Trang bị cho bản thân những thông tin cần thiết về căn bệnh này sẽ giúp bạn phòng tránh được các biến chứng suy hô hấp nghiêm trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân và mọi người xung quanh.
Triệu chứng suy hô hấp cấp
Có 2 loại suy hô hấp là suy hô hấp cấp tính và suy hô hấp mạn tính. Bình thường, khi nhắc tới hội chứng suy phổi này, suy hô hấp được hiểu là suy hô hấp cấp.
Suy hô hấp cấp là tình trạng phổi không nhận đủ oxy, làm sụt giảm lượng oxy lưu thông trong máu trong khi nồng độ Carbon dioxide tích tụ trong tế bào lại quá cao. Kết quả là các cơ quan cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết, gây ra hiện tượng khó thở, đầu óc kém minh mẫn, da xanh xao, nhợt nhạt và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Ngoài ra, tùy vào mức độ và tần suất của các đợt suy hô hấp cấp tính, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như thở nặng nhọc, nhịp thở nhanh, tụt huyết áp, chóng mặt, đổ mồ hôi nhiều, hõm trên xương ức và các khoảng gian sườn trở nên rõ ràng hơn,...
Người bệnh suy hô hấp cấp thường có biểu hiện thở nặng nhọc
Đối tượng có nguy cơ mắc suy hô hấp cao hơn bình thường
Hiện tượng suy hô hấp thường có nguy cơ xuất hiện cao hơn ở những nhóm đối tượng sau:
Trẻ sinh non
Trẻ sinh non có khả năng mắc suy hô hấp cao hơn những đứa trẻ khác do phổi của các bé chưa được hoàn thiện nên nguy cơ tăng áp phổi và xuất hiện các dị tật phổi bẩm sinh khác cũng cao hơn.
Trẻ sinh non có khả năng mắc suy hô hấp cao hơn những đứa trẻ khác
Người cao tuổi
Người cao tuổi là đối tượng dễ bị suy hô hấp bởi sức đề kháng của họ giảm dần theo tuổi tác. Người già thường hay bị cảm lạnh, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng phổi cũng như gặp phải các tổn thương ở vùng ngực, phổi vì thế mà tình trạng suy hô hấp cũng trở nặng hơn.
Người tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại thường xuyên
Những người thực hiện các công việc yêu cầu phải thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại hay khói bụi trong thời gian dài sẽ làm phổi bị tổn thương, tạo nên nhiều biến chứng nguy hiểm ở phổi, trong đó có bệnh suy hô hấp cấp tính.
Người tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại thường xuyên dễ bị suy hô hấp
Người thường xuyên hút thuốc, sử dụng chất kích thích
Ở đối tượng sống trong môi trường có nhiều khói thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến phổi cao hơn người bình thường, phổi yếu đi và dễ dẫn đến tình trạng suy hô hấp. Bên cạnh đó, người hay sử dụng các chất kích thích hay uống rượu bia sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh - cơ quan thực hiện kiểm soát hơi thở và làm cho người bệnh thở nông hơn, các đợt suy hô hấp cấp xuất hiện với tần suất cao hơn.
Người có tiền sử mắc bệnh ở đường hô hấp
Tình trạng suy hô hấp có tỷ lệ xảy ra cao hơn ở những người từng mắc phải các chấn thương đường hô hấp như:
-
Khó thở, thiếu không khí ở phổi do suy nhược cơ thể sau đột quỵ, hoặc do ống thở bị xẹp, dị vật mắc kẹt làm nghẽn khí quản của bệnh nhân.
-
Người từng mắc các bệnh lý liên quan đến phổi như viêm phổi, xơ phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)…
-
Người từng mắc các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh và vùng cơ có vai trò kiểm soát hơi thở như chấn thương tủy sống, cong vẹo cột sống, xơ cứng teo cơ một bên (ALS),...
Những biến chứng suy hô hấp nguy hiểm
Ngoài việc làm quá trình hít thở, trao đổi khí diễn ra khó khăn, cơ thể mệt mỏi, xanh xao thì bệnh suy hô hấp cấp còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng con người.
-
Xuất hiện cục máu đông: Bệnh suy hô hấp có thể làm tăng nguy cơ tạo cục máu đông, nhất là các tụ máu ở tĩnh mạch chân. Nếu một phần của cục máu đông này vỡ ra, di chuyển đến phổi, chặn dòng máu đến các mô thì sẽ gây nên hiện tượng thuyên tắc phổi.
-
Tràn khí màng phổi: Trong trường hợp người bệnh mắc suy phổi cấp tiến triển (ARDS) phải dùng đến máy thở để tăng lượng oxy trong cơ thể, áp suất và thể tích do máy nào tạo ra có thể đẩy khí đi qua các lỗ nhỏ bên ngoài phổi và làm tràn khí màng phổi.
-
Nhiễm trùng phổi và đường hô hấp: Do máy thở được đặt trực tiếp vào trong khí quản nên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập và tổn thương hệ thống hô hấp.
-
Xơ phổi: Khi bắt đầu bị ARDS, các mô ở giữa túi khí bị sẹo và dày lên trong vòng vài tuần, hiện tượng này làm phổi xơ cứng hơn.
-
Suy giảm trí nhớ: Lượng oxy máu thấp làm não hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và ghi nhớ của hệ thần kinh, làm người bệnh kém minh mẫn.
Xuất hiện cục máu đông là một trong những biến chứng của suy hô hấp
Suy hô hấp làm chức năng thông khí, trao đổi khí của phổi diễn ra kém hiệu quả, cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng khí để thực hiện các hoạt động sống hằng ngày, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã có thêm những thông tin cần thiết về căn bệnh nguy hiểm này, từ đó hạn chế sự tác động của các biến chứng suy hô hấp, bảo vệ được sức khỏe bản thân và gia đình.
Hoàng Trang
Nguồn tổng hợp