Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán sảy thai

Ngày 03/11/2023
Kích thước chữ

Siêu âm và xét nghiệm máu là hai xét nghiệm chẩn đoán sảy thai cơ bản được áp dụng trong y học hiện đại ngày nay. Bên cạnh đó, với trường hợp chẩn đoán sảy thai liên tiếp, bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành kiểm tra thêm các vấn đề về gen và di truyền nhằm xác định nguyên nhân gây sảy thai.

Là phụ nữ ai cũng có khao khát được làm mẹ, nhưng nhiều chị em lại không may khi đối mặt với tình trạng khó giữ thai do sảy thai. Thống kê cho thấy có đến hơn 10% thai phụ không giữ được thai nhi trong những tháng đầu thai kỳ. Khi thai phụ có dấu hiệu sảy thai, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết để xác định chắc chắn có sảy thai hay không, cũng như xác định có còn tổ chức thai sót lại trong tử cung hay không.

Sảy thai là gì?

Trước khi tìm hiểu các xét nghiệm chẩn đoán sảy thai, chúng ta cần nắm sơ qua về vấn đề sảy thai là gì cũng như ai là đối tượng dễ gặp nguy cơ sảy thai hơn.

Sảy thai là một thuật ngữ đề cập đến việc phụ nữ bị mất thai tự nhiên trước tuần thứ 20. Số liệu thống kê chỉ ra rằng, có khoảng 10 - 20% phụ nữ mang thai phải đối mặt với tình trạng đau lòng này. Tuy nhiên, con số này có thể còn cao hơn trên thực tế vì nhiều trường hợp sảy thai xảy ra quá sớm, thường là trước khi người phụ nữ nhận ra mình có thai.

Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán sảy thai 1
Sảy thai là nỗi đau của rất nhiều cặp vợ chồng đang mong chờ em bé

Chắc chắn sảy thai sẽ khiến các cặp đôi bị xáo trộn về cảm xúc, tuy nhiên điều cần thiết là bạn phải biết rằng sảy thai không làm mất đi hy vọng mang thai trong tương lai. Có tới 87% phụ nữ từng bị sảy thai vẫn tiếp tục thụ thai lần nữa và chào đón một đứa trẻ đủ tháng ra đời. Chỉ có khoảng 1% phụ nữ phải đối mặt với tình trạng sảy thai từ 3 lần trở lên.

Các loại sảy thai

Sảy thai được chia thành nhiều kiểu khác nhau sau đây:

Sảy thai hoàn toàn

Điều này xảy ra khi tất cả các mô của thai kỳ được tống ra khỏi cơ thể người mẹ một cách tự nhiên.

Sảy thai không hoàn toàn

Trong trường hợp sảy thai không hoàn toàn, cơ thể người mẹ sẽ giải phóng một số mô của bào thai, tuy nhiên những mô còn sót lại vẫn tồn tại trong tử cung.

Sảy thai lỡ

Sảy thai lỡ diễn ra khi phôi ngừng phát triển, nhưng nhau thai và mô phôi vẫn tồn tại trong tử cung của người mẹ. Thông thường, những trường hợp này thai phụ không biết cho đến lần siêu âm tiếp theo được bác sĩ phát hiện ra.

nhung-dieu-can-biet-Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán sảy thai 2ve-xet-nghiem-chan-doan-say-thai 2.jpg
Thai phụ chỉ biết sảy thai khi bác sĩ siêu âm

Đe dọa sảy thai

Tình trạng dọa sảy thai được biểu hiện qua việc bị chảy máu bất thường nhưng cổ tử cung lại không giãn ra. Lúc này, nếu được bác sĩ chuyên khoa can thiệp kịp thời thì có thể ngăn chặn sự tiến triển, giúp người mẹ bảo tồn thai kỳ.

Sảy thai do nhiễm trùng

Trong trường hợp mô thai không được tống ra ngoài hoàn toàn, nguy cơ nhiễm trùng tử cung sẽ xảy ra, có thể dẫn đến sảy thai do nhiễm trùng.

Ai dễ bị sảy thai?

Sảy thai tự nhiên hầu hết đều không thể ngăn ngừa, tuy nhiên chị em cần biết có một số yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng khả năng bị sảy thai:

Tuổi tác

Tuổi tác là một yếu tố quan trọng có thể khiến chị em dễ bị nguy cơ sảy thai hơn. Ở tuổi 35, nguy cơ sảy thai tăng lên 20%, con số này tăng gấp đôi ở tuổi 40 và lên đến 80% ở độ tuổi 45.

Sảy thai tái diễn

Những phụ nữ từng sảy thai từ hai lần trở lên sẽ phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục sảy thai cao hơn.

Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán sảy thai 3
Thai phụ có bệnh mãn tính cũng đe dọa sảy thai cao

Bệnh mãn tính

Các bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giáp và cường giáp nếu không được điều trị trước khi mang thai sẽ gây ra nguy cơ nghiêm trọng, đe dọa sảy thai.

Những bất thường ở tử cung hoặc cổ tử cung

Những bất thường ở tử cung, tình trạng cổ tử cung yếu sẽ góp phần làm tăng khả năng sảy thai.

Lối sống

Phụ nữ có lối sống không lành mạnh góp phần đáng kể vào nguy cơ sảy thai, bao gồm hút thuốc khi mang thai, uống rượu và sử dụng ma túy, bao gồm cả các chất kích thích nặng, càng làm tăng nguy cơ sảy thai.

Cân nặng

Duy trì cân nặng khỏe mạnh là điều quan trọng để mang thai thành công. Cả hai tình trạng thiếu cân và thừa cân đều có thể dẫn đến sảy thai.

Xét nghiệm tiền sản xâm lấn

Một số xét nghiệm di truyền trước khi sinh, bao gồm lấy mẫu lông nhung màng đệm và chọc ối, mặc dù có tác dụng để chẩn đoán rối loạn di truyền nhưng lại có nguy cơ gây sảy thai nhẹ.

Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán sảy thai 4
Xét nghiệm tiền sản cũng gây nên khả năng sảy thai cho thai phụ

Xét nghiệm chẩn đoán sảy thai tự nhiên

Các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng có khả năng giúp chẩn đoán xác định chắc chắn thai phụ có sảy thai hay không. Theo bác sĩ chuyên khoa, siêu âm và xét nghiệm máu là hai xét nghiệm và kỹ thuật cơ bản để chẩn đoán sảy thai:

Siêu âm

Siêu âm được coi là công cụ chẩn đoán chính cho tình trạng sảy thai. Trong hầu hết các trường hợp, siêu âm qua âm đạo sẽ cho kết quả chính xác hơn siêu âm qua bụng. Lưu ý là siêu âm không gây nguy hiểm cho thai nhi và không làm tăng nguy cơ sảy thai.

Xét nghiệm máu

Đây là xét nghiệm chẩn đoán sảy thai thường được áp dụng. Phương pháp này sẽ đo lường các hormone quan trọng liên quan đến thai kỳ như Beta-human chorionic gonadotropin (β-hCG) và progesterone.

Khi nồng độ hormone dao động ở mức giới hạn hoặc khi kết quả siêu âm vẫn chưa rõ ràng, việc lặp lại xét nghiệm máu sau 48 giờ sẽ mang lại những thông tin có giá trị, giúp bác sĩ đưa ra quyết định phù hợp nhất.

Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán sảy thai 5
Thai phụ chỉ biết sảy thai khi làm  xét nghiệm chẩn đoán sảy thai

Chẩn đoán sảy thai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thai kỳ (dưới 6 tuần) đôi khi không xác định được. Có những trường hợp nhịp tim của thai nhi không nhìn thấy được trên siêu âm ở giai đoạn sớm của thai kỳ. Trong những trường hợp như vậy, siêu âm theo dõi và/hoặc xét nghiệm máu sau một hoặc hai tuần là cần thiết.

Xét nghiệm chẩn đoán sảy thai liên tiếp

Sảy thai liên tiếp là khi thai phụ sảy thai trên 3 lần liên tục, các xét nghiệm dưới đây có thể tiến hành giúp tìm ra nguyên nhân gây sảy thai. Tuy nhiên, lưu ý là một nửa số trường hợp sảy thai thường không rõ nguyên nhân.

Lập bộ nhiễm sắc thể

Sau khi sảy thai lần thứ ba, các bác sĩ sẽ kiểm tra chi tiết các nhiễm sắc thể của thai nhi. Nếu phát hiện những bất thường nhiễm sắc thể liên quan đến thai phụ và người chồng, các bác sĩ di truyền học lâm sàng sẽ can thiệp và đưa ra các giải pháp phù hợp. Trong một số trường hợp, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được xem là giải pháp hỗ trợ sinh sản được lựa chọn.

Siêu âm

Siêu âm qua ngã âm đạo giúp kiểm tra chi tiết các bất thường về cấu trúc tử cung. Bên cạnh đó, công nghệ siêu âm 3D tiên tiến còn nâng cao hơn nữa độ chính xác của chẩn đoán, giúp khảo sát vùng bụng dưới và xương chậu một cách chính xác. Siêu âm cũng có tác dụng đánh giá thai phụ có hở eo tử cung hay không, thường được tiến hành vào tuần thứ 10 đến tuần thứ 12 của thai kỳ.

Những điều cần biết về xét nghiệm chẩn đoán sảy thai 6
Nên thăm khám và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để mang thai an toàn

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu đóng một vai trò quan trọng trong xét nghiệm chẩn đoán sảy thai, giúp xác định nồng độ kháng thể kháng phospholipid (aPL) và thuốc chống đông máu lupus.

Được thực hiện hai lần, cách nhau khoảng sáu tuần, những xét nghiệm này sẽ làm sáng tỏ các vấn đề đông máu tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến thai nhi. Bên cạnh đó, kháng thể kháng phospholipid khi tăng cao có thể dẫn đến huyết khối và thay đổi sự gắn kết của nhau thai, làm giảm nguồn cung cấp máu quan trọng và tăng nguy cơ sảy thai.

Tóm lại, mang thai là hành trình đong đầy ý nghĩa và hạnh phúc của bất cứ cặp đôi nào. Sảy thai là điều không ai mong muốn, tuy nhiên tình trạng này lại có thể xảy ra cho bất cứ phụ nữ nào, đặc biệt là khi chị em có những yếu tố nguy cơ. Xét nghiệm chẩn đoán sảy thai, bao gồm xét nghiệm máu và siêu âm là những biện pháp giúp xác định chắc chắn có sảy thai hay không. Do đó, chị em cần hết sức chú ý mọi biểu hiện bất thường trong thai kỳ, thăm khám và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để giúp hành trình mang thai được khỏe mạnh và an toàn.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin