Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 22/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới hay còn gọi là nhiễm trùng phổi. Đây là nguyên nhân đứng thứ 4 sau bệnh tim mạch, tiêu hóa và ung thư gây tử vong. Vậy hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới là gì? Nguyên nhân gây ra hội chứng này là gì? Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới có các triệu chứng nào? Hay các phương pháp chẩn đoán cũng như điều trị hội chứng này ra sao. Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.

Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới là tình trạng xảy ra khá phổ biến. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Vậy hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới là gì? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu đi tìm câu trả lời trong bài viết sức khỏe hôm nay nhé!

Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 1 Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới là gì?

Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới là gì?

Đường hô hấp là bộ phận giải phẫu hệ hô hấp liên quan đến quá trình hô hấp của cơ thể. Theo giải phẫu, đường hô hấp bắt đầu từ mũi hoặc miệng đến phế nang trong phổi. Đường hô hấp gồm 2 phần chính bao gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Trong đó, đường hô hấp dưới gồm có khí quản, phế quản và phổi. Trong phổi có các phế nang. Vậy hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới là gì?

Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới (hay viêm đường hô hấp dưới) là những bệnh nhiễm trùng ở phổi, bao gồm tất cả những bệnh viêm đường hô hấp dưới không phải do lao mà nguyên nhân gây bệnh là do virus, vi trùng, ký sinh trùng, nấm hoặc các siêu vi trùng gây nên. Vì thế, hội chứng này có thể lây qua đường hô hấp và cụ thể là lây qua giọt bắn chứa vi khuẩn hoặc virus của người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc bám trên các bề mặt tiếp xúc. Hội chứng này thường có tính cấp tính, tiến triển nhanh và có nguy cơ tử vong rất cao.

Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới thường gặp như viêm phổi, viêm khí phế quản, giãn phế quản, áp xe phổi, hen phế quản bội nhiễm, tâm phế mạn. Trong đó, viêm phổi và viêm phế quản là 2 loại nhiễm trùng hô hấp dưới phổ biến nhất.

Tác nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới chủ yếu là virus (virus cúm, virus hợp bào hô hấp RSV), vi khuẩn (Streptococcus, Staphylococcus aureus), nấm, Mycoplasma - những vi sinh vật nhỏ có đặc điểm của cả virus và vi khuẩn.

Bên cạnh đó, một số yếu tố như khói bụi, bụi, hóa chất, khói thuốc lá, các chất gây dị ứng, ô nhiễm môi trường… cũng là những yếu tố nguy cơ cao dẫn tới tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Ngoài ra, sự thay đổi thời tiết, nhất là vào các thời điểm giao mùa đông - xuân, khí hậu ẩm ướt, áp suất không khí giảm cũng là điều kiện thuận lợi giúp cho các vi sinh vật có hại phát triển và gây bệnh.

Một câu hỏi đặt ra: Đối tượng nào dễ mắc hội chứng nhiễm trùng đường hô hấp dưới? Hội chứng này có thể xảy ra ở mọi đối tượng, song một số đối tượng có nguy cơ cao phải kể đến như:

  • Người cao tuổi và trẻ em, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi.
  • Người có tiền sử mắc các bệnh lý mãn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch, tiểu đường, các bệnh lý về gan và thận.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Những đối tượng có hệ miễn dịch bị suy giảm do mắc các bệnh ung thư, vừa trải qua phẫu thuật điều trị hay hóa trị liều cao…
  • Người vừa mắc bệnh cảm hoặc cúm.
Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 2 Vi khuẩn và virus là tác nhân chính gây nên tình trạng nhiễm trùng hô hấp dưới

Triệu chứng của hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới

Như đã phân tích ở trên, nếu người mắc hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nói chung và chức năng hệ hô hấp nói riêng. Do đó, việc nắm được các triệu chứng của hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới là điều rất cần thiết.

Trên thực tế, tùy vào tình trạng tổn thương của đường hô hấp dưới mà triệu chứng của hội chứng này sẽ biểu hiện theo các mức độ khác nhau. Hầu hết người mắc hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới đều sẽ phải đối mặt với các triệu chứng như:

  • Ho khan hoặc ho có đờm trong nhiều ngày mà không thuyên giảm.
  • Đau nhức đầu và có thể có chảy nước mũi.
  • Sốt dai dẳng, sốt nhẹ hay thậm chí là sốt cao (trên 39 độ C) tùy từng tác nhân gây bệnh cũng như tiến triển của bệnh.
  • Người bệnh mệt mỏi, uể oải.

Nhìn chung, dấu hiệu của hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới khá giống với bệnh cảm lạnh. Do đó, chúng ta dễ bị nhầm lẫn và thường tỏ ra chủ quan, bỏ qua việc theo dõi và điều trị dứt điểm. Điều này sẽ khiến tình trạng nhiễm trùng tiến triển phức tạp và nghiêm trọng hơn.

Khi hội chứng nhiễm trùng trở nặng, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau:

  • Ho nhiều hơn, ho có đờm.
  • Sốt cao.
  • Môi khô, lưỡi bẩn.
  • Hô hấp khó khăn: Người bệnh thở dốc, thở khò khè, đau tức ngực…
  • Da xanh, niêm mạc nhợt.
  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể, ăn ngủ kém.
  • Gầy, sút cân.
  • Tim đập nhanh, huyết áp tụt.
Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 3 Hầu hết người bệnh mắc hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới đều bị ho khan

Chẩn đoán và điều trị hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới

Chẩn đoán hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới

Để chẩn đoán chính xác tình trạng cũng như mức độ của tình trạng nhiễm trùng hô hấp dưới, bác sĩ cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng của bệnh, thời gian xuất hiện các triệu chứng, bệnh sử và thói quen sinh hoạt của người bệnh.

Tiếp đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám (đo nhiệt độ, nghe lồng ngực nhằm kiểm tra lượng oxy trong cơ thể) đồng thời chỉ định người bệnh làm thêm một số xét nghiệm và phương pháp cận lâm sàng để thuận lợi cho việc chẩn đoán bệnh. Các phương pháp cận lâm sàng bao gồm:

  • Xét nghiệm máu và chất nhầy: Nhằm xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng hô hấp dưới là loại vi khuẩn, virus nào từ đó chỉ định loại kháng sinh phù hợp.
  • Chụp X - quang: Nhằm khẳng định chẩn đoán và xác định mức độ nhiễm trùng.
  • Đo thở oxy: Xác định lượng oxy trong máu.
Hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 4 Xét nghiệm máu giúp xác định nguyên nhân gây hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới

Điều trị hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới

Mặc dù nhiễm trùng hô hấp dưới thường nhẹ và có thể tự cải thiện trong khoảng từ 7 - 10 ngày, song cũng không ít các trường hợp tình trạng nhiễm trùng tiến triển nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Do đó, các bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

Tùy vào từng mức độ của hội chứng nhiễm trùng mà các bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau. Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh nên:

  • Nghỉ ngơi và giữ ấm cơ thể.
  • Súc miệng hàng ngày bằng nước muối.
  • Uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước đồng thời giúp làm loãng đờm và dễ khạc. Bạn nên uống nước ấm thay vì nước lạnh. Điều này sẽ giúp họng của bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế đến những nơi có nhiều khói bụi.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học.

Trên đây là toàn bộ thông tin xoay quanh hội chứng nhiễm trùng hô hấp dưới mà Nhà Thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, những chia sẻ trên đây sẽ hữu ích với bạn đọc. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi trang web của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật nhiều bài viết sức khỏe khác bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Medlatec.vn

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm