Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những dấu hiệu vết thương đang lành, nhiễm trùng và hoại tử

Ngày 30/08/2022
Kích thước chữ

Các vết thương bình thường hầu hết đều tuân theo một quá trình phát triển với dấu hiệu riêng rất rõ ràng. Dưới đây chính là những dấu hiệu vết thương đang lành.

Thời điểm vết thương đang lành chính là lúc cần chăm sóc cẩn thận nhất giúp hạn chế để lại sẹo, mất thẩm mỹ. Vì vậy những dấu hiệu vết thương đang lành được rất nhiều người quan tâm đến. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu những đặc điểm đó trong bài viết dưới đây nhé!

Vết thương hở là gì?

Vết thương hở là những chấn thương có biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài như: Rách, cắt, đâm thủng,… đi kèm với chảy máu, tấy đỏ, sưng ở vùng da xung quanh. Người bệnh sẽ có cảm giác đau đớn, khó chịu.

Đối với các vết thương hở nhỏ, người bệnh hoàn toàn có thể tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên với những vết thương lớn hơn, tổn thương sâu, rộng, chảy máu nhiều thì cần bệnh viện để được xử lý đúng cách, tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Những dấu hiệu vết thương đang lành rõ ràng nhất 1

Vết thương hở biểu hiện rõ ràng trên da 

Quá trình lành bình thường của vết thương 

Thông thường, hầu như những vết thương xuất hiện trên cơ thể bao gồm cả vết thương ngoài da do trầy xước, vết thương khâu hoặc là vết thương sau mổ đều trải qua 4 giai đoạn với những dấu hiệu vết thương đang lành dễ nhận biết như sau: 

Giai đoạn đông máu và viêm

Ngay sau khi xuất hiện vết thương, hệ thống vi mạch sẽ bắt đầu co rút, các tế bào tiểu cầu liên kết với nhau để tạo thành nút tiểu cầu giúp cho máu đông lại. 

Khoảng 1 ngày sau đó, đáp ứng viêm xuất hiện để tạo ra các yếu tố tăng trưởng giúp vết thương lạnh lại nhanh hơn. Những biểu hiện ra bên ngoài của giai đoạn này vô cùng rõ rệt, bệnh nhân hoàn toàn có thể nhìn thấy rõ sự đông máu, vết thương dần khô lại.

Giai đoạn vết thương đóng nắp (hay biểu mô hóa)

Trong vòng 2 ngày tiếp theo, lớp biểu bì sẽ dần hình thành và phủ kín lên trên vết thương để bảo vệ chúng khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, vi trùng. Giai đoạn này bệnh nhân có thể nhìn thấy rõ lớp biểu bì dần hình thành, vết thương bắt đầu chuyển sang màu đen sẫm và khô.

Những dấu hiệu vết thương đang lành rõ ràng nhất 2

Giai đoạn đóng nắp vết thương chuyển màu sậm hơn 

Giai đoạn tái tạo các tế bào collagen mới và phát triển mô hạt

Đây là một trong những giai đoạn quan trọng trong quá trình tái tạo vết thương. Những tế bào collagen mới và mô hạt sẽ lấp đầy và bổ sung cho các thành phần cũ đã bị phá hủy. Dấu hiệu nhận biết là bệnh nhân bắt đầu có cảm giác ngứa nhẹ tại vết thương.

Giai đoạn hình thành da non

Đây là giai đoạn biểu bì dần được hình thành, khôi phục lại toàn vẹn về hình thái và chức năng mô tại vùng da tổn thương về như ban đầu. Hình dạng của sẹo sẽ được quyết định trong giai đoạn này. 

Dấu hiệu vết thương đang lành biểu hiện ra bên ngoài thường thấy là bệnh nhân cảm thấy rất ngứa, các vết thương màu đen sậm khô dần và bong tróc.

Những dấu hiệu vết thương đang lành rõ ràng nhất 3

Khi lên da non người bệnh sẽ cảm thấy rất ngứa ngáy 

Những dấu hiệu vết thương đang lành thường thấy

Hầu hết các vết thương đang lành hoặc tiến triển tốt đều có những dấu hiệu như sau:

  • Đóng vảy: Thông thường sau khi vết thương bị chảy máu, giai đoạn tiếp theo xảy ra chính là đông máu và đóng vảy như chúng tôi đã trình bày ở trên. Tuy nhiên nếu sau một thời gian mà bạn thấy vết thương không đóng vảy, thậm chí là bị chảy nước vàng thì hãy đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra nhé. Đây có thể là dấu hiệu xấu của sự nhiễm khuẩn. 
  • Sưng tấy (diễn ra trong khoảng 5 ngày): Khi nhận thấy dấu hiệu này có nghĩa là các tế bào trong cơ thể đang dần dần chữa lành vết thương. Lúc này, các mạch máu dần nở ra để vận chuyển nhiều máu, oxy và chất dinh dưỡng hơn đến nuôi dưỡng các mô tổn thương.
  • Tăng trưởng mô (diễn ra trong vài tuần): Khi vết thương đã hết sưng tấy, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy những tế bào da mới hình thành trên bề mặt vết thương.
  • Có sẹo: Đây chính là dấu hiệu vết thương đã lành lại, lớp vẩy dần bong ra và để lại một sẹo. Nếu như chăm sóc cẩn thận thì vết sẹo này sẽ dần biến mất. Ngược lại, nếu chăm sóc sai cách, ăn những thực phẩm không phù hợp sẽ dẫn đến sẹo lồi. 

Những dấu hiệu vết thương đang lành rõ ràng nhất 4

Nếu chăm sóc cẩn thận vết sẹo sẽ mờ dần 

 

Dấu hiệu vết thương bị nhiễm trùng

Sưng đỏ và đau là các triệu chứng thường gặp khi bị thương, tuy nhiên tình trạng này chỉ kéo dài từ 1 đến 3 ngày và giảm dần khi có dấu hiệu vết thương đang lành. Nếu vết tấy đỏ, sưng đau kéo dài và lan rộng ra các vị trí khác thì có thể là dấu hiệu cho thấy vết thương bị nhiễm trùng. Có 3 dấu hiệu để nhận biết như:

  • Đau kéo dài: Tình trạng nay xảy ra do cơ thể đang chống chọi với các vi khuẩn gây viêm nhiễm.
  • Vết thương tấy đỏ, sưng kéo dài và lan rộng: Nếu vết thương có dấu hiệu này cần đến bệnh viện để điều trị tránh trở nặng gây hoại tử.
  • Mưng mủ và có mùi hôi: Vết thương bị chảy dịch mủ kèm mùi môi khó chịu, lượng dịch tiết ra ngày càng nhiều.

Dấu hiệu vết thương bị hoại tử

Hoại tử là một tình trạng nghiêm trọng nhất có khả năng đe dạo đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trường hợp này, thường xảy ra khi vết thương bị nhiễm trùng nghiêm trọng do các vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu gây ra. Khị bị hoại tử, buộc phải cắt bỏ bộ phận để đảm bảo an toàn, tránh lây lan sang các vị trí khác.
Có 3 dấu hiệu nhân biết vết thương bị hoại tử cần chú ý:

  • Đau nhức: Cơn đau sẽ tăng dần tuy theo mức độ nghiêm trọng, đây là dấu hiệu điển hình nhất khi bị hoại tử. Đối với trường hợp hoại tử ướt, cơn đau rát thường kèm theo tình trạng viêm, sưng nóng, tấy đỏ và lở loét.
  • Vết thương có mùi hôi: Khi nhận thấy dấu hiệu này, chắc chắn vết thương đã bị nhiễm trùng, cần được sát khuẩn để cải thiện, nếu tiến triển tốt sẽ không dẫn đến hoại tử nghiêm trọng buộc phải cắt bỏ bộ phận hoại tử. Dấu hiệu vết thương đang lành trong trường hợp này là vết thương dần không còn mùi hôi tanh.
  • Sốt: Bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ hoặc cao tuỳ mức độ nghiêm trọng của vết thương. Nếu trên 38.5 độ trong 48 giờ cần đến bệnh viện để điều trị.

Lưu ý giúp vết thương nhanh lành hơn

Để thúc đẩy vết thương hình thành da non mới cũng như hạn chế các biến chứng nhiễm trùng hoặc là sẹo lồi lớn mất thẩm mỹ, bạn cần chú ý:

  • Sử dụng các loại thuốc uống hoặc thuốc bôi ngoài da theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý mua, điều chế các loại thuốc dân gian đắp lên trên vết thương hở. Bởi chúng có thể gây viêm và nhiễm trùng nghiêm trọng cho vết thương, khiến vết thương nặng và khó kiểm soát hơn.
  • Không dùng tay bẩn để động vào vết thương hở bởi việc này có thể vi khuẩn xâm nhập vào vết thương.
  • Vận động quá mạnh cũng có thể gây rách miệng vết thương, làm vết thương nặng và lâu lành hơn.
  • Chú ý che chắn vết thương khi tắm, bởi việc dính nước có thể khiến vết thương nhiễm trùng và mưng mủ lâu ngày. 
  • Băng bó vết thương quá kín sẽ hạn chế lưu thông máu, nên để vết thương tiếp xúc với không khí sẽ giúp quá trình khô và lành nhanh hơn.
  • Khi vết thương bắt đầu đóng vảy thì không nên bóc lớp vảy này ra, tránh khiến cho vết thương chảy máu, lâu lành và để lại sẹo.
  • Uống nhiều nước để thúc đẩy nhanh quá trình tái tạo da mới
  • Chế độ ăn bổ sung nhiều loại đạm lành mạnh để kích thích quá trình sinh da non. Bổ sung nhiều vitamin và chất xơ để tăng sức đề kháng, tránh nhiễm trùng. Hạn chế những thực phẩm quá giàu đạm, chất béo, quá mặn hoặc quá cay sẽ kích thích vết thương.
  • Không ăn thịt gà, đồ nếp vì có thể gây mưng mủ, ngứa ngáy, không ăn rau muống vì có thể gây sẹo lồi. Không ăn thịt bò để hạn chế sẹo thâm. Các loại hải sản cũng nên lưu ý vì khả năng gây dị ứng. 

Những dấu hiệu vết thương đang lành rõ ràng nhất 5

Những đồ ăn cần kiêng để tránh sẹo 

Nắm bắt được những dấu hiệu vết thương đang lành sẽ giúp bạn chủ động hơn trong quá trình theo dõi, chăm sóc. Bên cạnh đó để quá trình lành nhanh và ít để lại sẹo, hãy chú ý những điều chúng tôi đã nêu trên nhé!

Thảo My

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin