So với nhịp tim nhanh, tình trạng tim đập chậm (hay nhịp tim thấp) ít khi xảy ra hơn nhưng lại có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân hơn. Vì vậy, bác sĩ luôn khuyến khích người bị nhịp tim chậm nên sớm đến thăm khám để được điều trị kịp thời, hiệu quả. Vậy nhịp tim chậm có nguy hiểm không? Biện pháp duy trì nhịp tim ổn định là gì?
Nhịp tim chậm là bệnh gì?
Trước khi tìm hiểu nhịp tim chậm có nguy hiểm không chúng ta cần tìm hiểu xem nhịp tim chậm là như thế nào? Ở người trưởng thành, nhịp tim đập vào khoảng 60 đến 100 lần/phút khi nghỉ ngơi. Nếu tim bạn đập ít hơn 60 lần một phút thì được cho là nhịp tim chậm. Tuy nhiên, nhịp tim chậm khoảng 40 đến 50 nhịp/phút là điều bình thường đối với một số người khỏe mạnh hoặc vận động viên thể thao, bởi nhịp tim của họ chỉ cần co bóp ít đã đủ để dẫn máu đi nuôi cơ thể.
Nếu tim bạn đập ít hơn 60 lần một phút thì được cho là nhịp tim chậm
Trong một số trường hợp như lớn tuổi, nhịp tim chậm khi ngủ sâu, vận động thì nhịp tim thấp hơn 60 lần/phút thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp nhịp tim chậm là dấu hiệu của một hoặc nhiều bệnh về tim mạch.
Nguyên nhân gây ra tình trạng nhịp tim chậm
Có khá nhiều nguyên nhân như sau:
- Bệnh tim bẩm sinh.
- Tim thiếu máu cục bộ.
- Bị ngộ độc do hóa chất hoặc thảo dược.
- Bị nhồi máu cơ tim cấp.
- Bệnh nhân bị tổn thương hệ dẫn truyền.
- Sử dụng thuốc: Digoxin, chẹn beta giao cảm.
- Người mắc rối loạn chuyển hóa: Tan máu, tăng/hạ kali máu, suy giảm thân nhiệt, bị suy giáp, giảm oxy máu.
Dấu hiệu khi bị nhịp tim chậm
Những dấu hiệu và triệu chứng khi nhịp tim chậm:
- Khi gắng sức thường bị mệt mỏi.
- Thường xuyên hoa mắt, chóng mặt.
- Cảm giác khó thở.
- Bị ngất, xỉu.
- Đau tức ngực.
Ai có nguy cơ bị nhịp tim chậm?
Những ai có nguy cơ mắc phải nhịp tim chậm:
- Người cao tuổi.
- Bệnh nhân mắc chứng cao huyết áp, đái tháo đường.
- Người hút thuốc lá, nghiện rượu bia.
- Sử dụng các loại thuốc thời gian dài: Digoxin, thuốc chống loạn nhịp tim.
Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?
Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?
Nhiều người thắc mắc rằng nhịp tim thấp có nguy hiểm không? Nếu không điều trị nhịp tim chậm kịp thời và đúng cách, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng. Mức độ nguy hiểm của các biến chứng còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên bệnh. Các biến chứng nhịp tim chậm có thể là:
- Thường xuyên ngất.
- Suy tim.
- Ngừng tim đột ngột hoặc đột tử.
Biện pháp điều trị bệnh nhịp tim chậm
Dựa theo tình trạng của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cấp cứu:
- Sử dụng máy tạo nhịp tim tạm thời hoặc máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
- Nhịp tim chậm gây ra rối loạn huyết động: Dùng một số thuốc cấp cứu thích hợp và đặt máy giúp tạo nhịp tim tạm thời để cấp cứu.
- Điều chỉnh những rối loạn về điện giải hay thăng bằng kiềm toan,…
- Nhịp tim chậm mạn tính: Một khi xuất hiện những dấu hiệu có liên quan đến chậm nhịp tim sẽ cần phải đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
- Chữa trị nội khoa bằng Theophylline được dùng cho các bệnh nhân có nghi ngờ trong chẩn đoán, khi những triệu chứng liên quan đến nhịp tim chậm chưa cụ thể, rõ ràng,…
Cách để duy trì nhịp tim ổn định, bình thường
Quả tim khỏe mạnh với nhịp tim ổn định sẽ giúp các cơ quan của cơ thể hoạt động với năng suất cao và hiệu quả tốt nhất. Vì vậy việc duy trì nhịp tim bình thường giúp bảo vệ sức khỏe cho hệ thống tim mạch và toàn bộ cơ thể. Một số cách dưới đây sẽ giúp bạn bảo vệ quả tim của bản thân thật khỏe mạnh:
Hạn chế suy nghĩ tiêu cực, gây stress
Hạn chế suy nghĩ tiêu cực, áp lực mỗi ngày. Trong cuộc sống hiện đại, có nhiều lo toan nên con người không thể tránh khỏi những gánh nặng, áp lực mỗi ngày. Thế nhưng chúng ta cần thay đổi suy nghĩ và tự tạo ra cho mình nguồn năng lượng tích cực. Những căng thẳng, stress hàng ngày chính là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hoạt động của nhịp tim và huyết áp.
Hạn chế suy nghĩ tiêu cực, áp lực mỗi ngày
Chế độ ăn uống khoa học
Béo phì chính là một trong những yếu tố gây ra những bất thường về mỡ máu và các vấn để liên quan tim mạch. Cân nặng quá mức sẽ khiến hoạt động cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng bị cản trở, từ đó quả tim sẽ phải co bóp mạnh mẽ và nhanh chóng hơn để tăng lưu lượng máu. Vì vậy, chúng ta nên có chế độ ăn uống phù hợp, khoa học để tránh tình trạng béo phì.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống còn giúp cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể một cách tốt nhất vì hệ miễn dịch chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thức ăn chúng ta ăn hằng ngày. Mọi người nên ưu tiên các thực phẩm chứa omega 3, các khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể và hệ tim mạch.
Không hút thuốc lá, uống cà phê
Cà phê và thuốc lá là các chất kích thích gây hại cho sức khỏe chúng ta, nhất là đối với hệ tim mạch. Thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà tim mạch cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Luyện tập thể dục thường xuyên
Mỗi cá nhân đều có chế độ luyện tập riêng phù hợp với cơ địa và tình hình sức khỏe. Cần xây dựng một chế độ rèn luyện phù hợp cho bản thân và thực hiện thường xuyên để giúp cơ thể đảm bảo nhịp tim ổn định và bảo vệ quả tim khỏe mạnh. Đi bộ, chạy bộ hay thực hiện các bài tập vận động nhẹ cũng là cách làm tăng nhịp tim tại nhà khá hiệu quả.
Hy vọng với những thông tin trên đây, mọi người có thể trả lời được thắc mắc nhịp tim chậm có nguy hiểm không?Nhịp tim chậm là tình trạng rối loạn nhịp tim mà bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc phải. Tốt nhất, mỗi người hãy đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để có thể kịp thời xử lý.
Phương Nhi
Nguồn tham khảo: Tổng hợp