Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Những cách kiềm chế cơn giận hiệu quả mà bạn nên biết

Ngày 06/04/2024
Kích thước chữ

Trong cuộc sống hàng ngày, cơn giận có thể là một cảm xúc mạnh mẽ và khó kiểm soát. Những cơn giận có thể làm xấu đi các mối quan hệ, gây ra hậu quả đáng tiếc và thậm chí đe dọa sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc kiềm chế cơn giận không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hãy cùng khám phá những cách kiểm soát cơn giận một cách hiệu quả nhé!

Nóng giận là một phản ứng tự nhiên của con người trong các tình huống gây khó chịu hoặc xảy ra xung đột. Khả năng kiềm chế cơn giận không chỉ là một kỹ năng quan trọng mà còn là chìa khóa cho sự hòa bình và hạnh phúc trong mối quan hệ cá nhân và xã hội. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những biện pháp giúp bạn kiềm chế cơn giận tốt nhất mà bạn nên áp dụng trong cuộc sống.

Cảm xúc nóng giận là gì?

Nóng giận là một trạng thái cảm xúc mạnh mẽ mà con người thường trải qua khi gặp phải tình huống bất bình. Trong trạng thái này, các cảm xúc như tức giận, bực tức có thể trỗi dậy mạnh mẽ, làm mất kiểm soát và làm thay đổi hành vi của con người. Ở mức độ cảm xúc, cảm giác nóng giận thường được mô tả là một sự kích động, tức tối, và căng thẳng. Tim có thể đập nhanh hơn, hơi thở và cơ thể trở nên nặng nề. Cảm giác nóng giận thường đi kèm với một sự cảm thấy bất lực hoặc bất mãn về một tình huống hoặc hành vi nào đó, và có thể dẫn đến những phản ứng không kiểm soát như nổi giận, gây hấn, hoặc phản ứng tức thì mà sau này có thể hối tiếc. 

nhung-cach-kiem-che-con-gian-hieu-qua-ma-ban-nen-biet 1.jpg
Nóng giận là cảm xúc không thể tránh khỏi trong cuộc sống của mối người

Những tác hại của nóng giận

Nóng giận không chỉ là một trạng thái cảm xúc đơn thuần mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe về mặt vật lý và tinh thần nếu không được kiểm soát một cách hiệu quả. Dưới đây là một số tác hại của cơn giận gây nên.

Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe vật lý

Nóng giận có thể gây ra tăng huyết áp, tăng nhịp tim và gây căng thẳng cho cơ thể. Căng thẳng liên tục có thể dẫn đến các vấn đề về tim mạch, hệ thống tuần hoàn và cơ bắp, cũng như làm yếu hệ miễn dịch.

Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần

Nóng giận gây ra stress và lo âu, làm suy giảm tinh thần, tăng cảm giác mệt mỏi, đau đầu. Nó cũng có thể gây ra vấn đề về giấc ngủ, tạo ra chuỗi cảm xúc tiêu cực như cảm giác tự ti, lo lắng và tuyệt vọng.

nhung-cach-kiem-che-con-gian-hieu-qua-ma-ban-nen-biet 2.png
Tức giận có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ như khó ngủ, ngủ chập chờn

Tác động xấu đến mối quan hệ

Cảm xúc nóng giận thường làm mất kiểm soát và dẫn đến hành động không kiểm soát. Điều này có thể gây ra xung đột và làm xấu đi các mối quan hệ với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp.

Gây hậu quả xấu ảnh hưởng đến xã hội

Nóng giận có thể dẫn đến hành vi gây rối trật tự công cộng, xung đột xã hội và thậm chí là bạo lực. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh.

nhung-cach-kiem-che-con-gian-hieu-qua-ma-ban-nen-biet 3.jpg
Không biết kiềm chế cơn giận có thể gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh

Những biện pháp giúp kiềm chế cơn giận hiệu quả

Sau khi đã hiểu được khái niệm cảm xúc nóng giận là gì cũng như những tác hại mà nó gây nên, đọc tới đây ắt hẳn có nhiều người thắc mắc làm sao để bản thân có thể kiểm soát được cơn giận. Việc tìm hiểu và áp dụng những biện pháp giúp kiềm chế cơn giận hiệu quả là một bước quan trọng trong việc xây dựng nên những mối quan hệ tốt. Hãy cùng nhau khám phá các biện pháp này và tìm hiểu cách chúng có thể giúp chúng ta duy trì sự bình tĩnh và kiểm soát trong mọi tình huống.

Suy nghĩ kĩ trước khi nói hoặc hành động

Khi tức giận, người ta thường có xu hướng nói hoặc hành động một cách vội vã và không cân nhắc. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực như gây tổn thương cho người khác, ảnh hưởng đến các mối quan hệ. Bằng cách suy nghĩ kĩ trước khi nói hoặc hành động, bạn có thể tránh được những hậu quả không mong muốn đối với mối quan hệ của mình.

Hít thở thật sâu

Khi bạn tức giận, cơ thể thường trải qua phản ứng với sự căng thẳng như tăng nhịp tim và tăng tiết cortisol- hormone căng thẳng. Hít thở sâu giúp kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm giảm nhịp tim và hạ huyết áp, giúp làm dịu cơ thể, giảm căng thẳng. Ngoài ra, hít thở sâu kích thích phản ứng thư giãn trong cơ thể làm giảm stress và làm dịu tâm trạng. 

nhung-cach-kiem-che-con-gian-hieu-qua-ma-ban-nen-biet 4.jpg
Hít thở thật sâu là một trong cách giúp bạn kiềm chế cơn giận hiệu quả nhất

Tạo nên suy nghĩ tích cực về vấn đề

Khi bạn nhìn nhận vấn đề từ góc độ tích cực, bạn sẽ tập trung vào việc tìm giải pháp thay vì lún sâu vào những điều tiêu cực của vấn đề. Mỗi tình huống đều mang lại cơ hội học hỏi về bản thân và các kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhìn nhận một cách tích cực giúp bạn rút ra bài học từ mỗi trải nghiệm. Bên cạnh đó, tích cực nhìn nhận vấn đề giúp duy trì mối quan hệ tốt hơn với người khác, bởi vì nó giúp tránh được việc làm tổn thương hoặc xúc phạm người khác trong lúc tức giận.

Vận động thân thể

Bạn hãy thực hiện các bài tập thể dục như yoga, chạy bộ, thiền định,... để làm dịu cơ thể và tinh thần, giảm bớt căng thẳng và lo lắng. Hoạt động vận động cơ thể giải phóng endorphins, hormone giảm đau và tạo ra cảm giác vui vẻ. Các hoạt động thể dục thể thao có thể làm giảm lượng cortisol và adrenaline trong cơ thể do cortisol và adrenaline là hai hormone căng thẳng có thể làm tăng cảm xúc tức giận và làm tăng cảm giác căng thẳng.

nhung-cach-kiem-che-con-gian-hieu-qua-ma-ban-nen-biet 5.jpg
Tập thể dục thể thao làm giải phóng hormone hạnh phúc giúp bạn trở nên bình tĩnh và nhẹ nhàng hơn

Nóng giận là cảm xúc không thể tránh trong đời sống hằng ngày tuy nhiên nếu chúng ta biết cách kiểm soát nó thì cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn. Ngoài các biện pháp nói trên thì việc học cách tha thứ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý cũng có thể giúp chúng ta vượt qua những cảm xúc tiêu cực. Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về chủ đề kiềm chế cơn giận và những vấn đề liên quan.

Xem thêm: Học cách xoa dịu người đang tức giận

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin