Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhận biết dấu hiệu viêm đường tiết niệu nữ và cách phòng ngừa

Ngày 23/05/2024
Kích thước chữ

Theo thống kê, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 8,3 triệu người đến thăm khám và chẩn đoán viêm đường tiết niệu. Trong đó, cứ mỗi 5 người nữ sẽ có 1 người mắc phải tình trạng này khi đang mang thai, làm ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Chính vì thế, việc tìm hiểu về dấu hiệu viêm đường tiết niệu nữ là tối cần thiết.

Viêm đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp, do đó không ít người còn chủ quan trong việc phòng ngừa, từ đó dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Hiểu rõ nguyên nhân và kịp thời phát hiện dấu hiệu viêm đường tiết niệu giúp chị em phụ nữ chăm sóc bản thân tốt hơn.

Bệnh viêm đường tiết niệu là gì?

Viêm đường tiết niệu là bệnh hay gặp ở phụ nữ, xảy ra do thói quen sinh hoạt, vệ sinh cá nhân không đúng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công vào cơ thể.

Hoạt động đường tiết niệu giúp cơ thể loại bỏ chất thải ra bên ngoài thông qua nước tiểu. Nước tiểu được tạo thành từ quá trình lọc máu tại thận. Sau khi đã giữ lại các chất cần thiết, nước tiểu sau đó được dẫn đến bàng quang và bài tiết ra ngoài qua đường niệu đạo.

Viêm đường tiết niệu xảy ra khi cơ thể bị vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, gây ra các tổn thương. Mầm bệnh có thể xuất phát từ phân ở đại tràng hoặc xâm nhập thông qua bộ phận sinh dục ngoài gây ra viêm bàng quang, viêm niệu đạo.

nhan-biet-dau-hieu-viem-duong-tiet-nieu-nu-va-cach-phong-ngua 1
Viêm đường tiết niệu xảy ra do vi khuẩn tấn công cơ thể

Dấu hiệu viêm đường tiết niệu nữ

Khi ở giai đoạn đầu, dấu hiệu viêm đường tiết niệu nữ có thể khó nhận biết và không có biểu hiện rõ ràng, ở những bệnh nhân khác nhau có thể có biểu hiện không giống nhau. Chỉ khi bệnh tiến triển nặng, dấu hiệu viêm đường tiết niệu nữ mới xuất hiện rõ ràng, như:

  • Có cảm giác nóng, đau rát hoặc buốt khi đi tiểu.
  • Thường xuyên buồn tiểu, tiểu nhiều, tuy vậy mỗi lần tiểu rất ít.
  • Quan sát thấy nước tiểu xuất hiện nhiều bọt bất thường.
  • Thay đổi màu sắc nước tiểu: Có thể nhận thấy nước tiểu đổi thành màu hồng, đỏ hoặc màu nước coca. Đây có thể là do trong nước tiểu có máu, tuy nhiên nếu tiểu máu lượng ít thì sẽ rất khó quan sát, chỉ tìm thấy khi thực hiện xét nghiệm máu.
  • Thường xuyên đau rát vùng chậu, đặc biệt là khu vực chậu quanh xương mu.
  • Nước tiểu nặng mùi hoặc có mùi bất thường.
  • Trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện cơn rét run, sốt cao, đau hai hố thận hoặc đau bụng dưới.

Tùy thuộc vào vị trí cụ thể bị viêm nhiễm trong đường tiết niệu mà triệu chứng nổi bật hơn có thể khác nhau. Khi viêm niệu đạo, triệu chứng nóng rát và đau khi đi tiểu là đặc trưng nhất. Nếu vị trí viêm nhiễm là ở bàng quang thì cảm giác khó chịu ở bụng dưới (nhất là khi đi tiểu) sẽ gặp với tần suất nhiều hơn so với đi tiểu ra máu

Viêm đường tiết niệu tại thận hiếm gặp, nhưng là thể nguy hiểm nhất, gây ra các cơn sốt cao, buồn nôn hoặc nôn nửa, thậm chí là nhiễm trùng huyết.

nhan-biet-dau-hieu-viem-duong-tiet-nieu-nu-va-cach-phong-ngua 2
Nhận biết dấu hiệu viêm đường tiết niệu nữ

Nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu nữ

Có nhiều nguyên nhân làm xuất hiện dấu hiệu viêm đường tiết niệu nữ, trong đó có đến 80% là do vi khuẩn E.coli. Nữ giới độ tuổi dưới 18 hoặc chưa quan hệ tình dục, viêm đường tiết niệu xảy ra chủ yếu do nguyên nhân vệ sinh vùng kín chưa phù hợp. Dưới đây là các thói quen vệ sinh cá nhân dễ dẫn đến viêm đường tiết niệu nữ:

  • Thói quen sử dụng giấy vệ sinh lau chùi từ phía sau ra trước khi đi vệ sinh, khiến vi khuẩn ở hậu môn có cơ hội xâm nhập vào âm đạo gây ra viêm nhiễm đường tiết niệu.
  • Hằng ngày uống ít nước, nhịn tiểu nhiều lần khiến đường tiết niệu không được đào thải hết chất thải, nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng lên.
  • Trong kỳ kinh nguyệt, vệ sinh vùng kín không sạch sẽ hoặc không thay băng vệ sinh thường xuyên.
  • Thụt rửa âm đạo nhiều lần gây mất cân bằng hệ vi sinh tự nhiên bên trong âm đạo. Bên cạnh đó còn làm tăng thêm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập gây viêm đường tiết niệu.
  • Sử dụng nước bị nhiễm khuẩn, đồ dùng cá nhân chưa vệ sinh.
  • Dùng thuốc điều trị có thể làm tổn thương đường tiết niệu, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, đặc biệt là nhóm thuốc kháng sinh gây độc thận.

Đối với nữ giới đã quan hệ tình dục, nguyên nhân viêm nhiễm đường tiết niệu chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn. Cụ thể, sinh hoạt tình dục không lành mạnh, không vệ sinh đường tiết niệu sạch sẽ, không sử dụng bao cao su,... không những tăng nguy cơ xuất hiện dấu hiệu viêm đường tiết niệu nữ, mà còn có thể bị nhiễm các bệnh lý lây qua đường tình dục như sùi mào gà, lậu, giang mai,...

Vì sao phụ nữ khi mang thai dễ mắc viêm đường tiết niệu?

Viêm đường tiết niệu dễ xảy ra ở phụ nữ mang thai, do các thay đổi về nội tiết. Trong giai đoạn mang thai, cơ thể người phụ nữ có sự gia tăng nồng độ acid amin, vitamin và chất dinh dưỡng trong nước tiểu, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn gia tăng nhanh về số lượng.

Mặt khác, đường tiết niệu của phụ nữ mang thai cũng cho thấy sự thay đổi, khi tử cung thường nghiêng về bên phải so với bình thường. Điều này gây những tác động lên niệu quản và thận phải, từ đó dễ bị ứ nước tiểu và gây viêm thận.

Những thay đổi nội tiết trong thai kỳ, đặc biệt là progesterone làm nhu động ruột, niệu quản giảm hoạt động, khiến mẹ bầu dễ bị táo bón và ứ đọng nước tiểu hơn. Do đó tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh hoành hành.

Khi mang thai, nếu mẹ bầu quan hệ tình dục cũng sẽ có nguy cơ dẫn đến viêm đường tiết niệu, do vi khuẩn gần âm đạo xâm nhập vào niệu đạo trong quá trình quan hệ. Do đó, nếu có quan hệ trong thời gian này thì mẹ bầu cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục.

nhan-biet-dau-hieu-viem-duong-tiet-nieu-nu-va-cach-phong-ngua 3
Phụ nữ mang thai là đối tượng rất dễ mắc phải viêm đường tiết niệu

Phòng ngừa viêm đường tiết niệu nữ

Phần trên bài viết đã đề cập đến nguyên nhân và dấu hiệu viêm đường tiết niệu nữ, từ đó giúp chị em có kiến thức để bảo vệ sức khỏe bản thân tốt hơn. Dưới đây là các lời khuyên sức khỏe giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiểu, bao gồm:

  • Uống nhiều nước để cơ thể tăng bài xuất nước tiểu, loại bỏ chất thải và vi khuẩn ra khỏi cơ thể.
  • Vệ sinh vùng kín từ 1 - 2 lần/ngày bằng nước sạch và dung dịch vệ sinh phụ nữ có độ pH phù hợp, tránh việc dùng chất tẩy rửa mạnh hoặc thụt rửa âm đạo.
  • Vệ sinh hậu môn từ đằng trước ra sau, giúp phòng tránh vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo.
  • Không được nhịn tiểu, điều này gây ứ đọng nước tiểu và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
  • Tăng cường ăn bổ sung trái cây giàu vitamin C giúp tăng cường sức khỏe hệ tiết niệu.
  • Tránh mặc đồ lót khi còn ẩm ướt, chưa giặt sạch hoặc chất liệu vải nóng, không thoáng khí.
  • Quan hệ tình dục an toàn.
  • Khám phụ khoa định kỳ.
nhan-biet-dau-hieu-viem-duong-tiet-nieu-nu-va-cach-phong-ngua 4
Uống đủ nước giúp cơ thể đào thải được các chất cặn bã ra bên ngoài

Bài viết đã cung cấp thông tin về nguyên nhân và dấu hiệu viêm đường tiết niệu nữ. Từ đó giúp chị em có thêm kiến thức để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, phòng tránh nguy cơ bệnh tật.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin