Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhịp nhanh QRS rộng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tuệ Nghi

22/03/2025
Kích thước chữ

Nhịp nhanh QRS rộng là một loại loạn nhịp tim nghiêm trọng, đặc trưng bởi tần số tim nhanh và phức bộ QRS kéo dài trên 120ms. Tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc chẩn đoán đúng nguyên nhân là rất quan trọng để lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân.

Nhịp nhanh QRS rộng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và việc phát hiện sớm, xác định đúng nguyên nhân là rất quan trọng. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về các nguyên nhân, triệu chứng điển hình cũng như phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Tổng quan về nhịp nhanh QRS rộng

Nhịp nhanh QRS rộng là một rối loạn nhịp tim đặc trưng bởi hai yếu tố chính đó là tần số tim nhanh (thường trên 100 nhịp/phút) và phức bộ QRS trên điện tâm đồ kéo dài hơn 120ms. Đây là dấu hiệu cho thấy quá trình dẫn truyền điện trong tim bị rối loạn, có thể bắt nguồn từ vấn đề ở tâm thất hoặc sự dẫn truyền bất thường từ trên xuống dưới.

Tình trạng nhịp nhanh QRS rộng không chỉ là một triệu chứng mà còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý tiềm ẩn, từ nhịp nhanh thất nguy hiểm đến nhịp nhanh trên thất với dẫn truyền lệch hướng như trong hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW).

Chính vì thế, việc nhận diện và phân loại chính xác nhịp nhanh QRS rộng là bước đầu tiên để điều trị hiệu quả từ đó phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Nhịp nhanh QRS rộng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 1
Nhịp nhanh QRS rộng là một dạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng

Nguyên nhân gây nhịp nhanh QRS rộng

Nhịp nhanh QRS rộng có thể được phân loại thành ba nhóm nguyên nhân chính. Mỗi nhóm liên quan đến các cơ chế sinh lý hoặc yếu tố ngoại lai khác nhau, cụ thể:

Nhịp nhanh thất

Nhịp nhanh thất là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến nhịp nhanh QRS rộng. Nhịp nhanh thất xảy ra khi các tín hiệu điện bất thường phát sinh từ tâm thất, thường liên quan đến các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim giãn hoặc xơ hóa cơ tim.

Trong nhịp nhanh thất, phức bộ QRS trên điện tâm đồ có thể có hình thái đồng dạng hoặc đa dạng tùy thuộc vào mức độ tổn thương của cơ tim. Những bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc sẹo cơ tim là nhóm có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.

Nhịp nhanh trên thất với dẫn truyền lệch hướng

Không phải tất cả các trường hợp nhịp nhanh QRS rộng đều xuất phát từ tâm thất. Trong một số trường hợp, nhịp nhanh trên thất (từ tâm nhĩ hoặc nút nhĩ thất) có thể dẫn đến QRS rộng do dẫn truyền bất thường qua hệ thống dẫn truyền hoặc qua các đường dẫn truyền phụ.

Một ví dụ điển hình là hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW). Trong hội chứng này, nhịp nhanh trên thất được dẫn truyền qua bó phụ tạo ra phức bộ QRS rộng.

Nhịp nhanh trên thất với dẫn truyền lệch hướng thường ít nguy hiểm hơn nhịp nhanh thất nhưng vẫn cần được xử trí kịp thời.

Nhiễu từ điện tâm đồ (ECG)

Một số trường hợp nhịp nhanh QRS rộng không phản ánh rối loạn nhịp tim mà chỉ là kết quả của nhiễu kỹ thuật. Các yếu tố như tiếp xúc kém giữa điện cực và da, nhiễu từ thiết bị điện tử xung quanh hoặc chuyển động của bệnh nhân trong quá trình ghi ECG có thể tạo ra hình ảnh QRS rộng giả. Do đó, việc kiểm tra lại kỹ thuật ghi và loại trừ nhiễu là bước quan trọng trước khi đưa ra kết luận chính xác.

Triệu chứng của nhịp nhanh QRS rộng

Triệu chứng của nhịp nhanh QRS rộng rất đa dạng, phụ thuộc vào nguyên nhân, tần số nhịp tim và tình trạng huyết động của người bệnh.

Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể cảm thấy các triệu chứng như:

  • Đánh trống ngực (cảm giác tim đập nhanh và mạnh).
  • Chóng mặt hoặc choáng váng.
  • Mệt mỏi bất thường.

Tuy nhiên, khi nhịp tim tăng quá nhanh hoặc kéo dài, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Khó thở do giảm lượng máu bơm ra từ tim.
  • Đau ngực, đặc biệt nếu có bệnh lý mạch vành tiềm ẩn.
  • Ngất xỉu do giảm tưới máu não.

Trong các trường hợp nặng, nhịp nhanh QRS rộng có thể gây giảm tưới máu toàn cơ thể dẫn đến tình trạng tím tái, da lạnh và ẩm hoặc thậm chí là đột tử nếu không được cấp cứu kịp thời. Đặc biệt, nhịp nhanh thất có thể kèm theo nguy cơ chuyển thành rung thất - một tình trạng đe dọa tính mạng.

Nhịp nhanh QRS rộng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 2
Đánh trống ngực là một trong những dấu hiệu cảnh báo nhịp nhanh QRS rộng

Chẩn đoán và điều trị nhịp nhanh QRS rộng

Nhịp nhanh QRS rộng cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Về chẩn đoán

Chẩn đoán nhịp nhanh QRS rộng yêu cầu sự kết hợp giữa đánh giá các triệu chứng lâm sàng và các thăm dò cận lâm sàng để xác định chính xác nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng. Các bước chẩn đoán bao gồm:

  • Đánh giá bệnh sử: Bác sĩ sẽ khai thác các yếu tố như tiền sử bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, suy tim), thuốc đang sử dụng (như thuốc chống loạn nhịp) hoặc các triệu chứng gần đây người bệnh gặp phải để định hướng chẩn đoán.
  • Khám thực thể: Việc kiểm tra huyết áp, mạch và các dấu hiệu suy tim (phù, tĩnh mạch cổ nổi, da lạnh ẩm) giúp đánh giá mức độ ổn định huyết động của bệnh nhân.
  • Điện tâm đồ (ECG): ECG là công cụ quan trọng nhất để xác định nhịp nhanh QRS rộng. Bác sĩ sẽ phân tích hình thái phức bộ QRS, trục điện tim và các dấu hiệu khác như block nhánh trái/phải hoặc bất thường trong hệ thống His-Purkinje. Một số tiêu chí như sự hiện diện của sóng delta (trong WPW) hoặc hình thái nhịp nhanh thất đồng dạng cũng được xem xét.
  • Siêu âm tim: Nếu nghi ngờ có bệnh lý tim mạch nền như suy tim, bệnh cơ tim hoặc bất thường van tim, siêu âm tim sẽ được chỉ định để đánh giá chức năng và cấu trúc tim.
Nhịp nhanh QRS rộng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 3
Siêu âm tim là một trong các biện pháp hỗ trợ chẩn đoán nhịp nhanh QRS rộng

Về điều trị

Phương pháp điều trị nhịp nhanh QRS rộng phụ thuộc vào tình trạng huyết động và nguyên nhân, cụ thể:

  • Xử trí ban đầu: Nếu bệnh nhân ổn định về huyết động (không có dấu hiệu suy tuần hoàn), các thuốc chống loạn nhịp như amiodarone hoặc procainamide có thể được chỉ định để khôi phục nhịp tim bình thường. Nếu bệnh nhân không ổn định (huyết áp thấp, ngất hoặc suy hô hấp), sốc điện cấp cứu là lựa chọn ưu tiên để nhanh chóng chấm dứt loạn nhịp.
  • Điều trị theo nguyên nhân: Thuốc chống loạn nhịp như amiodarone hoặc lidocaine thường được chỉ định nếu nguyên nhân là do nhịp nhanh thất. Trong trường hợp tái phát, có thể cần cấy máy khử rung tim (ICD). Nếu nguyên nhân là do nhịp nhanh trên thất với dẫn truyền lệch hướng (WPW) thì sốc điện là phương pháp chính trong cấp cứu, tránh dùng thuốc chẹn nút nhĩ thất như adenosine nếu nghi ngờ có đường dẫn truyền phụ.
  • Điều trị sau cắt cơn: Sau khi kiểm soát được loạn nhịp, bệnh nhân cần được theo dõi bằng ECG và siêu âm tim. Thăm dò điện sinh lý tim có thể được thực hiện để xác định và triệt phá các ổ loạn nhịp (ablation) nếu cần thiết.

Phòng ngừa nhịp nhanh QRS rộng

Để giảm nguy cơ nhịp nhanh QRS rộng, việc duy trì sức khỏe tim mạch và quản lý các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa nhịp nhanh QRS rộng hiệu quả, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Quản lý bệnh tim mạch nền: Các bệnh lý như huyết áp cao, bệnh mạch vành, đái tháo đường và suy tim là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ nhịp nhanh QRS rộng. Vì vậy, việc kiểm soát huyết áp, điều trị bệnh mạch vành và theo dõi thường xuyên các bệnh lý nền này sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển rối loạn nhịp tim. Đặc biệt, những bệnh nhân đã có tiền sử bệnh tim mạch cần được chăm sóc đặc biệt để tránh những biến chứng nghiêm trọng.
  • Lối sống lành mạnh: Một lối sống cân bằng giúp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Điều này bao gồm ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ra, bạn cần hạn chế căng thẳng, tránh các chất kích thích như rượu, thuốc lá và caffeine…
  • Tái khám định kỳ: Đối với những người có tiền sử bệnh tim, việc thăm khám định kỳ với bác sĩ là rất quan trọng. Qua việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, các vấn đề tiềm ẩn có thể được phát hiện và điều trị sớm từ đó giúp ngăn ngừa các rối loạn nhịp tim như nhịp nhanh QRS rộng trước khi chúng gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Nhịp nhanh QRS rộng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 4
Thăm khám sức khỏe định kỳ cùng bác sĩ là việc làm cần thiết

Như vậy, có thể thấy rằng nhịp nhanh QRS rộng là một rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, đòi hỏi phải chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh biến chứng. Ngoài ra, phòng ngừa bằng cách quản lý bệnh lý nền, duy trì lối sống lành mạnh và tái khám định kỳ giúp giảm nguy cơ tái phát và bảo vệ sức khỏe tim mạch lâu dài. Nếu còn thắc mắc gì về chủ đề hôm nay, hãy để lại bình luận phía dưới để được hỗ trợ giải đáp bạn nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin