Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất? Yếu tố nào ảnh hưởng đến nhịp tim con người?

Ngày 16/05/2024
Kích thước chữ

Nhịp tim là một chỉ số quan trọng trong sức khỏe tim mạch và tổng thể của cơ thể. Không chỉ thể hiện sự hoạt động của trái tim, mà còn có thể phản ánh tình trạng sức khỏe nói chung. Vậy, nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất? Đây không chỉ là một câu hỏi đơn giản, mà còn liên quan đến nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính và mức độ hoạt động của mỗi người.

Nhịp tim là thước đo cho sự sống và sức khỏe. Nhịp tim quá nhanh hay quá chậm đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vậy, nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất?

Nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất?

Nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất? Nhịp tim "tốt nhất" phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể chất và tình trạng sức khỏe tổng thể. Nhịp tim bình thường cho người trưởng thành thường dao động trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp/phút khi ở trạng thái nghỉ.

Nhịp tim nghỉ ngơi ở mức nào được coi là tốt nhất?

Nhịp tim nghỉ ngơi ở mức nào được coi là tốt nhất? Đối với phần lớn người trưởng thành khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên, khoảng 60 đến 100 nhịp mỗi phút được coi là tốt nhất khi họ đang nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhịp tim nằm ngoài phạm vi này vẫn có thể được coi là tốt. Ví dụ, các vận động viên chuyên nghiệp được đào tạo chăm chỉ để tham gia các cuộc thi có thể có nhịp tim nghỉ ngơi dưới 40 nhịp mỗi phút. Điều này cho thấy họ có cơ tim hoạt động hiệu quả và sức khỏe tim mạch tốt hơn, cung cấp máu hiệu quả hơn trong mỗi nhát bóp. Tuy nhiên, đối với người bình thường, nhịp tim quá chậm có thể đưa đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

 Nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất? Yếu tố nào ảnh hưởng đến nhịp tim con người? 1
Nhịp tim tốt nhất có thể khác nhau ở từng người

Nhịp tim khi chạy bộ bao nhiêu là tốt?

Nhịp tim tối đa là nhịp tim mà tim của bạn đạt được khi bạn đang hoạt động với cường độ cao nhất, ví dụ như nhịp tim khi chạy bộ.

Cách tính nhịp tim tối đa của một người thường là lấy con số 220 trừ đi số tuổi của họ. CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh) khuyến nghị rằng bạn nên nhắm đến mức nhịp tim tốt nhất là từ 64% đến 76% của nhịp tim tối đa với các bài tập ở cường độ vừa, và từ 77% đến 93% của nhịp tim tối đa với các bài tập ở cường độ cao.

Tuy nhiên, có một số yếu tố cần xem xét khi đặt biểu đồ tỷ lệ nhịp tim mục tiêu của mỗi người. Trước khi bắt đầu tập các bài tập với cường độ mạnh, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng không có rủi ro gì đối với sức khỏe của bạn.

Độ tuổi: Yếu tố quan trọng khi đánh giá nhịp tim

Nếu bạn quan tâm về nhịp tim lý tưởng của người già, điều này có thể thay đổi tùy theo từng người. Tuổi tác và trạng thái sức khỏe tổng quát có thể làm biến đổi nhịp tim. Thường thì, nhịp tim càng trẻ thì càng nhanh. Ngược lại, khi lớn tuổi hơn, nhịp tim có thể chậm lại.

Ví dụ, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng giới hạn nhịp tim nghỉ ngơi lý tưởng cho người trên 60 tuổi là 95 nhịp/phút.

Nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất theo từng độ tuổi cụ thể như sau:

  • Trẻ sơ sinh (0 đến 4 tuần): 100 - 205 nhịp/phút.
  • Trẻ nhỏ (4 tuần đến 1 tuổi): 100 - 180 nhịp/phút.
  • Trẻ mẫu giáo (1 đến 3 tuổi): 98 - 140 nhịp/phút.
  • Trẻ mầm non (3 đến 5 tuổi): 80 - 120 nhịp/phút.
  • Học sinh (5 đến 12 tuổi): 75 - 118 nhịp/phút.
  • Thanh thiếu niên (13 đến 18 tuổi): 60 - 100 nhịp/phút.
  • Người trưởng thành trẻ (18 đến 20 tuổi): 68 - 96 nhịp/phút.
  • Người trưởng thành (21 đến 30 tuổi): 65 - 95 nhịp/phút.
  • Người trưởng thành (31 đến 40 tuổi): 63 - 94 nhịp/phút.
  • Người trưởng thành (41 đến 50 tuổi): 61 - 90 nhịp/phút.
  • Người trung niên (51 đến 60 tuổi): 60 - 87 nhịp/phút.
  • Người trung niên (61 đến 70 tuổi): 60 - 86 nhịp/phút.
  • Người cao tuổi (71 đến 80 tuổi): 63 - 85 nhịp/phút.
Nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất? Những yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim của con người 1
Nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất tùy thuộc vào nhiều yếu tố

Những yếu tố khác ảnh hưởng đến nhịp tim của mỗi người

Ngoài tuổi tác và mức độ hoạt động, còn có nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến nhịp tim lý tưởng của bạn. Những yếu tố này bao gồm:

  • Trạng thái ngủ - thức: Nhịp tim khi ngủ thường chậm hơn so với khi bạn thức. Đồng thời, trong suốt quá trình giấc ngủ, nhịp tim thường biến đổi theo các giai đoạn khác nhau. Ban đầu, khi bạn đang ngủ nhẹ, nhịp tim bắt đầu giảm. Khi chuyển sang giấc ngủ sâu, nhịp tim đạt đến mức thấp nhất. Trong giai đoạn giấc ngủ chuyển động nhanh mắt (REM), nhịp tim có thể tăng lên nhanh chóng, tương tự như khi bạn thức.
  • Giới tính: Nam giới thường có nhịp tim thấp hơn so với nữ giới.
  • Nhiệt độ cơ thể và môi trường: Sốt hoặc nhiệt độ môi trường cao có thể làm tăng nhịp tim.
  • Tư thế cơ thể: Thay đổi tư thế từ nằm sang đứng hoặc ngồi đột ngột có thể gây ra tăng nhịp tim.
  • Trạng thái cảm xúc: Cảm xúc như căng thẳng hoặc lo lắng có thể khiến nhịp tim tăng lên so với bình thường.
  • Cân nặng: Thừa cân có thể tạo áp lực thêm cho tim, dẫn đến tăng nhịp tim.
  • Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm thay đổi nhịp tim, làm chậm hoặc tăng tốc độ đập của tim.
  • Chất kích thích: Uống trà, cà phê, hút thuốc lá, và sử dụng các chất kích thích khác có thể gây ra tăng nhịp tim.
  • Bệnh lý nền: Các bệnh lý như bệnh tim mạch, cao cholesterol hoặc tiểu đường có thể ảnh hưởng đến nhịp tim.
Nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất? Những yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim của con người 2
Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến nhịp tim của bạn

Biện pháp duy trì nhịp tim khỏe mạnh

Mặc dù nhịp tim lý tưởng có thể khác nhau tùy theo từng người, nhưng nhịp tim nghỉ ngơi không đều hoặc nhịp tim tối đa thấp có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim và tử vong.

Nếu nhịp tim luôn cao hơn 100 nhịp mỗi phút (nhịp tim nhanh) hoặc thấp hơn 60 nhịp mỗi phút mà không phải do vận động lực lượng mà gây ra (nhịp tim chậm), bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đặc biệt là nếu bạn cảm thấy chóng mặt, khó thở hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác.

Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể thực hiện để kiểm soát nhịp tim tại nhà:

  • Tập thể dục: Như các cơ bắp khác trên cơ thể, việc tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Hoạt động thể chất giúp trái tim hoạt động hiệu quả hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn khi bạn nghỉ ngơi. Một số bài tập đặc biệt tốt cho tim bao gồm yoga, aerobic, đi bộ và chạy bộ.
  • Dừng hút thuốc: Hút thuốc lá ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Khi bạn ngừng hút thuốc, trái tim bắt đầu phục hồi gần như ngay lập tức. Chỉ sau 20 phút ngừng hút thuốc, nhịp tim và huyết áp của bạn sẽ bắt đầu điều hòa về mức ổn định hơn.
  • Thư giãn: Các kỹ thuật thở sâu và thiền định có thể giúp đưa nhịp tim trở lại bình thường. Đồng thời, giảm cảm giác lo lắng, căng thẳng cũng có thể làm giảm nhịp tim.
Nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất? Những yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim của con người 3
Thường xuyên tập thể dục để cải thiện sức khỏe giúp kiểm soát nhịp tim

Mong rằng qua bài viết trên bạn có thể hiểu được nhịp tim bao nhiêu là tốt nhất. Nhịp tim là một chỉ số quan trọng cho sức khỏe tim mạch của chúng ta. Tuy nhiên, không có một con số duy nhất cho nhịp tim được coi là lý tưởng cho mọi người, mà nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính, và tình trạng sức khỏe tổng quát. 

Việc duy trì một nhịp tim ổn định và phù hợp với cơ thể của mỗi người là quan trọng nhất. Đề xuất tham khảo ý kiến của bác sĩ để xác định mức nhịp tim phù hợp nhất và thực hiện các biện pháp để duy trì sức khỏe tim mạch tốt nhất.

Xem thêm: Nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm đối với người bình thường?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin