộc vào từng loại bệnh cụ thể. Loại bỏ yếu tố nguy cơ, xây dựng lối sống lành mạnh và sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như phòng tránh bệnh tim mạch tiến triển nặng.
Tổng quan về bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch là tình trạng y tế liên quan đến các bệnh lý của tim và mạch máu, bao gồm bệnh động mạch và bệnh van tim. Bệnh động mạch gồm bệnh động mạch đái tháo đường, bệnh động mạch vành hay bệnh động mạch não. Bệnh van tim là một tình trạng liên quan đến các vấn đề về van tim liên quan tới cấu trúc và chức năng. Chẩn đoán bệnh tim mạch thường dựa trên các thông tin sau:
Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ thu thập thông tin về lịch sử bệnh tật, bao gồm các triệu chứng, yếu tố nguy cơ và tiền sử bệnh lý của người bệnh.
Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cơ thể, đo huyết áp, nghe tim, kiểm tra dấu hiệu của bệnh tim mạch và các dấu hiệu liên quan khác.
Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu, bao gồm xét nghiệm lipid máu (cholesterol và triglyceride), xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm dấu hiệu viêm và các xét nghiệm khác để đánh giá nguy cơ và phát hiện các dấu hiệu của bệnh tim mạch.
Thăm dò hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh như X-quang tim, siêu âm tim, CT scan hay MRI tim có thể được sử dụng để đánh giá kích thước, hình dạng và chức năng của tim cũng như hệ tuần hoàn.
Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tim mạch
Nguyên nhân gây bệnh tim mạch
Vậy nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tim mạch là gì? Bệnh tim mạch có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một số nguyên nhân chính gồm:
Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền ảnh hưởng tới khả năng mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là trong trường hợp có người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh tim mạch.
Độ tuổi: Người lớn tuổi, đặc biệt là sau tuổi 45 đối với nam giới và sau tuổi 55 đối với nữ giới, có nguy cơ cao hơn mắc bệnh lý về tim mạch.
Giới tính: Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới, đặc biệt phụ nữ trước tuổi mãn kinh. Tuy nhiên, sau tuổi mãn kinh, nguy cơ bệnh tim mạch ở nữ giới lại tăng lên.
Tiền sử bệnh lý: Nếu người bệnh có bệnh lý khác như cao huyết áp, tiểu đường, tăng lipid máu, bệnh thận hoặc có thể trạng béo phì, hút thuốc lá, căng thẳng thường xuyên hay uống rượu bia cũng là nguyên nhân gây bệnh tim mạch.
Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn uống không lành mạnh với đồ ăn nhanh, thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ và đường, thiếu rau quả, có thể dẫn đến tăng cân, tiểu đường, tăng lipid máu, cao huyết áp và từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ít hoạt động thể chất: Thiếu hoạt động thể chất, lối sống ít vận động, làm việc văn phòng, ngồi nhiều, không tập thể dục thường xuyên cũng là một nguyên nhân gây bệnh tim mạch.
Căng thẳng tinh thần: Stress, áp lực tâm lý, lo âu, trầm cảm cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, bởi vì nó có thể làm tăng huyết áp, tăng cortisol, đồng thời là nguyên nhân cho các hành vi không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu nhiều, ăn uống không kiểm soát, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác như hút thuốc lá điện tử, sử dụng thuốc giảm cân không đúng cách, sử dụng thuốc trị ung thư có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Triệu chứng bệnh lý
Bệnh tim mạch có thể có nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào loại bệnh tim mạch cụ thể và mức độ của bệnh. Tuy nhiên, sau đây là một số triệu chứng chung thường gặp của bệnh tim mạch:
Đau ngực: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh tim mạch. Đau ngực do tim không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất, gây ra cảm giác đau hoặc khó chịu ở vùng ngực. Đau ngực có thể lan ra các vùng khác như vai trái, cổ, hàm dưới, lưng và dọc theo cánh tay phải.
Khó thở: Khó thở là một triệu chứng phổ biến của bệnh tim mạch, đặc biệt là khi hoạt động vật lý hay trong các hoạt động hàng ngày. Khó thở có thể xảy ra do tim không hoạt động hiệu quả, dẫn đến không đủ máu oxy được cung cấp cho các bộ phận khác của cơ thể.
Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi không giải thích được, dễ mệt khi thực hiện các hoạt động gắng sức là triệu chứng gợi ý bệnh tim mạch. Điều này có thể xảy ra do tim không đủ khả năng đẩy máu, dẫn đến cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng cho mô cơ thể.
Chóng mặt và hoa mắt: Các triệu chứng như hoa mắt chóng mặt hoặc cảm giác chóng ngã có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch. Điều này xảy ra khi tim không hoạt động hiệu quả, dẫn đến sự giảm bớt lưu lượng máu cung cấp cho não, gây ra các triệu chứng này.
Đau đầu: Bệnh tim mạch có thể gây ra đau đầu, đặc biệt là đau đầu về đêm hoặc sáng sớm. Đây là một dấu hiệu cần chú ý và cần được kiểm tra bởi bác sĩ chuyên khoa.
Rối loạn nhịp tim: Nhịp tim không đều là một dấu hiệu gợi ý bệnh tim mạch. Nhịp tim bị rối loạn có thể nhanh hoặc chậm hoặc hoàn toàn mất sự đều đặn của nhịp tim.
Phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả
Bệnh tim mạch là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được điều trị và phòng ngừa. Dưới đây là một số lời khuyên phòng ngừa bệnh tim mạch bạn có thể áp dụng:
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Ăn một chế độ ăn uống giàu chất xơ, chất béo không bão hòa, rau quả, hạt, cá, đậu, thịt gà không da, ngũ cốc nguyên hạt và giới hạn đồ uống có cồn và đồ ngọt.
Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Có thể là đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe hoặc tham gia vào các hoạt động thể thao mà bạn thích.
Giảm cân nếu cần thiết: Nếu bạn có thừa cân hoặc béo phì, giảm cân sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Kiểm tra và điều trị các yếu tố nguy cơ: Kiểm tra và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như huyết áp cao, đường huyết cao, cholesterol cao, bệnh tiểu đường hoặc hút thuốc lá. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ này, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Tránh căng thẳng tinh thần: Stress có thể gây ra tăng huyết áp và gây hại cho tim mạch. Hãy tìm cách giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày như thực hành kỹ năng thiền định, tham gia vào các hoạt động giải trí yêu thích.
Kiểm tra định kỳ sức khỏe: Định kỳ kiểm tra sức khỏe để theo dõi các yếu tố nguy cơ và sức khỏe tim mạch của bạn, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ về cách duy trì một lối sống lành mạnh.
Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tim mạch. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Hãy cùng đón xem nhiều bài viết về sức khỏe trên trang web của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: vinmec.com
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.