Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp: Bạn biết những gì về căn bệnh này?

Ngày 01/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp bùng phát mạnh hơn khi trời lạnh và hanh khô. Bệnh thường gặp ở người có hệ miễn dịch yếu… và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên là bệnh thường gặp, ai cũng có thể mắc phải. Bệnh bùng phát mạnh hơn khi thời tiết thay đổi và dễ lây lan trong cộng đồng. Đa số các ca bệnh xảy ra do các loại virus hô hấp và có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày. 

Người trưởng thành và khỏe mạnh ít khi gặp phải biến chứng. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và người già có hệ miễn dịch yếu và có thể đang mắc bệnh khác, thì nhiễm trùng đường hô hấp trên là cơ hội để vi khuẩn tấn công và gây ra viêm phổi nặng.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên là gì?

Vậy nhiễm trùng đường hô hấp trên là gì và đâu là những triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp? Sau đây là một số thông tin cơ bản về căn bệnh này.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên là trường hợp nhiễm trùng ở vị trí đường hô hấp trên, gồm mũi, họng, xoang và thanh quản. Đây chính là đáp án cho câu hỏi nhiễm trùng đường hô hấp trên là gì? Những bộ phận này có chức năng vận chuyển không khí từ ngoài vào khí quản và sau là đến phổi để thực hiện quá trình hô hấp. Khi bệnh xảy ra cấp tính, tức là triệu chứng xuất hiện đột ngột, dồn dập nhưng không kéo dài thì gọi là nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp.

Người trưởng thành có thể mắc bệnh này ít nhất 1 lần trong năm. Trẻ nhỏ hoặc người già có hệ miễn dịch yếu có thể mắc đi mắc lại nhiều lần hơn. Thời gian mắc bệnh thường kéo dài từ 3 - 14 ngày. Khi triệu chứng kéo dài hơn, bệnh được gọi là nhiễm trùng đường hô hấp trên mạn tính.

Dù là bệnh phổ biến theo mùa và thường không kéo dài nhưng nếu bệnh nhân không chú ý điều trị và chăm sóc cơ thể tốt, bệnh có thể tiến triển nặng hơn thành các bệnh viêm phổi, viêm xoang,…

nhiem-trung-duong-ho-hap-tren-cap-2.jpg
Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp kéo dài từ 3 - 14 ngày

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp

Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp thường gặp khi virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi, miệng. Virus là nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh này và hai loại virus thường gặp nhất là rhinovirus và coronavirus. Ngoài ra còn có: Adenovirus, virus cúm và virus hô hấp hợp bào. Đây là những yếu tố dẫn đến cảm lạnh nhưng cũng có thể gây viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus thường lây từ người sang người khi tiếp xúc với người bị bệnh hoặc vật dụng của họ. Virus có thể sống nhiều giờ trên đồ vật như đồ chơi hoặc túi xách. Nếu chạm tay vào mắt, mũi, miệng sau khi tiếp xúc với vật dụng có virus, bạn sẽ có nguy cơ nhiễm virus. Một con đường lây lan virus khác là do hắt hơi hoặc ho.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp

Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp là:

  • Trẻ em dưới 6 tháng;
  • Trẻ sinh non hoặc những người mắc một số bệnh nội khoa khác như: Tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi;
  • Trẻ có hệ miễn dịch suy yếu;
  • Trẻ sơ sinh trong những cơ sở chăm sóc trẻ em đông đúc;
  • Người ở bậc trung niên;
  • Người trưởng thành mắc các bệnh suy tim, hen suyễn, sung huyết hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính;
  • Người bị suy giảm miễn dịch, gồm: Người bị bệnh bạch cầu, người ghép tạng hoặc người bị HIV/AIDS;
  • Không che mũi, miệng khi tiếp xúc với người bệnh trong lúc ho hoặc hắt hơi.
nhiem-trung-duong-ho-hap-tren-cap-3.jpg
Trẻ sinh non dễ mắc nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp

Triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp

Dưới đây là những triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp phổ biến nhất:

  • Sốt nhẹ;
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi;
  • Ho khan và không có đờm;
  • Viêm họng;
  • Nhức đầu ở mức nhẹ;
  • Thở nhanh hoặc khó thở;
  • Da tím tái do thiếu oxy;
  • Những triệu chứng của bệnh viêm xoang như chảy nước mũi nhiều, đôi khi bị đau đầu và sốt.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập ở đây. Nếu gặp phải những triệu chứng tăng nặng dưới đây, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám:

  • Cần cảnh giác nếu bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp trên kèm theo ớn lạnh cùng lúc với sốt và khó thở. Đây thường không phải là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp. Những tín hiệu này là chỉ báo cho một loại bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn như cúm, viêm phổi hoặc viêm phế quản cấp.
  • Trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ đang mang thai và những người bị hen suyễn mắc bệnh này mà gặp tình trạng khó thở thì nên đi khám bác sĩ ngay.
  • Bị nhiễm trùng đường hô hấp trên đồng thời thấy buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy kéo dài.
  • Khi trẻ bị sốt, đặc biệt là với trẻ dưới 3 tháng tuổi, cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra xem có bị nhiễm trùng không vì hệ thống miễn dịch của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện.
  • Cảm lạnh thường có thể tự hết trong vòng một tuần. Nếu triệu chứng kéo dài, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
nhiem-trung-duong-ho-hap-tren-cap-4.jpg
Cần cảnh giác nếu buồn nôn trong khi bị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp

Điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên cấp

Nếu bệnh nhẹ, bạn có thể chỉ cần điều trị tại nhà để giảm triệu chứng và sự khó chịu. Nếu bị viêm đường hô hấp trên cấp nặng hơn, bệnh nhân cần phải đến bệnh viện điều trị.

Trong trường hợp bị ở mức nhẹ, bệnh nhân có thể dùng thuốc không kê toa để làm giảm triệu chứng. Acetaminophen giúp giảm sốt hiệu quả. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc kháng sinh nếu bệnh nhân gặp biến chứng liên quan đến vi khuẩn, ví dụ như viêm phổi do vi khuẩn.

Việc bổ sung vitamin C là cần thiết trong giai đoạn này để tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, bạn cũng cần nghỉ ngơi nhiều hơn và uống nhiều nước. Việc theo dõi thường xuyên các dấu hiệu mất nước cũng rất quan trọng, ví dụ như: Khô miệng, tiểu ít, mắt trũng, lờ đờ, mệt mỏi hay buồn ngủ.

Ngoài ra, nếu bạn bị nặng, bác sĩ có thể sẽ truyền dịch và làm ẩm oxy cho bạn. Trẻ nhỏ bị khó thở sẽ được cân nhắc sử dụng máy thở. Biện pháp hít hơi nước an toàn và súc miệng với nước muối cũng giúp giảm nhẹ các triệu chứng. Bác sĩ có thể sẽ kê thuốc giảm đau như acetaminophen và thuốc chống viêm không steroid để giúp bệnh nhân giảm sốt và đau nhức.

Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn đọc tìm hiểu về bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp, các triệu chứng và cách điều trị bệnh. Nếu mắc phải căn bệnh này, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, theo dõi và điều trị tại nhà từ đầu để tránh bị trở nặng. Ngoài ra, bạn cũng cần thường xuyên nâng cao sức khỏe để tăng sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh một cách chủ động.

Xem thêm: Nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp có nguy hiểm không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm