Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhận biết dấu hiệu suy tim sớm để có cách phòng ngừa rủi ro

Ngày 29/03/2024
Kích thước chữ

Tim là bộ phận giữ chức năng bơm máu đến mọi nơi trong cơ thể, vì vậy bất cứ vấn đề nào liên quan đến tim đều có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong đó suy tim là hiện tượng xảy ra khi tim của bạn có dấu hiệu bất thường và yếu hơn so với bình thường. Để đảm bảo sự sống, cơ thể sẽ phát báo động bằng nhiều dấu hiệu. Vậy những dấu hiệu suy tim là gì?

Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch gây ra nhiều biến chứng cấp tính nguy hiểm, khó chữa khỏi, đe dọa tính mạng người bệnh bởi nhiều biến chứng cấp tính nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn có thể phòng tránh rủi ro nếu nhận biết được các dấu hiệu suy tim sớm của bệnh và có cách điều trị kịp thời.

Những dấu hiệu suy tim cần nhận biết sớm

Những dấu hiệu suy tim phổ biến nhất bao gồm:

Hô hấp khó khăn

Cảm thấy hô hấp khó khăn khi hoạt động hoặc khi nằm là triệu chứng cơ bản và cũng được chọn làm tiêu chí phân cấp độ suy tim. Khi gặp tình trạng này, người bệnh sẽ nhận thấy việc thở có phần nặng nhọc hơn, mặc dù vận động không quá nặng hoặc trong khi bạn đang tập trung. Lúc này người bệnh nên dừng vận động và nghỉ ngơi. 

Tình trạng khó thở cũng có thể xảy ra khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc xuất hiện đột ngột vào ban đêm, điều này khiến suy tim trở nên nguy hiểm. Khó thở là một dấu hiệu rất khó nhận biết sớm vì rất dễ nhầm lẫn với tình trạng mệt mỏi vì hoạt động hoặc bệnh nhân không chú ý theo dõi sức khỏe hằng ngày.

Dau-hieu-suy-tim-can-nhan-biet-som 3.png
Khó thở được xem là dấu hiệu suy tim và giúp phân biệt các cấp độ suy tim

Mệt mỏi

Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi mọi lúc, đặc biệt là trong các hoạt động hàng ngày như đi bộ, mua sắm hoặc thức dậy. Dấu hiệu này có thể đi kèm với hoa mắt, chóng mặt, chán ăn. Nhưng với các bệnh nhân lớn tuổi hay có bệnh nền, dấu hiệu này cũng khó nhận biết.

Phù (sưng) chân

Phù chân có thể là dấu hiệu cho thấy hoạt động bơm máu của tim có vấn đề, khi tim không bơm đủ nhanh, máu đọng lại trong các tĩnh mạch gây phù.

Suy tim cũng khiến thận loại bỏ nước và natri thừa khó hơn, điều này cũng gây phù. Bạn có thể bị tích tụ chất lỏng trong cơ thể, đặc biệt là ở chân, bàn chân và mắt cá chân, khiến cơ thể phù nề và cảm thấy hơi sưng tấy, người bệnh cảm thấy cơ thể nặng nề.

Dau-hieu-suy-tim-can-nhan-biet-som 4.png
Phù là một trong những dấu hiệu phổ biến của suy tim

Dễ ngất, cơ thể yếu hoặc choáng váng

Vì tim không thể bơm đủ máu đến tất cả các mô trong cơ thể nên nó ưu tiên cung cấp máu cho tim và não, điều này có thể khiến cơ thể bạn cảm thấy mệt mỏi. Các vận động trở nên khó khăn, có thể cảm thấy tê tay, chân do máu không đến được những nơi xa tim. Da trở nên xanh xao hơn và dễ nhiễm lạnh tay chân.

Nếu bất ngờ bị loạng choạng, đi kèm với tức ngực hoặc khó thở, bạn nên nhanh chóng đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

Một số triệu chứng khác

Suy tim có cả tình trạng cấp tính và mãn tính. Suy tim là một tình trạng mãn tính, do đó khi gặp cơn cấp tính đây có thể là dấu hiệu đầu hoặc là báo động của cơ thể khi suy tim đang diễn ra trầm trọng. Trong các trường hợp suy tim cấp, bệnh nhân cảm thấy khó thở, tim đập nhanh đột ngột và có thể ngất. 

Dưới đây là một số dấu hiệu suy tim phụ mà một số người bệnh có thể gặp phải:

  • Chán ăn, mất cảm giảm ngon miệng;
  • Tăng cân đột ngột;
  • Dễ đầy hơi;
  • Ho dai dẳng;
  • Tim đập nhanh;
  • Cảm thấy nóng nhưng tay chân lạnh;
  • Chướng bụng;
  • Tĩnh mạch cổ lộ rõ.

Phân độ bệnh suy tim

Suy tim là tình trạng khi tim không đủ khả năng để bơm máu đi nuôi cơ thể. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng có thể hiểu rằng khi tim suy giảm chức năng hoặc có sự tắc nghẽn trong mạch máu dẫn đến việc bơm máu khó khăn hơn. Đây là một hội chứng lâm sàng, có căn nguyên là sự bất thường ở cấu trúc hoặc chức năng tim nên bệnh có thể điều trị nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Suy tim có thể do bẩm sinh hoặc là hệ quả của các bệnh lý khác, nhưng thường gặp nhất là do bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, cường giáp,... Hoặc cũng có thể do lối sống không lành mạnh như nghiện rượu, suy tim ở người mẹ trong thời gian trước và sau khi sinh con vài tuần, còn được gọi là bệnh tim chu sản,...

Dau-hieu-suy-tim-can-nhan-biet-som 2.png
Suy tim là một tình trạng mạn tính

Suy tim là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng cần được điều trị y tế ngay lập tức. Việc điều trị càng sớm sẽ càng giúp giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng. Suy tim có mấy cấp độ? Hiện nay, suy tim được chia thành 4 cấp độ và có những dấu hiệu như sau:

  • Cấp độ I: Người bệnh không hoặc ít triệu chứng, ngay cả khi vận động cũng không có triệu chứng rõ ràng.
  • Cấp độ II: Người bệnh xuất hiện các triệu chứng suy tim nhẹ như đau thắt ngực, cảm thấy hụt hơi, vận động bình thường khó khăn.
  • Cấp độ III: Các triệu chứng đau thắt ngực, khó thở xuất hiện nhiều hơn làm giới hạn khả năng hoạt động. Người bệnh chỉ có thể đi bộ trong khoảng cách ngắn 20 - 100m, các triệu chứng sẽ giảm dần khi nghỉ ngơi.
  • Cấp độ IV: Triệu chứng cơ năng của suy tim diễn ra ngay khi người bệnh nghỉ ngơi, chỉ cần vận động thể lực nhẹ cũng làm tăng triệu chứng cơ năng, có thể kèm theo ho khan, phù chi, đau tức ngực.

Phương pháp điều trị suy tim

Suy tim càng được phát hiện và điều trị sớm thì thời gian điều trị sẽ nhanh và ngắn hơn. Tuy nhiên không phải là điều trị dứt điểm, mục tiêu điều trị là ngăn ngừa các biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Chúng ta có thể gặp lại tình trạng này nếu như chế độ sinh hoạt thay đổi hay đi kèm với các bệnh khác. Do đó cần kiểm tra định kỳ để có thể phát hiện sớm cũng như theo dõi sức khỏe của bản thân. Hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi suy tim hoàn toàn mà chỉ có thuốc có thể kiểm soát các triệu chứng, cải thiện tiên lượng bệnh và giúp người bệnh sống tích cực hơn.

Để giúp bạn kiểm soát huyết áp và hoạt động bơm máu của tim, các bác sĩ có thể kê toa các nhóm thuốc điều trị suy tim, bao gồm: Thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể beta, thuốc đối kháng aldosterone,...

Dau-hieu-suy-tim-can-nhan-biet-som 5.png
Cần nhận biết dấu hiệu suy tim sớm để điều trị sớm và kịp thời

Biện pháp giúp phòng ngừa suy tim

Tuy rằng không thể kiểm soát một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như tuổi tác, tiền sử gia đình hoặc chủng tộc, nhưng bạn có thể thay đổi lối sống để tạo thêm cơ hội để ngăn ngừa suy tim. Bạn có thể chủ động ngăn ngừa suy tim qua những biện pháp sau:

  • Thừa cân hay thiếu cân đều ảnh hưởng đến tim, do đó đảm bảo cơ thể khỏe mạnh cần theo dõi cân nặng và duy trì cân nặng vừa phải;
  • Ăn những thực phẩm tốt cho tim mạch. Hạn chế các thức ăn đóng hộp, nước có gas,... nên sử dụng trái cây hay các loại hạt ngũ cốc thay thế cho những bữa ăn vặt;
  • Tập thể dục: Việc hoạt động vừa phải hằng ngày giúp tăng sức bền cho tim;
  • Hạn chế việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích;
  • Không sử dụng thuốc lá.
  • Kiểm soát các bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: Tiểu đường, bệnh thận, thiếu máu, bệnh tuyến giáp, huyết áp cao, bệnh hen suyễn, bệnh phổi mãn tính.

Trên đây là một số dấu hiệu suy tim cần nhận biết sớm. Tuy nhiên, các biểu hiện này có thể là do suy tim hoặc một số nguyên nhân khác. Để phát hiện suy tim, bạn cần đi khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để được bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Vì một trái tim khỏe mạnh hãy trang bị cho bản thân một lối sống khỏe mạnh bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin