Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nhiễm trùng vết mổ sọ não tuy không phổ biến, chỉ chiếm 1 - 11% tổng số ca mổ não nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế, việc người bệnh tìm hiểu tình trạng này để chủ động ngăn ngừa là điều vô cùng cần thiết. Vậy nhiễm trùng vết mổ sọ não là gì? Câu trả lời sẽ được bật mí trong bài viết này của Nhà thuốc Long Châu.
Trên thực tế, các ca mổ sọ não nếu không đảm bảo an toàn có thể có nguy cơ cao mắc nhiễm trùng vết mổ. Vậy dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng vết mổ sọ não là gì? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ra sao và hướng chẩn đoán cũng như điều trị như thế nào? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ngay bạn nhé.
Nhiễm trùng vết mổ sọ não được đánh giá là một trong những biến chứng nặng sau phẫu thuật sọ não. Nhiễm trùng vết mổ sọ não có thể là nhiễm trùng vết mổ nông hoặc nhiễm trùng sâu hơn như viêm màng não, mủ dưới màng cứng, viêm tủy xương sọ hoặc áp xe não.
Trong trường hợp có viêm màng não sau phẫu thuật, người bệnh chỉ có thể điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên trong trường hợp có liên quan đến nhiễm trùng vạt xương, áp xe não hoặc tụ mủ dưới màng cứng thì người bệnh cần được phẫu thuật lại.
Trên thực tế, sau các thủ thuật và phẫu thuật thần kinh thì nhiễm trùng vết mổ sọ não thường xuất hiện dưới dạng viêm màng não, mủ dưới màng cứng hoặc áp xe não. Mặc dù tình trạng viêm màng não có thể xảy ra sau bất kỳ hình thức phẫu thuật sọ não này nhưng phổ biến hơn cả vẫn là sau khi tiếp cận hố sau và có liên quan đến rò dịch não tủy.
Những dấu hiệu cũng như triệu chứng báo hiệu nhiễm trùng vết mổ nói chung và nhiễm trùng vết mổ sọ não nói riêng bao gồm sốt, sưng, nóng hoặc đỏ và tăng cảm giác đau. Cụ thể:
Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng: Nhiễm trùng vết mổ sọ não có thể gây ra bởi rất nhiều yếu tố như rò rỉ dịch não tủy, thời gian phẫu thuật kéo dài trên 4 giờ, các thủ thuật có liên quan đến xoang mũi hoặc nền sọ, xạ trị trước đó hoặc phẫu thuật cấp cứu…
Trên thực tế việc xác định chính xác nguyên nhân gây nhiễm trùng vết mổ sọ não, nguồn lây nhiễm ban đầu là điều rất quan trọng và cấp bách bởi nguồn lây nhiễm có thể là dị vật hoặc nhiễm trùng bắt nguồn từ một cơ quan cũng như vị trí não đó trong cơ thể. Trong các đơn vị phẫu thuật, nguồn lây nhiễm phổ biến là nhiễm trùng vết mổ sọ não và thiếu sót khi chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật.
Các yếu tố dẫn đến tình trạng nhiễm trùng vết mổ sọ não có thể được chia thành yếu tố liên quan đến người bệnh, bệnh và cơ sở y tế cũng như cách điều trị. Cụ thể, các yếu tố có liên quan đến nhiễm trùng như giới tính, thời gian nằm viện lâu, các bệnh lý như đái tháo đường và tăng huyết áp, mất máu trong phẫu thuật, phẫu thuật chấn thương, khối u… Thêm vào đó, người bệnh trải qua phẫu thuật khối u nội sọ phải đối mặt với vô số rủi ro có liên quan đến thể trạng và việc điều trị.
Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học, nguy cơ tái nhiễm trùng có thể tăng bởi nhiễm trùng vết mổ sọ não. Điều này có thể bắt nguồn từ sự bùng phát của vi khuẩn còn sống sót không được loại bỏ do hình thành màng sinh học.
Xét nghiệm và chụp hình ảnh học có ý nghĩa rất lớn trong việc chẩn đoán sớm và xác định chính xác tình trạng nhiễm trùng vết mổ sọ não. Căn cứ vào bệnh sử của người bệnh, các bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng cũng như kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng vết mổ sọ não hoặc hệ thần kinh trung ương, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm các thăm dò cận lâm sàng bổ sung như chọc dò tủy sống, chẩn đoán hình ảnh.
Trên thực tế, chụp CT cũng có thể giúp bác sĩ phát hiện các bất thường như áp xe não hoặc tụ mủ dưới màng cứng. Tuy nhiên, các đặc điểm nhiễm trùng vết mổ sọ não trên hình ảnh thu được qua phương pháp chụp CT không đặc hiệu và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Với độ phân giải rõ nét của quét MRI, các bác sĩ thường ưu tiên lựa chọn phương pháp chụp MRI để xác nhận và loại trừ chẩn đoán nhiễm trùng vết mổ sọ não.
Khi điều trị nhiễm trùng vết mổ sọ não, việc làm quan trọng giúp bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán đúng và hướng điều trị tối ưu là phát hiện mầm vi khuẩn gây nên tình trạng này. Nuôi cấy dịch não tủy là tiêu chuẩn vàng để khẳng định chẩn đoán viêm màng não gây ra bởi vi khuẩn song nuôi cấy CSF thường không phát hiện được vi sinh vật gây bệnh, nhất là khi người bệnh đã sử dụng kháng sinh.
Điều trị bằng thuốc kháng sinh nên được bắt đầu ngay khi nghi ngờ có viêm màng não do vi khuẩn. Sau khi đã xác định được mầm bệnh, các bác sĩ có thể điều chỉnh liệu pháp kháng sinh sao cho phù hợp. Việc lựa chọn liệu pháp sẽ phụ thuốc vào tính nhạy cảm với kháng sinh trong ống nghiệm. Ngoài ra, các bác sĩ cũng cần chú ý đến sự xâm nhập của chất chống vi trùng vào dịch não tủy.
Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh, các bác sĩ cũng điều trị nhiễm trùng vết mổ sọ não bằng cách mở rộng vết thương và loại bỏ hết phần mủ hoại tử, cắt bỏ màng cứng bị nhiễm trùng sau đó tạo hình lại màng cứng…
Dự phòng nhiễm trùng vết mổ sọ não ngay tại cơ sở y tế là điều cần thiết. Tình trạng nhiễm trùng vết mổ sọ não cần được nhận biết càng sớm càng tốt, ngay cả khi tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ thuật vô trùng và sử dụng kháng sinh dự phòng bởi trên thực tế vẫn có một số ít trường hợp nhiễm trùng nặng đến mức phải tiến hành phẫu thuật lại.
Tất cả các bước từ khâu chuẩn bị đến quá trình phẫu thuật và hậu phẫu đều cần được thực hiện một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng. Thêm vào đó, bác sĩ cũng cần chú ý đến yếu tố bệnh nền của người bệnh bởi một số bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Song song với đó, để giảm nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật, người bệnh cần được dùng kháng sinh dự phòng, chăm sóc vết mổ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ đồng thời tái khám định kỳ sau khi xuất viện để kịp thời phát hiện tình trạng nhiễm trùng vết mổ sọ não (nếu cần).
Như vậy, có thể thấy rằng nhiễm trùng vết mổ sọ não là tình trạng vô cùng nguy hiểm, cần được phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời. Hy vọng với những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về tình trạng nhiễm trùng vết mổ sọ não. Chúc bạn luôn có thật nhiều sức khỏe và cảm ơn bạn đã luôn dành thời gian để dõi theo Nhà thuốc Long Châu.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương
Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.