Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những điều cần biết về dị tật bàn chân vẹo ở trẻ em

Ngày 17/06/2024
Kích thước chữ

Bàn chân vẹo là một dị tật thường gặp ở trẻ em. Mặc dù dị tật bàn chân vẹo không ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ, nhưng nó gây nhiều khó khăn cho sinh hoạt và vận động, đặc biệt là các hoạt động ở chân, do sự lệch trục chân xảy ra trong quá trình phát triển.

Hiểu rõ về dị tật bàn chân vẹo và phương pháp điều trị hiệu quả sẽ giúp cha mẹ đảm bảo sự phát triển toàn diện và khỏe mạnh cho con em mình. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, và các biện pháp can thiệp sớm nhằm giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn toàn diện và cách tiếp cận đúng đắn đối với dị tật này.

Nguyên nhân của tình trạng bàn chân vẹo

Dị tật bàn chân vẹo (bàn chân khoèo) là một trong những dị tật bẩm sinh phổ biến. Tình trạng này có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai chân của trẻ. Bệnh nhi có thể bị bàn chân vẹo trong hoặc bàn chân vẹo ngoài, nhưng trên lâm sàng, bác sĩ thường gặp những trường hợp bàn chân bị cong vẹo vào bên trong nhiều hơn.

Đến hiện tại, nguyên nhân gây ra dị tật bàn chân vẹo vẫn chưa được xác định rõ ràng. Bất thường giải phẫu chủ yếu liên quan đến xương sên nhỏ hơn bình thường, các gân cơ và dây chằng xung quanh bị co rút. Đầu và cổ của xương sên bị lật ngửa và hướng vào bên trong.

Một số yếu tố trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc dị tật bàn chân vẹo ở trẻ bao gồm:

  • Ảnh hưởng từ bụi công nghiệp và khói thuốc lá;
  • Phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, hoặc nhiễm virus trong giai đoạn thai nghén;
  • Sự co kéo của màng ối;
  • Vị trí sắp xếp không hợp lý của thai nhi trong bụng mẹ;
  • Tình trạng thiểu dưỡng hoặc ít nước ối, khiến cơ tử cung hoặc dây rốn chèn ép lên bàn chân của thai nhi.
Tình trạng thiểu dưỡng hoặc ít nước ối, khiến cơ tử cung hoặc dây rốn chèn ép lên bàn chân của thai nhi
Tình trạng thiểu dưỡng hoặc ít nước ối, khiến cơ tử cung hoặc dây rốn chèn ép lên bàn chân của thai nhi

Dấu hiệu nhận biết dị tật ở bàn chân

Dấu hiệu nhận biết dị tật bàn chân vẹo có thể được phát hiện dễ dàng ngay sau khi trẻ chào đời. Trẻ mắc bệnh này thường có các triệu chứng như biến dạng bàn chân vẹo vào trong; khi thăm khám, bàn chân cứng, dây chằng và cơ ở bàn chân có dấu hiệu co rút hoặc bàn chân bị khép và gập lòng. Những dấu hiệu bàn chân vẹo thường gặp bao gồm:

  • Bàn chân nghiêng vào trong.
  • Bàn chân bị gập lòng.
  • Mép ngoài bàn chân cong hơn bình thường.
  • Xuất hiện nhiều nếp lằn da ở sau gót và giữa bàn chân.
  • Ngón chân cái ngắn hơn so với các bạn trẻ bình thường.
  • Cẳng chân có thể bị teo hoặc liệt.
  • Một vài dị tật khác có thể xuất hiện đồng thời, cần được tầm soát song song như trật khớp háng, cứng khớp gối, trật khớp xương bánh chè, cứng khớp khuỷu tay…
Bàn chân nghiêng vào trong là một trong những dấu hiệu của dị tật bàn chân vẹo
Bàn chân nghiêng vào trong là một trong những dấu hiệu của dị tật bàn chân vẹo

Phương pháp điều trị dị tật bàn chân vẹo phổ biến

Dị tật bàn chân vẹo là một trong những dị tật phổ biến, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại gây nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt và vận động của trẻ. Ngoài ra, dị tật này có thể gây tổn thương tâm lý, dễ dẫn đến trầm cảmtự kỷ. Đối với trẻ sơ sinh, nếu phát hiện dị tật bẩm sinh, cần tiến hành điều trị ngay trong khoảng một đến hai tuần sau khi sinh.

Các phương pháp điều trị dị tật bàn chân vẹo điển hình như:

Vận động phối hợp với vật lý trị liệu

Phương pháp này chủ yếu tập trung vào các vấn đề của trẻ như:

  • Tập vận động cho trẻ bằng các bài tập nhẹ nhàng, giúp làm mềm các vùng cơ bị co kéo.
  • Tập kéo giãn gân gót.
  • Nắn chỉnh bàn chân bằng tay: Nên thực hiện sớm khi trẻ còn nhỏ vì sẽ dễ thực hiện hơn. Khi trẻ đã lớn và xương đã ổn định, việc nắn chỉnh sẽ rất khó để đạt được hiệu quả tốt. Việc nắn chỉnh xương cho trẻ không nên tự ý thực hiện mà phải được tiến hành bởi các bác sĩ, điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên có chuyên môn.

Lưu ý tập mạnh nhóm cơ gập vùng mu chân và gập lòng bàn chân.

Phương pháp bó bột nắn chỉnh Ponseti

Là phương pháp chủ yếu được sử dụng để điều trị bàn chân vẹo ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Áp dụng cho các dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh và chân khoèo phức tạp, với hiệu quả phục hồi từ 80 - 90%.

Nhẹ nhàng nắn chân của trẻ rồi đặt vào nẹp ở tư thế bình thường. Trung bình cần khoảng 5 - 6 cái nẹp, trong một số trường hợp cần thiết sẽ có chỉ định phẫu thuật nhỏ để giải phóng gân Achilles. Sau đó, trẻ cần đeo nẹp trong 3 tuần để hỗ trợ làm lành gân gót.

Cho trẻ mang giày đặc biệt có tác dụng cố định chân trong 23 giờ mỗi ngày, liên tục trong 2 - 3 tháng đầu, sau đó chỉ cần đeo khi ngủ cho đến khi trẻ được 4 - 5 tuổi.

Điều trị bằng băng chỉnh hình

Nên áp dụng ngay từ những ngày đầu sau sinh. Ưu điểm của phương pháp này giúp bàn chân sẽ được giữ ở vị thế đúng bằng đế giày nhựa cùng băng dính.

Điều trị bằng băng Kinesio

Áp dụng cho các biến dạng bàn chân đụng gót hoặc bàn chân áp trước.

Nẹp hoặc giày nẹp chỉnh hình

Áp dụng cho những trẻ có bàn chân khoèo sau khi đã bó bột chỉnh hình. Nếu sử dụng giày nẹp, cần phải mang giày liên tục trong thời gian đầu và có sự thay đổi trong quá trình điều trị theo chỉ định của bác sĩ điều trị trực tiếp.

Phẫu thuật chỉnh hình

Là phương pháp cuối cùng, áp dụng cho những trường hợp không đáp ứng với các phương pháp không can thiệp hoặc những bệnh nhân điều trị ở giai đoạn muộn, khi các khớp xương đã hoàn toàn cố định, không có khả năng nắn chỉnh hay tác động từ bên ngoài.

Phẫu thuật chỉnh hình là phương pháp cuối cùng khi tất cả các phương pháp điều trị khác thất bại
Phẫu thuật chỉnh hình là phương pháp cuối cùng khi tất cả các phương pháp điều trị khác thất bại

Dị tật bàn chân vẹo không phải là một bệnh lý cấp tính, nguy kịch, nhưng sẽ gây tác động rất lớn đến cuộc sống của trẻ sau này, đặc biệt là khả năng di chuyển và vận động. Cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng về sau.

Xem thêm: Những dị tật bàn chân thường gặp ở trẻ em và vị thành niên

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin